THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

NGUYỄN QUANG A Từ 15-6-2007 dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Đây là một luật rất quan trọng, không chỉ vì nó đụng chạm đến hàng [chục] triệu người, mà cả vì nó có vai trò hết sức to lớn trong tăng nguồn thu cho ngân sách, nâng cao ý thức công dân, thúc đẩy dân chủ và phát triển đất nước. Đưa dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân là việc làm đáng hoan nghênh. Cải cách hệ thống thuế là việc trọng đại. Hãy điểm lại (kỹ hơn có thể xem J. Kornai “Con đường dẫn tới nền kinh tế [thị trường] tự do” NXB Văn hóa thông tin [2002, tr. 89-107], NXB Tri thức 2007, tr. 109-130) vài nguyên tắc cơ bản nên tuân thủ khi cải cách thuế. Lưu ý có nhiều trường phái khác nhau nêu ra các nguyên tắc khác nhau. Sau đó chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. I. Vài nguyên tắc cơ bản Thứ nhất, chỉ có thể nắm được những người “có tóc”, tức là chỉ có thể thu thuế từ những người mà cơ quan thuế có thể nắm được thu nhập của họ. Chẳng cơ quan thuế tài ba nào trên thế giới có thể nắm được “những kẻ trọc đầu”. Và dư luận khá bức xúc về “những kẻ trọc đầu có thể trốn thuế ấy”, khá bức xúc về tính công bằng của các sắc thuế và có thể đưa ra những đòi hỏi hay gây khó cho cơ quan dự thảo luật hay thậm chí có thể cản trở quốc hội thông qua luật. Phải bỏ công sức và tiền để giải thích, thuyết phục người dân, nhất là đại diện của các tổ chức được cho là phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân khác nhau (như công đoàn, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, v.v.), các quan chức nhà nước và trước hết là báo giới để họ thực sự thấu hiểu, tránh gây ra dư luận chống đối do kém hiểu biết. Công bằng là gì cũng được các học giả bàn cãi rất nhiều mà vẫn chưa thể đi đến thống nhất. Bất luận hiểu công bằng như thế nào, phải làm rõ là, công bằng chỉ là mục tiêu chúng ta muốn tiến đến (nhưng không bao giờ đạt được). Từ cổ chí kim chưa bao giờ, và trong tương lai cũng sẽ chẳng bao giờ có sự “công bằng” cả. Chúng ta chỉ có thể đặt mục tiêu tiến đến sự công bằng hơn (so với hiện tại). Xét ngược lại có lẽ dễ hiểu hơn. “Sự bất công bằng” đã, đang và sẽ luôn luôn tồn tại. Đấy là thực tế cần nhận ra và phải chấp nhận. Đừng lẫn mong ước và thực tế. Mục tiêu là giảm “sự bất công bằng”. Và với cải cách thuế cũng vậy. Làm cho công chúng và cả các quan chức hiểu được điều thật đơn giản này không phải dễ. Chúng ta đã quá đề cao, quá nhấn mạnh đến “sự công bằng”, cách hiểu sai (tức là muốn đạt sự công bằng tuyệt đối, bất luận hiểu công bằng theo nghĩa nào) về công bằng đã được người ta tuyên truyền, “nhồi” vào chúng ta qua hàng thế hệ, nó đã ngấm sâu vào tiềm thức của chúng ta và không dễ gì có thể nhanh chóng dứt bỏ được. Hàng thập kỷ chúng ta đã từng được rao giảng về “sưu cao”, “thuế nặng” để gây sự “căm thù” với chế độ cũ, rồi lại được nghe “đóng thuế là nghĩa vụ thiêng liêng” để xây dựng đất nước, nhưng nhận thức về thuế, ý thức đóng thuế của người dân và các quan chức ở nước ta còn dài mới đạt mức ở các nước phát triển. Việc tránh thuế, lách thuế, không muốn đóng thuế là chuyện quá quen thuộc, dễ hiểu. Phải có thời gian mới ngó hầu nâng cao được nhận thức về thuế. Không buộc phải đóng thuế, không bị phạt khi vi phạm thì cũng khó nâng cao nhận thức này. Muốn mọi người “có tóc” để nắm, thì phải phát triển hạ tầng cơ sở tài chính ngân hàng, hạn chế dùng tiền mặt, các cá nhân hay hộ kinh doanh có sổ sách kế toán thu chi rõ ràng, nhận thức của người dân và quan chức phải đúng, v.v. Đấy là những việc không thể làm được một sớm một chiều. Đợi khi có thể kiểm soát được thu nhập của tất cả mọi người (một ảo tưởng tai hại) mới đưa ra thuế thu nhập cá nhân nghe có vẻ hợp lý, song hoàn toàn sai và không đánh thuế thì chẳng bao giờ có thông tin như thế để mà kiểm soát. Hiểu được thế chúng ta sẽ dễ thông cảm với những vấn đề mà các nhà cải cách thuế đối mặt. Đừng đặt ra cho họ những mục tiêu ảo tưởng không bao giờ đạt được. Ngoài mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách, như thế thuế thu nhập cá nhân cũng góp phần nâng cao nhận thức; tạo ra nhiều người “có tóc”; tạo ý thức công dân; cho người dân cảm nhận có thể sờ mó được về làm chủ đất nước, về quân đội, công an và quan chức nhà nước là do mình nuôi; hay thuế là giá mà mình phải trả cho các dịch vụ do nhà nước cung cấp mà người dân vẫn coi là nghiễm nhiên và chỉ nhận ra tầm quan trọng của chúng khi thiếu chúng (khi nhà nước không mạnh nên sinh ra loạn lạc, cướp bóc chẳng hạn); tăng cường dân chủ. Nhìn từ góc độ này dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân là khá tốt. Hãy ủng hộ nó và đừng đưa ra những đòi hỏi quá đáng mà (chẳng nước nào) có thể thực hiện được, nói chi đến cơ quan thuế Việt Nam! Càng nên tránh những lời lẽ mang tính mị dân. Thứ hai, hệ thống thuế càng trung lập càng tốt. Thuế đừng thưởng cũng đừng phạt bất cứ ai. Phải tách bạch giữa thuế (bên thu) và các chính sách xã hội (bên chi). Các khoản ưu đãi, miễn giảm cho các đối tượng này, cho các loại thu nhập kia, v.v., là các khoản “trợ cấp” được lén đưa qua thuế, hay các khoản “thuế âm”. Các khoản trợ cấp xã hội nên được tách bạch và công khai ở “bên chi” của ngân sách, không nên vì áp lực của các nhóm lợi ích mà đi lẫn lộn. Nếu sự mập mờ hay sự viện dẫn đến những “giá trị cao thượng” lại vì những ý đồ mị dân, thì còn tai hại hơn. Sự trợ cấp “ngầm này” chỉ làm cho luật thuế phức tạp, rắm rối, chi phí xã hội cho việc đóng và thu thuế tăng lên. Trợ cấp là trợ cấp, thuế là thuế, hãy tách bạch hai thứ này. Tính trung lập của thuế làm cho hệ thống thuế đơn giản, nhất quán, dễ thực thi, không gây méo mó cho hệ thống giá; nó cũng làm cho người dân hiểu đúng về thuế về trợ cấp. Thứ ba, thuế đừng tạo ra những khuyến khích ngược, cản trở sự tăng trưởng của năng suất và đầu tư. Tăng năng suất, tăng đầu tư là các nhân tố cốt lõi của sự phát triển; mà không có phát triển thì không có tự do, chỉ có sự bất công bằng. Nếu thuế có ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng năng suất và đầu tư thì phải xem xét lại. Các mức khởi điểm (hay mốc) trong biểu thuế mà thấp, thuế suất cao, cách đánh lũy tiến có thể gây ra những khuyến khích ngược đối với năng suất, có thể không khuyến khích tinh thần kinh doanh, có thể làm xói mòn sự hăng say làm giàu. Đánh thuế lãi tiết kiệm làm giảm tăng trưởng đầu tư. Tiền tiết kiệm nếu người dân để ở nhà, không gửi vào các ngân hàng hay tổ chức tín dụng thì phần tiền đó không tạo ra khoản đầu tư, đánh thuế lãi tiết kiệm làm tăng lãi suất nên cũng có thể làm giảm đầu tư (chắc chắn làm giảm tăng trưởng đầu tư). Đánh thuế cao vào thu nhập đầu tư vốn cũng tạo ra phản khuyến khích như vậy. Thứ tư, là tính hiệu quả, tính dễ thực thi của hệ thống thuế. Thuế càng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực thi, nhất quán, càng ít ngoại lệ (miễn, giảm, v.v.) thì chi phí thu thuế, chi phí nộp thuế càng nhỏ. Nhất là ở Việt Nam, khi nhận thức về thuế của người dân và các quan chức còn thấp, hệ thống càng rắc rối, phức tạp thì càng dễ lách thuế và, quan trọng hơn nhiều, càng tạo cơ hội cho các quan chức thuế vụ “hạch sách” người dân, tạo thêm cơ hội cho tham nhũng, hủy hoại tính liêm chính cần được xây dựng, làm xói mòn lòng tin của người dân vào nhà nước. Đây là một tiêu chí hết sức quan trọng, nhất là lúc ban đầu. Nếu hệ thống phức tạp, không nhất quán, nhiều ngoại lệ và người dân có khuyến khích để tìm mọi cách lách thuế (họ không phạm tội) và nhất là khi đội ngũ viên chức thuế vụ hư hỏng, thì hệ thống sẽ kích động một vòng luẩn quẩn rất khó khắc phục. Khởi đầu nên đơn giản, nhất quán, làm sao cho thật dễ hiểu, loại bỏ những sự mập mờ, thuế dễ thực thi, nhân viên thuế vụ không thể tùy tiện quyết định (vì ai cũng hiểu và quá rõ ràng); khi đó hệ thống sẽ khởi động một vòng phản hồi dương lành mạnh: ý thức nộp thuế tăng, tính liêm chính tăng, nhà nước thu được nhiều và có thể tăng lương cho viên chức, hệ thống hành chính nhà nước hiệu quả hơn, dân tin vào nhà nước hơn, việc làm ăn ít tốn phí hơn và có lời hơn, ý thức nộp thuế cao hơn và v.v. Đừng bao giờ quên những chi phí (thời gian, giấy tờ, công sức, giải quyết khiếu nại,…) của cơ quan thuế vụ, của những người đóng thuế. Tổng chi phí này là chi phí của toàn xã hội, nó càng nhỏ càng tốt. Cuối cùng, thuế là một vấn đề phức tạp, khó có thể thỏa mãn đồng thời các yêu cầu, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa những thỏa hiệp. Có rất nhiều tiêu chí không thể cùng được thỏa mãn, không có giải pháp tối ưu. Trong lĩnh vực xã hội có rất nhiều vấn đề không có giải pháp tối ưu (được mặt này hỏng mặt kia). Nhưng luôn có các giải pháp, chúng ta có thể lựa chọn giữa các giải pháp này. May là như vậy, nếu có giải pháp tối ưu, thì có thể tự động hóa được và vai trò của con người lãnh đạo, của con người ra quyết định sẽ mất đi, một viễn cảnh thật kinh hoàng. Chính vì thế nên để tự do thảo luận, lắng nghe những ý kiến nhiều chiều, cân nhắc cẩn trọng và cuối cùng những người có quyền quyết định (thí dụ quốc hội) phải ra quyết định chính trị của mình; đấy là cách làm của một nền dân chủ đại diện. II. Về Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân Dưới đây sẽ phân tích và góp ý cho dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 15-6-2007. Cấu trúc của dự thảo hợp lý. Phân ra loại thuế thu nhập cá nhân lũy tiến đánh vào các khoản thu nhập có từ sản xuất, kinh doanh, tiền lương, tiền công và loại thuế thu nhập cá nhân từ các nguồn khác theo biểu thuế toàn phần. Dự luật phân biệt giữa người cư trú và người không cư trú. Nhìn chung cấu trúc dự luật theo thông lệ quốc tế. Dự thảo lần này khá tốt, có thể dùng làm cơ sở tốt để thảo luận rộng rãi và cân nhắc trước khi quốc hội thông qua. Dưới đây là phân tích theo các nguyên tắc nêu ở phần I, và một số góp ý khác. 1. Cơ sở thuế hay diện chịu thuế và nắm kẻ “có tóc”. Những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tất cả các cá nhân cư trú và không cư trú có thu nhập chịu thuế. Nói cách khác cơ sở thuế, diện người đóng thuế tăng đáng kể, bao gồm tất cả các đối tượng điều chỉnh của pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện nay (khoảng hơn 200 ngàn người), các cá nhân hay hộ kinh doanh chịu sự điều chỉnh của các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (khoảng 800.000 hộ có đăng ký kinh doanh [đóng thuế thu nhập doanh nghiệp] và hơn 1,7 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký [đóng thuế khoán]), tất cả những cá nhân khác có thu nhập chịu thuế. Nếu số người đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn chỉ là khoảng 2,9 triệu người này, những người đã được biết là người “có tóc”, thì thật khó lý giải cho việc đưa ra sắc thuế mới. Như thế có thể kỳ vọng số người nộp thuế sẽ tăng lên đáng kể, sẽ có thêm nhiều người “có tóc”. Nhiều người cho rằng, mở rộng cơ sở thuế thì “người nghèo” sẽ nộp nhiều hơn, bởi vì rất nhiều kẻ giàu (tham nhũng, trốn lậu thuế, v.v.) lại không đóng thuế; hay hạ mức khởi điểm chịu thuế sẽ làm “mất lòng dân”; hay đưa ra sắc thuế mới không phải để tạo nguồn thu cho ngân sách mà để đảm bảo “công bằng xã hội” v.v và v.v. Tôi nghĩ những ý kiến đó là sai hoàn toàn. Phải thật bình tĩnh với những áp lực hay dư luận như vậy. Những kẻ giàu có mà vẫn “trọc đầu” (quan tham, kẻ buôn bán lậu, kẻ trốn thuế, v.v.) sẽ không bao giờ mọc tóc để cơ quan thuế có thể nắm, nếu họ không thuộc diện phải nộp thuế một cách chính thức. Việc hạ mức khởi điểm để bắt bọn chúng cũng phải nộp, cũng phải khai một cách chính thống, thì dần dần (không nhanh được đâu!) mới có cơ sở, mới có dữ liệu về thu nhập của chúng, và dư luận, nhân dân, cơ quan thuế, cơ quan phòng chống tham nhũng mới có thể đối sánh tài sản và thu nhập của chúng và bắt tóc của chúng lộ ra. Ai là những người không bị luật thuế này đụng đến? Tuyệt đại đa số nông dân và ngư dân, người ở vùng cao vùng sâu (nơi cơ sở hạ tầng tài chính ngân hàng chưa có, chi tiêu toàn dùng tiền mặt) thu nhập của họ có trời cũng chẳng biết được. Và khoản 11 của Điều 5 về các khoản thu nhập không chịu thuế (Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từ trồng rừng của chủ hộ nông dân,  kể cả chủ hộ nông, lâm trường viên trong hạn mức diện tích đất nông nghiệp được giao theo quy định của pháp luật về đất đai; thu nhập từ làm muối của chủ hộ diêm dân; thu nhập từ đánh bắt hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của chủ hộ ngư dân) đã loại họ ra khỏi diện nộp thuế (trừ các khoản thu nhập khác như đầu tư, chuyển nhượng, quà tặng có thể nắm được). Một quy định rất đúng với hoàn cảnh hiện nay của ta. Như thế, hơn 50 triệu người được loại trừ ra khỏi diện chịu thuế. Tuyệt đại bộ phận người nghèo không bị ảnh hưởng! Chẳng có lý do xác đáng nào để kêu ca luật thuế thu nhập cá nhân sẽ ảnh hưởng xấu đến người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biển! Trong số những người thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân (sau khi đã trừ hơn 50 triệu người nêu trên) đại loại có thể phân thành 2 loại nhóm: a) Nhóm thứ nhất gồm những người hưởng lương (từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang). Đây là những người mà nhà nước có thông tin về thu nhập chính thức của họ, và thuế có thể được thu ngay từ nguồn, tức là từ những người sử dụng lao động chi trả thu nhập cho họ (giống như với những người có thu nhập cao nộp thuế hiện nay). b) Nhóm thứ hai là những người làm nghề tự do, cá nhân hay hộ kinh doanh. Nhóm này lại có thể phân làm hai nhóm nhỏ: b1) gồm những cá nhân hay hộ có đăng ký kinh doanh và có sổ sách kế toán, có xuất hóa đơn, tương tự như công ty tư nhân [chịu trách nhiệm vô hạn] cũ, loại này cơ quan thuế cũng có cơ sở nào đó để nắm, tuy họ cũng là những người tự khai thuế; b2) những người không có đăng ký kinh doanh (loại này sẽ phải tự khai và khó nắm hơn vì không có sổ sách kế toán). Mục tiêu là làm sao số những người thuộc nhóm b1 tăng lên và b2 giảm đi, vì như thế hiểu biết của họ về quản lý tài chính (tức là hiểu biết của cả quốc gia) sẽ tăng lên và góp phần vào tăng vị thế cạnh tranh của cả nước, vì khi đó cơ quan thuế có thể thu nhiều hơn do có thông tin chính xác hơn, vì như thế số người trốn, lách thuế sẽ có thể giảm đi, v.v. Đối với những người thuộc nhóm a) và không phải viên chức nhà nước, tình hình tương đối dễ. Những kẻ “có tóc dày”, các quan tham, nằm trong số những người hưởng lương và tiền công từ ngân sách (nếu vì lý do nào đó, thí dụ do khấu trừ gia cảnh trước) mà không phải khai báo thuế, thì họ thực sự trở thành người có cái đầu trơn lất. Nếu thế thì những lo ngại của người dân về “bất công xã hội” là rất có lý; chắc nhân dân sẽ không lo những người giàu đóng thuế nghiêm túc tạo ra “bất công bằng xã hội”. Như thế phải làm sao để tất cả các quan chức đều thuộc diện chịu thuế, vì thu nhập chính thức (tiền lương) của họ cơ quan thuế nắm được, họ là những người “có tóc”, tuy đại bộ phận có tóc “thưa”. Nếu làm không khéo thì “bọn có tóc dày” sẽ lủi mất, chắc chắn chúng sẽ tìm cách lủi, song nếu chính thức phải nộp thuế, phải khai thuế, thì, như đã phân tích ở trên, “tóc dày” của chúng sẽ dần lộ ra. Có thể nói dự thảo luật tuân thủ khá tốt nguyên tắc chỉ có thể thu từ “người có tóc”, với điều kiện như phân tích trên đây (xem thêm mục 5 dưới đây). 2. Tính trung lập của thuế thu nhập cá nhân Theo nguyên tắc này thì dự thảo chưa thật tốt, Điều 5 (trừ các khoản 11, 13, 14) và Điều 6. Tuy nhiên xét về khía cạnh xã hội và chính trị, về nhận thức của người dân và quan chức, thì có thể hiểu được trong giai đoạn trước mắt, về lâu về dài nên cân nhắc lại. Có thể nên tăng trợ cấp, nhưng thuế là thuế và trợ cấp là trợ cấp. Đừng lẫn lộn và làm khó cho chính hệ thống thuế, và cho nhà nước, cho người dân xét về tầm dài hạn. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, khó và nên tìm cách giải thích để cho người dân hiểu, nhất là cho các phương tiện truyền thông đại chúng thấu hiểu và có ứng xử thích hợp (cấm đoán là điều tối kỵ, tăng cường tự do ngôn luận, tạo điều kiện để có tranh luận lành mạnh là thượng sách). Mặt khác có một khoản rất nên miễn thuế lại không được dự thảo đề cập. Đó là các khoản đóng góp cho các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật, v.v.). Tôi sẽ phân tích điều này trong một mục riêng, mục 6, dưới đây. 3. Đừng tạo ra khuyến khích ngược cản trở sự tăng trưởng của năng suất và đầu tư. Vấn đề này liên quan đến cách đánh thuế lũy tiến (mức cao nhất 35% không phải là cao quá so với các nước OECD; nhưng cao hơn Hàn Quốc và Mexico [dưới 20%], Singapore [20%], New Zeland, Ireland, Nhật Bản, Úc, Iceland, Mỹ, Thụy Sỹ [dưới 30%]; Canada và Vương quốc Anh dưới [35%]; thấp hơn hay bằng mức của 19 nước còn lại mà một số nước này đang xem xét lại để hạ xuống). Tôi kiến nghị nên bỏ mức 5, 6, 7, tức là để nguyên các mức 1, 2, 3 và 4 (tức là thuế suất tối đa 20%). Nếu muốn xây dựng một xã hội trung lưu, giàu có, thì không nên đánh thuế quá cao đối với người giàu, người có tài. Thuế suất tối đa thấp là một động lực, một khuyến khích rất mạnh để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh, để thực hiện “dân giàu nước mạnh”. Những lập luận, hô hào “phải đánh thuế nặng” những người giàu, người có thu nhập cao để “có công bằng xã hội” có vẻ rất “được lòng dân” nhưng xét kỹ có thể có hậu quả khôn lường, nó tạo ra sự sợ hãi chính sách cào bằng, bình quân chủ nghĩa, tước đoạt của người này cho người khác, v.v., đã gây tác hại ghê gớm một thời có thể quay lại, hay chỉ nghĩ đến nó đã làm nhụt chí kinh doanh của người dân; xét cho cùng nó chắc chắn có hại cho cả những người nghèo nữa. Tôi nghĩ nhân dân “bất bình” và lo về “sự bất công bằng xã hội” do những kẻ tham nhũng, buôn lậu mà không phải đóng thuế gây ra, chứ không phải vì những người đóng thuế nghiêm túc là những người giàu hơn họ. Vấn đề này phức tạp và còn gây tranh cãi, theo tôi khuyến khích tranh luận, để cho những ý kiến đối chọi nhau, thực hiện tự do ngôn luận thực sự, tự do tư tưởng thực sự, chúng ta sẽ tiến dần đến chân lý hơn. Không đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi trái phiếu, tín phiếu chính phủ, kiều hối (trong giai đoạn đầu) là quy định khôn ngoan nhìn từ khía cạnh này. Nên xem xét hạ thuế suất (25%) đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng bất động sản (thí dụ xuống 10% hay 15%). Mức 5% với thu nhập đầu tư vốn là vừa phải. 4. Tính hiệu quả Cần có những nghiên cứu thấu đáo hơn, thảo luận chi tiết hơn về tính đơn giản hay phức tạp, rắc rối của dự thảo. Chí ít nếu những người soạn thảo và quốc hội lưu ý thích đáng đến vấn đề này cũng đã là một bước tiến đáng kể. Xem cả mục 5 dưới đây. 5. Khấu trừ gia cảnh Đây là vấn đề rất nhạy cảm và khó. Theo tôi mức khấu trừ cụ thể, thậm chí mức trong biểu thuế, để cho hợp với từng thời kỳ, nên có cơ chế để thay đổi linh hoạt hơn không nên quá cứng nhắc (thí dụ, cho phép Chính phủ hay Thường vụ quốc hội điều chỉnh các con số). Trước mắt tôi nghĩ mức giảm trừ gia cảnh nêu ở Điều 18 là phù hợp. Tuy nhiên, tôi kiến nghị bỏ từ “trước khi tính thuế” ở khoản 1 của điều này. Theo tôi tất cả mọi người “có tóc” [thuộc nhóm a) nêu trên] hãy cứ nộp thuế theo biểu thuế, không trừ gì cả. Những người thuộc nhóm b) hàng tháng cũng phải tạm nộp theo cách nào đó (trên cơ sở họ tự khai, nếu không tự khai thì cơ quan thuế áp sẵn). Theo tôi nên thận trọng và tránh giải thích rằng các hộ kinh doanh, do được chiết trừ gia cảnh nên sẽ bớt phải đóng thuế so với hiện nay. Vì điều này, theo tôi, có thể không phải vậy, và như thế sẽ có thể mang tiếng nói dối. Khoản “giảm trừ gia cảnh” mỗi người chịu thuế, sau khi tự quyết định và thông báo (đừng bắt họ xin phép, hay phải có sự chấp thuận, hãy kiểm tra sau), sẽ tự tính lấy vào cuối kỳ nộp thuế (đầu năm sau), và đòi cơ quan thuế hoàn trả lại khoản đó và những khoản nộp thừa khác hay cấp chứng từ để trừ vào khoản sẽ phải (tạm) nộp trong năm tới (có thể tính cả lãi cho các khoản này). Làm như thế sẽ có những điểm lợi (+) và bất lợi (-) sau: + Không “kẻ có tóc dày” nhưng làm ra vẻ “có tóc thưa” có thể che mãi mớ tóc dày của chúng. Riêng việc này có thể có tác động ngăn chặn to lớn trong việc chống tham nhũng, thực sự góp phần mang lại “công bằng xã hội”. Xem phân tích tại điểm 1 ở trên. + Tất cả mọi người đều có khuyến khích để khai, để cung cấp thông tin. Không có thông tin như vậy hay không phải cung cấp thông tin (vì đã giảm trước khi tính) thì khó có thể nâng cao nhận thức của người dân (xem phân tích ở nguyên tắc 1, phần I). Nguồn thông tin đó là một tài sản vô giá cho ngành thuế, cho đất nước. + Việc thực thi đơn giản hơn, ít tạo cơ hội cho các quan chức thuế vụ vòi vĩnh + Tất cả mọi người (ít nhất là 5-6 triệu người) có khuyến khích để lưu ý đến quản lý tài chính của bản thân mình; phải học, tìm hiểu và thực hành vì lợi ích của chính mình; như thế sẽ có kết quả hơn nhiều trường đào tạo; hiểu biết cao hơn góp phần hết sức quan trọng vào hiệu quả của công việc gia đình, kinh doanh của họ, tức là của quốc gia. + Tôi kiến nghị cấp mã số thuế cho tất cả mọi người (kể từ khi sinh ra); dùng mã số đó như số chứng minh thư cho những người được cấp chứng minh thư; cũng số đó là số để tiếp cận đến các dịch vụ y tế (số bảo hiểm y tế) hay phúc lợi xã hội khác (hưu bổng, trợ cấp, học bổng, trợ cấp lãi suất vay học nghề, theo dõi tín dụng học sinh, sinh viên, v.v). Mã số đó gắn với mỗi người suốt đời. Nếu làm thế sẽ có cơ sở để tích hợp dễ dàng các cơ sở dữ liệu về cá nhân (phục vụ cho thu thuế, minh bạch tài sản, các dịch vụ xã hội khác, cho theo dõi các khoản tín dụng ưu đãi để học nghề hay tín dụng sinh viên). Công nghệ ngày nay cho phép thực hiện các hệ thống tích hợp như thế với giá phải chăng. Mã số thuế này tạo điều kiện quản lý hữu hiệu những vấn đề thuế của tất cả mọi người dân (tất nhiên lúc đầu chỉ là những người thuộc diện chịu thuế), kể cả đơn giản hóa việc quản lý chiết trừ gia cảnh, minh bạch hóa tài sản, góp phần đắc lực chống tham nhũng. - Dữ liệu phải xử lý sẽ nhiều hơn (song công nghệ cho phép thực hiện không khó khăn mấy mà lại tạo tài sản thông tin cho quốc gia). - Số người thuộc diện phải khai sẽ nhiều lên, dễ sinh ra sai sót (nên phải có kiểm tra chéo, thí dụ buộc phải khai qua mạng 2 lần), làm tăng chi phí. - Ban đầu sẽ có thể có rất nhiều người chống (nhất là những kẻ “tóc dày” hay các nhóm lợi ích khác), nên phải giải thích cho rõ, tốn thêm chi phí. - Cấp mã số thuế = số chứng minh thư = số bảo hiểm y tế = số bảo hiểm xã hội = địa chỉ điện tử duy nhất suốt đời sẽ kéo theo việc phối hợp với các cơ quan khác (công an, Bảo hiểm ý tế, bảo hiểm xã hội, v.v.) sẽ làm tăng chi phí (nhưng so với hiệu quả thì rất đáng, và chỉ ở mức Luật và ở mức Quốc hội mới có thể buộc các cơ quan chính phủ phải hợp tác với nhau thực hiện). - Khối lượng phải xử lý các khoản thoái thu sẽ tập trung vào một thời gian (thường là cuối hay đầu năm sau) có thể làm cho công việc xử lý tăng gấp bội (nên thủ tục phải thật đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu để tránh sai sót, khiếu nại, v.v.) 6. Miễn thuế thu nhập cá nhân cho các khoản đóng góp cho các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi. Đây là một công cụ chính sách tạo khuyến khích to lớn cho việc “xã hội hóa” đích thực, cho việc “nhà nước và nhân dân cùng làm” đích thực góp phần giải quyết các vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện, phát triển khoa học và nghệ thuật, v.v. Khi những người giàu đóng góp tiền bạc cho các tổ chức phi vụ lợi, từ thiện như vậy, thì khoản đóng góp đó nên được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế của họ. Nói cách khác, người có thu nhập bỏ ra phần lớn, nhà nước bỏ ra một phần (tức là, phần thuế lẽ ra nhà nước có thể thu được trên phần đóng góp đó [với tỷ lệ không bao giờ quá mức thuế suất tối đa]). Để cho người đóng góp chính được “hưởng danh”. Hầu hết các nước đều có chính sách rất khôn ngoan này. Nếu có chính sách này sẽ có thể huy động được rất nhiều nguồn lực cho khu vực xã hội (các tổ chức phi vụ lợi, từ thiện, v.v những tổ chức làm công việc này hiệu quả hơn nhà nước hay khu vực tư nhân) để giải quyết các vấn đề rất bức xúc hay để tài trợ cho phát triển khoa học nghệ thuật. Tôi tha thiết kiến nghị đưa khoản miễn trừ này vào luật. Hãy suy ngẫm xem Bill Gates, Warren Buffett và các nhà tỷ phú khác góp phần to lớn thế nào vào giải quyết các vấn đề nan giải và phát triển khoa học và nghệ thuật. Có chính sách khôn khéo, tôi tin ở Việt Nam cũng có thể huy động được rất nhiều tiền cho công việc như vậy, đỡ gánh nặng tài chính và quản lý của nhà nước rất nhiều. 7. Biểu thuế toàn phần và thuế thu nhập cá nhân với người không cư trú. Trước mắt tôi chưa có ý kiến thêm về những vấn đề này. Tóm lại, dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân đưa ra lấy ý kiến nhân dân là một bản dự thảo khá tốt, tạo cơ sở, khung khổ tốt cho việc thảo luận, góp ý. Các chuyên gia nên trình bày hết các khía cạnh, những mặt hay mặt dở, đề xuất những kiến nghị xây dựng (không chỉ phê phán suông, mà phải có cơ sở, và nếu có cơ sở thì dễ đưa ra đề xuất và kiến nghị). Có một luật thuế thu nhập cá nhân tốt là một sự đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước; hấp tấp, cẩu thả, hay không cẩn trọng đưa ra luật tồi có thể gây tác hại khôn lường. Tất cả những phân tích như vậy, tất cả những khả năng lựa chọn phải được trình bày một cách khách quan cho cơ quan lập pháp. Các đại biểu quốc hội sẽ phải lấy quyết định chính trị của mình trong các lựa chọn đã được phân tích, cân nhắc kỹ này.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật