TỔNG QUAN VỀ QUẢN LÝ TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN – Một số đối chiếu với quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở các nước phát triển

THS. VŨ THỊ THANH TÚ – Khoa Luật, Đại học Tự Do Brussels, Bỉ (Trong chương trình nghiên cứu do Wallonie – Bruxelles International tài trợ) Phương thức thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan thông qua một tổ chức đại diện tập thể các tác giả, các chủ thể quyền là phương pháp mang tính thời đại và ngày càng chứng minh sự hiệu quả. Hình thức này xuất hiện từ thế kỉ 18 ở Pháp, sau đó phát triển sang các nước vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20[1]. Nhiều tổ chức với quy mô quốc tế cũng đã xuất hiện như : IFPI – Liên đoàn công nghiệp ghi âm quốc tế, CISAC – Liên đoàn quốc tế các công ty đại diện quyền của các tác giả và soạn giả, AGICOA – Hiệp hội quốc tế về đại diện tập thể các tác phẩm nghe nhìn, IFRRO – Liên đoàn quốc tế các tổ chức đại diện quyền sao chép… Hiện nay, ở Việt Nam cũng có ba tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả và quyền liên quan (ĐDTT QTG): VLCC – Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, RIAV – Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam ; VCPMC – Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Các tổ chức này bắt đầu thu hút sự quan tâm, tham gia của tác giả và những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Tổ chức ĐDTT QTG là trung gian giữa chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan với người sử dụng tác phẩm nên bài viết tập trung vào mối quan hệ giữa tổ chức với từng chủ thể này, trên cơ sở các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và về cạnh tranh. Bài viết sử dụng kiến thức Pháp luật và thực tế về ĐDTT QTG của Việt Nam và một số nước phát triển như Pháp, Mỹ, Anh… Cụ thể, bài viết lần lượt đi theo các nội dung sau : 1. Nguyên nhân ra đời tổ chức ĐDTT QTG 2. Phân loại tổ chức ĐDTT QTG 3. Giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức ĐDTT QTG 4. Mối quan hệ giữa tổ chức ĐDTT QTG và tác giả 5. Mối quan hệ giữa tổ chức ĐDTT QTG và người sử dụng tác phẩm
  1. Nguyên nhân ra đời của ĐDTT QTG
Tổ chức được thành lập nhằm hợp lý hóa việc quản lý QTG, đem lại quyền lợi cho cả tác giả và người sử dụng tác phẩm.   Đầu tiên phải đề cập đến nguyên nhân xuất phát từ bản chất của đa số tác phẩm – đó là tính có mặt ở khắp mọi nơi cùng một lúc. Tác phẩm không giống như tài sản vật chất thông thường, việc người này sử dụng không có nghĩa là tác phẩm sẽ bị hao mòn và người khác không thể sử dụng được vào cùng thời điểm đó[2]. Đặc tính này gây khó khăn cho tác giả khi tự mình thực hiện quyền tác giả đối với tác phẩm, đặc biệt là với sự phát triển vượt bậc của công nghệ khiến cho việc tiếp cận tác phẩm càng trở nên dễ dàng, rộng rãi và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tác giả cần tham gia vào tổ chức với bộ máy chuyên nghiệp, quy mô và những mối quan hệ quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình. Tiếp đó,người sử dụng tác phẩm – đối tác của tác giả thường là các nhà xuất bản, các hãng sản xuất băng đĩa, đài phát thanh truyền hình – những pháp nhân với tiềm lực kinh tế và quan hệ rộng. Điều này khiến cho tác giả có vị trí yếu hơn trong giao kết hợp đồng. Vì vậy, « đoàn kết là sức mạnh », tổ chức ĐDTT QTG trở thành đại diện quyền lợi cho từng tác giả hay nhóm tác giả, đàm phán trong thế bình đẳng với người sử dụng[3]. Điều này cũng được phát huy trong việc chống các hàng giả mạo Sở hữu trí tuê, hay các hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả vì khi phát hiện vi phạm, tác giả có thể ủy quyền cho tổ chức mà mình là thành viên để tiến hành các bước bảo vệ quyền cần thiết. Một lý do quan trọng khác, sự ra đời của tổ chức ĐDTT QTG còn xuất phát từ thực tế có những tổ chức, cá nhân sử dụng một khối lượng lớn tác phẩm thậm chí sử dụng nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau (các trang web âm nhạc, các đài phát thanh truyền hình, các phòng trà, karaoke…). Điều này khiến cho việc đi xin phép từng tác giả đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Thu bản quyền từ phía người sử dụng và thanh toán cho tác giả, đó là công việc của những trung tâm đại diện tập thể. Tác giả chuyên tâm sáng tác, người sử dụng yên tâm thưởng thức hay kinh doanh bằng việc sử dụng các tác phẩm một cách hợp pháp.
  1. Phân loại tổ chức ĐDTT QTG
Các tổ chức ĐDTT QTG có thể được phân loại theo loại hình tác phẩm hay theo loại quyền mà mỗi tổ chức quản lý, đại diện[4] : A. Phân loại tổ chức ĐDTT QTG theo loại hình tác phẩm : Hình thức ĐDTT QTG chỉ thật sự phát huy khi việc cá nhân tác giả khai thác quyền của mình không đem lại hiệu quả, chủ yếu là các tác phẩm có mức độ phổ biến rộng, dễ vượt qua tầm kiểm soát của cá nhân tác giả. Nếu phân loại tổ chức đại diện tập thể theo loại hình tác phẩm ta thấy : ĐDTT QTG thành công nhanh chóng trong lĩnh vực đại diện quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc, kể cả ở cả quy mô quốc tế. Âm nhạc vượt lên khoảng cách ngôn ngữ để nên có sức lan truyền rộng rãi. Trong Báo cáo kết quả hoạt động của VCPMC – Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đến tháng 9/2009, số nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền đã ủy quyền cho Trung tâm là 1602 người, tăng gấp 6 lần số thành viên khi thành lập tổ chức – 2002[5]. Doanh thu của VCPCM trong 5 năm (2002-2007) được 17 tỷ, doanh thu năm sau bao giờ cũng cao gấp đôi năm trước. Năm 2007, doanh thu đạt 9 tỉ, năm 2009 doanh thu đã là 23,3 tỷ đồng trong đó có khoảng 10% – 15% là cho các tác giả và nhạc sĩ thế giới. Mục tiêu của VCPMC là trong 2010, sẽ thu hút được số thành viên lên tới 2000 nhạc sĩ, mở rộng hợp tác với các tổ chức ĐDTT QTG quốc tế hay của các nước khác đạt tới khoảng 50 tổ chức và doanh thu tăng lên 30 tỷ đồng[6]. Đối với tác phẩm văn học, ĐDTT QTG không thu được nhiều thành công trừ khi những tác phẩm này được chuyển thể thành tác phẩm nghe nhìn. Đối với tác phẩm đồ họa, bản đồ hay mỹ thuật, ĐDTT QTG không phát triển nhiều nhưng tình hình có thể thay đổi cùng với sự ra đời của các tác phẩm đa phương tiện ; Các chương trình máy tính rất hiếm khi được QLTT bởi chủ sở hữu đối tượng này (thường là pháp nhân) thường tự quản lý việc khai thác chương trình máy tính của mình. B. Phân loại tổ chức ĐDTT QTG theo loại quyền đại diện Theo loại quyền đại diện, ta có tổ chức QLTT quyền sao chép, quyền biểu diễn… Sao chép có thể là sao chép trên giấy, vải, băng đĩa, cassette, CD, CD Rom, hoặc đồ điện tử khác… Ngoài ra còn một số quyền khác như quyền cho thuê tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử , quyền triển lãm, quyền sao chép nhằm sử dụng cá nhân… C. Các tổ chức ĐDTT QTG cùng lúc cho nhiều loại hình tác phẩm hay nhiều loại quyền tác giả khác nhau Các nước phát triển đang tiến tới việc xây dựng các tổ chức ĐDTT QTG cùng lúc cho nhiều loại hình tác phẩm hay nhiều loại quyền khác nhau. Những công ty đa năng này thường quản lý cùng một lúc quyền tác giả đối với bốn loại hình tác phẩm : tác phẩm âm nhạc có lời hoặc không lời, kịch – văn học, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm tạo hình. Hay tổ chức có thể quản lý đồng thời quyền sao chép và quyền biểu diễn. So với các tổ chức ĐDTT QTG thông thường, tổ chức đa năng này có lợi thế là : Về kinh tế, tổ chức này có thể tận dụng bộ máy quản lý, tiết kiệm chi phí liên quan đến nhân sự và trang thiết bị (« guichet unique pour la délivrance des autorisations » – cơ chế một cửa cho việc cấp quyền sử dụng). Về quan hệ đối ngoại, tổ chức đa năng thường có thương hiệu mạnh, được tín nhiệm và có vị thế mạnh khi giao dịch. Hình thức tổ chức này cũng tạo thuận lợi cho người sử dụng. Ví dụ khi người sử dụng xin phép sử dụng tác phẩm đa phương tiện – multimedia work (một trang web chẳng hạn, là một tập hợp nhiều tác phẩm : truyện, tranh ảnh, nhạc họa…), thay vì tới nhiều tổ chức ĐDTT QTG, tác giả có thể chỉ phải đến một tổ chức đa năng. Tổ chức đa năng này không phải là không có những nhược điểm : tác giả của những loại hình tác phẩm kén người sử dụng có cảm giác là thiểu số trong tổ chức, lợi nhuận đôi khi bị chia sẻ. Tuy nhiên, những khó khăn này là không tránh khỏi ngay đối với những tổ chức ĐDTT QTG thông thường.
  1. Giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức ĐDTT QTG
Giống như các nước, tổ chức ĐDTT QTG là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan (K1 Đ56 Luật SHTT Việt Nam). Việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này đặt dưới sự giám sát Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Nội Vụ và một số bộ ngành trong những hoạt động cụ thể của tổ chức. Ở Đức, các trung tâm này được đặt dưới sự kiểm tra của Bộ Tư pháp. Pháp luật Anh không đề cập đến tổ chức ĐDTT QTG, các tổ chức này được thành lập cũng không phải qua các thủ tục giám sát ban đầu mà khi có tranh chấp liên quan phát sinh, các bên có thể giải quyết tại Tòa án về quyền tác giả (adhoc). Ở Mỹ, các tổ chức ĐDTT QTG chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, việc thành lập các tổ chức ĐDTT QTG không bị giám sát chặt chẽ và phần lớn các quy định về giám sát hoạt động của các trung tâm đều xuất phát từ pháp luật chống độc quyền (antitrust)[7].
  1. Mối quan hệ giữa tổ chức ĐDTT QTG và tác giả
A. Việc nhận chuyển quyền của các tổ chức ĐDTT QTG i. Trường hợp các tác giả chuyển quyền và trở thành thành viên của tổ chức ĐDTT QTG Tác giả trở thành thành viên của tổ chức ĐDTT QTG trên cơ sở tự nguyện. Tổ chức đại diện quyền biểu diễn đối với tác phẩm của các tác giả, soạn giả, nhà xuất bản trong lĩnh vực âm nhạc Mỹ (ASCAP – American Society of Composers, Authors and Publisher) quy định rõ ràng rằng với ít nhất một tác phẩm âm nhạc đã được công bố, những chủ thể này có thể trở tham gia tổ chức. Các tổ chức ĐDTT QTG của Việt Nam cũng có quy định tương tự. Tổ chức ĐDTT QTG tiếp nhận ủy quyền từ phía tác giả nếu việc này là phù hợp với phạm vi hoạt động, điều lệ của tổ chức mình và không được áp dụng những phân biệt đối xử vô lý. Các chủ thể đóng góp tác phẩm vào Mục lục các tác phẩm do tổ chức quản lý. Việc đóng góp này không giống như việc đóng góp của các thành viên công ty cổ phần vì tác phẩm được đóng góp không tạo thành vốn điều lệ công ty, không trở thành đảm bảo cho chủ nợ. Tiền nhuận bút thu được của các tác giả không phụ thuộc vào doanh thu của tổ chức mà phụ thuộc vào tần suất sử dụng tác phẩm[8]. Tổ chức ĐDTT QTG không trực tiếp đứng ra sử dụng tác phẩm mà nhận ủy quyền đại diện việc khai thác tác phẩm[9]. Ủy quền này có thời hạn nhất định. Khi kết thúc thời hạn, khi tổ chức bị phá sản giải thể, tác giả nhận lại quyền của mình đối với tác phẩm vẫn trong thời hạn bảo hộ. Theo mẫu hợp đồng của VCPMC khi kí kết với các tác giả, hợp đồng có hiệu lực 5 năm (Đ5 Mẫu Hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc) và tự động gia hạn nếu đến năm cuối, tác giả không có thông báo dừng việc ủy quyền. Ở Mỹ, theo điều lệ của ASCAP, chủ thể quyền có thể ủy quyền quản lý tác phẩm trong suốt thời hạn bảo hộ của tác phẩm và Hợp đồng ủy quyền có thể chấm dứt cuối mỗi năm theo yêu cầu của tác giả với điều kiện báo trước ba tháng (các hợp đồng kí kết trước đó có liên quan đến tác phẩm vẫn tiếp tục có hiệu lực)[10]. Quy định này đảm bảo quyền tự do quyết định của tác giả trong khi quyền của người sử dụng cũng không bị ảnh hưởng vì các hợp đồng kí kết trước khi tác giả yêu cầu chấm dứt hợp đồng ủy quyền vẫn tiếp tục có hiệu lực. Nói về phạm vi ủy quyền, « Trong suốt thời hạn của Hợp đồng này, bên A không ký hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng hay cho phép công bố, phổ biến, sử dụng tác phẩm ủy quyền, hoặc trực tiếp nhận tiền sử dụng tác phẩm cho/từ bất kỳ một bên nào khác trừ các trường hợp quy định tại khoản 3.6 (trường hợp chuyển quyền tác giả trước khi trở thành thành viên của VCPMC» (Đ3.5 Hợp đồng mẫu kí giữa VCPMC và các tác giả). Đối tượng chuyển giao là toàn bộ quyền thuộc quyền tài sản theo liệt kê tại Điều 1 hợp đồng. Các tác giả phải chuyển giao tất cả các quyền tài sản trên tác phẩm khiến cho tác giả cảm giác như quyền tác giả của mình trở thành quyền thu nhập. Đây là đặc điểm trong quản lý quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc tuy về nguyên tắc thành lập hội là tự nguyện, thì tác giả có thể ủy quyền theo từng tác phẩm. Nếu không có quy định này, VCPMC có thể chỉ được ủy quyền gánh trách nhiệm quản lý những quyền không mang lại nhiều giá trị kinh tế trong khi việc ĐDTT QTG lại trở lên phức tạp hơn. Tuy nhiên khi đã kí kết hợp đồng, các tác giả phải thực hiện cam kết. Năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam thông báo trả tiền nhuận bút cho các nhạc sĩ vào tài khoản cá nhân mà không thông qua VCPMC ; Nếu tác giả không đồng ý, Đài truyền hình sẽ « tôn trọng » tác giả bằng cách không sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ nữa trên sóng của Đài ». Một số tác giả đã là thành viên của VCPMC có nghĩa là tác giả ủy quyền cho VCPMC thu các khoản từ phía người sử dụng tác phẩm của họ. Bất đồng giữa hai VCPMC và Đài THVN có thể được xem xét dưới góc độ của Luật Canh tranh với hành vi : lợi dụng vị trí độc quyền hay vị trí thống lĩnh mà áp dụng giá bán, giá mua dịch vụ bất hợp lý. Cho đến nay, Đài truyền hình Việt Nam vẫn áp dụng phương pháp tự trả[11]. Tuy nhiên, nếu các bên đàm phán được với nhau đưa ra được một giao dịch dung hòa quyền lợi của hai bên là tốt nhất, vừa bảo vệ được quyền lợi của Tác giả, vừa tiết kiệm chi phí cho Đài THVN về nhân sự và kĩ thuật để phục vụ cho việc trả tiền nhuận bút cho các nhạc sĩ (trên thực tế, Đài đã gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với nhiều tác giả). Một số tác giả vẫn muốn tự mình thực hiện một số quyền. Ở Anh, năm 1994, ban nhạc rock U2 đã yêu cầu Uỷ ban sát nhập và độc quyền – Trực thuộc Phòng quản lý thương mại lành mạnh (Office of Fair Traiding) điều tra về hoạt động của PRS – Performing Right Society – Cơ quan quản lý về biểu diễn và phổ biến tác phẩm âm nhạc. Uỷ ban đã ra kết luân phê phán tính độc quyền của PRS khiến cho công ty này phải thay đổi điều lệ : các chủ thể quyền có thể tự quản lý một số quyền theo khả năng của mình. Trong một quyết định, Tòa án công lý các Uỷ ban Châu âu không cấm việc ủy quyền toàn bộ nhưng nhận xét: việc một tổ chức ĐDTT QTG, có vị trí thống lĩnh, yêu cầu thành viên của mình thừa nhận những cam kết không mang tính bắt buộc cho việc thực hiện mục đính của công ty, cản trở một cách không công bằng quyền tự do của thành viên trong việc thực hiện quyền của mình có thể cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Tòa án các nước thành viên sẽ xem xét trong từng trường hợp cụ thể để quyết định hiệu lực toàn bộ hợp đồng hay một vài điều khoản trong hợp đồng giữa tổ chức ĐDTT QTG và thành viên. Việc xem xét này là việc tính đến hai lợi ích : hiệu quả của việc quản lý bởi các tổ chức ĐDTT QTG (trong trường hợp tác giả không thể không tham gia vào tổ chức này) và quyền tự do của các tác giả[12]. ii. Việc ủy quyền cho tổ chức ĐDTT QTG theo quy định của Pháp luật Ở một số nước phát triển nơi các tác giả được tổ chức thành hội chặt chẽ, Pháp luật Sở hữu trí tuệ còn trao cho tổ chức ĐDTT QTG trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho cả những tác giả không ngay khi tác giả không phải thành viên của tổ chức mình trong một số hoàn cảnh. Theo Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp, tổ chức ĐDTT QTG được Bộ văn hóa cho phép có thể thu nhuận bút thay cho tất cả tác giả trong bốn trường hợp sau: tác phẩm được sao chép bằng cách in ấn (Điều L122-10), tác phẩm được tiếp phát sóng qua cáp, toàn vẹn, không sửa chữa, trong lãnh thổ Pháp đồng thời với tác phẩm gốc được phát sóng từ quốc gia thành viên bất kì của Liên minh Châu âu (Điều L132-20-1), thu nhập trả cho tác giả từ việc tác phẩm đã xuất bản được thư viện công cộng cho độc giả mượn (Điều L133-2), thu nhập trả cho các tác giả liên quan đến việc sao chép một bản tác phẩm nhằm mục đích sử dụng cá nhân (Điều L311-6). Nguyên nhân Trong một số trường hợp, có nhiều tác phẩm được sử dụng lại là của những tác giả không tham gia bất kì một tổ chức đại diện tập thể nào. Việc quy định đại diện tập thể bắt buộc sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng mở rộng khai thác tất cả các tác phẩm một cách hợp pháp trong một số hoàn cảnh như trên[13]. Việc quản lý tập thể bắt buộc thoạt nhìn có vẻ hạn chế quyền tác giả, quyền liên quan. Về thực chất, tác giả vẫn nhận được quyền lợi được Pháp luật quy định, chỉ khác về cách thực hiện quyền[14]. Cơ chế Các trường hợp cụ thể mà tổ chức ĐDTT QTG được giao quản lý tập thể bắt buộc tùythuộc vào quy định các quốc gia. Trong bốn trường hợp quy định tại Bộ luật SHTT của Pháp kể trên, các tổ chức thu nhận nhuận bút cho các tác giả – cả thành viên hay không là thành viên của tổ chức, tổ chc có thể chuyển quyền khai thác tác phẩm cho người sử dụng trong mà tác giả không có quyền cấm. Tuy nhiên, tác giả vẫn có thể độc lập thực hiện quyền này, chuyển giao quyền này cho người sử dụng khác. Trường hợp Sao chép nhằm mục đích sử dụng cá nhân hay tác phẩm đã xuất bản được thư viện cho độc giả mượn là trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả tiền thù lao nên sẽ không có người sử dụng nào đến xin phép tổ chức ĐDTT QTG về nội dung này mà bằng cách này hay cách khác vẫn phải trả tiền cho tác giả để bù đắp. Điều L122-10 Bộ luật SHTT Pháp quy định : Việc công bố tác phẩm cùng với việc sao chép tác phẩm bằng in ấn được thực hiện bởi tổ chức ĐDTT QTG. Các tổ chức được ghi nhận quyền này có thể tự mình kí kết giao dịch với người sử dụng, trừ các giao dịch liên quan đến việc sao chép tác phẩm để bán, để cho thuê, để quảng cáo khuyến mại (những trường hợp này phải có sự đồng ý của tác giả hay chủ thể quyền). Dù không có giấy ủy quyền của tác giả hay người liên quan vào ngày tác phẩm được công bố thì một trong các tổ chức ĐDTT QTG được cấp phép sẽ được coi như bên nhận chuyển nhượng quyền này… Những quy định này không ngăn cản quyền của tác giả hoặc chủ thể quyền sao in tác phẩm để bán, để cho thuê, để quảng cáo hay khuyến mại. Có thể tổng kết những đặc điểm của quản lý tập thể bắt buộc quyền tác giả, quyền liên quan như sau : quản lý tập thể bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số bộ phận của quyền tài sản quyền tác giả, quyền liên quan nhất định do pháp luật của mỗi nước quy định cụ thể, tổ chức ĐDTT QTG là tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép trên cơ sở các tiêu chí pháp lý khắt khe – thường là tổ chức ĐDTT QTG của quốc gia trong lĩnh vực nhất định, tổ chức ĐDTT QTG kí kết hợp đồng với người sử dụng trên cơ sở bình đẳng – người sử dụng không có nguy cơ bị kiện bởi tác giả hay bất kì chủ thể quyền[15]. B. Quyền thông tin và tham gia quản lý của các tác giả là thành viên của tổ chức ĐDTT QTG Liên quan đến quyền của các tác giả tham gia quản lý, lãnh đạo và giám sát hoạt động của các tổ chức ĐDTT QTG, điều lệ của cả VLCC và VCPCM đều quy định rằng hội đồng toàn thể, hay hội đồng quản lý do Hội mà các tổ chức này trực thuộc chỉ định : Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhạc sĩ Việt Nam[16]. Riêng các thành viên của RIAV Hiệp hội công nghiêp ghi âm Việt Nam (tổ chức do Bộ Nội vụ quyết định thành lập, trực thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch) có quyền ứng cử vào bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội, giám sát hoạt động của các tổ chức cá nhân có trách nhiệm của Hiệp hội[17]. Như vậy, chính tác giả là những người tham gia vao quản lý,lãnh đạo tổ chức. Hoạt động quan trong nhất của tổ chức ĐDTT QTG là thu phí sử dụng và phân phối lại cho tác giả. Vì vậy các nội dung liên quan đến các hợp đồng, biểu giá, tổng kết doanh thu, thời hạn thanh toán, hình thức thanh toán, các khoản chi cho hoạt động văn hóa và quản lý chung… cần công khai minh bạch. Bên cạnh sự giám sát tài chính của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, Bộ luật Sở hữu trí tuệ Pháp còn quy định cho nhóm thành viên của các tổ chức ĐDTT QTG chiếm ít nhất một phần mười tổng số thành viên (chứ không phải tống số vốn điều lệ) của tổ chức này có thể đề nghị tòa án chỉ định một hoặc nhiều chuyên gia thực hiện báo cáo về một hoặc nhiều giao dịch liên quan đến việc quản lý của tổ chức (Đ L 321-6 Bộ luật SHTT Pháp). C. Hợp tác với các tổ chức ĐDTT QTG thế giới Pháp luật quyền Quyền tác giả Việt Nam không chỉ bảo vệ các tác giả có quốc tịch Việt Nam mà cả các tác giả có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam, tác giả của các tác phẩm công bố lần đầu tiên công bố tại một nước khác nhưng được công bố tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố đầu tiên tại nước khác đó. Hơn nữa Pháp luật Quyền tác giả, quyền liên quan còn bảo vệ các tác giả nước ngoài theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia[18]. Từ đây, nhu cầu thành lập các tổ chức ĐDTT QTG liên kết song phương, đa phương hay toàn cầu hình thành. Thông qua tổ chức có quy mô quốc tế này, các tổ chức ở quy mô quốc gia thỏa thuận chuyển quyền sử dụng các tác phẩm trong mục lục tác phẩm mà mình đại diện ; đàm phán về biểu phí nhuận bút ; thu và trả quyền nhuận bút cho các tác giả nước ngoài khi tác phẩm của các tác giả này được người sử dụng trong nước khai thác ; đồng thời nhận từ tổ chức ĐDTT QTG đối tác khoản nhuận bút giành cho tác giả nước mình khi tác phẩm của các tác giả được khai thác bởi người sử dụng nước ngoài . Sự quản lý tập thể mở rộng này được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại và ngày càng được tăng cường.
  1. Mối quan hệ giữa tổ chức ĐDTT QTG và người sử dụng tác phẩm
Người sử dụng có thể là pháp nhân, cá nhân; có thể xin phép sử dụng một hoặc một số tác phẩm cụ thể, hoặc xin phép sử dụng cả danh mục các tác phẩm mà một tổ chức ĐDTT QTG đang quản lý ; có thể xin phép để mình trược tiếp sử dụng hoặc nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo công chúng (website, các hãng truyền hình…) Tổ chức có nghĩa vụ chuyển nhượng cho người sử dụng tác phẩm nếu tác phẩm nằm trong danh mục quản lý của mình (trừ khi có những lý do có thể chứng minh được như : người sử dụng không đồng ý với mức giá hợp lý định trước, hay người sử dụng có thể làm giảm giá trị tác phẩm (đăng bức tranh, bài hát trên một trang web đen, báo lá cải,…). Theo K2 Đ2 Luật cạnh tranh Việt Nam thì Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ công ích cũng là một trong những đối tượng điều chỉnh của Luật Canh tranh. Trong bất đồng giữa VCPMC và các Đài truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam và Truyền hình cáp Việt Nam VTC), một trong những nguyên nhân đó bất đồng liên quan đến là biểu phí xác định nhuận bút. Tòa án Công lý Cộng đồng Châu Âu (nay là Tòa án công lý Liên minh Châu âu) đã từng ra phán quyết về vấn đề tương tự : một tổ chức ĐDTT QTG của quốc gia thành viên có vị trí thống lĩnh bị coi là đã ấn định các điều kiện giao dịch không cân bằng, khi mà biều phí tổ chức này áp dụng cao hơn nhiều so với biểu phí áp dụng trong các nước thành viên khác, việc so sánh này được tính toán trên những cơ sở đồng đều, tương tự. Người sử dụng phản đối biểu phí này có nghĩa vụ chứng minh. Thêm vào đó, nếu các tổ chức ĐDTT QTG của các nước thành viên kí kết việc ủy quyền qua lại lẫn nhau, thì ủy quyền này có thể trở thành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (phân chia thị trường), ảnh hưởng đến chính sách phát triển thị trường chung Châu Âu, trái với điều 101 Hiệp ước về hoạt động của Liên minh Châu Âu (Điều 95, Hiệp ước Rome cũ, hiệu lực năm 1958, thành lập cộng đồng kinh tế Châu âu) khi có quy định mỗi tổ chức tham gia ủy quyền lẫn nhau này phải từ chối người sử dụng – có quốc tịch hoặc được thành lập từ một quốc gia tham gia thỏa thuận khác – được tiếp cận trực tiếp đến Danh mục tác phẩm do mình quản lý [19]. —– Nhiều chuyên gia về luật cạnh tranh phản đối sự hình thành tổ chức ĐDTT QTG với tính độc quyền của nó vì đã dự liệu trước những bất đồng giữa các tổ chức này với tác giả hay với người sử dụng. Tuy nhiên, so với việc quyền của tác giả bị khai thác một cách trái phép, ngang nhiên bởi người sử dụng – đặc biệt trong bối cảnh thời đại kĩ thuật số phát triển như vũ bão – thì quản lý quyền tác giả, quyền liên quan thông qua tổ chức ĐDTT QTG đảm bảo tính thực thi của quyền tác giả, quyền liên quan, điều này có ý nghĩa hơn là một sự ghi nhận quyền mang tính lý thuyết. Để có được thành công và phát huy đúng vai trò quan trọng của mình, các tổ chức ĐDTT QTG ở Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch trong công tác thu và phân chia nhuận bút cùng các khoản thù lao khác ; tăng cường đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp ; tăng cường trang thiết bị kĩ thuật phần mềm quản lý. Điều này giúp tăng niềm tin của tác giả, người sử dụng. Các cơ quan nhà nước nên tăng cường công tác giám sát tài chính tại các tổ chức này ; ghi nhận cho nhóm tác giả thành viên của tổ chức quyền yêu cầu chuyên gia giám sát hoạt động quản lý của tổ chức, nghiêm khắc xử lý các trường hợp tổ chức hoặc người sử dụng lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền mà ảnh hưởng đến quyền tài sản và quyền định đoạt của tác giả. Khi việc quản lý ĐDTT QTG đã có bước phát triển vững mạnh, ta có thể nghĩ đến việc mở các tổ chức ĐDTT QTG đa năng.

[1] La gestion collective des droits d’auteur et droits voisins (Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan) (http://www.senat.fr/lc/lc30/lc30_mono.html ) [2] TS. Lê Nết, « Quyền Sở hữu trí tuê – tài liệu bài giảng », NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2005. [3] Pr.Silke v. Lewinski, « Doctrine et opinion – La gestion collective obligatoire des droits exclusifs et sa compatibilité avec le droit international et le droit communautaire du droit d’auteur – étude de cas » (Ý kiến và bình luận – Quản lý tập thể quyền tuyệt đối và tính phù hợp của chế định này với Pháp luật quốc tế và Pháp luật Cộng đồng về quyền tác giả)portal.unesco.org/culture/fr/files/19552/11515904971sve_f.pdf/sve_f.pdf [4] Guide sur la gestion collective des droits d’auteurs (Hướng dẫn về quản lý tập thể quyền tác giả) unesdoc.unesco.org/images/0012/001206/120677f.pdf [5] http://vcpmc.org/vcpmc/images/files/1266909143.pdf [6] Bài phát biểu của NS. Phó Đức Phương tại lễ tổng kết hoạt động của VCPMC năm 2009 http://vcpmc.org/vcpmc/297/29/01/2010/bai-phat-bieu-cua-ns-pho-duc-phuong-tai-le-tong-ket-hoat-dong-vcpmc-nam-2009.aspx [7] La gestion collective des droits d’auteur et droits voisins (Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan)(http://www.senat.fr/lc/lc30/lc30_mono.html ) [8] Michel Vivant et Jean Michel Bruguière, « Droit d’auteur », Dalloz, 1ère édition, 2009, paragraphe 856 & 862 (« Quyền tác giả », NXB Dalloz, 2009, mục 856 và mục 862) [9] Alain Berenboom, « Le nouveau Droit d’auteur et les droits voisins », Lacier, deuxième édition, 1997, p319 (« Luật mới về Quyền tác giả và quyền liên quan », NXB Lacier, tái bản lần thứ nhất, 1997, trang 319) [10] La gestion collective des droits d’auteur et droits voisins (Quản lý tập thể quyền tác giả quyền lien quan)(http://www.senat.fr/lc/lc30/lc30_mono.html ) [11] http://vtv.vn/Article/Get/VTV_chi_tra_tien_tac_quyen_quy_4_b8090220c3.html [12] CJCE. 21/03/1974 3BRT/Sabam (127/73)http://eur-lex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri=CELEX:61973J0127%2801%29:FR:HTML [13] IFRRO’s study (International Federation of Reproduction Rights Organisations), “Collective management and its role in the field of reprography”, (Nghiên cứu của Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý quyền sao chép tác phẩm)http://www.ifrro.org/upload/documents/wipo_ifrro_collective_management.pdf [14] Ficsor, “Principles covering the establishment and operation of collective administration”, Forum international de l’OMPI sur l’exercice et la gestion du droit d’auteur et des droits voisins face aux défis de la technique numérique, Séville, 14 – 16 mai 1997, p. 267 (alinéa b) (« Nguyên tắc điều chỉnh việc thành lập và hoạt động quản lý tập thể », Diễn đàn quốc tế của Tổ chức SHTT thế giới về việc quản lý quyền tác giả và quyền liên quan trước thanchs thức của kĩ thuật số, Séville, 14-15 tháng 5) [15] IFRRO’s study (International Federation of Reproduction Rights Organisations), “Collective management and its role in the field of reprography”, nthttp://www.ifrro.org/upload/documents/wipo_ifrro_collective_management.pdf [16] Đ5 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam http://www.cov.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newId=35 Đ16,17 Điều lệ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam http://www.cov.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newId=37 [17] K3, K6 Đ9 Điều lệ Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam http://www.cov.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newId=36 [18] Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật, Hiệp ước hợp tác quốc tế về bằng sáng chế (PCT) năm 1970, Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà xuất bản, ghi âm và tổ chức phát sóng, Công ước Brussel năm 1974 về bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, Công ước Geneve năm 1971 về bảo hộ nhà xuất bản, ghi âm chống việc sao chép không được phép, Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ năm 1997 về thiết lập quan hệ quyền tác giả, Hiệp định Việt Nam – Thụy Sĩ năm 1999 về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 trong khuôn khổ các văn kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). [19] CJCE, 13 juillet 1989, Ministère public contre J.L.Tournier, n° 395/87 (Bản án của Tòa án Công lý Công đồng chung Châu Âu, ngày 13 tháng 7 năm 1989, Bộ công cộng vs. J.L.Tournier, số 395/87)http://www.autoritedelaconcurrence.fr/doc/etudesthema.pdf Danh mục từ viết tắt  
ĐDTT QTG Đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
QTG Quyền tác giả
SHTT Sở hữu trí tuệ
VLCC Vietnam Literary Copyright Center – Trung tâm quyền tác giả văn học
VCPMC Vietnam Center for Protection of Music Copyright – Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
Sách tham khảo Michel Vivant et Jean Michel Bruguière, « Droit d’auteur », Dalloz, 1ère édition, 2009, (« Quyền tác giả », NXB Dalloz, 2009) Alain Berenboom, « Le nouveau Droit d’auteur et les droits voisins », Lacier, deuxième édition, 1997(« Luật mới về Quyền tác giả và quyền liên quan », NXB Lacier, tái bản lần thứ nhất, 1997) TS. Lê Nết, « Quyền Sở hữu trí tuê – tài liệu bài giảng », NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2005.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật