CCID – VCAD - Một thực tế là có sự chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài; yếu hơn về khả năng tài chính; kinh nghiệm thương trường; thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng quản trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, các thủ tục liên quan đến giao dịch M&A còn thiếu minh bạch nên tỷ lệ thành công của các giao dịch này rất thấp.
Trước tháng 7/2006, hoạt động mua lại chưa được thừa nhận là một hình thức đầu tư; do vậy chỉ xuất hiện trong khu vực các doanh nghiệp FDI dưới dạng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ (thường gọi là chuyển nhượng vốn pháp định) của một hay các bên liên doanh cho bên kia hoặc cho một đối tác khác. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực (01/7/2006) và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP (22/9/2006) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư được ban hành; việc chuyển nhượng và mua lại doanh nghiệp mới được chính thức điều chỉnh như một hình thức đầu tư trong hoạt động của nền kinh tế cũng như trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việc mua lại dự án FDI ngày càng phát triển về hình thức và số lượng, và hiện gồm các dạng sau: bên nước ngoài trong liên doanh mua toàn bộ hay một phần vốn góp của bên Việt Nam; một đối tác nước ngoài khác mua lại toàn bộ hoặc một phần vốn góp của phía nước ngoài hoặc của bên Việt Nam hoặc của các bên tham gia liên doanh; một đối tác nước ngoài khác mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp của một nhà đầu tư trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam mua lại cổ phần của bên nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; giao dịch mua lại khi thanh lý doanh nghiệp FDI hết hạn hoạt động hoặc giải thể trước thời hạn. Ở Việt Nam tồn tại các giao dịch mua lại các dự án FDI, và thường xảy ra ở các dự án có quy mô tương đối lớn. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, đến hết năm 2007, đã có 1.092 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 16,9 tỷ USD được điều chỉnh Giấy phép đầu tư với nội dung chuyển nhượng vốn giữa các đối tác. Số dự án có hoạt động mua lại chỉ chiếm chưa đến 13% so với tổng số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng tổng vốn đăng ký của các dự án này chiếm tới gần 20% tổng vốn FDI được cấp phép.
Trong thời gian qua; cùng với hoạt động mua lại (chuyển nhượng) và thay đổi hình thức đầu tư, ở Việt Nam cũng đã diễn ra hoạt động sáp nhập của các doanh nghiệp FDI với tốc độ chậm, số lượng tương đối ít và chủ yếu do hoạt động của các doanh nghiệp có cùng chủ sở hữu (cùng Công ty mẹ ở nước ngoài). Tính đến hết năm 2007, ở Việt Nam mới có gần 50 vụ giao dịch sáp nhập giữa các doanh nghiệp FDI, với tổng giá trị sáp nhập hơn 900 triệu USD. Cho đến nay, hoạt động sáp nhập tại Việt Nam vẫn được xem là một trong những hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp
(theo LuậtDoanh nghiệp 2005); do vậy, không có nhiều đặc điểm chung của các vụ sáp nhập. Tuy nhiên, trong những năm tới, việc sáp nhập được dự đoán sẽ diễn ra theo xu hướng chung của thế giới, trong đó chủ yếu theo các đòi hỏi của thị trường và theo chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.
Như vây, có thể thấy rằng, mặc dù việc mua lại và sáp nhập của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã được pháp luật thừa nhận, nhưng cơ sở trong thời gian tới cần phát triển theo
hướng rõ ràng hơn tạo thủ tục giải quyết các giao dịch đơn giản hơn để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển- góp phần quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"