Kĩ sư, đảng viên ĐCS VN Trần Thành Tự, Phó phòng Công nghệ C.ty CP Đồ hộp Hạ Long (Hải Phòng) người dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của tập thể lãnh đạo DN mà trước đó (năm 2005) ĐS&PL đã liên tiếp đăng tải trong hàng loạt bài điều tra. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế vào cuộc, khẩn trương thanh tra lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Cty CP Đồ hộp Hạ Long mà ĐS &PL phản ánh.
Tuy nhiên, những ngày sau đó kỹ sư Trần Thành Tự liên tục bị lãnh đạo C.ty trù dập bằng nhiều hình thức như cử đi… bán cám lợn. Đặc biệt nghiêm trọng đó là vào chiều 03.3.2006, kỹ sư Tự bị bảo vệ C.ty hành hung dã man ngay trong phòng làm việc của Tổng Giám đốc, gây thương tích nặng phải đi cấp cứu và nằm điều trị tại bệnh viện trong một thời gian dài (ĐS&PL đã đưa tin). Ngót 3 năm nay, việc xử lý của cơ quan thẩm quyền vẫn chưa có hồi kết. Cực chẳng đã, mới đây kĩ sư Trần Thành Tự đã phải cầu cứu đến toà án. Thế nhưng, bản án cấp sơ thẩm đã tuyên càng làm cho dư luận bất bình….
Hố đen vô cảm!
Sự thật thì ngay từ trước khi xảy vụ hành hung đối với kỹ sư Trần Thành Tự, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng, Thanh tra Bộ Y tế kết luận rằng việc tố cáo của kĩ sư Trần Thành Tự là có cơ sở. Ngày 16.12.2005 ông Lê Ngọc Trọng – Thứ trưởng Bộ Y tế đã gửi Báo cáo số 10398/BC – BYT lên Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ đã: "Yêu cầu Cty CPĐH Hạ Long tiến hành kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân liên quan đến các sai phạm như đã nêu trong bản báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh; tiến hành xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời có các giải pháp khắc phục những tồn tại nhằm thực hiện tốt các quy định về bảo đảm chất lượng VSATTP và sản xuất kinh doanh dược". Thay vì phải nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu của Bộ Y tế, ông Trần Xuân Mỹ thời gian đó là Tổng giám đốc (TGĐ) lại quay sang "xử lý" người tố cáo. Sự việc đã trở nên nghiêm trọng và "nhuốm màu" hình sự sau vụ hành hung, gây thương tích cho anh Tự chiều 03.3.2006 ngay tại phòng làm việc của TGĐ. Để đối phó với các cơ quan chức năng và lừa dối công luận, ngày 06.3.2006, ông Mỹ cùng ông Phan Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT ký công văn số 150/ĐHHL gửi đến Ban Tư tưởng – Văn hóa TW và nhiều cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí nhằm xuyên tạc sự thật hòng đổi trắng thay đen, vu khống anh Tự.
Ngay tiêu đề của Công văn 150 nói trên ghi rõ: "V/v: Giải trình vụ việc ông Trần Thành Tự gây rối tại phòng TGĐ ngày 03.03.2006." Vì Cty không thực hiện các yêu cầu tại Kết luận Thanh tra nên ông Tự phải có rất nhiều đơn kiến nghị việc này. Tại phiên toà, anh Tự đã cung cấp nhiều văn bản có đóng dấu Công văn đến của Cty đề nghị TGĐ thực hiện các kết luận Thanh tra. Như vậy tại sao nói anh Tự có hành vi "đột nhập", "gây rối"?? Nghiêm trọng hơn, trong nội dung Công văn còn quy kết, chụp mũ ông Tự "là người có nhiều hành vi tiêu cực, đi ngược lại tiến trình cải tổ, gây khiếu kiện kéo dài, vi phạm Quy chế công bố thông tin và những quy định về bảo mật của Công ty, tố cáo sai sự thật" và cho rằng "Công ty không có vi phạm về VSATTP như ông Tự tố cáo, có chăng chỉ là những sai sót nhỏ về mặt hành chính”?!
Thật tiếc là tại bản án sơ thẩm, toà lại đưa ra nhận định: "Nội dung sự việc xảy ra tại phòng TGĐ ngày 03.3.2006 trong công văn 150 phù hợp với các tài liệu mà Toà án thu thập, xác minh, lời khai của những người làm chứng cũng như tài liệu điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng". Việc vi phạm của Cty đã có cơ quan thanh tra kết luận vậy mà quý toà vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của Cty tại Công văn 150 nói trên khi toà đưa ra nhận định: "Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long đã ban hành công văn 150/ĐHHL ngày 06.3.2006… nhằm mục đích giải trình sự việc xảy ra tại phòng TGĐ ngày 03.3.2006 và cải chính những thông tin không chính xác mà một vài tờ báo đã đăng trước đó" .
Những từ ngữ sử dụng trong Công văn 150 mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên hoàn toàn là rõ ràng, từ tiêu đề tới nội dung. Vậy mà quý toà lại nhận định: "Như vậy, bị đơn đã dùng từ ngữ chưa chính xác, còn nguyên đơn hiểu sai thuật ngữ trên"?!. Quý toà thậm chí mâu thuẫn với chính mình khi trên thì cho rằng Công văn 150 chỉ "nhằm mục đích giải trình sự việc xảy ra tại phòng TGĐ ngày 03.3.2006" chứ không có gì sai trái; nhưng dưới, quý toà cũng thừa nhận: "Tuy nhiên, khi Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long ban hành công văn 150 thì trước đó đã có những văn bản kết luận của các cơ quan chức năng. Vì vậy, công ty cần rút kinh nghiệm về vấn đề này"?! Vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà chỉ cần rút kinh nghiệm???
Cầu cứu đến toà án là giải pháp cuối cùng của đảng viên, kĩ sư Trần Thành Tự. Thế nhưng, HĐXX đã làm anh thất vọng hơn khi đưa ra 1 phán quyết: "Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Trần Thành Tự đối với Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long "!
Trắng, đen lẫn lộn!
Kĩ sư Trần Thành Tự bị các nhân viên phòng Bảo vệ của Cty hành hung trong giờ hành chính, trong khi thi hành công vụ và tại ngay phòng làm việc của TGĐ. Như vậy, việc anh Tự yêu cầu Cty phải chịu trách nhiệm bồi thường là hoàn toàn đúng pháp luật. Thế nhưng, TAND quận lại yêu cầu anh Tự phải khởi kiện cá nhân nhân viên bảo vệ!? Điều 5 Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…". ông Trần Xuân Mỹ – nguyên TGĐ "Có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo" là vi phạm mục b, khoản 1 Điều 132 – Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận của bệnh viện thì anh Tự bị thủng cánh mũi tráiT, sang chấn sọ não… Bản Giám định pháp y số 277/PY/06 ngày 27.3.2006 của Tổ chức GĐPY TP. Hải Phòng kết luận: "Thương tích do vật tầy cứng tác động làm giảm 5% sức khoẻ cho nạn nhân". Thật tiếc là tại án sơ thẩm, HĐXX nhận định: "Anh Thắng đã kéo tay buộc anh Tự ra khỏi phòng, anh Tự chống cự lại" và "Việc va chạm giữa anh Trần Thành Tự và anh Vũ Xuân Thắng… nguyên nhân ban đầu do anh Tự không tuân theo nội quy của công ty"! Đây cũng là nhận định không khách quan vì vị đại diện theo uỷ quyền của Cty đã không chứng minh được việc anh Tự vi phạm điều, khoản nào của Nội quy Công ty. "Sau khi sự việc xẩy ra, anh Tự đã trở lại làm việc bình thường; thương tích không ảnh hưởng gì đến tinh thần, thẩm mỹ và khả năng giao tiếp xã hội" là một nhận định chủ quan, duy ý chí và phủ nhận kết luận của cơ quan chuyên môn là Tổ chức Giám định pháp y Hải Phòng. Như vậy, với nhận định của toà, trắng đen bỗng trở thành lẫn lộn!
Được biết ngày mai À (04.3.2009), TAND TP. Hải Phòng sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên. Hy vọng toà phúc thẩm sẽ đưa ra những phán quyết khách quan, đúng pháp luật để những người đang theo dõi vụ án này tâm phục, khẩu phục.
=================================
TÒA PHÚC THẨM NHẬN ĐỊNH MỘT ĐẰNG, TUYÊN MỘT NẺO!
VŨ HÀ
ĐS&PL (số 27 ra ngày 3.3) có bài "Người tố cáo bị trù dập nhưng không được toà bảo vệ?", phản ánh việc bản án sơ thẩm của TAND quận Ngô Quyền chưa thuyết phục trong việc xử lý cho hành vi trù dập người tố cáo của lãnh đạo Cty CP Đồ hộp Hạ Long (Hải Phòng). Ngày 4.3, vụ kiện đã được đưa ra xét xử cấp phúc thẩm tại TAND TP Hải Phòng. Người dự phiên toà hết sức ngỡ ngàng khi HĐXX nhận định tất cả các quan điểm của kỹ sư Trần Thành Tự là đúng, nhưng vẫn bác đơn khởi kiện của ông…
Nhận định một đằng…
Kỹ sư Trần Thành Tự khởi kiện Cty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (CPĐHHL) đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm. Dù những nội dung mà ông tố cáo đã có các kết luận thanh tra khẳng định là đúng sự thật, nhưng ngày 06.3.2006, lãnh đạo Cty vẫn ký Công văn số 150/ĐHHL gửi đến Ban Tư tưởng – Văn hóa TW (nay là Ban Tuyên giáo TW) và nhiều cơ quan Nhà nước, cơ quan báo chí vu khống ông Tự.
Ngay tiêu đề của Công văn số 150 nói trên ghi rõ: "V/v: Giải trình vụ việc ông Trần Thành Tự đột nhập, gây rối tại phòng TGĐ ngày 03.03.2006". Nghiêm trọng hơn, nội dung Công văn còn quy kết, chụp mũ ông Tự "là người có nhiều hành vi tiêu cực, đi ngược lại tiến trình cải tổ, gây khiếu kiện kéo dài, vi phạm Quy chế công bố thông tin và những quy định về bảo mật của Cty, tố cáo sai sự thật" và cho rằng "Cty không có vi phạm về VSATTP như ông Tự tố cáo, có chăng chỉ là những sai sót nhỏ về mặt hành chính?! ". Chính vì vậy, ông Tự yêu cầu Cty phải xin lỗi ông trên báo chí, cải chính công khai tại doanh nghiệp và bồi thường thiệt hại 5, 8 triệu đồng (10 tháng lương tối thiểu) do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm.
Tại toà phúc thẩm, phía đại diện Cty cùng luật sư của họ vẫn bảo vệ quan điểm của mình theo những nội dung của Công văn số 150 nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào còn ông Tự đã đưa ra đầy đủ các tài liệu, bằng chứng để chứng minh ngược lại. Đáng chú ý nhất trong nhiều các chứng cứ có Công văn số 1003b ngày 16.12.2005 "v /v xử lý vi phạm hành chính tại Cty CPĐHHL", theo đó Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu: "Sở Y tế Hải Phòng căn cứ kết luận của Đoàn công tác liên ngành tại văn bản số 1003/BC-Ttra ngày 16.12.2005 chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm của Cty CPĐHHL liên quan đến công tác bảo đảm CLVSAT theo quy định của pháp luật"; Công văn số 59 ngày 14.01.2006 của chính Cty CPĐH Hạ Long v /v "Thực hiện kết luận tại văn bản số 1003 ngày 16.12.2005", theo đó Cty phải thừa nhận: "Cty đã làm việc với Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng và đã chấp hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế số 100 QĐ – Ttra ngày 27.12.2005 của Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng".
Sang phần tranh luận, ông Tự đã bác bỏ toàn bộ ý kiến của đại diện Cty CPĐHHL và luật sư của Cty. Tại phần nhận định vụ án, HĐXX khẳng định: ông Trần Thành Tự có nhiều đơn đề nghị TGĐ thực hiện các kết luận thanh tra nhưng không có hồi âm, đã xin lịch làm việc với TGĐ. Chiều ngày 03.3.2006, ông Tự đến phòng làm việc của TGĐ một cách công khai, khi qua phòng bảo vệ đã được Phó phòng Bảo vệ cho phép. Do vậy, không thể nói ông Tự đã "đột nhập trái phép" vào phòng làm việc của TGĐ như nêu tại Công văn số 150. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP; Pháp lệnh Đo lường tại Cty, ông Tự đã tố cáo đến cơ quan thanh tra từ ngày 22.7.2005. Mãi đến ngày 03.8.2005 Cty mới ban hành Quy chế công bố thông tin nên không thể cho rằng ông Tự vi phạm Quy chế này. Hơn nữa, việc phát hiện, tố cáo những vi phạm pháp luật với các cơ quan thanh tra là quyền và nghĩa vụ công dân theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Rất nhiều nội dung trong đơn tố cáo của ông Tự đã được khẳng định là đúng sự thật như kết luận của Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng, Thanh tra Bộ Y tế; còn có những nội dung chưa đủ cơ sở kết luận Cty đã có những vi phạm Pháp lệnh VSATTP, đã bị xử phạt hành chính, như vậy không thể cho rằng ông Tự "tố cáo sai sự thật". Căn cứ vào các kết luận thanh tra, vào báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, vào Nghị quyết số 57 của BCH Đảng uỷ Cty ngày 21.9.2007… thì ông Tự là người đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng chứ không phải là "người có nhiều hành vi tiêu cực" như nêu tại Công văn số 150.
Như vậy, HĐXX đã thừa nhận tất cả các nội dung mà ông Tự khởi kiện là có căn cứ; bác bỏ toàn bộ các lập luận của phía bị đơn. Nhưng…
Án tuyên một nẻo …
Thêm một lần nữa, rất nhiều người dân đến tham dự phiên toà vô cùng ngỡ ngàng khi ông chủ toạ phiên toà công bố bản án: "Tuy nhiên, sự việc xảy ra đã lâu, cách đây hai, ba năm; dư luận xã hội đã lắng xuống. Mọi người đã hiểu, thông cảm, chia sẻ với ông Tự nên xét thấy việc xin lỗi công khai, việc đăng cải chính trên báo chí như yêu cầu của ông Tự là không cần thiết (?!). Về yêu cầu của ông Tự đòi bồi thường 5, 8 triệu đồng, luật sư của Cty trình HĐXX biên bản hoà giải ngày 17.11.2006 và biên bản thoả thuận được lập giữa ông Đỗ Đình Hoàn – Trợ lý TGĐ (theo uỷ quyền của TGĐ) với ông Tự có nội dung ông Tự sẽ được nhận 30 triệu đồng và thực tế, ông đã nhận 20 triệu đồng.
ông Tự trình bày, đúng là ông có kí vào các biên bản nêu trên nhưng các biên bản này không liên quan đến Công văn số 150. Biên bản hoà giải đó là về tranh chấp lao động, về việc Cty đã cách chức Phó phòng Công nghệ và điều chuyển công tác của ông một cách trái pháp luật. Và, thực tế thì sau khi có biên bản hoà giải, phía Cty không thực hiện đầy đủ những điều mà họ đã cam kết. Theo yêu cầu của TAND quận Ngô Quyền, ông Tự đã khởi kiện một vụ kiện khác và TAND quận Ngô Quyền đang thụ lí vụ kiện này. Thật tiếc là HĐXX phúc thẩm đã không xem xét kĩ bản chất của biên bản hoà giải này nên mặc dù thừa nhận ông Tự có quyền đòi bồi thường nhưng lại cho rằng Cty đã bồi thường rồi! Từ các lý do trên, HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, bác tất cả yêu cầu khởi kiện của ông Tự!
Buổi chiều cùng ngày, HĐXX phúc thẩm xem xét kháng cáo của ông Tự với bản án về vụ đòi bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. HĐXX phúc thẩm thừa nhận rằng ông Tự bị gây thương tích trong giờ hành chính, tại ngay phòng TGĐ thì lẽ ra bị đơn trong vụ kiện phải là pháp nhân -Cty CPĐHHL. Tuy nhiên ngay sau đó HĐXX lại cho rằng, TAND quận hướng dẫn ông khởi kiện cá nhân – nhân viên bảo vệ cũng không có gì sai?! Về thương tích của ông Tự, theo kết luận của bệnh viện thì ông Tự bị thủng cánh mũi trái, sang chấn sọ…Bản Giám định pháp y số 277/PY/06 ngày 2.3.2006 của Tổ chức GĐPY TP Hải Phòng kết luận: "Thương tích do vật tầy cứng tác động; Di chứng lâu dài: Làm giảm 5% sức lao động". Thật tiếc là HĐXX phúc thẩm lại cho rằng thương tích này không lớn, không làm ảnh hưởng lớn đến giao tiếp xã hội cũng như khả năng lao động của ông Tự. Hơn nữa, sự việc diễn ra cũng đã lâu nên cũng không cần thiết phải xem xét ai đúng, ai sai trong việc gây thương tích!. Và HĐXX nhanh chóng tuyên y án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của ông Tự!
Rõ ràng TAND TP Hải Phòng đã nhận định một đằng, tuyên án một nẻo và điều đó buộc kỹ sư Trần Thành Tự sẽ phải tiếp tục hành trình đi tìm công lí…
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT - VŨ HÀ
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"