Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán & tội rửa tiền

“Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán”; “sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán” và “rửa tiền” là những tội danh lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật hình sự và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Nếu quí vị là một doanh nhân hoặc quan tâm đến lĩnh vực tài chính, thì đây là những thông tin không thể không biết. Luật sư Trần Hồng Phong giới thiệu : Luật hình sự là văn bản qui định thế nào là những hành vi phạm tội và các hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội đó. Bộ luật hình sự lần gần đây nhất tại Việt Nam ban hành vào năm 1999 cách nay đã hơn 10 năm. Đây là thời điểm Việt Nam mới bắt đầu hình thành nền kinh tế thị trường, chưa có hoạt động kinh doanh chứng khoán. Ngày 20-07-2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán ) chính thức khai trương, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến năm 2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đi vào hoạt động. Ngày 29-6-2006, Quốc Hội thông qua Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1-1-2007. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng trong hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Có thể nói khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh chứng khoán đã và đang diễn ra khá sôi động với đủ sắc thái hỉ nộ ái ố. Tính tới nay đã có trên 100 sàn giao dịch chứng khoán được thành lập và hoạt động. Chỉ số chứng khoán sau vài năm đầu “thẳng tiến” hai năm qua đã biến động theo chiều hướng đi đúng theo qui luật, tức là bám sát “giá trị thật” của chứng khoán. Tuy vậy, có thể thấy việc chỉ số chứng khoán lên - xuống hiện vẫn còn theo tâm lý đám đông, với sự tác động từ rất nhiều kênh – chính thống lẫn tin đồn và nhiều khi hoàn toàn không chính xác. Những sự tác động không theo một luật lệ nào và nằm ngoài sự kiểm soát rõ ràng đã và tác động xấu đến hoạt động đầu tư chứng khoán lành mạnh và cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Tại các nước tư bản, các qui định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính là rất nghiêm ngặt. Chuyện quan chức, nhân viên làm việc tại các sàn chứng khoán bị xử lý về mặt hình sự là điều khá bình thường, tất yếu. ( Xem bài tư liệu cuối bài viết này). Tại kỳ họp tháng 6-2009 vừa qua, Quốc Hội đã bổ sung vào Bộ luật hình sự 3 tội danh mới liên quan đến hoạt động chứng khoán và tội rửa tiền. Chúng tôi xin giới thiệu khái quát dưới đây.   Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán Theo đó, người nào có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán và gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem là phạm tội này. Mức hình phạt có thể lên tới 5 năm và có thể bị cấm hành nghề trong một thời gian. Tuy nhiên, thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” thì hiện luật vẫn chưa qui định cụ thể. Có lẽ sắp tới các cơ quan chức năng (Chính phủ hoặc Tòa án) sẽ có văn bản hướng dẫn về việc này. Tuy nhiên, nhiều khả năng “hậu quả nghiêm trọng” sẽ được “qui đổi” thành giá trị tiền và có lẽ sẽ nằm trong giới hạn tối đa khoảng một đến vài trăm triệu đồng. “Hậu quả” ở đây chính là thiệt hại của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, tổ chức hoạt động chứng khoán, của Nhà nước … ( Xem điều luật cuối bài viết này)   Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán Theo đó, người nào do biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính lớn bị xem là phạm tội này. Hình phạt đối với tội danh này lên đến 7 năm tù và có thể gồm cả hình thức phạt tiền và cấm hành nghề trong một thời gian. ( Xem điều luật cuối bài viết này)   Tội thao túng giá chứng khoán Hành vi “thao túng giá chứng khoán” theo luật hình sự là những hành vi sau : - Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; - Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán. Người nào thực hiện những hành vi có dấu hiệu như trên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thao túng giá chứng khoán”. Hình phạt cáo nhất với tội danh này là 7 năm tù, ngoài ra có thể bị phạt tiền lên tới 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời gian tối đa 5 năm. ( Xem điều luật cuối bài viết này)   Tội rửa tiền “Rửa tiền” là một thuật ngữ không mới trong lĩnh vực tài chính. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên khái niệm và tội danh “rửa tiền” được chính thức đưa vào pháp luật hình sự Việt Nam. Bộ luật hình sự năm 1999 có điều 251 về tội “hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có” thực chất cũng là một dạng của tội rửa tiền nhưng không còn phù hợp, cả về tên gọi lẫn bản chất. Do vậy tội “hợp thức hóa tiền…” nay được thay thế bằng tội “rửa tiền”. Nếu như theo luật cũ, việc “hợp pháp hóa tiền” chỉ đơn giản là “hành vi thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác” thì nay việc xác định thế nào là hành vi rửa tiền đã được bổ sung và cụ thể hơn khá nhiều. Các hành vi sau được xem là dấu hiệu của tội rửa tiền : - Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; - Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; - Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Người phạm tội này sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù, có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. ( Xem điều luật cuối bài viết này) ------------------------------ Tội phạm trong hoạt động chứng khoán quốc tế :   Tỷ phú Mỹ bị bắt vì buôn chứng khoán phi pháp Hãng tin Reuters đưa tin ngày 16-10-2009, tỷ phú Mỹ Raj Rajaratnam, Chủ tịch quỹ đầu tư Galleon Group, đã bị bắt tại thành phố New York vì liên quan tới hàng loạt phi vụ chứng khoán có sử dụng những thông tin mật và các tư liệu nội bộ của các tập đoàn tài chính. Tỷ phú 52 tuổi cùng 5 cộng sự đã bị truy tố về các tội danh mua bán đầu tư và thu lợi bất hợp pháp số tiền lên đến 25 triệu USD. Theo bản cáo trạng, nghi can cùng các cộng sự đã bỏ tiền mua chuộc các nhân viên cao cấp của công ty IBM, Intel... để nắm được những tin tức quan trọng trước khi chúng được công bố, từ đó mua hay bán các cổ phiếu của các công ty trên nhằm kiếm lợi bất hợp pháp. Tờ "Nhật báo phố Wall" (Wall Street Journal) còn cho biết, nhà tỷ phú Mỹ gốc Sri Lanka này, cùng một số đồng hương giàu có, đã cung cấp tiền bạc cho lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil mà Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Với một loạt tội danh, tỷ phú Rajaratnam có thể đối mặt với mức án 200 năm tù giam. Hiện nghi can đã đóng 100 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại chờ ngày ra tòa. Rajaratnam mang hai quốc tịch Mỹ và Sri Lanka, đến Mỹ du học từ nhiều năm trước và tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Rajaratnam thành lập Quỹ đầu tư Galleon Group vào năm 1996 với các chi nhánh ở New York, California, Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ. Quỹ đầu tư Galleon hiện quản lý 7 tỷ USD tiền đầu tư của khách hàng.

Theo tạp chí Forbes, Rajaratnam là người giàu thứ 559 ở Mỹ với số tài sản lên đến 1,3 tỷ USD. Ông đang sống trong một căn nhà trị giá 10 triệu USD ở thành phố New York. --------------------------------------

Qui định của pháp luật :

  Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán 1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính lớn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” ( Điều 181a Bộ luật hình sự )   Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán 1. Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính lớn, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” (Điều 181b Bộ luật hình sự)   Tội thao túng giá chứng khoán 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính lớn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” (Điều 181c Bộ luật hình sự)   Tội rửa tiền 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; g) Thu lợi bất chính lớn; h) Gây hậu quả nghiêm trọng; i) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm: a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” ( Điều 251 Bộ luật hình sự ) (Theo: Ecolaw.vn)  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật