Tranh chấp cha, mẹ, con: Một học sinh giỏi lớp 5 là đối thượng thi hành án

Một cậu bé là học sinh giỏi lớp năm ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn luôn sống trong tâm trạng lo âu vì là đối tượng thi hành án của một vụ án dân sự. Ngày 15/1/2009, ông Hoàng Mạnh Cường, Trưởng Thi hành án huyện Châu Đức, BR-VT cho biết  cơ quan  thi hành án (CQTHA) vẫn đang chờ ý kiến từ cơ quan cấp trên. CQTHA cũng thi hành biện pháp cưỡng chế buộc bà  Trương Thị Hằng và ông Nguyễn Văn Thái, ngụ xã Xà Bang, Châu Đức BR-VT, giao cháu Hà Nguyễn Nhật Nam, SN 1998 là học sinh giỏi lớp 5 Châu Đức cho bà Hà Thị Thanh Thúy (trú TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhưng bà Hằng và ông Thái không chấp hành. THA phạt hành chính và lập biên bản về việc bà Hằng ông Thái  không thi hành án, gửi Viện Kiển sát và Công an huyện để  giữ nghiêm phép nước. Tuy nhiên ông Cường nói rằng thực tình thì CQ THA không muốn làm. Được biết chị Hà Thị Thanh Thúy kiện vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái- Trương Thị Hằng ra tòa nhằm đòi lại đứa con do chị xin tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) năm 1998 để làm con nuôi. Khi xin con, chị Thúy khai sinh cho cháu bé đặt tên là Hà Nguyễn Nhật Nam. Do điều kiện khó khăn nên chị Thúy đem cháu Nhật Nam gửi cho vợ chồng anh Thái- chị Hằng và hai bên có lập tờ “Đơn xin nhận con nuôi (đỡ đầu)”. Tờ đơn này có nội dung: Anh Thái, chị Hằng nhận bé Nhật Nam làm con đỡ đầu. Nếu sau này, cô Thúy có cơ hội bảo lãnh bé về nuôi lúc nào, anh Thái – chị Hằng sẵn lòng giao trả lại, không làm khó dễ gì. Năm 2003, chị Thúy quay lại đòi con nhưng chị Hằng và anh Thái quyết không giao cháu Nam cho chị Thúy. Chị Thúy có đủ giấy tờ nên Tòa án Nhân dân (TAND) Châu Đức, BR-VT, tuyên buộc anh Thái, chị Hằng phải trao trả cháu Nam cho chị  Thúy. Chị Hằng và Thái kháng cáo lên tòa Phúc thẩm TAND tỉnh BR-VT. Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Hằng, anh Thái. Theo tòa phúc thẩm: “Điều quan trọng là cháu Nam phải được sống trong sự yêu thương, được lớn lên và phát triển trong môi trường tốt… Cháu Nam vẫn đang được chị Hằng, anh Thái nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, cho đi học. Nếu tách rời cháu Nammà cứng nhắc về lý thì thật tàn nhẫn, vô tình”. Tòa phúc thẩm quyết định cháu Nam cần được tiếp tục giao cho chị Hằng, anh Thái nuôi dưỡng. Sau này, Nam về sống với ai là do quyền quyết định của cháu là hợp tình hợp lý. Ngỡ tưởng vụ án như vậy là xong vì án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay. Nhưng sau đó TAND Tối cao kháng nghị bản án trên của Tòa Phúc thẩm TAND  BR-VT. Tòa Dân sự- TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm vụ án, căn cứ vào quan hệ giữa mẹ nuôi và con nuôi được Luật Hôn nhân & Gia đình quy định,  hủy bản án dân sự phúc thẩm và giao hồ sơ cho TAND  BR-VT giải quyết lại theo thủ trình tự phúc thẩm. Là người kháng cáo  nhưng hai lần tòa triệu tập để xét xử chị Hằng, anh Thái đều vắng mặt. Vì thế Tòa Phúc thẩm TAND  BR-VT  đình chỉ việc xét xử và bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Đức là bản án có hiệu lực pháp luật. Sau vụ THA cháu Nam, UBND và Hội LHPN xã Xà Bang, Châu Đức, có kiến nghị gửi các ngành chức năng đề nghị tạo điều kiện cho anh Thái, chị Hằng tiếp tục nuôi dưỡng cháu Nam. Còn cháu Hà Nguyễn Nhật Nam cứ một mực “chỉ muốn ở với mẹ Hằng, ba Thái chứ không muốn ở với bà Thúy vì không biết bà Thúy là ai”. Cơ quan thi hành án tỉnh BR-VT đang gửi hồ sơ ra Cục Thi hành án để xin ý kiến. ========================== Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quyền của trẻ em trong vụ án tranh chấp con nuôi, do các cấp tòa án Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Bích Lan (Văn phòng Luật sư số 5 – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Chị Hà Thị Thanh Thúy kiện vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Thái – Trương Thị Hằng ra tòa, để tranh chấp quyền được nuôi cháu Hà Nguyễn Nhật Nam. Nhiều người cho rằng đây là một tình huống pháp lý hy hữu, khó giải quyết. Xin cho biết ý kiến của luật sư? Theo tôi, đây là tình huống không khó về mặt pháp lý. Cái khó là giải quyết sao cho đạt tình. Trong vụ án này, cả chị Thúy và anh chị Thái – Hằng không có động cơ xấu (như nuôi cháu để bóc lột sức lao động hoặc có những lạm dụng trái pháp luật khác), họ đều xuất phát từ việc muốn được tiếp tục chăm sóc, yêu thương cháu. Theo tôi, tình cảm của cả bên nguyên và bên bị đều rất đáng trân trọng. Cấp tòa sơ thẩm có căn cứ khi tuyên cho chị Thúy được quyền nuôi cháu Nam? Xét các thủ tục pháp lý về việc nhận con nuôi, chị Thúy chính là mẹ nuôi của cháuNam. Trên thực tế, chị Thúy đón cháu từ Bệnh viện Từ Dũ khi còn đỏ hỏn, nuôi đến khi cháu gần được hai tuổi. Đây là thời kỳ vất vả nhất trong việc nuôi trẻ nhỏ. Suốt thời gian cách ly cháu vì đi học nghề, rồi di chuyển chỗ ở, chị Thúy vẫn quan tâm, dành tình cảm và cả vật chất cho cháu. Theo tôi, TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân & Gia đình để ra bản án là có căn cứ. Tuy nhiên, thời gian anh chị Thái – Hằng nuôi cháu cũng không phải ngắn. Tính đến năm 2003, khi bắt đầu xảy ra tranh chấp về quyền được nuôi cháu Nam, anh chị Thái – Hằng nuôi cháu được hơn ba năm… Đây chính là thời kỳ cháu Nam hình thành ý thức, tình cảm. Tiếc rằng thời gian này chị Thúy lại không thực hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mẹ nuôi. Người thay thế chính là anh chị Thái – Hằng. Việc nảy nở tình cảm, rồi ngày càng khăng khít, ngày càng sâu nặng giữa anh chị Thái – Hằng với cháu Nam và ngược lại, là điều đương nhiên. Có thể thấy, anh chị Thái – Hằng đã tạo cho cháu điều kiện tốt để cháu phát triển. Bằng chứng cháu đang có thể chất tốt và là học sinh giỏi… Như vậy, việc tước quyền được nuôi cháu Nam của anh chị Thái – Hằng, phải chăng cũng là không thỏa đáng? Như trên tôi đã phát biểu, nếu xét về tình, đây là tình huống rất khó giải quyết. Theo tôi, trong trường hợp này, còn một đối tượng rất quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng lắng nghe ý kiến trước khi đưa ra phán quyết. Đó chính là cháu Nam. Qua tham khảo các bản án và các quyết định tố tụng trong vụ án này, tôi thấy ý kiến của cháuNam chưa được xem xét đến. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện tại cháu Nam rất muốn được ở cùng bố Thái, mẹ Hằng. Vậy theo quy định pháp luật, tòa án có buộc phải xem xét ý kiến của cháu khi giải quyết vụ án? Luật Hôn nhân & Gia đình cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể phải xét nguyện vọng của đứa trẻ khi giải quyết tranh chấp con nuôi (chỉ bắt buộc trong việc giải quyết nuôi con sau ly hôn, nếu đứa trẻ đủ chín tuổi trở lên). Tuy nhiên, theo tôi để giải quyết vụ án này, không thể bỏ qua “Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của Trẻ em” (gọi tắt là Công ước) mà nước ta đã tham gia. Luật sư có thể nêu một số quy định cụ thể của Công ước có thể áp dụng để giải quyết vụ án này? Điều 3 Công ước quy định “Trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em, dù do các cơ quan phúc lợi xã hội công cộng hay tư nhân, tòa án, các nhà chức trách hành chính hay các cơ quan lập pháp tiến hành thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Điều 12 Công ước quy định “Trẻ em phải được đặc biệt tạo cơ hội nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến trẻ em”. Điều 20 Công ước quy định: “Khi cân nhắc các giải pháp, phải quan tâm thích đáng đến việc mong muốn nuôi dạy trẻ em liên tục”. Vậy theo luật sư, tiếng nói của cháu Nam sẽ là ý kiến quyết định trong vụ án này? Vì lợi ích tốt nhất của cháu, đấy là căn cứ quan trọng nhất để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định. Và vì vậy, khi ý kiến của cháu Nam chưa được xem xét đến, theo tôi, đây là một thiếu sót lớn, cần được khắc phục. Có như thế mới đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của cháu. Đinh Anh Tuấn – Tiền Phong SOURCE: BÁO TIỀN PHONG - NGUYỄN THẮNG – T.H  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật