TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI DOANH NGHIỆP

Nước ta có Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường và những nghị định hướng dẫn thi hành nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hiện một cách rõ ràng việc thực hành những văn bản pháp quy đó bằng những tiêu chuẩn kiểm định và công bố hiệu quả thực hiện. Ở các nước khác, mối quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp về lao động và môi trường được gom chung vào một khái niệm gọi là trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Trong bài này, người viết xin trình bày trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, lợi ích của nó cùng một số tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn thực hành. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là gì? Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là phương pháp tiến hành tự nguyện có tầm nhìn về phát triển bền vững, kết hợp xã hội và khả năng cạnh tranh. Khái niệm này bao gồm những tác động liên quan đến xã hội, môi trường và kinh tế. Thực ra những tổ chức quốc gia và quốc tế cũng như những tổ chức phi chính phủ chưa đồng thuận về nội dung của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Các nước Anglo Saxon biểu hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với khái niệm PPP bao gồm ba lĩnh vực: con người (people), hành tinh (planet) và lợi nhuận (profit). Một số tổ chức lại còn thêm lĩnh vực quản trị (governance). Nhưng ý kiến này bị đả phá vì quản trị doanh nghiệp không có tính cách tự nguyện. Trong quy chế và tiêu chí xét thưởng của Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp năm 2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giới hạn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở hai lĩnh vực lao động và môi trường nhưng cũng đặt thêm tiêu chí “hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế”. Nói một cách khác, VCCI cũng dùng khái niệm PPP như đa số các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế.   Lợi ích của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp Vào thập niên 90 thế kỷ trước, một bà ký giả nước ngoài khám phá một nhà máy ở Việt Nam sản xuất giày gia công cho Nike, công nhân phải làm việc trong một môi trường không khí nguy hại đến sức khỏe. Độc giả tờ báo của bà ngay tức khắc phổ biến tin này và kêu gọi tẩy chay không mua giày của Nike nữa. Dĩ nhiên, Nike kiện tờ báo và đã thua kiện. Trước doanh số xuống dốc, Nike đành phải công bố một chính sách trách nhiệm xã hội đối với những nhà cung cấp của họ: những nhà cung cấp phải tuân thủ những điều lệ của Nike về trách nhiệm xã hội. Sau một thời hạn ân hạn, những đối tác nào không tuân theo tiêu chuẩn Nike sẽ bị cắt hợp đồng. Một đoàn kiểm định được thành lập để kiểm định có định kỳ những cơ sở sản xuất. Những cá nhân hay tổ chức nào khám phá một cơ sở sản xuất gia công cho Nike không theo tiêu chuẩn đó thì có thể gửi thư tố cáo đến địa chỉ nikeresponsibility@nike.com. Để chứng minh chính sách này được thực hành thông thoáng, Nike đăng trên trang web www.nike.com những tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của họ cùng với danh sách 700 nhà máy gia công cho họ ở 51 nước, trong đó có 35 nhà máy ở Việt Nam. Cũng như Nike, nhiều tập đoàn quốc tế cũng có chính sách tương tự. Đặc biệt những tập đoàn bán lẻ như Wal-Mart, Cora, Carrefour… thường xuyên cử người đi kiểm định các nhà cung cấp của họ ở Việt Nam. Nói chung, những tập đoàn đa quốc gia thường tránh kinh doanh với những nước không có pháp quy về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp vì sợ bị mang tiếng. Một số ngân hàng lớn, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, thực thi những nguyên tắc Equator (Equator Principles). Nguyên tắc Equator là những cam kết tự nguyện của các cơ quan tài chính nghiên cứu những dự án họ tài trợ trên cơ sở tác động xã hội và môi trường: bên mượn tiền phải định giá tác động của dự án đến xã hội và môi trường. Xem ra trách nhiệm xã hội có vẻ như đang làm các doanh nghiệp phải tốn thêm tiền: nếu không có chính sách trách nhiệm xã hội thì mất khách, mất hợp đồng hay không thể vay tiền để kinh doanh. Sự thật không phải là như vậy. Người ta nhận thấy rằng những doanh nghiệp chú trọng nhiều đến trách nhiệm xã hội cũng là những doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao hơn trung bình. Sau khi nghiên cứu một số doanh nghiệp, một số nhà nghiên cứu của trường Đại học Sidney, Đại học Iowa đã nhận thấy rằng kết quả tài chính một doanh nghiệp tỷ lệ thuận với thành tựu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó (*). Những tiêu chuẩn và công cụ quản lý trách nhiệm xã hội Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với môi trường chẳng qua chỉ là những vấn đề chất lượng tương tự như chất lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp đã quen thuộc: chất lượng lao động và chất lượng đời sống. Ở những nước châu Âu, người ta có khái niệm QSE (quality safety environment, chất lượng – an toàn lao động – môi trường). Mục đích là mở rộng chính sách quản lý doanh nghiệp vượt khỏi khái niệm chất lượng để bao hàm thêm trách nhiệm xã hội, mở rộng sổ tay chất lượng (Quality Manual) thành sổ tay QSE (QSE Manual) và chứng nhận doanh nghiệp cùng một lúc theo cả ba tiêu chuẩn chất lượng, an toàn lao động và môi trường. Thực hiện đầy đủ cùng lúc ba chính sách này sẽ có thêm hiệu ứng hỗ trợ và giảm chi phí so với thực hiện riêng lẻ mỗi chính sách. Các tiêu chuẩn và công cụ về chất lượng và môi trường thì ai cũng biết. ISO (International Organization for Standardization, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế) đã công bố bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng và ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường. Hai tiểu ban của ISO chuyên về các bộ tiêu chuẩn này đã thống nhất những phương pháp thực hành tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thiết lập một chính sách toàn bộ chung cho cả hai hệ thống quản lý chất lượng và môi trường. Còn về khía cạnh quản lý nhân lực, vấn đề này phức tạp vì không phải là một vấn đề kỹ thuật. Mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau: (a) an toàn lao động là trách nhiệm cá nhân hay là trách nhiệm tập thể, (b) quyền lợi tối thiểu của người lao động về nhân phẩm và tính dân chủ do phía thuê lao động tự nguyện ban cho hay phải theo quy định của nhà nước và thương lượng tập thể. Nhóm làm việc của ISO về trách nhiệm xã hội (WG SR) đã tham khảo rộng rãi mọi đối tác. Chỉ riêng trong năm 2007 có 320 đại diện của 55 nước và 26 tổ chức quốc tế tham gia hội nghị của WC SR. Nếu không có gì thay đổi thì tiêu chuẩn hướng dẫn ISO 26000 sẽ được công bố vào năm 2010. Điều cần chú ý là tiêu chuẩn ISO 26000 chỉ là một tiêu chuẩn hướng dẫn nên không thể dùng làm cơ sở để chứng nhận một doanh nghiệp. Dưới đây là những tiêu chuẩn có thể dùng làm cơ sở để chứng nhận một doanh nghiệp: Các tiêu chuẩn của ILO (International Labor Organization, Tổ chức Lao động quốc tế), ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường, OHSAS 8001 về an toàn lao động, và SA 8000 về quản lý nhân sự. Ngoài ra có một số tài liệu hướng dẫn cách trình bày một báo cáo về trách nhiệm xã hội như là GRI (Global Reporting Initiative, khởi đầu báo cáo toàn diện) hay AA 1000 Asurance Standard của ISEA (Institute of Social and Ethical Accountability, Viện Trách nhiệm xã hội và đạo đức). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã dịch sang tiếng Việt các bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và ISO 14000. Để hoàn tất, tổng cục còn phải tiếp tục dịch và đưa ngay vào thực hành những tiêu chuẩn và văn bản hướng dẫn khác vừa nêu trên. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tránh né trách nhiệm xã hội của mình. Trong khi đó quản lý chất lượng và trách nhiệm xã hội là hai chính sách sẽ mau chóng đưa nước ta sớm lên hàng một quốc gia công nghệ hiện đại. Hy vọng giải thưởng “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp năm 2009” của VCCI sẽ tạo được tiếng vang và thu hút được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham dự.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật