TRÁCH NHIỆM NGHIÊM NGẶT VÀ MIỄN, GIẢM TRÁCH NHIỆM TRONG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

THS. PHẠM THỊ PHƯƠNG ANH – Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Dự thảo Luật BVNTD) đang được xây dựng. Một trong những điểm mới và quan trọng của Dự thảo là các quy định về trách nhiệm sản phẩm (TNSP), trong đó có trách nhiệm nghiêm ngặt (TNNN). Bài viết bàn về trách nhiệm dựa trên yếu tố lỗi và TNNN, phân tích lý do Việt Nam nên áp dụng TNNN. Đồng thời, tác giả cũng bàn về các trường hợp miễn, giảm TNSP trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Luật CLSPHH) và Dự thảo Luật BVNTD. Từ đó đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo trên cơ sở so sánh với Chỉ thị 85/374/EEC ngày 25/7/1985 của Cộng đồng châu Âu (Chỉ thị) về sự tương đồng trong luật, điều lệ, và những quy định hành chính của các quốc gia thành viên liên quan đến trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật và Luật BVNTD năm 1987 của Anh1. 1. Trách nhiệm dựa trên lỗi và trách nhiệm nghiêm ngặt 1.1. Trách nhiệm dựa trên lỗi Thông thường, lỗi được xem là cơ sở thứ tư và cũng là cơ sở cuối cùng để yêu cầu bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng. Yếu tố lỗi được xem là tình trạng nhận thức có thể là cố ý, vô ý, hay ác ý2. Yếu tố lỗi yêu cầu phải được chứng minh nhằm giảm tải cho Tòa án và kích thích chính sách “laissez faire policy”; tức là “mỗi cá nhân nên chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình, với sự tác động chút ít từ phía Nhà nước nếu có thể”3. Ngoài ra, nó còn nhằm thúc đẩy việc ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, chuyển gánh nặng chịu thiệt hại từ người phải chịu thiệt hại sang người phải BTTH, làm cho tiền BTTH dễ tính toán hơn. Yếu tố lỗi còn cho phép người gây ra thiệt hại yêu cầu được miễn hay giảm trách nhiệm do người bị thiệt hại có lỗi4. Những quan điểm trên đây dường như là có lý, nhưng liệu rằng, chỉ có thông qua yếu tố lỗi người ta mới đạt được những mục đích nói trên? Trên thực tế có nhiều ý kiến không ủng hộ yêu cầu về lỗi5. Người ta cho rằng lỗi có thể dẫn đến những phân biệt không công bằng; đó là những người cùng gánh chịu thiệt hại về sức khỏe như nhau, nhưng lại được bồi thường khác nhau khi lỗi của người bị thiệt hại được chứng minh. Theo chúng tôi, ý kiến cho rằng lỗi có thể dẫn đến những phân biệt không công bằng là không chính xác. Việc xác định lỗi của người bị thiệt hại tức là xác định mức độ đóng góp của các bên trong việc gây ra thiệt hại. Thông qua việc xác định mức độ lỗi, Tòa án cũng dễ dàng hơn trong việc ấn định mức BTTH. Vì vậy, việc xác định mức độ lỗi của các bên sẽ bảo đảm sự công bằng cho cả người bị thiệt hại và người gây ra thiệt hại.   Tuy nhiên, lỗi thường khó chứng minh nên sẽ có những người làm sai nhưng không phải BTTH. Ngược lại, nếu người bị thiệt hại cố gắng chứng minh lỗi của người gây ra thiệt hại để được bồi thường, họ phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của. Điều này sẽ làm tăng sự lo lắng và áp lực cho cả hai bên. Trong một vài trường hợp, tiền BTTH sẽ được các công ty bảo hiểm chi trả, vì thế yếu tố ngăn ngừa của lỗi ít có tác dụng. Bên cạnh đó, lỗi còn được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn khách quan của hành vi mà không quan tâm đến trình độ hay năng lực của người gây thiệt hại. Do đó, sẽ có trường hợp một người có lỗi theo quy định của pháp luật, nhưng về mặt đạo đức họ không có lỗi, hay ít nhất cũng không có lỗi theo mức độ mà pháp luật quy định. Ở Việt Nam hiện nay, trong một số trường hợp pháp luật quy định người gây ra thiệt ra phải BTTH ngay cả khi không có lỗi, ví dụ như trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra6, trách nhiệm BTTH do làm ô nhiễm môi trường7. Đối với TNSP, theo Điều 61 của Luật CLSPHH, lỗi là một trong các cơ sở phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, trong khi TNNN, trách nhiệm không dựa trên yếu tố lỗi, được áp dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, những quy định về TNSP, trong đó có việc áp đặt TNNN đối với các chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với khuyết tật của sản phẩm là điểm nổi bật của Dự thảo Luật BVNTD. 1.2. Trách nhiệm nghiêm ngặt Khái niệm TNNN – trách nhiệm không dựa trên yếu tố lỗi xuất phát từ Hoa Kỳ8, sau đó phát triển ở châu Âu8. Tuy nhiên, nguyên tắc TNNN không được áp dụng cho tất cả các trường hợp sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại mà có những ngoại lệ nhất định. Theo Paul Burrows, những ngoại lệ này có được là do quyền lực vận động ngoài hành lang của các nhà sản xuất hơn là sự thiếu năng lực của các nhà lập pháp trong quá trình soạn thảo và thông qua quy định pháp luật về TNSP10. Khác với trách nhiệm dựa trên yếu tố lỗi, TNNN chỉ yêu cầu nguyên đơn chỉ ra được rằng sản phẩm đang tranh cãi có khuyết tật dẫn đến việc gây thiệt hại cho nguyên đơn11. Trong Dự thảo Luật BVNTD, TNNN được quy định tại Khoản 1, Điều 17 như sau: “Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm BTTH do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi”. Theo chúng tôi, việc quy định TNNN trong Dự thảo là hợp lý, bởi lẽ: Thứ nhất, TNNN nên được áp dụng thay cho trách nhiệm dựa trên yếu tố lỗi nhằm bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn vì nó giúp người bị thiệt hại giảm gánh nặng chứng minh. Nhiều người, đặc biệt là người nghèo thậm chí còn không biết rằng họ bị thiệt hại là do lỗi của người khác vì họ thiếu thông tin về những rủi ro và nguy hiểm. Đôi khi, họ có thể biết rằng mình đang gánh chịu thiệt hại, nhưng họ không biết vì sao. Thực tế chỉ có một số ít người là nạn nhân của những trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến sản phẩm kiện đòi BTTH bởi vì họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh lỗi cũng như xác định mối quan hệ nhân – quả12. Thêm nữa, người tiêu dùng chỉ có thể được bảo vệ một cách đầy đủ, thống nhất khi họ không phải chứng minh những yếu tố lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất, mà họ được giả định là không biết và gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn biết được điều đó13. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng TNNN, người tiêu dùng phải gánh chịu giá thành của sản phẩm cao do nhà sản xuất chi trả phí bảo hiểm cho những sản phẩm của họ. Chúng tôi cho rằng, nếu nhà sản xuất đưa ra thị trường những hàng hóa không bị khuyết tật, thì họ sẽ không bị kiện liên quan đến TNSP, họ có thể thương lượng mức phí bảo hiểm thấp. Điều đó dẫn đến giá thành của sản phẩm cũng thấp. Hơn nữa, việc áp dụng TNNN cũng góp phần làm cho các nhà sản xuất cẩn thận hơn, có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình. Các nhà sản xuất phải luôn ý thức rằng họ đang kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu họ không đưa ra những chính sách giá cả hợp lý, công ty của họ chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường, các nhà sản xuất sản phẩm cùng loại thường tính chi phí cho sản phẩm như nhau bao gồm cả chi phí BTTH dự đoán hay phí bảo hiểm14. Vì vậy, việc cạnh tranh giữa họ không bị ảnh hưởng15. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải khôn ngoan để không phải trả giá cao cho những sản phẩm có nguy cơ rủi ro cao. Thứ hai, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới từ năm 2007 và ngày càng mở rộng chính sách ngoại giao. Việt Nam phải chấp nhận “luật chơi chung” của hầu hết các quốc gia trên thế giới mà các quốc gia này đã quy định TNNN trong các văn bản pháp luật về TNSP như: các quốc gia thành viên của châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia,… Trên thực tế, thương nhân Việt Nam còn quá chủ quan và xem thường người tiêu dùng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Những quy định trong luật Việt Nam hiện nay về TNSP cũng ít nghiêm khắc hơn các quốc gia phát triển16. Vì vậy, việc quy định TNNN cũng là một trong những cách tạo áp lực cho thương nhân Việt Nam, khuyến khích họ sản xuất những sản phẩm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng17. Đã đến lúc, thương nhân Việt Nam nên được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để họ bắt kịp và hòa nhập với những quy định của thế giới nhằm giúp họ ngăn chặn những khó khăn trong kinh doanh, thậm chí phá sản. Với những phân tích như trên, chúng tôi kiến nghị Việt Nam nên áp đặt TNNN trong lĩnh vực pháp luật về TNSP. Nếu Dự thảo được thông qua và quy định về TNNN được giữ nguyên, thì Quốc hội nên rà soát để loại bỏ những điểm trùng lặp, không cần thiết giữa Luật CLSPHH với Luật BVNTD của Việt Nam. Ngoài ra, những quy định về khuyết tật cũng nên được quy định một cách cẩn trọng vì khi xác định trách nhiệm của nhà sản xuất, Toà án sẽ tập trung rất nhiều vào việc xem xét liệu sản phẩm liên quan có khuyết tật hay không18. 2. Các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm sản phẩm 2.1. Miễn TNSP nếu khuyết tật của sản phẩm phát sinh do thương nhân buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Trường hợp này được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo và được đề cập trong điểm d, Khoản 1 và điểm d, Khoản 2, Điều 62 của Luật CLSPHH. Quy định này tương tự với khoản d, Điều 7 của Chỉ thị 85/374/EEC ngày 25/7/1985 của Cộng đồng châu Âu (Chỉ thị). Theo đó, nhà sản xuất không có trách nhiệm bồi thường như quy định của Chỉ thị nếu khuyết tật phát sinh do họ tuân thủ theo những quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cũng đã thực thi điều khoản này trong luật của họ. Chẳng hạn, điểm a, Khoản 1, Điều 4 Phần I của Luật BVNTD của Anh quy định “một người bị kiện vì sản phẩm của người đó bị khuyết tật có thể được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng khuyết tật phát sinh do yêu cầu, theo quy định của pháp luật, hoặc bất kỳ nghĩa vụ nào của Cộng đồng châu Âu”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cả Dự thảo và Luật CLSPHH đều không nói rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào, ở cấp nào, nên việc viện dẫn điều khoản này trong thực tế có thể gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khái niệm “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” nên được định nghĩa rõ ràng trong Dự thảo hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVNTD để tránh gây hiểu lầm, tranh cãi sau này. 2.2. Miễn TNSP nếu khuyết tật của sản phẩm phát sinh do trình độ khoa học, kỹ thuật chung tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông không cho phép thương nhân phát hiện khuyết tật sản phẩm Đây là trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất trong giới nghiên cứu luật học. Nó còn có tên gọi khác là miễn TNSP vì rủi ro do trình độ khoa học phát triển. Trường hợp này được thể hiện tại điểm b, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo. Luật Việt Nam hiện hành quy định nếu trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại, thì người sản xuất, người nhập khẩu, và người bán được miễn trừ trách nhiệm BTTH19. Quy định này giống trường hợp miễn trừ trách nhiệm tại Khoản e, Điều 7 của Chỉ thị: “tình trạng khoa học kỹ thuật khi nhà sản xuất đưa sản phẩm ra lưu thông không thể phát hiện khuyết tật nằm trong sản phẩm”. Ngoài ra, chúng ta có thể so sánh quy định này với điểm e, Khoản 1, Điều 4 của Luật BVNTD 1987 của Anh. Đó là khi sản phẩm lần đầu tiên được cung cấp, trình độ khoa học kỹ thuật lúc đó không giống như trình độ khoa học kỹ thuật mà nhà sản xuất sản phẩm cùng loại với sản phẩm đang tranh chấp có thể trông đợi để phát hiện ra khuyết tật nếu nó có trong sản phẩm của nhà sản xuất đó khi sản phẩm còn nằm trong sự kiểm soát của nhà sản xuất. Luật BVNTD 1987 của Anh sử dụng từ “cung cấp” có định nghĩa cụ thể thay vì cụm từ “đưa sản phẩm ra lưu thông” như trong Chỉ thị 85/374/EEC để tránh hiểu nhầm vì thời điểm Anh thông qua Luật BVNTD 1987, Tòa án châu Âu chưa giải thích thế nào là “đưa sản phẩm ra lưu thông”. Ủy ban châu Âu cũng cho rằng, từ ngữ dùng trong điểm e, Khoản 1, Điều 4 cho thấy, Anh yêu cầu phải có một thử nghiệm chủ quan dựa trên trình độ khoa học kỹ thuật của một nhà sản xuất sản phẩm cùng loại giả định nào đó, hơn là dựa vào trình độ khoa học kỹ thuật nói chung để miễn trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất20. Tòa án châu Âu cũng yêu cầu Tòa án Anh giải thích Luật BVNTD theo đúng tinh thần của Chỉ thị21. Một số người vẫn không đồng ý với việc quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm do rủi ro trình độ khoa học phát triển vì việc này sẽ tốn rất nhiều chi phí để chứng minh22 và nó sẽ có nhiều rủi ro đối với những sản phẩm có tuổi thọ dài23. Người ta cũng nghi vấn về việc nên chọn thời điểm nào là phù hợp để xác định mối quan hệ giữa khuyết tật của sản phẩm với trình độ khoa học kỹ thuật: thời điểm sản phẩm gây thiệt hại, thời điểm sản phẩm được cung cấp hay đưa ra lưu thông, hay thậm chí là ngày xét xử24. Luật CLSPHH của Việt Nam chọn thời gian khi có thiệt hại xảy ra, trong khi Dự thảo chọn thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông giống như Chỉ thị. Trong trường hợp này, Luật CLSPHH bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn Dự thảo vì nếu sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông, thương nhân phát hiện hay buộc phải phát hiện sản phẩm của mình sản xuất có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì họ phải thu hồi sản phẩm và BTTH. Có như thế, thương nhân mới có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của họ, và pháp luật cũng thực hiện tốt hơn vai trò bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hơn nữa, việc Dự thảo luật dùng thuật ngữ “trình độ khoa học, kỹ thuật chung” là quá chung chung, có thể tạo ra những cách hiểu, cách giải thích khác nhau. Vì vậy, điều luật cần phải thể hiện rõ là “trình độ khoa học, công nghệ của thế giới” như Chỉ thị sẽ tạo cách hiểu thống nhất. Cách hiểu này cũng phù hợp với môi trường kinh doanh thương mại, thông tin, nghiên cứu khoa học hiện nay; khi mà mọi thứ đều được công khai và chia sẻ. Vì vậy, theo chúng tôi, điểm b, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo nên sửa đổi thành: Nếu trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để thương nhân phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại; 2.3. Miễn TNSP do khuyết tật của sản phẩm chưa phát sinh vào thời điểm sản phẩm được thương nhân đó đưa vào lưu thông. TNSP sẽ được chuyển giao cho thương nhân chiếm hữu sản phẩm tại thời điểm phát sinh khuyết tật Quy định này được thể hiện tại điểm c, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo, và tương tự với khoản b, Điều 7 của Chỉ thị. Nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm BTTH khi khuyết tật phát sinh gây ra thiệt hại không tồn tại tại thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông bởi chính nhà sản xuất hoặc khuyết tật phát sinh sau đó. Toà án châu Âu đã giải thích thuật ngữ “được đưa vào lưu thông” trong Vụ C-127/04, ngày 9/2/2006, đoạn 27-29 và 32. Theo đó, sản phẩm được đưa vào lưu thông khi nó được đưa ra khỏi quá trình sản xuất và đi vào quá trình tiếp thị dưới hình thức đề nghị công chúng mua hay tiêu dùng. Điểm d, Khoản 1, Điều 4 của Luật BVNTD 1987 của Anh cũng quy định nhà sản xuất không chịu TNSP nếu sản phẩm không bị khuyết tật vào thời điểm có liên quan. Theo Khoản 2, Điều 4 của Luật BVNTD 1987 của Anh, nếu sản phẩm là điện thì thời điểm có liên quan là thời điểm điện được phát ra, không phải thời điểm điện được truyền tải hay phân phối. Đối với các loại sản phẩm khác, thời điểm liên quan là thời điểm khi “bị đơn ban đầu”, đó là người sản xuất, người nhập khẩu, hay người sở hữu thương hiệu,… cung cấp sản phẩm cho người khác, hoặc là thời điểm khi sản phẩm được cung cấp bởi “bị đơn ban đầu” nếu bị đơn là “bị đơn thứ hai”, ví dụ như nhà cung cấp. Luật BVNTD 1987 của Anh đã phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong trường hợp khuyết tật phát sinh. Dự thảo Luật BVNTD của Việt Nam xác định trách nhiệm không dựa trên thời điểm có liên quan như Luật BVNTD 1987 của Anh mà dựa vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông. Theo Điều 19 của Dự thảo, thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông là thời điểm thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm chuyển giao sản phẩm đó cho người khác vì mục đích lợi nhuận. Theo chúng tôi, Dự thảo cũng nên làm rõ thế nào là thời điểm sản phẩm điện được đưa vào lưu thông, giống như Luật BVNTD 1987 của Anh? Ngoài ra, về hình thức, dấu chấm câu ở giữa làm cho ý của quy định này không rõ; cụm từ “thương nhân đó” làm cho câu không được tự nhiên. Vì vậy, điểm c, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo nên được viết lại như sau: Nếu khuyết tật của sản phẩm chưa phát sinh vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông, thì TNSP sẽ được chuyển giao cho thương nhân chiếm hữu sản phẩm tại thời điểm phát sinh khuyết tật. Chúng tôi cũng dự đoán rằng, việc chứng minh khi nào khuyết tật phát sinh là rất khó. Trên thực tế có những khuyết tật tiềm ẩn do sản xuất. Vào thời điểm sản phẩm được đưa vào lưu thông thì khuyết tật chưa được phát hiện. Vì vậy, nếu khuyết tật được phát hiện sau thời gian đó, thì cũng rất khó chứng minh đó là khuyết tật được phát hiện hay là phát sinh. Vì vậy, nghĩa vụ chứng minh của các thương nhân trong trường hợp này là rất quan trọng. 2.4. Miễn TNSP phẩm do khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận sản phẩm phát sinh do thương nhân nêu tại khoản 3, Điều 17 của Dự thảo tuân thủ thiết kế, hướng dẫn hoặc yêu cầu của thương nhân sản xuất sản phẩm. Trong trường hợp này, TNSP thuộc về thương nhân sản xuất (điểm d, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo). Thương nhân được nêu tại Khoản 3, Điều 17 của Dự thảo là thương nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật. Vậy, thương nhân kinh doanh bao gồm những thương nhân nào? Pháp luật của Việt Nam không giải thích rõ. Điều 3 của Chỉ thị gọi những chủ thể này là “the producer of raw material” và “the manufacturer of a component”, hay trong Khoản 3, Điều 2 của Luật BVNTD 1987 của Anh là “producer”. Và theo như định nghĩa “producer” trong Chỉ thị và Luật BVNTD 1987, thì họ bao gồm tất cả các chủ thể phải chịu TNSP theo như quy định của hai văn bản kể trên25. Chúng tôi cho rằng, quy định như vậy là phù hợp. Vì thế, khoản 3, Điều 17 của Dự thảo nên được sửa đổi bằng cách thay thuật ngữ “thương nhân kinh doanh” thành “thương nhân sản xuất”. Quy định trên đây cũng tương tự với khoản f, Điều 7 của Chỉ thị và điểm f, Khoản 1, Điều 4 của Luật BVNTD 1987 của Anh. Nếu khoản 3, Điều 17 của Dự thảo được sửa đổi theo hướng trên đây, thì thuật ngữ “thương nhân sản xuất” nằm ở cuối điểm d, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo nên được thay bằng “thương nhân sản xuất sản phẩm” để điều khoản này rõ nghĩa hơn. Ngoài ra, nhằm thống nhất thuật ngữ tại khoản 3, Điều 17 và điểm d, Khoản 1 của Điều 20, thuật ngữ “bộ phận sản phẩm” tại điểm d, Khoản 1, Điều 20 nên được sửa lại thành “bộ phận cấu thành của sản phẩm”. Như vậy, theo chúng tôi, điểm d, Khoản 1, Điều 20 nên được viết lại thành: Khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm phát sinh do thương nhân nêu tại khoản 3 Điều 17 của Luật này tuân thủ thiết kế, hướng dẫn hoặc yêu cầu của thương nhân sản xuất sản phẩm. Trong trường hợp này, TNSP thuộc về thương nhân sản xuất sản phẩm. 2.5. Miễn TNSP do thương nhân không đưa sản phẩm vào lưu thông hoặc việc cung cấp sản phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận (điểm đ, Khoản 1, Điều 20 của Dự thảo) Có thể tìm thấy những quy định tương ứng với quy định này tại khoản a, c, Điều 7 của Chỉ thị, và điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Luật BVNTD 1987 của Anh. Vấn đề này không được quy định trong Luật CLSPHH. Nếu như sản phẩm bị đánh cắp, đưa ra thị trường mà có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thương nhân không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, nếu thương nhân sử dụng sản phẩm để tặng, tài trợ, làm từ thiện thì không phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà khuyết tật của những sản phẩm đó gây ra. Quy định này khuyến khích các thương nhân làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn. Tuy nhiên, có ý kiến nghi ngờ rằng, thương nhân có thể lợi dụng những đối tượng bất hạnh để thử nghiệm những sản phẩm mới của họ. Những lo lắng này không phải là không có cơ sở, nhưng nếu thương nhân chọn cách này, họ cũng có thể gặp rủi ro, có thể đi đến phá sản do ảnh hưởng của dư luận xã hội. 2.6. Các trường hợp thương nhân được giảm một phần trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật trong trường hợp thiệt hại xảy ra một phần do lỗi của người tiêu dùng bị thiệt hại Khoản 3, Điều 20 của Dự thảo không liệt kê những trường hợp thiệt hại xảy ra một phần do lỗi của người tiêu dùng bị thiệt hại, nhưng có thể kể đến hai trường hợp phổ biến sau đây: Thứ nhất, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm quá hạn sử dụng. Luật CLSPHH quy định người sản xuất và nhập khẩu Việt Nam không phải chịu trách nhiệm BTTH do sản phẩm bị khuyết tật nếu người bán và người tiêu dùng sử dụng hàng hóa quá hạn sử dụng (điểm a, Khoản 1, Điều 62). Tương tự, người bán không phải chịu trách nhiệm BTTH do sản phẩm bị khuyết tật nếu người tiêu dùng sử dụng hàng hóa quá hạn sử dụng (điểm a, Khoản 2, Điều 62) hoặc thiệt hại gây ra do lỗi của người mua, hay người tiêu dùng (điểm g, Khoản 1 và điểm f, Khoản 2, Điều 62). Trường hợp miễn trừ trách nhiệm do người tiêu dùng sử dụng sản phẩm quá hạn sử dụng không được quy định cụ thể trong Phần I của Luật BVNTD 1987 của Anh, nhưng về bản chất đây là trường hợp miễn trừ trách nhiệm do thiệt hại gây ra do lỗi của người bán, người mua, hay người tiêu dùng26. Trong trường hợp này, thiệt hại gây ra do lỗi của người bán hoặc người tiêu dùng, nên tất nhiên người sản xuất hoặc người bán được miễn hay giảm trách nhiệm BTTH tuỳ theo mức độ lỗi của các bên. Thứ hai, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đã có thông báo thu hồi. Nhưng tuỳ theo cách thức mà thương nhân thông báo, Toà án có thể xác định mức độ lỗi của các bên. Luật CLSPHH quy định người sản xuất hoặc nhập khẩu không phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra khi đã có thông báo thu hồi hàng hoá có khuyết tật đến người bán hàng, người tiêu dùng trước thời điểm hàng hoá gây thiệt hại (điểm c, Khoản 1, Điều 62). Ngoài ra, người bán cũng không BTTH cho người mua, người tiêu dùng khi họ đã được thông báo là sản phẩm bị khuyết tật nhưng họ vẫn mua và sử dụng (điểm c, Khoản 2, Điều 62). Tương tự như luật Việt Nam, Luật BVNTD 1987 của Anh cũng quy định rằng Tòa án có thể quyết định người sản xuất, người nhập khẩu hay “người sở hữu thương hiệu” được miễn trừ trách nhiệm khi người bị thiệt hại hoàn toàn biết về khuyết tật của sản phẩm nhưng vẫn chọn để sử dụng sản phẩm đó. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc “tự nguyện nhận lấy rủi ro”27. Khoản 3, Điều 20 của Dự thảo cũng không đề cập đến trường hợp thương nhân có thể được giảm một phần trách nhiệm BTTH nếu thiệt hại gây ra một phần do lỗi của bên thứ ba. Ví dụ như: người in hướng dẫn sử dụng sai, người tiêu dùng tuân thủ theo các hướng dẫn sử dụng sản phẩm nhưng bị thiệt hại về sức khoẻ. Do vậy, thiệt hại phát sinh là do lỗi của cả thương nhân và người in hướng dẫn sử dụng. Điều 8 của Chỉ thị cũng đã dự liệu trường hợp này. Quy định trên đây khá phù hợp, nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì giải quyết như thế nào? “Giảm” có thể được hiểu là “giảm toàn bộ” không? Để tránh giải thích khoản 3, Điều 20 theo nhiều cách khác nhau, Dự thảo nên quy định rõ như sau: Thương nhân có thể được giảm một phần hoặc miễn trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật trong trường hợp thiệt hại xảy ra do một phần hay toàn bộ lỗi của người tiêu dùng bị thiệt hại, hoặc của người thứ ba. Dự thảo cũng nên ghi nhận hai trường hợp kể trên vào Điều 20 vì đây là những trường hợp rất phổ biến28. Kết luận Trong tình hình kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải đặc biệt quan tâm đến tính an toàn trong các sản phẩm của họ. Có nhiều doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của TNSP và không ít doanh nghiệp đã mua bảo hiểm TNSP cho sản phẩm của mình. Ở một góc độ khác, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến sức khoẻ và việc bảo vệ quyền lợi của mình khi tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân tạo nên những động thái tích cực nêu trên là việc sắp ra đời Luật BVNTD, trong đó có một số điều liên quan đến TNSP. Giống như pháp luật của nhiều nước trên thế giới, hầu hết các quy định về TNSP nói chung, về TNNN và các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm nói riêng của Dự thảo chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Chỉ thị và pháp luật về TNSP của một số nước thành viên Liên minh châu Âu. Điều này cũng dễ hiểu vì các quy định này rất tiến bộ, bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời cũng cân bằng lợi ích của các thương nhân. Tuy nhiên, như phân tích trên đây, một số vấn đề pháp lý trong pháp luật hiện hành và Dự thảo liên quan đến TNNN và các trường hợp miễn, giảm TNSP cần được xem xét sửa đổi và bổ sung để pháp luật Việt Nam về TNSP hoàn thiện hơn. Chú thích: (1) Nguyên văn tiếng Anh: Consumer Protection Act 1987. Bài viết chỉ đề cập đến English law (luật của England và Wales). (2) Xem Elliott, Catherine & Quinn, Frances (2005), Tort Law, 5th edn, Pearson, Edinburgh, tr. 3-5. So sánh với Phạm Kim Anh, Khái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự, Tạp chí Khoa học Pháp lý, 3/2003. So sánh với Rogers, W.V. Horton (2005), “Fault under English Law” in Widmer, P. (ed), Unification of tort law: fault, in Principles of European Tort Law, vol 10, Kluwer, Deventer, tr. 65-87, tại tr. 69. (3) Elliott, Catherine & Quinn, Frances, tlđd, tr. 5. (4) Elliott, Catherine & Quinn, Frances, tlđd, tr. 5 & 6. (5) Elliott, Catherine & Quinn, Frances, tlđd, tr. 6 & 7. (6) Điều 623 BLDS 2005. (7) Điều 624 BLDS 2005. (8) Phillips, Jerry J. (2003), Products Liability in a Nut Shell, 6th edn, West, tr. 48. (9) Được đề cập tại Điều 1 & 4 của Chỉ thị. (10) Product liability and the control of product risk in the European Community, in Oxford Review of Economic Policy. Vol 10, No. 1, tr. 68-83, tr. 73. (11) Miller, C.J. & Goldberg, R.S., Product Liability, 2nd edn, OUP, Oxford, 2004, tr. 210 & 211. (12) Head, Michael & Mann, Scott, Law in perspective: ethics, society and critical thinking, UNSW, Sydney, 2005, tr. 302. (13) Havemann, Michael Christiani, “The EC Directive on Product Liability: Its Background, Aims and System”, in R. Hulsenbek & D. Campbell (eds), Product liability: prevention, practice and process in Europe and the United States, Kluwer, Deventer, 1989, tr. 19. (14) Xem thêm Trần Vũ Nghi & N. Hằng (2006), Làm ăn lớn phải có bảo hiểm, http://vietbao.vn/Kinh-te/Lam-an-lon-phai-co-bao-hiem/40168842/87/. (15) Havemann, Michael Christiani, sđd . (16) Nguyễn Văn Cường, Vấn đề TNSP trong luật Việt Nam, Chuyên đề: Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Thông tin Khoa học Pháp lý, 2005, tr. 46 – 52, tr. 52. So sánh Vũ Duy Cương, Những vấn đề pháp lý về TNSP theo bản chỉ thị của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) và pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh – Trường Đại học Lund, 2004, tr. 63 (bản tiếng Việt). So sánh Đinh Thị Mỹ Loan, Pháp luật BVNTD của Việt Nam – Thực trạng và nhu cầu hoàn thiện, Tài liệu hội thảo khoa học: Hoàn thiện cơ chế BVNTD ở Việt Nam, 2008, tr. 5. (17) Tăng Văn Nghĩa, Bàn về luật TNSP trong kinh doanh quốc tế, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2008, tr. 49. (18) Theo kinh nghiệm của Pháp, kết quả của một số vụ án chủ yếu dựa trên khái niệm ‘khuyết tật’, ví dụ: Cass civ 1, 28 April 1998, Dalloz 1998 IR 142; RTDC 1998.684; JCP 1998.II.10088. Xem Duncan Fairgrieve, “L’Exception francaise? The French law of product liability” trong Fairgrieve, Duncan (ed), Product Liability in Comparative Perspective, CUP, Cambridge, 2005, tr. 89. (19) Điểm đ, Khoản 1 và điểm đ, Khoản 2, Điều 62 của Luật CLSPHH. (20) Case C-300/95 European Commission v United Kingdom [1997] ECR I-2649,[1997] All ER 481, đoạn. 36. Xem bình luận trong Schulze, Reiner, Schulte-Nölke, Hans, & Jones, Jackie (eds) (2002), ‘CASE NO. 20 — Commission of the European Community v The United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland’ trong A Casebook on European Consumer Law, Hart, London, tr. 263-96, tại tr. 266-69. (21) Sđd, tr. 481. (22) Royce-Lewis, Christine A.,Product Liability and Consumer Safety: a Practical Guide to the Consumer Protection Act, ICSA Publishing Limited, London,1988, tr. 58. (23) Grubb, Andrew and others, The Law of Product Liability, Butterworths, London,2000, tr. 8. (24) Grubb, Andrew and others, sđd. (25) Theo Điều 3 Chỉ thị và Khoản 2, Điều 1 của Luật BVNTD 1987 của Anh. (26) Trường hợp này được điều chỉnh trong Luật Cải cách Luật về Người bị thiệt hại có lỗi 1945 (Law Reform (Contributory Negligence) Act 1945). (27) “Nguyên lý cơ bản của học thuyết này là một người không thể nhận tiền BTTH vì ông ta biết rõ rủi ro đối với những hậu quả phát sinh thiệt hại. Nói cách khác, một người không thể được BTTH cho những thiệt hại mà ông ta tự gánh chịu, và ông ta biết rõ về sự nguy hiểm đó”. Xem Tobin, Philip Chase, 25 Doctrines of Law You Should Know, Algora Publishing, New York, 2007, tr. 151. (28) Dương Anh Sơn, Trách nhiệm sản phẩm và miễn trừ trách nhiệm sản phẩm, http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2616,  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật