TRÁCH NHIỆM DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM SỰ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP, CHÍNH PHỦ VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ

Bài viết bàn về vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và trong xã hội dân sự. Sau những phân tích sâu sắc nội hàm định nghĩa trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp, tác giả phân tích vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp ở châu Á. Trong đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam với một vốn hiểu biết phong phú. Dẫn luận Mối liên hệ giữa doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự đang lan rộng ra toàn thế giới. Ở phương Tây, các chương trình trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Tính công bằng trong thương mại, điều kiện lao động và nền sản xuất thân thiện với môi trường đã trở thành những nội dung trọng tâm của trách nhiệm doanh nghiệp. Thông qua các chương trình khác nhau, công dân doanh nghiệp (người lao động) đã được cử tới các tổ chức xã hội hoặc tham gia vào các dự án xã hội. Trong những năm gần đây, trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp được nhìn nhận như là bộ phận của quản lý bền vững với mục đích chính là đưa môi trường xã hội và môi trường sinh thái vào nội dung (của công tác) quản lý chứ không chỉ đơn thuần tính đến các chỉ số phát triển kinh tế. Trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp là những phát kiến của các doanh nghiệp có nguồn gốc từ Mỹ và được áp dụng ở đó từ hơn hai mươi năm trước. Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, những chương trình này đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: không chỉ ở châu Âu, mà còn ở Nam Mỹ và ở châu Á.   Xét về mặt lý thuyết, trên quan điểm xã hội học kinh tế mang tính toàn thể, trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp chủ yếu liên quan tới quá trình xóa bỏ ranh giới giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội để kinh tế từ bỏ rào chắn của mình. Kinh tế và xã hội không thể xem là  những lĩnh vực độc lập và không liên hệ gì với nhau. Định nghĩa trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp. Trước khi đề cập đến tầm quan trọng của trách nhiệm doanh nghiệp đối với xã hội Việt Nam, chúng ta cần phải hiểu được sự khác biệt giữa khái niệm trách nhiệm doanh nghiệp và khái niệm công dân doanh nghiệp, bởi nội hàm của những thuật ngữ mới này không phải lúc nào cũng rõ ràng và thường khiến chúng ta nhầm lẫn chúng với nhau. Trách nhiệm doanh nghiệp và công dân doanh nghiệp có thể được định nghĩa như sau. Trách nhiệm doanh nghiệp bao gồm cả trách nhiệm xã hội lẫn trách nhiệm với môi trường, đề cập tới các hoạt động được tiến hành trong phạm vi kinh doanh cốt lõi (trọng tâm) của doanh nghiệp – đó là các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, bao gồm các lĩnh vực xã hội, như công bằng thương mại, cải thiện các điều kiện làm việc, kiểm soát chuỗi giá trị gia tăng và những vấn đề như (quy trình) sản xuất thân thiện với môi trường ở các cơ sở trong và ngoài nước. Khác hẳn với trách nhiệm doanh nghiệp, công dân doanh nghiệp không liên quan đến hoạt động kinh tế, mà gắn liền và hỗ trợ môi trường xã hội và môi trường sinh thái thông qua các chương trình công dân doanh nghiệp của doanh nghiệp. Công dân doanh nghiệp gắn với ý tưởng thu hút sự tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng, thể hiện rõ trong khẩu hiệu “Hoàn trả lại cho cộng đồng”. Đó là khẩu hiệu dựa trên khái niệm của người Ănglo Saxon, khi họ coi các doanh nghiệp như là những công dân, những thành viên của xã hội và do vậy, không chỉ hưởng quyền lợi mà còn phải có nghĩa vụ với xã hội. Vì thế, thông qua công dân doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải hướng tới mục đích được xã hội nhìn nhận như là “những công dân doanh nghiệp lành mạnh”. Sơ đồ dưới đây cho thấy sự khác biệt giữa trách nhiệm doanh nghiệp (bên trong doanh nghiệp – một phần của hoạt động kinh doanh chính) và công dân doanh nghiệp (bên ngoài doanh nghiệp – phần bổ sung cho những hoạt động kinh doanh chính), cũng như với một số hình thức công dân doanh nghiệp truyền thống và hiện đại. Những động cơ thúc đẩy công dân doanh nghiệp có thể thuần túy mang tính nhân đạo hoặc mang tính chiến lược khi nó được xem như một nhân tố kinh doanh. Nói một cách đơn giản, trách nhiệm doanh nghiệp đề cập đến trách nhiệm kinh doanh, còn công dân doanh nghiệp là hoạt động từ thiện. (Xem sơ đồ ở bản in) Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ nội hàm của công dân doanh nghiệp, bởi trên thực tế, chúng ta dường như không thể xác định được một cách hoàn toàn rõ ràng tính công dân doanh nghiệp của nhiều hoạt động doanh nhiệp. Chẳng hạn, những hoạt động thuần túy từ thiện mà thường không được coi là "thực sự" mang tính công dân doanh nghiệp, bởi ở đây, trách nhiệm hay sự tham gia của cổ đông cũng như của cộng đồng không được xác định rõ ràng. Các hoạt động tài trợ cho thể thao và văn hóa, nghệ thuật rõ ràng là nhằm mục tiêu quảng cáo và tiếp thị, nên chúng không mang tính công dân doanh nghiệp. Những đóng góp của hoạt động chính trị và vận động hành lang cũng nằm  ngoài phạm vi của công dân doanh nghiệp. Dưới đây, chúng tôi sẽ nói về trách nhiệm doanh nghiệp ở châu Á, đặc biệt là những nước được gọi là "hậu xã hội chủ nghĩa" ở châu  Á. Trách nhiệm doanh nghiệp ở châu Á Trách nhiệm doanh nghiệp phát sinh từ các nền kinh tế thị trường tự do. Sự mở rộng trên phạm vi toàn cầu đã dẫn đến những nhận thức khác nhau về trách nhiệm doanh nghiệp, thậm chí khác xa với những gì trách nhiệm doanh nghiệp được khởi xướng và áp dụng ở Mỹ hay ở châu Âu sau này. Trách nhiệm doanh nghiệp chứa đựng các yếu tố lịch sử và văn hóa (cụ thể), nên nó có những nội hàm đặc thù khác nhau ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Hơn nữa, cũng nên nhớ rằng, ý tưởng về trách nhiệm doanh nghiệp được nảy sinh từ các nền kinh tế thị trường tự do. Ngược lại trong các nền kinh tế thị trường mang tínhxã hội và thậm chí, ở các nền kinh tế mà những thể chế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chẳng hạn như ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người ta có thể nhận thấy những thực tế khác hẳn nhau và do đó, có những cách hiểu rất đa dạng về việc ai là người chịu trách nhiệm về những tác động của hoạt động kinh doanh đối với xã hội và môi trường. Những lý giải khác nhau trên phạm vi toàn cầu về trách nhiệm doanh nghiệp đã tạo ra những mô hình lý luận và thực tiễn áp dụng hết sức đa dạng, mang đậm sắc thái văn hóa của các nước và khu vực khác nhau, kể cả các nước ở châu Á. Tình hình nghiên cứu về thực tiễn của trách nhiệm doanh nghiệp rất thưa thớt và ít được đề cập … Mặc dù có những khác biệt như vậy, song châu Á vẫn chịu sự tác động của những tranh luận toàn cầu về trách nhiệm doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài liệu nghiên cứu về trách nhiệm doanh nghiệp ở châu Á không nhiều lắm, chủ yếu là thông qua các tạp chí về kinh doanh và quản lý, nơi mà các cách tiếp cận khác nhau trên thế giới về trách nhiệm doanh nghiệp được bàn luận. Người ta chỉ tập trung đề cập đến việc các doanh nghiệp nên tiếp cận thế nào đối với trách nhiệm doanh nghiệp và, từ bình diện kinh doanh, những gì liên quan đến lĩnh vực của trách nhiệm kinh doanh và trách nhiệm giải trình trong kinh doanh. Những vấn đề này không mang tính lý thuyết, mà chỉ nhấn mạnh đến việc áp dụng trên thực tin ý tưởng về công dân doanh nghiệp. Hơn nữa, rất nhiều cuộc điều tra ở tầm quốc gia và khu vực đều nhằm thăm dò mức độ và phạm vi phát triển của trách nhiệm doanh nghiệp và miêu tả những "thực tiễn điển hình" của phần lớn các doanh nghiệp (nước ngoài). Trách nhiệm doanh nghiệp thường được nhận thức và đánh giá một cách có chủ ý hoặc ngầm định theo những chuẩn mực của phương Tây (Mỹ). Điều tương tự như vậy cũng có thể được nhận thấy trong các tài liệu quảng cáo về hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Nói chung, chúng ta có thể nhận thấy sự thiếu hụt của các công trình nghiên cứu mang tính thực nghiệm và do vậy, khó có thể hiểu rõ được vì sao và bằng cách nào mà những ý tưởng về trách nhiệm kinh doanh và trách nhiệm giải trình đang trở thành phổ biến ở khu vực châu Á. Thậm chí, cả cái được gọi là các hình thức cận – hiện đại của hành vi có trách nhiệm và mối tương quan của chúng với các khái niệm hiện đại về trách nhiệm doanh nghiệp cũng rất ít được biết đến. Mặc dù cách tiếp cận phi – lý thuyết này về trách nhiệm doanh nghiệp, nhìn chung, là khá hời hợt, nhưng trách nhiệm doanh nghiệp đã bị phê phán ở châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản và các nước được gọi là “con rồng Á châu”. Trong những nghiên cứu như vậy, nhất thiết phải có thái độ phê phán mạnh mẽ hơn nữa để phủ nhận quan điểm thuần túy kinh doanh và đòi hỏi các công ty phải giải trình những ngầm định của họ, cũng như buộc họ phải chú ý đến những điều kiện đặc thù về văn hóa và xã hội của các nước đang phát triển, nơi mà các công ty này tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, ngay cả cách tiếp cận phê phán này cũng vẫn còn thiếu tính chặt chẽ và mức độ phản tư cần thiết, đặc biệt là khi bàn đến các vấn đề của bối cảnh mang tính liên – quốc gia và liên – văn hóa. Hơn nữa, phần lớn các học giả đều chưa có được cách tiếp cận mang tính toàn thể (hữu cơ) cũng như, thay vì phương pháp luận chỉ đơn thuần mang định hướng kinh doanh, chưa có phương pháp luận có tính định hướng xã hội và dân chính. Nói tóm lại, cách tiếp cận phổ biến ở châu Á về trách nhiệm doanh nghiệp chưa đủ khả năng để giải thích một cách đúng đắn sự xuất hiện của trách nhiệm doanh nghiệp cả về mặt lý thuyết lẫn về mặt thực tiễn, cũng như cách thức châu Á tiếp cận với các khái niệm phương Tây về trách nhiệm doanh nghiệp và sự tác động của các chiến lược trách nhiệm doanh nghiệp được áp dụng trong bối cảnh châu Á. Đặc biệt, mối liên hệ qua lại giữa các cổ đông với nhau, giữa các cổ đông với doanh nghiệp, vai trò của nhà nước và chính trị cũng không được đề cập. Do vậy, điều chúng tôi quan tâm là, liệu những tranh luận mang tính hàn lâm về những vấn đề nêu trên có xuất hiện không và liệu những cuộc tranh luận mang tính khoa học như vậy có giữ vai trò nào không đối với công chúng. Thêm nữa, chúng tôi cũng quan tâm đến việc các học giả Việt Nam đã suy nghĩ như thế nào đối với những tranh luận quốc tế về vấn đề này. Để chúng ta có thể hiểu nhau hơn, chúng tôi xin đề xuất một quan điểm mang tính liên văn hóa và đa ngành về trách nhiệm doanh nghiệp như là cơ sở để chúng ta hiểu được thực tiễn Việt Nam. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần phải có một số tiền đề lý luận lấy từ các lĩnh vực, như xã hội học, khoa học quản lý, nghiên cứu kinh doanh, nghiên cứu phát triển, chính trị học và kinh tế học về sự phát triển cũng như hình thái của trách nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Chúng tôi cho rằng, nếu dựa trên cách tiếp cận toàn thể vẫn thường được ứng dụng trong các ngành học, như đạo đức kinh doanh và xã hội học kinh tế thì chúng ta có thể có được sự lý giải một cách hợp lý nhất sự xuất hiện mang tính địa phương cũng như trên phạm vi toàn cầu của trách nhiệm doanh nghiệp. Trách nhiệm doanh nghiệp và tư nhân. Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường và phát triển bền vững được thảo luận rộng rãi ở các diễn đàn châu Á chủ yếu dưới hình thức các tranh luận về những vụ tai tiếng (xì căng đan), thất bại và tội phạm. Người ta thường nói về việc khai thác và sử dụng mang tính hủy hoại đối với tài nguyên thiên nhiên, về điều kiện làm việc tồi tệ, sự lạm dụng lao động trẻ em, cũng như sữa nhiễm độc, đồ chơi độc hại cho trẻ em… Thậm chí, ở những nước phát triển hơn ở châu Á, những sự vụ kiểu như vậy còn bị coi là những sự cố bi thảm và thất bại cá nhân. Rất hiếm khi các phương tiện truyền thông hay công luận đề cập đến các vấn đề chung về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình. Thêm vào đó, những vấn như vậy, về thực chất, là những vấn đề rất nguy hại đối với các nước đang hướng đến phát triển kinh tế thị trường, tư nhân hóa và tự do hóa kinh doanh. Việc xác định ai là người phải chịu trách nhiệm đối với sự hủy hoại môi trường và những thiệt hại của con người thường bị bỏ qua và mâu thuẫn đang xuất hiện giữa doanh nghiệp (tư nhân) và trách nhiệm điều hành (công) cũng không được phân biệt rạch ròi. Do vậy mà người dân thường cảm thấy bất an khi đề cập đến vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm giải trình về những tai nạn, thiệt hại và những hậu quả thảm khốc do kinh doanh (kinh tế) tư nhân đem lại. Mặc dù người dân ở những nước châu Á như Việt Nam đều thừa nhận những lợi ích do nền kinh tế thị trường đem lại, nhưng họ lại không biết bày tỏ với ai những e ngại và lo sợ của mình đối với tiến trình đó. Thông tin đại chúng, và điều này cũng đúng với trường hợp Việt Nam, đã cho thấy rõ những vấn đề này. Trong nhiều trường hợp, áp lực của công chúng, thường thể hiện qua truyền thông, là động lực chính của trách nhiệm doanh nghiệp. Do vậy, điều đáng quan tâm là, ở mức độ nào thì trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp được thừa nhận một cách công khai, được bàn luận trên báo chí và trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, và liệu các doanh nghiệp có cảm nhận được áp lực của công chúng buộc họ phải tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình một cách có trách nhiệm hay không? Đảng và Nhà nước với sự phát triển của trách nhiệm doanh nghiệp. Trách nhiệm doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là công việc kinh doanh, mà còn là mối quan tâm chính đáng của chính phủ và nhà nước, đặc biệt là ở những nước có sự lãnh đạo của Đảng hay Nhà nước như Việt Nam. Ở đây, Nhà nước là người có tiếng nói quyết định đối các vấn đề liên quan đến sở hữu các doanh nghiệp, tập đoàn và do vậy, đến trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp vẫn còn là doanh nghiệp do Nhà nước quản lý (quốc doanh) thì Chính phủ (và cả Đảng) phải có trách nhiệm với các hoạt động của doanh nghiệp, chí ít thì Chính phủ cũng phải có trách nhiệm giải trình về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện làm việc và quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội. Chẳng hạn như, cách thức mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đứng về phía người lao động để giải quyết những vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động thiếu hiệu quả và không đem lại lợi nhuận là một thành công. “Ngăn chặn nạn thất nghiệp quy mô lớn” đã từng là một cam kết quan trọng trong thời kỳ đổi mới ở những năm 90. Song, hiện nay, ảnh hưởng của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thật sự rõ ràng không những đối với những vấn đề liên quan đến điều kiện sống và làm việc của người lao động, mà cả đối với môi trường sinh thái. Rõ ràng là, biên độ mà một công ty thực thi trách nhiệm doanh nghiệp là khác nhau, tương ứng với loại hình tổ chức của mình (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp do nhà nước quản lý hay doanh nghiệp nhà nước); mỗi công ty có các bộ khung (hành lang) pháp lý khác nhau. Do vậy, có lẽ chúng ta nên xem xét không những trách nhiệm doanh nghiệp đã được áp dụng như thế nào ở các doanh nghiệp của Việt Nam, mà còn phải biết các hình thức (kiểu loại) tổ chức doanh nghiệp nói chung có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp ấy. Thực ra thì Đảng và Nhà nước Việt Nam có (đầy đủ) khả năng định hướng sự phát triển của trách nhiệm doanh nghiệp thông qua các hình thức khen thưởng hay luật định. Chúng tôi cũng muốn biết các chính khách Việt Nam đã nhận thức và có thái độ ở mức độ nào đối với vấn đề này và họ đóng vai trò nào (thúc đẩy, khuyến khích) hay không đóng vai trò nào cả trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự phát triển của trách nhiệm doanh nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu trách nhiệm doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa hơn, khi nó được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn của những thay đổi quan trọng đang diễn ra trong Đảng và Chính phủ và trong cả toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung. Theo chúng tôi hiểu thì Chính phủ Việt Nam, một Chính phủ cởi mở với các cải cách và đổi mới, có thể trở thành người tạo điều kiện, đóng vai trò trung gian và giám sát các cuộc thảo luận về trách nhiệm như vậy. Xã hội dân sự thì sao? Các tác nhân không thuộc (khu vực) nhà nước (đặc biệt là các hiệp hội phi – chính phủ và phi – lợi nhuận) có thể là các nhà vận động và những người hưởng lợi từ sự phát triển (hoạt động) của trách nhiệm doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức này lại thường lo ngại bị lôi cuốn vào các hoạt động kinh doanh và do vậy, họ không chấp nhận trách nhiệm doanh nghiệp. Các tổ chức công đoàn cũng thường tỏ thái độ hoài nghi đối với trách nhiệm doanh nghiệp. Tình hình có thể khác ở những nước mà công đoàn là một tổ chức có tính nhà nước và chịu ảnh hưởng của tổ chức đảng. Vấn đề là ở chỗ, các đoàn thể (hiệp hội, tổ chức đó) tham gia tích cực như thế nào vào các cuộc tranh luận về trách nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam. Kết luận Áp lực của các tổ chức quốc tế đối với các nước châu Á trong việc cổ động và tạo điều kiện để cho trách nhiệm doanh nghiệp phát triển và lan rộng ngày một tăng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên, cho đến nay, tình hình nghiên cứu thực tiễn (phát triển) của trách nhiệm doanh nghiệp ở châu Á vẫn là một bức tranh chưa đầy đủ. Để có thể nhận thức đầy đủ về thực tế này thì cách tiếp cận mang tính toàn thể là điều cần phải có. Cách tiếp cận như vậy sẽ trực tiếp đương đầu (giải quyết) đối với các vấn đề về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình. Do vậy, cần phải có một cuộc thảo luận với sự tham gia của các tổ chức chính trị. Để có thể hiểu được sự phát triển của trách nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam, cần phải đề cập đến một số vấn đề quan trọng, như: Thứ nhất, liệu chúng ta có thể xác định rõ những nhóm tạo áp lực (pressure groups) ở Việt Nam là ai không?Thứ hai, tầm ảnh hưởng của xã hội dân sự ở Việt Nam mạnh đến mức độ nào? Và, cuối cùng, về mặt xã hội, cần phải có cái gì để có thể tạo dựng được những đối thoại giữa các cổ đông, sự hợp tác (đối tác thực sự) giữa doanh nghiệp với các tổ chức phi – chính phủ hoặc những công dân năng động, tích cực (hoặc là những đối tác bên ngoài, bao gồm cả sự có mặt của (các cơ quan) nhà nước)?  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật