TIẾP TỤC THỰC THI LUẬT CẠNH TRANH TRONG ĐIỀU KIỆN ĐẤT NƯỚC CHUYỂN MẠNH SANG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ HỘI NHẠP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Bối cảnh ra đời của Luật cạnh tranh Trước năm 1986, nền kinh tế VN là nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp hoàn toàn xa lạ với khái niệm môi trường cạnh tranh và các hành vi cạnh tranh. Kể từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế,  thương mại toàn cầu thì cạnh tranh được thừa nhận là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học công nghệ và xã hội, cạnh tranh công bằng và bình đẳng đóng một vai trò nền tảng trong việc đảm bảo một nền kinh tế thị trường hiệu quả. Trong bối cảnh đó, ngay từ những năm 2000, Luật cạnh tranh đã được Quốc hội và Chính phủ VN đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2005. Có thể nói Luật cạnh tranh được nhiều nước coi là Hiến pháp của nền kinh tế thị trường, cũng là một bước tiến hết sức quan trọng trên lộ trình tìm kiếm cơ chế quản lý kinh tế thích hợp, hoàn thiện và xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử cũng như đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế.   Trước khi Luật cạnh tranh ra đời, một số quy định pháp luật nhằm kiểm soát các hàng vi phản cạnh tranh hay kiểm soát độc quyền ở một số lĩnh vực riêng biệt được quy định rải rác tại một số các văn bản pháp quy như Pháp lệnh giá, Pháp lệnh bưu chính viễn thông, Luật các tổ chức tín dụng, Luật thương mại, Luật điện lực… Tuy nhiên, việc thực thi các quy định trên còn thiếu hiệu quả, một phần do VN chúng ta còn thiếu một khung pháp lý hoàn chỉnh và thống nhất, thiếu một cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, thiếu chế tài xử lý vi phạm. Sự ra đời của Luật cạnh tranh đã phần nào hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử và công bằng đối với tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đất nước. 2. Những nội dung cơ bản của Luật cạnh tranh cần được quán triệt trong cuộc sống để phát triển kinh tế -xã hội của đất nước Luật cạnh tranh là một văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ và khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh, hợp tác bình đẳng trong một khuôn khổ pháp luật chung, điều tiết mặt trái của cạnh tranh bằng cách kiểm soát quá trình dẫn đến vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền của doanh nghiệp, chống các hành vi gây hạn chế cạnh tranh, các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường. Điều này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ tồn tại và phát triển được trước những doanh nghiệp lớn. Đây cũng là một bước thể chế hoá nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng 9: "Cơ chế thị trường đòi hỏi phải hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp, văn minh. Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển…". Với mục tiêu trên, Luật cạnh tranh (gồm 6 Chương, 123 Điều) là một bộ Luật quy định điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, và biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Luật cạnh tranh yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp nhận những cơ chế mới do Luật đặt ra, đồng thời đặt các doanh nghiệp trước những chế tài nghiêm khắc của Luật nếu họ vi phạm. Luật cạnh tranh là văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên hơn so với các văn bản quy phạm pháp luật khác khi giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh, là một văn bản quy phạm pháp luật độc lập áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan quản lý nhà nước. Luật cạnh tranh được ban hành nhằm mục đích sau đây: - Kiểm soát các hành vi gây hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi có thể dẫn đến việc gây hạn chế cạnh tranh (kể cả hành vi của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo thuận lợi ưu đãi cho một (một nhóm) doanh nghiệp hay các hành vi có thể tạo nên một môi trường bất bình đẳng trong cạnh tranh) bao gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vụ trí độc quyền, vị trí thống lĩnh,…đặc biệt khi mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. - Bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của các doanh nghiệp, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. - Tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử cho tat cả các doanh nghiệp bất kể hình thức sở hữu nào. 3. Đánh giá việc thực thi Luật cạnh tranh ở VN trong thời gian qua: Những thành tựu và tồn tại Luật cạnh tranh kể từ khi có hiệu lực đến nay đã được 3 năm. Thời gian thực thi và áp dụng chưa lâu nên khái niệm về Luật cạnh tranh vẫn còn mới đối với nhiều người, kể cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, chưa phải tất cả các cơ quan nhà nước, các ban ngành đều đã nhận thức được đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của Luật cạnh tranh. Tuy vậy, sau 3 năm Luật cạnh tranh có hiệu lực, nhìn một cách tổng thể, nhận thức về vai trò và ý nghĩa của Luật cạnh tranh trong nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực: - Về phía cơ quan nhà nước: Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT) với vai trò quản lý nhà nước về cạnh tranh, đã tích cực chủ động phối hợp và ký thỏa thuận hợp tác với một số cơ quan quản ly nhà nước, đặc biệt là các cơ quan điều tiết ngành như Cục Điều tiết Điện lực, Cục Quản lý Dược, Bộ Bưu chính Viễn thông, Ngân hàng Nhà nước, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Y tế. Các hoạt động phối hợp và hợp tác này nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi Luật cạnh tranh  trong các lĩnh vực chuyên ngành, tạo ra một cơ chế hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước chuyên ngành với Cục QLCT để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan này về Luật cạnh tranh qua đó nâng cao hiệu quả thực thi và áp dụng Luật, phối hợp giải quyết các vụ việc cạnh tranh, tham vấn về chính sách. Có thể nhận thấy rằng nhiều các cơ quan quản lý nhà nước đã nhận thức được ý nghĩa của việc đưa Luật cạnh tranh vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn còn tình trạng có một số các văn bản quản lý nhà nước theo kiểu “mệnh lệnh hành chính” chưa theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh, ví dụ, việc ban hành các công văn chỉ đạo mua một số loại máy tính cụ thể… hay chỉ đạo xử lý một số vụ việc liên quan đến lạm dụng vị trí thống lĩnh hay độc quyền mà “bỏ quên” cơ quan có chức năng giải quyết là Cục QLCT. - Về phía doanh nghiệp: Thực tiễn cho thấy, mức độ nhận thức về Luật cạnh tranh còn chưa đồng đều. Rất nhiều doanh nghiệp chưa hề biết tới Luật cạnh tranh cũng như cơ quan quản lý cạnh tranh. Mức độ lan toả của Luật này đối với doanh nghiệp chưa cao do khái niệm “thực thi luật cạnh tranh” là rất mới đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong một nền kinh tế chuyển đổi và trong các doanh nghiệp chưa hình thành một “văn hoá cạnh tranh”. Để tạo lập được điều này đòi hỏi phải có một quá trình và cần có một khoảng thời gian nhất định. Tuy vậy, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số công ty VN đã tìm hiểu và rất am hiểu về pháp luật cạnh tranh. Các hoạt động kinh doanh của họ có liên quan tới các quy định của Luật cạnh tranh đều được tham vấn với Cục QLCT theo hướng tuân thủ pháp luật cạnh tranh. Khá nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc áp dụng Luật cạnh tranh là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mình trước các hành vi phản cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh. Qua đó, Cục QLCT đã điều tra và xử lý một số việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như đang tiến hành điều tra một số vụ việc hạn chế cạnh tranh. - Có thể thấy rằng xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào Luật cạnh tranh và cơ quan cạnh tranh trong việc hình thành và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đói xử và công bằng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. 4. Một số công việc trọng tâm trong việc thực thi Luật cạnh tranh trong thời gian tới Để Luật cạnh tranh thực sự đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, cần thực hiện một số biện pháp sau đây: - Cần đẩy mạnh công tác phổ biến, truyên truyền về pháp luật cạnh tranh. - Không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, kể cả về mặt số lượng và chất lượng của Cục Quản lý Cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh và Ban thư ký của Hội đồng Cạnh tranh. – Cần đẩy mạnh công tác giám sát thị trường, trên cả phương diện giám sát chính sách và văn bản pháp quy, giám sát hoạt động cạnh tranh và các hành vi cạnh tranh trên thị trường. - Cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý Cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh) cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tham vấn với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan điều tiết ngành và các cơ quan có liên quan và tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra, xét xử vụ việc cạnh tranh. - Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống Pháp luật về cạnh tranh và hoàn thiện bộ máy, thể chế của cơ quan  thực thi Luật cạnh tranh. - Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao nhận thức về Luật cạnh tranh và điều chỉnh hành vi cạnh tranh sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Với những nỗ lực từ cả phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng rằng pháp luật cạnh tranh sẽ được thực thi một cách hiệu quả và góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường và văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại VN.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật