Hộp: Vụ điện kế điện tử Công ty Điện lực TP HCM đã dành hợp đồng mua bán điện kế điện tử cho một số công ty tư nhân mà trong đó có người nhà của Phó Giám đốc Công ty Điện lực (công ty gia đình). Nhưng sau đó, các “công ty gia đình” này đã mua 260.000 điện kế chất lượng kém của Trung Quốc, gắn mác “Sản xuất tại Singapore”, ký kết hợp đồng mua bán giả mạo với một số công ty giả danh ở Singapore, và cuối cùng bán chúng cho Công ty Điện lực với giá hơn nhiều lần.Thực trạng hoạt động của các DNNN đòi hỏi chúng phải tuân theo các quy luật của thị trường. Nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước đều cho rằng, cần phải chuyển tài sản của DNNN cho các nhà đầu tư tư nhân, tức là bằng cách cổ phần hóa[53]. Những tác giả khác như David Dapice khẳng định, mối ưu tiên tối thượng ở đây là phải tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, phát triển những doanh nghiệp hiệu quả dù đó là DNNN, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài[54]. Còn theo kinh nghiệm được đúc kết trên thế giới, cải cách DNNN chỉ thực sự thành công ở những nước áp dụng tất cả các biện pháp có tính tổng thể, hỗ trợ lẫn nhau như tạo môi trường cạnh tranh, thắt chặt kiểm soát ngân sách DNNN, cải cách hệ thống tài chính…[55] Như vậy, dường như chỉ có một chiến lược tổng thể mới mang lại thành công thực sự đối với việc cải cách DNNN. Nói tóm lại, mặc dù khái niệm DNNN theo kiểu Xô viết được du nhập tự nguyện, nhưng nó lại không vận hành một cách suôn sẻ trong môi trường mới. Lý do rất đơn giản: trước hết, bản thân khái niệm gốc cũng chịu thất bại ở trên đất của nó. Thứ hai, triết lý của nó không phù hợp với các nguyên tắc của cơ chế thị trường như đã nói ở trên. Hơn nữa, có vẻ như sự cố gắng kết hợp khái niệm của XHCN về sở hữu và hợp đồng với các nguyên tắc thị trường khó mà thành công, vì bối cảnh mới (thị trường) nhiều lúc bị bỏ qua để ưu ái cho tư tưởng (XHCN). Trong quá trình cải cách DNNN, Việt Nam cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước phát triển như Hàn Quốc[56], Nhật Bản[57], OECD[58]. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn không thể dứt bỏ hẳn với mô hình DNNN kiểu xô viết. Như một số tác giả nhận xét, sau hơn một thập niên tồn tại, mô hình tổng công ty bắt chước một phần mô hình của Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho thấy không phù hợp[59]. Theo các tác giả, mô hình tổng công ty vẫn không giải quyết được vấn đề mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và kinh doanh trong DNNN. Theo chúng tôi, ở đây cần xem xét vấn đề từ chiều ngược lại, nghĩa là: chính sự rắc rối trong mối quan hệ đó (được vay mượn từ mô hình nước ngoài) đã dẫn đến sự thiếu hiệu quả, không phù hợp của mô hình. Như luận điểm của Teubner về các mối ràng buộc chặt chẽ và lỏng lẻo của pháp luật với bối cảnh xã hội, trong trường hợp của DNNN ở Việt Nam, pháp luật có mối ràng buộc chặt chẽ với quan niệm chính trị. Do đó, để cải cách DNNN, Việt Nam không chỉ cần tìm kiếm câu trả lời ở trong các DNNN hay trong các quy định pháp luật, mà còn cần nhìn rộng hơn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ việc tiếp nhận mô hình DNNN kiểu xô viết cũng nhắc nhở rằng, trong quá trình cải cách DNNN hiện nay, Việt Nam cần tránh những hậu quả không đáng có tương tự trong việc tiếp nhận các mô hình của các nước khác. (2) Tiếp nhận có chọn lọc: Luật Công ty của Nhật Bản và Luật Doanh nghiệp của Việt Nam Trái với việc vay mượn máy móc mô hình xô viết nói trên, quá trình tiếp nhận luật công ty nước ngoài có chọn lọc ở Nhật Bản đã diễn ra thành công. Đối với trường hợp Việt Nam, không dễ khẳng định một cách chắc chắn như vậy, nhưng đây là ví dụ thành công nhất ở Việt Nam về tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Trong cả hai trường hợp, các luật được tiếp nhận đã giữ được tinh thần của luật nước ngoài và tinh thần đó đã sống được trong môi trường mới, dù ở mức độ khác nhau. Đồng thời, luật nước ngoài được cải biên cho phù hợp với môi trường mới và tồn tại một cách hòa bình với các tập quán kinh doanh bản địa. (a) Luật Công ty có dễ tiếp nhận? Tương đồng hay khác biệt? Theo quan niệm chung, việc tiếp nhận luật tư diễn ra dễ dàng hơn tiếp nhận luật công: “Các lĩnh vực của luật tư gặp không nhiều cản trở khi muốn thay đổi dưới ảnh hưởng từ bên ngoài”[60]. Luật công ty cũng không phải ngoại lệ, bởi lẽ một lý do luật công ty về cơ bản thuộc luật kinh doanh, mà các quy tắc về kinh doanh thường là giống nhau ở nhiều nước. Dù luật lệ hay hay hệ thống pháp luật nào, kinh doanh có mục đích kiếm lợi nhuận một cách hợp pháp. Do đó, dường như việc tiếp nhận pháp luật công ty không gây ra nhiều những mối quan ngại như các luật khác. Nói chung, các đặc tính thương mại của luật công ty giúp cho nó dễ dàng được chuyển hóa và đồng nhất. Nhờ thế, sự khác biệt giữa các nước trong lĩnh vực này cũng được rút ngắn. Điều này hỗ trợ việc tiếp nhận pháp luật công ty ở Nhật Bản và Việt Nam. Mặt khác, quá trình tiếp nhận pháp luật công ty nước ngoài ở hai nước, nhất là ở Việt Nam, không dễ dàng và đồng nhất như cảm tưởng ban đầu. Ở hai nước đều có những đặc thù về chính trị, kinh tế, văn hóa đã cản trở và tạo nên sự đa dạng của quá trình tiếp nhận[61]. Cả ba yếu tố này đều khác nhau ở từng nước như Nhật Bản và Việt Nam. Như vậy, việc tiếp nhận luật công ty ở Nhật Bản và Việt Nam khiến chúng ta phải xem xét lại quan điểm của Kahn- Freund về “đồng nhất hóa mọi khác biệt đa dạng về văn hóa và kinh tế” trong pháp luật. Trường hợp của Nhật Bản và Việt Nam cho thấy, sự khác biệt có thể tồn tại không chỉ ở những luật “được xây dựng để phân bổ quyền lực ban hành chính sách” (luật công), mà còn cả ở những luật gắn với kinh tế (luật tư). Lập luận này được thể hiện bởi nhiều tác giả. Chẳng hạn, Pistor và cộng sự kết luận rằng, sự nhập khẩu luật công ty “hoàn toàn có thể dẫn đến sự đa dạng, khác biệt lớn chứ không phải sự tương đồng của luật công ty”[62]. Còn theo Gilson và Milhaupt, mặc dù có sự tương đồng bề ngoài về mục đích cải cách quản trị công ty trên thế giới, con đường và đích đến của các cuộc cải cách đó ở bất kỳ hệ thống pháp luật nào cũng được xác định bởi các yếu tố trong nước[63]. Mặt khác, trong khi các khía cạnh nhất định của các cuộc cải cách luật công ty có thể khác nhau ở các nước, dường như triết lý cốt lõi của cải cách là tương tự như nhau. Nói chung, “sự tương đồng mang tính nguyên tắc, nhưng không phải mọi hệ thống pháp luật quốc gia đều có những quy định như nhau về công ty”[64]. (b) Tiếp nhận tinh thần của luật Nói chung, luật công ty ngày càng được coi là tập hợp của các quy tắc có tính bắt buộc hoặc tự nguyện được đưa ra để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh[65]. Mặc dù gặp phải những trở ngại về văn hóa và chính trị, tinh thần này của luật công ty được tiếp nhận ở Nhật Bản và Việt Nam với mức độ khác nhau. Luật công ty của Nhật Bản là sự kết hợp đặc biệt giữa truyền thống luật dân sự của Đức (có một vài yếu tố của Pháp) với luật công ty của Mỹ và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, văn hóa Nhật Bản[66]. Luật Công ty Nhật Bản chủ yếu nằm trong Quyển II của Bộ luật Thương mại 1899 sửa đổi được xây dựng dựa trên Bộ luật Thương mại Đức 1897. Trước Đại chiến thế giới lần II, các đợt sửa đổi trong luật công ty của Nhật Bản vào các năm 1911, 1933, 1938 nhằm đáp ứng những bước phát triển về kinh tế ở Nhật và phản ánh những thay đổi trong luật công ty của Đức[67]. Từ giữa thế kỷ 20, luật công ty của Nhật Bản đã có những thay đổi lớn theo luật công ty của Mỹ[68]. Hai giai đoạn lớn này cho thấy sự thâm nhập của tinh thần luật công ty nước ngoài vào luật công ty Nhật Bản. Còn cuộc cải cách trong hơn thập niên gần đây cho thấy những nỗ lực chuyển sang phong cách quản trị công ty của Mỹ ở Nhật Bản. Nói chung, các luật gia Nhật Bản tin rằng, họ làm việc trong một hệ thống pháp luật về nguyên tắc theo mô hình phương Tây[69]. Về luật công ty của Việt Nam, tác giả John Gillespie đánh giá Luật Doanh nghiệp 1999 “đã tiếp nhận những quy tắc quản trị phương Tây toàn diện”, chủ yếu là các khái niệm của hệ thống Anh-Mỹ[70]. Tuy nhiên, theo ông, sự tiếp nhận triết lý của luật công ty nước ngoài ở Việt Nam dừng lại trên giấy do những khó khăn đặc thù ở đây[71]. Thế nhưng, các tác giả Việt Nam, nhất là những người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo và thực thi của Luật Doanh nghiệp, có ý kiến khác. Ví dụ, theo ông Lê Đăng Doanh, việc thực thi quyền hiến định về tự do kinh doanh được coi là mục đích tối thượng của Luật và được nhấn mạnh trong nhiều quy định của Luật[72]. Đặc biệt, cần lưu ý đến quy định cấm các cơ quan quản lý đòi hỏi các giấy tờ không nêu tại Điều 12 của Luật khi cấp giấy phép. Vấn đề này trở thành trung tâm trong cuộc cải cách luật công ty ở Việt Nam. Các công ty tư nhân sẽ hoạt động trong một thị trường dựa trên pháp luật hay là theo luật chơi của các cơ quan cấp giấy phép- điều này phụ thuộc vào việc vấn đề trên đây được giải quyết thế nào[73]. Lần đầu tiên một đạo luật đã áp đặt giới hạn rõ ràng như vậy đối với các cơ quan quản lý. Bằng cách đó, sự nhũng nhiễu, lạm dụng quyền lực có thể giảm khá đáng kể[74]. Trong bối cảnh Việt Nam, điều này có thể được coi là bước tiến quan trọng tới pháp quyền. Ngoài ra, nhìn thấy trước sự phản kháng của đội quân quan liêu các cấp, một Tổ thực thi Luật Doanh nghiệp được thành lập nhằm thúc đẩy tư tưởng cốt lõi của Luật là bảo đảm tự do kinh doanh. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp 1999 đã tiếp nhận chủ nghĩa trọng thương, một khái niệm rất mới mẻ đối với xã hội Việt Nam. Theo TS Phạm Duy Nghĩa, sự xung đột giữa chủ nghĩa trọng thương kiểu mới và tư duy quyền lực công kiểu cũ đã tạo ra những trở ngại lớn đối với việc thực thi Luật[75]. Dù sao chăng nữa, theo TS Nghĩa, việc tiếp nhận chủ nghĩa trọng thương là thành tựu đáng kể của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói rằng, Luật Doanh nghiệp đã tiếp nhận được tinh thần của luật công ty là thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, khác với Nhật Bản và nhiều nước khác, vấn đề quản trị công ty chưa bao giờ được chú ý đúng mức ở Việt Nam[76]. Điều này có nguyên nhân là bộ máy quan liêu là vật cản rất lớn đối với việc tiếp cận thị trường có thể làm triệt tiêu tinh thần của luật. Do đó, mối ưu tiên hàng đầu là dỡ bỏ vật cản đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp hộ gia đình hoặc cá thể. Các công ty chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 25% vào năm 2004 trong tổng số của khu vực tư nhân[77]; đến giữa năm 2006, trong khi có hộ gia đình kinh doanh có gần 3 triệu thì số lượng công ty là 200 ngàn (Ngân hàng Thế giới, 5/2006). Hơn nữa, quy mô các công ty nhỏ, và nhất là như đã nói, quan hệ gia đình, thân quen truyền thống vẫn có ưu thế hơn so với những khái niệm quản trị công ty hiện đại. Vì lẽ đó, quản trị công ty chưa trở thành vấn đề cấp thiết ở Việt Nam hiện nay. (c) Tiếp nhận pháp luật nước ngoài: thích ứng với bối cảnh mới Chỉ soạn ra luật công ty thì chưa đủ, mà cần phải xem xét những vấn đề liên quan đến môi trường mà luật tồn tại. Các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đều chung quan điểm rằng, luật công ty phản ánh nền văn hóa quốc gia[78]. Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và luật công ty, Licht và cộng sự đề xuất cách tiếp cận pháp luật trong mối quan hệ với môi trường văn hóa của nó[79]. Theo cách tiếp cận này, việc phân tích sự tiếp nhận luật công ty của Nhật Bản và Việt Nam cho thấy, để thành công, cần thích ứng luật với bối cảnh mới. i- Chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng Sự thích ứng không đòi hỏi luật được tiếp nhận nhất thiết phải thay đổi nhiều. Nhưng “ít nhất, sự lựa chọn các phương án của luật phải được dựa trên thông tin đầy đủ”[80]. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, đối với việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài, trước khi thay đổi toàn diện, các bên tham gia và chịu ảnh hưởng của cuộc cải cách đó cần có cơ hội lựa chọn giữa nhiều phương án. Một quá trình nghiên cứu so sánh rộng khắp sẽ mang lại cơ hội đó. Pháp luật của Anh, Pháp, Đức được nghiên cứu kỹ càng và căn cơ, không vì giải pháp tình thế mà hướng đến mục đích lâu dài hơn là hiện đại hoá đất nước Nhật Bản. Quá trình tiếp nhận pháp luật ở Nhật Bản bắt đầu với việc tái tổ chức hệ thống tòa án vào thập niên 1870. Các yếu tố của pháp luật phương Tây được đưa vào “dần dần, từng phần một thông qua án lệ” trước khi ban hành những bộ luật đồ sộ, trong đó có Bộ luật Thương mại với Quyển II về luật công ty. Theo tác giả Chiba, những nguyên nhân sau góp phần làm cho sự tiếp nhận pháp luật ở Nhật Bản thành công: nhiều phương án lựa chọn khác nhau để tiếp nhận; Ngoài việc mời những nhà soạn thảo luật từ Đức và Pháp, nhiều thanh niên Nhật cũng được gửi ra nước ngoài học hỏi để quay về phục vụ cho việc xây dựng hệ thống pháp luật trong nước. Các khoa luật ở các trường đại học được thành lập theo mô hình phương Tây, trước hết phải kể đến khoa luật trường Đại học Tokyo[81]. Những yếu tố này tạo ra mảnh đất cho việc cấy tư duy pháp lý phương Tây vào Nhật Bản sau đó. Còn ở Việt Nam, trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp, Ban soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu toàn diện luật công ty của nhiều nước khác nhau của hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới là châu Âu lục địa và Anh-Mỹ. Mục đích chính là học hỏi càng nhiều càng tốt để tránh những khiếm khuyết không đáng có và chắt lọc những thành tố hợp lý. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyên gia từ Đức, Úc, New Zealand và Mỹ được mời góp ý, tranh luận về luật[82]. Ngoài ra, trước đó Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đã được ban hành từ năm 1990, cho nên các luật gia, luật sư, khối doanh nghiệp đã có thời gian làm quen với những quy định đơn giản hơn trước khi có Luật Doanh nghiệp 1999 toàn diện hơn. ii- Sự tiếp nhận Giai đoạn tiếp theo trong quá trình tiếp nhận là bản thân sự tiếp nhận. Nói chung, người Nhật không hề sao chép một cách cứng nhắc pháp luật nước ngoài, mà luôn tính đến sự tương thích của pháp luật nước ngoài với bối cảnh Nhật Bản. Sự tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở đây diễn ra “có chọn lọc, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của thời cuộc”[83]. Chẳng hạn, sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, khi diễn ra cuộc cải cách pháp luật dưới sự giám sát của người Mỹ, ý kiến của các chuyên gia người Nhật liên quan đến các điều kiện đặc thù của xã hội Nhật thường được chấp thuận trong quá trình soạn thảo và sửa đổi các đạo luật[84]. Người Nhật chọn những tư tưởng, chủ thuyết pháp lý phù hợp nhất với Nhật Bản trong từng lĩnh vực riêng. Như một học giả về Nhật Bản nhận xét, không hề có bí ẩn phương Đông nào trong sự tiếp nhận thành công của Nhật Bản, mà là khả năng của người Nhật tìm ra triết lý ngoại bang phù hợp với văn hoá của họ[85]. Bằng cách này, người Nhật thực sự đã thành công trong việc cấy những tư tưởng pháp lý phương Tây vào mảnh đất Nhật Bản. Luật Công ty của Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Giữa luật công ty của nước này với luật gốc có nhiều điểm khác biệt đáng kể[86]. Chẳng hạn, quản trị công ty ở Nhật Bản khác nhiều so với ở Đức và Mỹ là hai nước Nhật Bản tiếp nhận luật công ty. Hệ thống Nhật Bản được coi là gắn với ngân hàng và mối quan hệ thân quen; hệ thống của Đức gắn với ngân hàng; còn của Mỹ hướng đến thị trường (chứng khoán)[87]. Có lẽ sự khác biệt này xuất phát từ việc thích ứng với bối cảnh ở Nhật Bản. Một mặt, như Haley nhận xét, xu hướng quan hệ cộng đồng trong giới công nghiệp Nhật Bản là do sự thích nghi của những khuôn mẫu làng quê truyền thống trong đời sống chính trị và kinh tế Nhật Bản đối với những thiết chế mới du nhập của phương Tây[88], (nhưng không phải ngược lại). Mặt khác, các yếu tố truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong quản trị công ty ở Nhật Bản. Ngay trong quá trình cải cách quản trị công ty hiện nay, khi có xu hướng chuyển sang mô hình Mỹ, quản trị công ty vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của các quy phạm xã hội[89]. Điều này vừa có thể là vật cản đối với cải cách[90], nhưng trong nhiều trường hợp cũng có thể tăng cường hiệu quả quản trị công ty[91]. Còn ở Việt Nam, khác với phương Tây, về mặt truyền thống chưa bao giờ tồn tại các thương gia và doanh nhân với tư cách là một nhóm xã hội[92]. Sau đó, chính sách thực dân của Pháp và thời hành chính bao cấp cũng chưa bao giờ tạo mảnh đất cho kinh doanh phát triển. Hơn nữa, tâm lý xã hội cũng chưa coi trọng giới doanh nhân, chưa sẵn sàng để ban hành một đạo luật toàn diện. Trong một bối cảnh như thế, việc tiếp nhận luật công ty ở Việt Nam theo xu hướng tiến dần từng bước. Có lẽ vì thế mà vào năm 1990 chỉ có tỷ lệ nhỏ các ĐBQH muốn thông qua một đạo luật công ty toàn diện. Cuối cùng, mặc dù các nhà soạn thảo có xu hướng cách tân đã cố gắng hết sức, nhưng Quốc hội đã thông qua phương án rất đơn giản của Luật Công ty chỉ với 34 điều làm nền cho việc ra đời Luật Doanh nghiệp 1999. Sau đó 6 năm, Luật Doanh nghiệp tiếp tục được thích ứng với bối cảnh dưới hình hài của Luật Doanh nghiệp thống nhất năm 2005. Trong quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999, vì tính đến bối cảnh Việt Nam, những phương án về một đạo luật công ty phức tạp, đồ sộ như Luật Công ty của Úc với hơn 1000 điều đã không được chấp nhận. Các nhà soạn thảo lập luận rằng, nền kinh tế đang trong thời chuyển đổi, vì vậy một đạo luật quá chặt chẽ cụ thể sẽ hạn chế sự linh hoạt đang cần lúc này. Một số chuẩn mực được coi là thông dụng ở các nước phát triển đã được đưa ra khỏi dự luật vì không phù hợp với các điều kiện trong nước. Chẳng hạn như yêu cầu các hiệu sửa móng tay, móng chân, hiệu cắt tóc phải qua một khóa đào tạo trước khi hành nghề và phải có giấy phép mới được hành nghề được coi là thiếu thực tế[93]. (d) Tiếp nhận pháp luật: sự chung sống của pháp luật và tập quán kinh doanh Cuối cùng, tư duy pháp lý nước ngoài và tập quán pháp lý truyền thống ở Nhật Bản cùng chung sống với nhau và bổ sung cho nhau. Trước hết, như Chiba nhận xét, các quy phạm xã hội được hoà quyện vào hệ thống pháp luật phương Tây mới được du nhập[94]. Các nhà nghiên cứu khác như Oda cũng khẳng định đặc điểm này, khi ông cho biết, các nhà lập pháp thời đó đã chú ý đến các tập quán truyền thống của Nhật Bản, nhất là các tập quán thương mại[95]. Mặt khác, các Bộ luật lớn của Nhật Bản đã được cải biên đề dành một khoảng trống nhất định cho tập quán, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Wigmore, một nhà nghiên cứu cải cách pháp luật ở Nhật Bản dưới thời Minh Trị đã kết luận rằng các Bộ luật lớn của Nhật Bản không hề mâu thuẫn với tập quán hiện hành[96]. Chẳng hạn, quy định của Bộ luật Thương mại về trách nhiệm đối với bên thứ ba của giám đốc công ty tồn tại song song với tập quán thông dụng về sự bảo đảm cá nhân của chủ tịch hội đồng quản trị đối với khoản nợ của công ty[97]. Một ví dụ thú vị khác là Hiệp hội Sumo Nhật Bản hoạt động như một công ty[98]. Hiệp hội áp dụng các quy định pháp luật và các quy phạm xã hội một cách rất đơn giản: nếu áp dụng quy định pháp luật có lợi hơn thì áp dụng pháp luật, còn nếu áp dụng quy phạm xã hội có lợi hơn thì áp dụng quy phạm xã hội. Đối với Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều chia sẻ quan điểm, pháp luật không thể thay thể hết các quy phạm xã hội đã tồn tại hàng thế kỷ trong xã hội nông nghiệp Việt Nam[99]. Xã hội Việt Nam theo truyền thống dựa trên các mối quan hệ gia đình và thân quen. Do đó, mặc dù đã tiếp nhận các quy phạm quản trị công ty của phương Tây, phương thức quản lý kiểu gia đình vẫn chiếm ưu thế trong nhiều công ty. Các mối quan hệ nội bộ chủ yếu vẫn theo kiểu cha-con, anh-em, già-trẻ. Các mối ưu tiên của công ty ở một mức độ nhất định vẫn nghiêng về đáp ứng các mục tiêu “tập thể” có thể tổn hại lợi ích cổ đông. Các quy phạm xã hội thay thế hệ thống tòa án: trong vận hành công ty hàng ngày, người Việt Nam có thể sử dụng và đã sử dụng thành công các quy phạm xã hội, niềm tin thay cho cơ chế giải quyết tranh chấp của toà án và những cơ chế thông dụng khác ở phương Tây, một phần vì không muốn làm mất mặt nhau chẳng hạn[100]. Tuy nhiên, sự phát triển kinh doanh và mở rộng giao dịch thương mại ra khỏi lũy tre làng, địa giới của tỉnh và bờ cõi đất nước đã đòi hỏi phải áp dụng những quy định và thiết chế chính thức về công ty, giải quyết tranh chấp, hợp đồng… Nói chung, thách thức ở đây là làm sao tận dụng ưu thế của cả quy định pháp luật chính thống và quy phạm xã hội truyền thống trong việc điều chỉnh quan hệ kinh doanh. Phần III TIẾP NHẬN: TỪ TRÊN XUỐNG VÀ TỪ DƯỚI LÊN Phần này sẽ chứng minh luận điểm đã nêu ở Phần Một về các chiều kích trong tiếp nhận pháp luật nước ngoài là chiều trên xuống và chiều dưới lên. Để làm điều này, phần này sẽ phân tích hai ví dụ đối nghịch nhau. Luật DNNN và cải cách DNNN không thành công, một phần vì thiếu sự nhận thức, thông hiểu, ủng hộ và nhu cầu của người thụ hưởng, cũng như gặp phải sự phản kháng đáng kể từ một số chủ thể. Trong khi đó, việc tiếp nhận luật công ty ở Nhật Bản và Việt Nam mặc dù cũng gặp phải sự phản kháng, nhưng lại thành công vì nhận được cả sự cam kết từ trên xuống và sự ủng hộ, nhu cầu từ dưới lên. Nhận định này dẫn đến kiến nghị tiếp theo về việc chú trọng vai trò của chiều dưới lên trong quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài. (1) Sự cam kết từ trên xuống Cuộc tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở Nhật Bản nhận được cam kết mạnh mẽ, nhất quán từ trên xuống của lãnh đạo đất nước. Nhật Bản cuối thế kỷ 19 phải chấp nhận những điều kiện bất bình đẳng trong quan hệ với các nước phương Tây, đứng trước nguy cơ bị biến thành thuộc địa của phương Tây như các nước láng giềng. Trước tình thế đó, chính phủ Nhật Bản xác định chỉ có canh tân đất nước mới có thể đưa Nhật Bản đứng ngang hàng với ngoại bang[101]. Muốn thế, không thể thiếu một hệ thống pháp luật hiện đại theo hình mẫu phương Tây (cụ thể là luật của Pháp và của Đức vốn cùng một hệ thống luật lục địa châu Âu, có gốc chung là luật La Mã) và phù hợp với bối cảnh Nhật Bản. Hầu như tất cả các nhân vật chủ chốt đều chia sẻ sự đồng tình với mục tiêu này. Sau khi cái đích lớn đã được xác định, Chính phủ Nhật Bản bắt tay vào thực hiện hàng loạt công việc tiếp theo trên mọi bình diện[102]. Cũng như thế, sau khi chính phủ phát xít đầu hàng năm 1945, cuộc cải cách pháp luật toàn diện cũng được khởi đầu từ trên xuống dưới áp lực của quân đồng minh[103]. Lần này sự tiếp nhận pháp lụât nước ngoài hướng về nền pháp luật Anh- Mỹ, chủ yếu là tiếp nhận các yếu tố pháp lý của Mỹ. Cuộc cải cách này đã “kích hoạt” những thay đổi quan trọng liên quan đến 203 trong số 450 điều trong Quyển II của Bộ luật Thương mại dẫn đến tăng cường quyền của cổ đông và trách nhiệm của giới quản lý công ty. Ở Việt Nam, từ khi khởi xướng Đổi Mới, nhất là từ thập niên 1990, lãnh đạo đất nước đã có những cam kết rõ ràng về vai trò của khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế. Những cam kết đó ngày càng được thể hiện rõ hơn trong chính sách, pháp luật liên quan. Ví dụ rõ nhất là lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001. Tiếp đó, như một số tác giả nhấn mạnh, bước đột phá trong cách tiếp cận của nhà nước đối với khu vực tư được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005. Có lẽ việc thành lập Tổ công tác thực thi Luật Doanh nghiệp là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Các cuộc gặp gỡ hàng năm của Thủ tướng với doanh nghiệp, ngày Doanh nhân 13/10 cũng là những ví dụ về cam kết của chính phủ đối với doanh nghiệp. (2) Sự ủng hộ từ dưới lên (a) Cải cách DNNN: Thiếu sự ủng hộ rộng rãi Một trong những nguyên nhân then chốt cản trở quá trình thực thi Luật DNNN và cải cách DNNN là thiếu sự thông hiểu ở phạm vi và tầm quốc gia về mục đích của Luật và cải cách, và ít có nhu cầu đối với Luật. Theo một số tác giả, Luật DNNN 1995 được xây dựng và ban hành để đáp ứng điều kiện do WB đặt ra khi cho vay tái cấu trúc[104]. Điều này cho thấy Luật ra đời do sức ép từ bên ngoài chứ không phải xuất phát từ nhu cầu nội tại. Hơn nữa, trong quá trình soạn thảo, cộng đồng doanh nghiệp, khu vực tài chính rất ít được tham vấn. Như vậy, một lần nữa, nhu cầu từ dưới lên không được tính đến khi xây dựng luật. Quan trọng hơn, như đã lập luận tại Phần Hai, quan niệm về DNNN và Luật DNNN không thích hợp để đáp ứng những mong đợi của một xã hội chuyển đổi đang cố gắng chuyển sang nền kinh tế thị trường. Luật này có vẻ giống một vật trang trí hơn là công cụ điều chỉnh hành vi hiệu quả. Hơn nữa, các nhóm lợi ích còn sử dụng tư tưởng của Luật về “vai trò chủ đạo”, “sở hữu nhà nước”… như một tấm bình phong để hưởng lợi. Do nguyên nhân này, trong xã hội cũng thiếu sự ủng hộ và nhu cầu đối với Luật. (b) Tiếp nhận luật công ty: sự ủng hộ mạnh mẽ từ dưới lên Khác với việc tiếp nhận những quan niệm, quy định về DNNN ở Việt Nam, trong trường hợp luật công ty ở Nhật Bản và Việt Nam, việc tiếp nhận không những không gặp phải trở ngại nào từ dưới lên, mà còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ. Ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, mục đích tiếp nhận pháp luật nước ngoài vì canh tân đất nước đã nhận được sự ủng hộ của những người dân bình thường nhất[105]. Nhờ vậy, rào cản tâm lý đối với việc tiếp nhận tư duy pháp lý ngoại quốc được giảm thiểu, pháp luật phương Tây du nhập vào đất Nhật một cách trơn tru, không gặp sự phản kháng đáng kể nào trong xã hội. Điều thú vị là ngay cả sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, khi hình mẫu pháp luật Mỹ được đưa vào Nhật dưới áp lực của quân đồng minh (thực ra là áp lực của Mỹ), nó vẫn được đông đảo dân chúng đón nhận một cách tự nguyện[106]. Có thể là mối ác cảm với chế độ phát xít đã góp phần lớn tạo nên sự chào đón này. Một lần nữa, giống như cuối thế kỷ 19, cuộc tiếp nhận pháp luật phương Tây lần hai lại không gặp sự phản kháng trong xã hội và dễ dàng bắt rễ trong đất Nhật, trong đó có việc chuyển sang mô hình của Mỹ trong luật công ty. Như vậy, kinh nghiệm Nhật Bản chứng minh rằng, tiếp nhận pháp luật nước ngoài khởi đầu từ trên xuống, có thể tự nguyện, có thể dưới áp lực bên ngoài, có thể bị bắt buộc, nhưng không thể thiếu sự ủng hộ và đón nhận rộng rãi từ dưới lên trong xã hội. Thậm chí nhiều lúc chiều dưới lên này còn đóng vai trò then chốt hơn cả chiều trên xuống. Còn ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 1999 đã được đón nhận nhiệt thành trong xã hội. “Đó là sự khích lệ lớn đối với tôi khi bước chân vào thương trường, thành lập doanh nghiệp vào tuổi ngũ tuần…Luật Doanh nghiệp giống như bà đỡ đối với những đứa trẻ doanh nghiệp sơ sinh”[107]. Những lời này của một người trong cuộc đã nói giùm rất nhiều về nhu cầu của xã hội đối với một đạo luật về doanh nghiệp. Đối với những người hay ngờ vực, các con số có thể chứng minh rõ hơn: từ năm 2000 đến 2004 đã có gần 90 ngàn doanh nghiệp tư nhân được thành lập tức là gần gấp đôi số doanh nghiệp ra đời 9 năm trước đó kể từ khi có Luật Công ty; còn đến năm 2007, đã có khoảng 300 ngàn doanh nghiệp ra đời nhờ Luật Doanh nghiệp[108]. Trong bối cảnh Việt Nam với truyền thống công ty nghèo nàn, có thể nói, Luật Doanh nghiệp đã “kích hoạt”-nói theo cách của Teubner – sự phát triển của khu vực tư. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn thảo Luật, công chúng rộng rãi, nhất là cộng đồng doanh nghiệp đã được tham gia góp ý và được phản hồi một cách thực chất[109]. Nhờ đó đã đạt được sự đồng thuận và nhận thức, sự thông hiểu, ủng hộ trong xã hội đối với Luật. Các tác giả trong và ngoài nước đều cho rằng, quá trình tham vấn này là “bước ngoặt quan trọng trong trong quan hệ giữa chính phủ và khối doanh nghiệp”[110]. Như đã nói, các ý kiến, kinh nghiệm của các nước cũng đã được nghiên cứu, tiếp thu một cách chọn lọc. (3) Sự phản kháng từ một số chủ thể (a) Cải cách DNNN: Phản kháng từ một số bộ ngành và giới quản lý Một số ý kiến cho rằng, các DNNN không chịu áp lực của thị trường phải hoạt động có hiệu quả, mà phải chịu áp lực đáp ứng những mục đích khác với tính hiệu quả[111]. Các DNNN có thể phải đáp ứng những mục đích cá nhân nhiều khi gây xung đột lợi ích. Hoặc việc trợ cấp thường được biện hộ bởi những mục đích xã hội hợp pháp, nhưng trên thực tế, các DNNN được sử dụng để đáp ứng các lợi ích ngành, địa phương; hoặc ban phát quyền lợi cho một số bên có nhu cầu một cách thiếu minh bạch. Do “nước đục” như vậy trong DNNN, các nguồn lực công khổng lồ như tiền, đất đai, quyền lực công đã tập trung trong tay một số nhóm trong các DNNN và xung quanh các doanh nghiệp đó. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi các loại “cò béo” đã phản kháng kịch liệt (mặc dù âm thầm) đối với cải cách DNNN, vì nếu cải cách đi đúng tiến độ, họ sẽ mất các nguồn lực đó[112]. Kết quả là, như một tác giả nhận xét, việc thay đổi hình thức sở hữu những năm gần đây diễn ra chủ yếu ở những DNNN không còn khả năng mang lại lợi ích cho các nhóm này; hoặc ở những DNNN mà sự thay đổi sẽ mang lại lợi ích cho họ[113]. Mặt khác, tình trạng sở hữu thiếu rõ ràng trong DNNN, khi các chức năng quản lý hành chính lẫn với quản trị kinh doanh, đã dẫn đến cái gọi là “độc quyền hành chính”. Dưới cái ô “độc quyền hành chính”, DNNN nhận được lợi thế nhờ sự ưu ái, bảo trợ của các cơ quan hành chính, chứ không nhờ khả năng cạnh tranh của mình[114]. Các cơ quan chủ quản của DNNN gồm các bộ ngành và chính quyền các tỉnh/thành một lúc vừa là nơi ban hành chính sách, vừa là nơi thực hiện, chủ sở hữu và nhà quản lý kinh doanh. Cả DNNN và các cơ quan chủ quản đều được hưởng lợi nhiều từ tình trạng độc quyền hành chính này, có mối quan hệ rất mật thiết với nhau và liên kết thành liên minh rất hùng mạnh. Chính đây là một trong những cản trở đối với cải cách DNNN trong hơn 10 năm qua. Chẳng hạn, vào năm 2003, dự thảo Luật DNNN sửa đổi có quy định về việc tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi quản trị kinh doanh, nhưng cuối cùng, phương án mà Quốc hội thông qua lại không có quy định này. Nguyên nhân có lẽ cần tìm ở sự phản kháng của các bên có quyền lợi từ việc giữ nguyên cơ chế cũ. (b) Luật Doanh nghiệp: Sự phản kháng từ các cơ quan hành chính Như đã nói, loại bỏ các giấy phép con là một trong những mục đích chính của Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, đây lại là nguồn lợi lớn của nhiều cơ quan hành chính. Hơn nữa, theo truyền thống, pháp luật vẫn được coi là công cụ để nhà nước quản lý hiểu theo nghĩa kiểm soát chặt chẽ, chứ không phải tạo điều kiện phát triển. Bởi vậy, điều dễ hiểu là trong quá trình soạn thảo, các cơ quan hành chính đã tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành luật này[115]. Không những thế, sự phản kháng của các cơ quan hành chính tiếp tục diễn ra sau khi Luật Doanh nghiệp đã được ban hành trong quá trình thực thi. Như ông Lê Đăng Doanh nhận xét một cách bi quan, cho đến nay, Luật Doanh nghiệp vẫn chỉ là “bước đột phá duy nhất” trong các đạo luật đã ban hành[116]. Các cơ quan hành chính tiếp tục ban hành các quy định nặng về kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế hơn là khuyến khích kinh doanh. Giấy phép con được biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau, và “cuộc chiến chống giấy phép con”, “hành trình gian nan của Luật Doanh nghiệp” là những cụm từ phổ biến khi nói về tình trạng này. Không những thế, hiệu ứng tích cực của Luật Doanh nghiệp còn bị hạn chế bởi “độc quyền hành chính” như đã nói, khi các doanh nghiệp dân doanh gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng, nhận cô ta, đấu thầu… (c) Cải cách quản trị công ty ở Nhật Bản: sự phản đối từ doanh nghiệp Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ở Nhật Bản đang diễn ra cuộc cải cách luật công ty sâu rộng[117]. Tuy nhiên trong thực tiễn quản trị công ty ở Nhật lại ít có sự thay đổi. Như một tác giả ví von, “luật chơi đã thay đổi; nhưng cuộc chơi có thay đổi theo hay không thì câu hỏi vẫn bỏ ngỏ”[118]. Tại sao lại như vậy? Theo Mihaupt, những luật chơi đã thay đổi chỉ tăng quyền lực của giới quản lý công ty, nhưng không đảm bảo chắc chắn quyền lợi của cổ đông. Các cổ đông có thể hưởng lợi, nhưng có thể không được gì từ những thay đổi của luật, vì điều này phụ thuộc vào “lòng tốt” của giới quản lý có bảo vệ cổ đông hay là chỉ lo đến quyền lợi của mình[119]. Hơn nữa, các nhóm lợi ích kinh doanh hùng mạnh đã được lợi từ cấu trúc quản trị truyền thống thậm chí chấp nhận giảm hiệu quả kinh tế tổng thể để duy trì vị thế của mình[120]. Các nhóm lợi ích này đại diện cho quyền lợi của giới quản lý công ty “ngày càng có tiếng nói nhiều hơn” trong quá trình ban hành các quy định về công ty[121]. Chính vì vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp về việc bắt buộc tất cả các công ty phải thay đổi mô hình quản trị đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả là, do sự vận động hành lang của họ đã ra đời phương án thỏa hiệp. Theo đó, lần sửa đổi năm 2002 của Quyển II, Bộ luật thương mại Nhật Bản cho phép hơn 3500 công ty lớn của Nhật Bản từ tháng 4/2003 được lựa chọn mô hình quản trị công ty: hoặc vẫn giữ nguyên mô hình khép kín truyền thống, hoặc chuyển đổi sang mô hình Mỹ hướng đến lợi ích cổ đông nhiều hơn[122]. Tuy nhiên, sau một năm, thậm chí theo phương án được lựa chọn, chỉ có 75 trong số 3500 công ty chuyển sang mô hình Mỹ, vì ít có vị giám đốc Nhật nào muốn trao những quyền hành quan trọng như đề cử thành viên hội đồng quản trị cho người ngoài theo cách làm của người Mỹ. Ngoài ra, theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân cản trở việc chuyển sang mô hình của Mỹ nằm ở tâm lý. Mô hình quản trị truyền thống đã ăn sâu trong trí não người Nhật trong thế kỷ 20, cho nên khó có thể bỏ được cách suy nghĩ đó trong vài tháng, vài năm[123]. Hơn nữa, giữa người Nhật và người Mỹ từ lâu đã diễn ra sự cạnh tranh, trong đó có ganh đua mô hình quản trị của ai “tốt hơn”. Mặc dù người Nhật có thế mạnh và mong muốn học hỏi người ngoài, nhưng ở mức độ nào đó, các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy không thoải mái khi phải tiếp nhận mô hình của đối thủ cạnh tranh người Mỹ. Có lẽ ở đây diễn ra điều mà Watson gọi là “giá trị tâm lý của việc có cho bằng được hệ thống pháp luật của ta”[124]. Mượn ý của Watson, phải chăng người Nhật muốn duy trì cho bằng được cơ chế quản trị công ty của mình? Phần IV TIẾP NHẬN LIÊN TỤC: PHẢN ỨNG TRƯỚC NHỮNG THAY ĐỔI Trong trường hợp của Nhật Bản và Việt Nam trên đây, mượn lời của Teubner, có vẻ như việc tiếp nhận đã “kích hoạt” hàng loạt sự thay đổi cả trong hệ thống pháp luật được tiếp nhận và trong xã hội mà hệ thống đó là một phần[125]. Tuy nhiên, để sự thay đổi tiếp tục diễn ra, cần có một số điều kiện như tính liên tục và một môi trường thuận lợi rộng lớn hơn. (1) Tiếp tục cải cách-tiếp tục tiếp nhận Như đã nói, theo Legrand, bối cảnh trong nước làm cho việc tiếp nhận pháp luật ở các quốc gia không thể diễn ra[126]. Cải cách pháp luật thường gắn với tiếp nhận pháp luật (ít nhất là ở Việt Nam), cho nên những ai phản đối cải cách pháp luật có thể sử dụng luận điểm của Legrand để lấy cớ trì hoãn cải cách, và trên thực tế họ đã làm như vậy ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh tại các phần trước rằng việc tiếp nhận cần tính đến bối cảnh trong nước. Nhưng không vì bối cảnh mà tổn hại đến “tính cạnh tranh” của một nền pháp luật[127]. Như đã nói, pháp luật gắn liền với xã hội mà nó tồn tại trong đó. Trong khi đó, xã hội luôn phát triển, ngay cả khi chúng ta nghĩ nó đang đình trệ. Bởi vậy, việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài không bao giờ đứng yên một chỗ, mà luôn luôn động, liên tục, có khả năng phản ứng trước những thay đổi mới diễn ra. Chẳng hạn, liên quan đến Nhật Bản, quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở nước này cho đến hiện nay vẫn tiếp diễn. Đó là một quá trình động, liên tục. Lấy lĩnh vực luật công ty làm ví dụ. Như đã nói, thập niên 1990 và những năm đầu thế kỷ 21 chứng kiến một cuộc cải cách lớn nhất trong luật công ty Nhật Bản hơn thế kỷ qua kể từ khi được ban hành[128]. Những kết quả cải cách đã được tập trung thể hiện trong Luật Công ty mới có hiệu lực từ năm 2006 tập hợp tất cả các quy định về công ty[129]. Các nhà nghiên cứu nhận định, những nguyên nhân sau đã dẫn đến cải cách: Thứ nhất, Bộ luật Thương mại có những quy định thiếu thực tế, cứng nhắc về tài chính doanh nghiệp và cơ cấu tổ chức công ty có thể cản trở những cuộc cải cách cần thiết[130]. Thứ hai, ngày càng có nhiều bên được tham gia vào quy trình ban hành các quy định về công ty: ngoài Bộ Tư pháp như trước đây còn có cộng đồng doanh nghiệp liên minh với các chính trị gia, và Bộ Kinh tế, Thương mại và Đầu tư. Do đó, những thay đổi trong lĩnh vực này ngày càng mang tính chất “theo nhu cầu”, chứ không “áp đặt chính sách” như đối với các lần sửa đổi trước trong hơn một thế kỷ qua[131]. Ngoài ra, sức ép bên ngoài, nhất là của các chính trị gia, giới kinh doanh, và giới hàn lâm của Mỹ cũng thúc đẩy cải cách luật công ty ở Nhật Bản[132]. Những nguyên nhân này cho thấy, cải cách luật công ty ở Nhật Bản là sự phản ứng đối với những điều kiện mới diễn ra trong thực tiễn. Mặc dù trên thực tế, như đã nói, do sự phản kháng của giới quản lý cao cấp, nền tảng quản trị công ty của Nhật Bản không thay đổi nhiều như mong muốn, nhưng một khuôn khổ thiết chế chính thức đã được thiết lập sẵn sàng cho những thay đổi tiếp theo. Ở Việt Nam, sau 5 năm tồn tại, Luật Doanh nghiệp 1999 tiếp tục được sửa đổi để thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống, nhất là trong điều kiện thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng tăng. Quá trình tham vấn đã bắt đầu từ đầu năm 2004 và diễn ra suốt trong quá trình soạn thảo trên khắp cả nước[133]. Bên cạnh đó, việc đánh giá dự báo tác động (RIA) của luật cũng lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam đối với dự luật này[134]. Tham vấn và RIA cho thấy, Việt Nam đã không chỉ tiếp nhận nội dung, mà còn tiếp nhận cách xây dựng một đạo luật theo thông lệ ưu tú trên thế giới. Mối quan tâm chính lần này của các nhà cải cách là tạo ra sân chơi bình đẳng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp[135]. Theo đó, DNNN chỉ có 4 năm đến năm 2010 phải chuyển đổi hình thức hoạt động sang công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần và không còn được hưởng ưu ái. Tuy nhiên, tiến độ chậm chạp trong việc cổ phần hóa hơn 10 năm qua khiến phải nghi ngờ liệu các DNNN có kịp chuyển đổi trong thời hạn này không. Luật doanh nghiệp 2005 tiếp tục tái khẳng định chức năng của Chính phủ là thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tôn trọng các quy tắc quản trị, thỏa thuận và quyết định trong nội bộ doanh nghiệp. Với luật này, Chính phủ kỳ vọng nâng mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp lên một nấc mới. Mục tiêu thứ ba của Luật Doanh nghiệp 2005, theo Ban soạn thảo, là hoàn thiện quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, như lần trước, trong quá trình tham vấn công chúng năm 2004-2005, cũng như trong khi Quốc hội thảo luận tại hội trường cuối năm 2005, vấn đề quản trị doanh nghiệp ít được chú ý[136]. Đặt trong bối cảnh Việt Nam với một nền quản trị doanh nghiệp sơ khai, đây là điều dễ hiểu, nhưng nó cũng đặt ra nhu cầu phải tiếp nhận sâu hơn về các vấn đề như các quy tắc quản trị doanh nghiệp; cơ cấu quản trị doanh nghiệp; bảo vệ nhà đầu tư; công khai thông tin; chế độ kế toán và kiểm toán… Bàn về sự thay đổi, phát triển của pháp luật ở Việt Nam và Nhật Bản, có thể viện dẫn một luận điểm khá thú vị về “cạnh tranh trong đổi mới pháp luật” của Pistor và cộng sự[137]. Theo quan sát của các tác giả này, những hệ thống pháp luật nào đã thúc đẩy quá trình thích ứng của doanh nghiệp, đồng thời làm cho doanh nghiệp có khả năng đáp ứng những yêu cầu pháp lý mới, hệ thống đó tỏ ra thành công hơn. Chẳng hạn, ở châu Âu trước thế kỷ 19, các công ty mới ra đời muốn được công nhận là pháp nhân độc lập và được bán cổ phiếu ra ngoài thì cần phải có sự đồng ý của cơ quan công quyền (gọi là chế độ cấp phép- concession system).Cuối thế kỷ 19, nước Anh đã bỏ chế độ này. Nhờ đó, các công ty của Anh đã nở rộ và bành trướng sang lục địa Âu châu, đe doạ số phận của các công ty bản địa ở đấy, trong đó có Pháp và Đức. Đứng trước nguy cơ đánh mất tính cạnh tranh của các công ty Pháp và cũng là của cả nền kinh tế, nước Pháp đã bỏ chế độ đăng ký cấp phép và chuyển sang đăng ký tự do. Sau đó ít lâu nước Đức cũng đi theo Anh và Pháp[138]. Ví dụ này cho thấy, giống như doanh nghiệp, hệ thống pháp luật cũng cần phải có tính cạnh tranh. Hệ thống pháp luật nào mà năng động, phản ứng nhanh nhạy trước đòi hỏi của thời cuộc thì cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế và cả xã hội ở nước đó được nhờ. Ngược lại, hệ thống pháp luật nào tỏ ra ù lỳ, chậm đổi mới thì sẽ gây thiệt hại không ít cho từng thực thể kinh tế và nền kinh tế nói chung. Luận điểm trên đây cũng thích hợp với trường hợp Việt Nam. Điểm xuất phát của doanh nghiệp Việt Nam không thuận lợi như mong muốn do các nguyên nhân đã nói. Do vậy, trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần sự phản ứng nhanh nhạy về tư duy chính sách của các nhà lập pháp, Chính phủ, tòa án, giới luật gia, giới nghiên cứu[139]. Tính cạnh tranh của nền pháp luật không chỉ biểu hiện ở những phản ứng nhanh nhậy của lập pháp trước đòi hỏi mới của cuộc sống. Đó còn là sự tích luỹ từ thực tiễn xét xử hàng ngày của toà án[140]. Đó cũng là những kiến thức cập nhật trong các giảng đường đại học, và là những chuyển động sâu và rộng về lý luận được tạo nên từ giới nghiên cứu pháp lý đích thực. Tính cạnh tranh của nền pháp luật- đó là kết quả của cả một quá trình mang tính tổng thể, do nhiều chủ thể góp phần tạo nên. (2) Tiếp tục tiếp nhận trong môi trường rộng lớn hơn Sau khi nghiên cứu so sánh về luật công ty ở nhiều nước, Pistor và cộng sự rút ra kết luận, để cải cách luật công ty thành công phải cần đến những điều kiện của một môi trường thể chế rộng lớn hơn, bao gồm môi trường chính trị, kinh tế-xã hội, cạnh tranh với bên ngoài trên thị trường và sự thích ứng của pháp luật với những thay đổi khách quan[141]. Quá trình tiếp nhận, cải cách luật công ty ở Nhật Bản và Việt Nam là những ví dụ cho nhận định này. Nước Nhật đã tiếp nhận pháp luật phương Tây một cách toàn diện nhất, từ Hiến pháp, dân sự, hình sự, thương mại…sang các thể chế như Nghị viện, chính phủ, toà án, đến đội ngũ luật sư, nghề luật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật. Các nhà cải cách Nhật Bản hiểu rằng, việc cải cách trong một lĩnh vực pháp luật nào đó không thể không phụ thuộc vào các lĩnh vực liên quan. Hơn thế, nó cũng phụ thuộc vào một môi trường rộng hơn. Đấy chính là tính hệ thống, đồng bộ của pháp luật. Tuy nhiên, tính hệ thống và đồng bộ không ngăn cản các nhà cải cách Nhật Bản chọn lọc từng hình mẫu cho từng lĩnh vực pháp luật riêng biệt. Chẳng hạn, về mặt nhà nước, mô hình nghị viện quân chủ Đức được lựa chọn; dân luật Pháp được du nhập, nhưng riêng về luật công ty, hình mẫu Đức lại được ưu tiên, sau đó luật công ty lại đi theo mô hình Mỹ… Cải cách luật công ty ở Nhật cho thấy, chỉ sửa đổi luật công ty thôi thì chưa đủ để thay đổi thực tiễn liên quan đến doanh nghiệp. Sự chuyển đổi đó đòi hỏi sự thay đổi của những yếu tố của một môi trường bên ngoài luật này. Nhiều nhà nghiên cứu về Nhật Bản nhận xét, nước này thiếu một số thiết chế hỗ trợ mô hình quản trị công ty của Mỹ vận hành một cách trơn tru trên đất Nhật. “Sự phát triển của cơ chế quản trị doanh nghiệp được dẫn dắt bởi mối liên hệ với các thiểt chế hỗ trợ”[142]. Chẳng hạn, Nhật Bản tiếp nhận một số thành tố của mô hình quản trị với hội đồng quản trị kiểu Mỹ, nhưng ở Nhật Bản, cơ chế xét xử của tòa án lại chưa chuyển đổi theo mô hình này[143]. Khác với tòa án Mỹ, tiêu biểu là tòa án ở Delaware, khó có thể hình dung một tòa án Nhật Bản lại bác bỏ quyết định của hội đồng quản trị với lý do các thành viên bên ngoài của hội đồng quản trị không hoàn toàn độc lập. Do đó, các nhà nghiên cứu nhận xét, việc thiếu cơ chế “hậu giám sát” của tòa án, cộng với định nghĩa rộng của Bộ luật Thương mại Nhật Bản về khái niệm “thành viên hội đồng quản trị bên ngoài”, có thể là một kênh hút tài sản công ty khỏi các cổ đông đến với người lao động, nhà băng và các chủ thể khác[144]. Chính vì vậy, Milhaupt cho rằng, cải cách quản trị công ty gần đây của Nhật Bản là ví dụ về “sự tương đồng hình thức, chứ không phải tương đồng thực chất”[145]. Tương tự như vậy, để Luật Doanh nghiệp vận hành hiệu quả ở Việt Nam sau khi đã được tiếp nhận, cần tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường xung quanh Luật này như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai, Luật Lao động, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Phá sản…Đặc biệt, các hình thức sở hữu, quyền tài sản, thái độ đối với khu vực tư cần phải được xác định và thể hiện rõ ràng hơn trong Hiến pháp[146]. Việt Nam cũng cần phát triển môi trường xung quanh để cải cách pháp luật nói chung cũng như một lĩnh vực nhất định. Như Pistor và cộng sự nhấn mạnh, ở những nước không tạo khoảng không cho sự thử nghiệm, các thiết chế hỗ trợ không được phát triển[147]. Trên phương diện này, Việt Nam có lợi thế của người đi sau có cơ hội nhiều hơn trong việc thử nghiệm và học hỏi từ các nước khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế cũng như trong nước, mặc dù đạt được một số bước tiến, nói chung môi trường kinh doanh ở Việt Nam cải thiện rất chậm[148]. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến không tốt về tốc độ cải cách hành chính, tiếp cận khó khăn các nguồn lực, sự đối xử bất bình đẳng, luật pháp mơ hồ, mâu thuẫn, tòa án yếu đuối[149]. Điều này cho thấy, Luật Doanh nghiệp mới chỉ là bà đỡ cho doanh nhân khởi nghiệp, còn muốn để đứa trẻ doanh nghiệp lớn mạnh, cần phải làm nhiều hơn thế. Cải cách pháp luật ở Việt Nam thường phản ứng muộn màng trước những thay đổi trên thị trường. Trong lĩnh vực luật công ty chẳng hạn, “những bước phát triển trong hoạt động của doanh nghiệp thường đi trước những thay đổi về khuôn khổ pháp lý tương ứng”[150]. Như vậy, thách thức của cải cách pháp luật, trong đó có luật công ty là đoán định trước và ban hành những quy định thích hợp để thực tiễn vận hành trơn tru. KẾT LUẬN Học người để kịp và vượt người Trái với những quan điểm khắt khe, bài viết này đồng ý với những ý kiến cho rằng có thể tiếp nhận pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp của Việt Nam, mặc dù gặp khá nhiều trở ngại, về cơ bản, quá trình tiếp nhận luật công ty của nước ngoài vào bối cảnh trong nước đã diễn ra thành công. Việc phân tích quá trình tiếp nhận luật công ty nước ngoài ở Nhật Bản cho thấy mức độ thành công còn lớn hơn. Có vẻ như cái nhìn bi quan của Legrand về “những từ ngữ vô hồn”, “sự bất khả thi” của việc tiếp nhận là thiếu cơ sở. Tuy nhiên, để tăng cơ hội thành công, cần tính đến một số yếu tố. Trước hết, việc tiếp nhận mô hình DNNN xô viết, đồng thời việc tiếp nhận luật công ty cho thấy, quốc gia tiếp nhận cần tránh sự vay mượn máy móc, và cần thích nghi mô hình được tiếp nhận vào bối cảnh trong nước. Thứ hai, quá trình tiếp nhận cần diễn ra theo hai chiều kích: chiều trên xuống-sự cam kết mạnh mẽ của giới lãnh đạo, tinh hoa; và chiều dưới lên- sự thông hiểu, ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Cuối cùng, quá trình tiếp nhận động cần diễn ra theo chiều kích thời gian và không gian, tức là diễn ra liên tục và trong một môi trường rộng hơn. Việc phân tích quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài ở Nhật Bản và Việt Nam đã chứng minh một số luận điểm của các nhà luật học so sánh. Thứ nhất, quá trình tiếp nhận pháp luật nước ngoài vừa mang lại sự tương đồng, đồng thời dẫn đến sự khác biệt, và mức độ của hai đặc tính này phụ thuộc vào bối cảnh từng quốc gia tiếp nhận. Thứ hai, trong thời đại ngày nay, pháp luật không chỉ gắn liền với một mảng trong xã hội, mà với cả xã hội. Thứ ba, trường hợp Nhật Bản cho thấy, sự tiếp nhận chọn lọc nhưng tổng thể có cơ hội thành công cao hơn tiếp nhận một cách phân mảng rời rạc. Người Nhật rất chịu khó học người, và đấy là thế mạnh của họ[151]. “Học hỏi phương Tây, bắt kịp phương Tây, đi vượt phương Tây”- Fukuzawa Yukichi (1835- 1910), nhà cải cách thời Minh Trị từng tuyên bố như thế, và nước Nhật đã thành công. Lòng ham muốn học hỏi này giải thích tại sao vốn cẩn trọng trong thay đổi, nhưng khi đã thay đổi thì người Nhật đổi rất toàn diện và ghê gớm[152]. Ví dụ, nói đến cuộc cải cách luật công ty ở Nhật Bản gần đây, một nhà nghiên cứu nhận xét, nói chung người Nhật chuẩn bị rất kỹ, khá lâu, nhưng khi đã thay đổi, khi xác định xong đích đến, họ không còn nhìn ngang nhìn ngửa khi đã vào đường đua nữa, mà guồng hết sức để đến đích[153]. Điều thú vị là người Nhật dùng triết lý nhà Phật, triết lý phương Đông để khám phá những chủ thuyết mới đến từ phương Tây như một học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu pháp luật Nhật Bản đã nhận xét: “Cách ứng xử đối với trạng thái lưỡng thể là một trong những đích của Thiền Phật: không cứ phải chọn cái này bỏ cái kia, mà sống chung được với cả hai. Đấy cũng là cách ứng xử trong lịch sử Nhật Bản và là cách tiếp nhận pháp luật phương Tây ở đất nước này”[154]. Kinh nghiệm học hỏi của người Nhật, trong đó có việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài, gợi cho chúng ta suy nghĩ: thiếu một hệ thống pháp luật hiện đại thì khó có thể tiếp tục phát triển; và giống như Nhật Bản cuối thế kỷ 19, phải chăng Việt Nam không phải e ngại những chủ thuyết pháp lý mới lạ nữa. Hơn hai thập niên qua, với một truyền thống pháp lý bị đứt đoạn, tiếp xúc nhiều hơn chúng ta mới thấy quá nhiều điều cần học hỏi. Đây quả là quãng thời gian quá ngắn để hấp thụ tinh hoa pháp lý của nhân loại qua bao thế kỷ. Nhưng đừng vin vào thời gian để trì hoãn việc thúc đẩy các bước cải cách tiếp theo. Người Nhật cũng chỉ có khoảng từng ấy thời gian để tiếp nhận pháp luật phương Tây phục vụ cho mục đích canh tân của họ. Nhìn lại trên dưới 20 năm Đổi Mới, trên cái nền những gì đã làm được, phải chăng đã đến lúc chúng ta bắt đầu một giai đoạn tiếp nhận pháp luật sâu hơn, căn cơ hơn, “ghê gớm” hơn.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"