TUẤN NGỌC
Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tiền kim loại vẫn được sử dụng phổ biến trong các giao dịch nhỏ bởi tiền kim loại mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan phát hành và người sử dụng tiền.
Đối với cơ quan phát hành, tiền kim loại bền hơn nên việc sử dụng tiền kim loại sẽ tiết kiệm chi phí phát hành trong dài hạn. Đối với người sử dụng, tiền kim loại sạch hơn, không bị rách, nhàu nát, không hấp thụ tạp chất như tiền giấy và phù hợp với việc sử dụng các loại hình dịch vụ tự động hoá. Ngoài ra, tiền kim loại cũng là vật lưu niệm gần gũi đối với khách du lịch bởi đồng tiền thường mang một ý nghĩa nhất định về văn hoá, tập quán của nước phát hành. Tuy nhiên, tiền kim loại nặng hơn, khó đếm và dễ rơi hơn tiền giấy. Mặc dù vậy, trong xã hội hiện đại, không thể không có tiền kim loại khi các loại hình dịch vụ thương mại tự động hoá phát triển.
Kết quả khảo sát tiền kim loại ở nhiều nước, khu vực trên thế giới cho thấy có sự khác biệt đáng kể về đường kính, trọng lượng đồng tiền, tuỳ theo sở thích, tập quán sử dụng và điều kiện đặc thù của mỗi nước (bảng thông số kỹ thuật chính của đồng tiền kim loại một số nước minh hoạ). ở châu Âu (ngoài khu vực đồng Euro), đồng tiền nhỏ nhất có đường kính 14mm, đồng tiền lớn nhất là 31mm; đồng tiền nhẹ nhất có trọng lượng 0,55 gam, đồng tiền nặng nhất là 13,5 gam. ở châu á, đồng tiền nhỏ nhất có đường kính 15mm, đồng tiền lớn nhất là 32 mm; đồng tiền nhẹ nhất có trọng lượng 0,45 gam, đồng tiền nặng nhất là 15,55 gam (đây cũng là đồng tiền kim loại nặng nhất trên thế giới). Sự khác biệt này về đường kính, trọng lượng đồng tiền chủ yếu xuất phát từ yêu cầu phân biệt giữa các loại mệnh giá trong hệ thống tiền kim loại của một nước và phân biệt giữa tiền kim loại nước này với tiền kim loại nước khác. Vì vậy, những nước đi sau phải lựa chọn sao cho tiền kim loại của mình dễ phân biệt với tiền kim loại của những nước láng giềng để hạn chế việc sử dụng những đồng tiền này ở các máy bán hàng tự động của nước khác (hoặc ngược lại).
Theo giới chuyên môn, đường kính tối ưu của bộ tiền kim loại trong khoảng từ 15mm đến 30mm để thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo kiểm soát kích thước, trọng lượng tiền kim loại ở mức hợp lý và tiết kiệm chi phí đúc, dập. Đồng tiền kim loại mệnh giá lớn nhất nên có đường kính nhỏ hơn 30mm và trọng lượng dưới 10 gam để dự phòng khi cần phát hành đồng tiền kim loại có mệnh giá lớn hơn trong tương lai. Nhìn bề ngoài, đồng tiền kim loại có mệnh giá lớn hơn thì sẽ có kích thước, trọng lượng lớn hơn
nhưng mối liên hệ này trên thực tế không được khẳng định rõ ở hầu hết các bộ tiền kim loại của nhiều nước bởi kích thước, trọng lượng đồng tiền còn phụ thuộc vào cách phân nhóm mệnh giá trong mỗi bộ tiền kim loại. Tất nhiên, trọng lượng của đồng tiền kim loại còn phụ thuộc vào độ dày và vật liệu đúc tiền. Kinh nghiệm cho thấy, đồng tiền kim loại cần có độ dày lớn hơn 1 mm để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình cán, đúc phôi, và dập tiền, đồng thời cũng tạo sự thuận lợi cho việc sử dụng tiền kim loại.
Đồng Euro tiền kim loại phát hành năm 2002 là một ví dụ điển hình bởi đó là kết quả của quá trình chuẩn bị nhiều năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đường kính của đồng tiền nhỏ nhất (1 Cent) là 16,25mm, đường kính của đồng tiền lớn nhất (2 Euro) là 25,75mm. Khi chuyển từ nhóm mệnh giá nhỏ (1, 2 và 5 Cent) sang nhóm mệnh giá 10, 20 và 50 Cent, màu sắc chuyển từ màu đỏ sang màu vàng, và đồng 10 Cent có đường kính (19,75mm) nhỏ hơn đồng 5 Cent (21,25mm) nhưng có trọng lượng (5,7 gam) lớn hơn đồng 5 Cent (3,9 gam). ở nhóm mệnh giá lớn (1 và 2 Euro), đồng tiền lưỡng kim được sử dụng, cả đường kính và trọng lượng đồng 1 Euro (23,25 mm, 7,5 gam) đều nhỏ hơn đồng 50 Cent (24,25 mm, 7,8 gam). Đối với tiền kim loại Việt Nam, hiện nay chúng ta đã phát hành 5 mệnh giá (200đ, 500đ, 1.000đ, 2.000đ và 5.000đ), có đường kính từ 19mm đến 25,5mm, trọng lượng từ 3,2g đến 7,7 g, độ dày từ 1,45mm đến 2,2mm, về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đáng lưu ý là loại 200đ có màu trắng, khi chuyển sang loại 1.000đ có màu vàng, đường kính của loại 1.000đ đã được thiết kế nhỏ hơn so với loại 200đ để tiết kiệm chi phí vật liệu, đảm bảo kiểm soát kích thước tiền kim loại trong phạm vi hợp lý.
Về các loại vật liệu đúc tiền, có thể phân chia thành 3 nhóm chính: hợp kim, thép mạ và kim loại thuần tuý (trong đó, kim loại thuần tuý ngày nay rất ít được sử dụng để đúc tiền). Hợp kim có độ bền màu, độ chống mài mòn và chống oxy hoá cao hơn các loại vật liệu đúc tiền khác nhưng giá thành sản xuất cũng khá cao. Vì vậy, hợp kim thường được sử dụng cho nhóm có mệnh giá cao trong bộ tiền kim loại của các nước, như 1 Euro, 2 Euro, 2 Đôla Canađa, 1 Đôla Singapore… hay như loại 5.000đ phát hành tháng 12/2003. Thép mạ (mạ đồng hoặc mạ ni-ken) có độ bền kém hơn so với hợp kim nhưng có giá thành rẻ hơn và đáp ứng được những yêu cầu về đúc, dập cũng như các yêu cầu khác về chất lượng đồng tiền kim loại trong lưu thông. Khu vực đồng Euro, ba loại mệnh giá 1, 2 và 5 Cent đều được sản xuất từ thép mạ đồng đỏ, đây là loại vật liệu có giá thành rẻ và có độ bền thấp hơn các loại thép mạ khác. Tiền kim loại 1.000đ và 2.000đ sản xuất bằng thép mạ đồng thau (bền hơn thép mạ đồng đỏ), thiết nghĩ cũng là lựa chọn phù hợp với giá trị mệnh giá hai đồng tiền này và khả năng tài chính của chúng ta. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là do tính chất của vật liệu, tiền kim loại bằng thép mạ đồng bị xỉn màu (do bị oxy hoá trong môi trường tự nhiên) nhanh hơn tiền kim loại bằng hợp kim ngay cả khi mới phát hành, và tiền kim loại nói chung nhanh bị hư hỏng hơn nếu tiếp xúc với các chất ăn mòn kim loại như axít, muối… Thực tế, trong môi trường khí hậu ôn đới, có độ ẩm tương đối thấp như ở Châu Âu thì đồng 1, 2 và 5 Cent vẫn nhanh bị xỉn màu hơn các loại mệnh giá còn lại. Tiền kim loại 1.000 đồng, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng của Việt Nam không phải là ngoại lệ, nó không thể bền như loại 5.000 đồng bằng hợp kim CuAl6Ni2.
Như trình bày ở trên, trọng lượng tiền kim loại phụ thuộc vào vật liệu đúc tiền được sử dụng. Những nước khác nhau có thể lựa chọn loại vật liệu đúc tiền khác nhau tuỳ theo tập quán, khả năng tài chính nhưng lựa chọn của mỗi nước luôn bị giới hạn bởi mệnh giá và các yếu tố chi phí đầu vào của quá trình đúc, dập tiền kim loại. Nguyên nhân là do tiền kim loại thường có mệnh giá nhỏ nên cần thiết phải đảm bảo giá vật liệu đúc tiền phù hợp với mệnh giá, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính khả thi của việc sử dụng tiền kim loại trong thanh toán, trao đổi. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, cơ quan phát hành có xu hướng lựa chọn loại vật liệu đúc tiền có giá cả hợp lý, dễ đúc, dập và có độ bền phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường lưu hành tiền kim loại ở mỗi nước. Thiết nghĩ, chúng ta đã có lựa chọn vật liệu đúc tiền hợp lý cho tiền kim loại mệnh giá 200đ, 500đ, 1.000đ, 2.000đ và 5.000đ mới phát hành, phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu phát triển, hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về kích thước, trọng lượng tiền kim loại. Đây thực sự là bước đi quan trọng, tiến tới hoàn thiện hệ thống tiền tệ Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ thương mại tự động hoá trong tương lai.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"