Hơn bốn năm nay, ông Trương Đức Tường (phường 8, quận 10, TP.HCM) cứ phải liên tục gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để tranh chấp quyền sử dụng đất mà trên đó có căn nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông.
Nhà người này, cấp “giấy đỏ” cho người kia
Theo ông Tường thì vào năm 1943, ông nội của ông Tường có mua hai căn nhà liền kề (số 57 và 58 Phan Bội Châu, ấp Tây, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) với tổng diện tích đất hơn 300 m2. Tuy nhiên, hai căn nhà này lại do ông Trương Tấn Hương (bác của ông Tường) đứng tên. Sau đó, ông Hương sử dụng căn nhà số 57, còn ông nội và cha ông Tường sử dụng căn nhà số 58.
Sau khi ông nội qua đời, cha ông Tường tiếp tục sử dụng căn nhà này. Năm 1993, vợ chồng ông Hương ủy quyền cho ông Tường làm chủ sở hữu, sử dụng nhà, đất số 58. Cũng trong năm này, UBND huyện Gò Công Tây đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trên cho ông Tường. Trên cơ sở đó, ông Tường đã xây dựng lại toàn bộ căn nhà mà không gặp bất kỳ sự phản đối nào.
Năm 2003, sau khi vợ chồng ông Hương qua đời thì bất ngờ hai người con của ông Hương đòi lại căn nhà ông Tường đang ở. Năm 2004, UBND huyện Gò Công Tây cấp “giấy đỏ” cho bà Trương Thoại Linh (con gái ông Hương) toàn bộ diện tích đất của hai căn nhà số 57 và 58. Ông Tường làm đơn khiếu nại vì không thể nhà của người này, đất của người kia. Lại nữa, với việc trực tiếp sử dụng đất ổn định từ trước năm 1993, bản thân ông hội đủ các điều kiện luật định để được công nhận có quyền sử dụng đất.
Năm 2005, UBND huyện Gò Công Tây đã ra quyết định thu hồi “giấy đỏ” cấp cho bà Linh. Thấy vậy, bà Linh tiếp tục làm đơn xin cấp “giấy đỏ” toàn bộ diện tích đất nói trên nhưng không được UBND thị trấn Vĩnh Bình chứng nhận. Bà Linh lại khiếu nại và UBND huyện Gò Công Tây đã ra quyết định cho phép bà Linh đăng ký để được xét cấp “giấy đỏ” hơn 300 m2 đất. Lần này, người khiếu nại lại là ông Tường và UBND huyện Gò Công Tây đã thu hồi “giấy đỏ” cấp cho bà Linh.
Thẩm quyền giải quyết thuộc tòa
Để đâu đó rạch ròi, ông Tường đã xin cấp “giấy đỏ” cho phần đất mà trên đó có căn nhà thuộc sở hữu hợp pháp của ông. Tuy nhiên, UBND huyện Gò Công Tây đã không chấp thuận yêu cầu này của ông. Tháng 8-2007, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục ra quyết định bác đơn xin cấp “giấy đỏ” của ông, viện lẽ đất đang có tranh chấp và hướng dẫn ông khởi kiện ra tòa. Theo UBND tỉnh, ông Tường đã có tên trong sổ địa chính về việc sử dụng phần đất tranh chấp. Theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, loại tranh chấp này phải do TAND giải quyết.
Ông Tường cũng làm y như hướng dẫn nhưng TAND huyện Gò Công Tây lại không thụ lý. Theo tòa này, UBND huyện và tỉnh đã lần lượt bác yêu cầu xin cấp “giấy đỏ” của ông. Do vụ việc đã được giải quyết bằng quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nên tòa án không giải quyết nữa. Cứ như thế, ủy ban chỉ tòa, tòa lại... lắc đầu. Đến giờ ông Tường vẫn chưa nhận được câu trả lời tường tận về vụ việc của mình.
Theo chúng tôi, chính TAND huyện Gò Công Tây phải đứng ra xem xét, giải quyết tranh chấp đất giữa ông Tường với bà Linh (tất nhiên cả hai phải được UBND xã hòa giải trước). Bởi lẽ với việc trực tiếp sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà vào năm 1993 thì về nguyên tắc, ông Tường phải được công nhận cả phần đất mà trên đó có căn nhà tọa lạc. Nếu nay UBND huyện không thể công nhận cho ông có quyền sử dụng đất do có khiếu nại của bà Linh thì TAND huyện phải cố gắng giải quyết tranh chấp để huyện có cơ sở cấp “giấy đỏ” cho người thắng cuộc. Nếu ông Tường thắng kiện, ông sẽ được công nhận quyền sử dụng đất bên cạnh quyền sở hữu nhà, chấm dứt những tréo ngoe do cách xử lý thiếu tường tận đã qua của chính quyền địa phương.
Theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, tranh chấp đất mà đương sự có “giấy đỏ” hoặc một trong các loại giấy tờ theo khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai (như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính v.v...) thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. |