THỰC TRẠNG TẢO HÔN Ở VÙNG TÂY BẮC: CHUYỆN BUỒN "BẮT VỢ"

BÙI HƯƠNG Trời Tây Bắc xầm xì, dòng sông Đà bắt đầu mùa lũ. Xuôi theo sông, chúng tôi tìm về các bản Mông cao tút hút. Vẳng trong không gian, trên các sườn núi, lời hát tìm bạn của các chàng trai Mông ngân lên: Cú cò, nhỉa cò, cú nhỉa cò… (anh và em, anh và em yêu nhau) báo hiệu cho một mùa “bắt vợ”, “kéo vợ” bắt đầu… Làm vợ từ thuở… 12 Tập tục “kéo vợ” của người Dao hay “bắt vợ” của người Mông vốn là một tập tục có từ lâu đời. Thông thường, vào những ngày rỗi việc, thóc, ngô đã về yên trong bồ, các chàng trai Mông, Dao thường nhờ cánh bạn cùng lứa đi “bắt”, “kéo” vợ về cho mình. Khi chàng trai người Mông, Dao nào đó để ý đến một cô gái bất cứ ở lứa tuổi nào mà anh ta thích, anh ta sẽ tổ chức đi “bắt” hay “kéo” về nhà mình để cúng trình ma, dù cô gái kia có yêu anh ta hay không. Đã bị bắt về nhà, cúng trình ma rồi thì cô gái kia đã trở thành vợ, thành dâu nhà người. Cô gái sẽ phải ở vậy suốt đời, không ai nhòm ngó nếu không lấy chàng trai đó. Vùng đất Tây Bắc – thượng nguồn sông Đà mỗi mùa “bắt vợ” qua đi, người ta không thể thống kê được có bao nhiêu thiếu nữ người Dao, người Mông đẹp như bông tớ dầy đã có người yêu trở thành nạn nhân của tập tục này.   Ở Lai Châu, nơi nào có người Mông, Dao sinh sống là nơi ấy còn hiện hữu tập tục “bắt vợ”, “kéo vợ”, chỉ khác nhau ở mức độ do môi trường giao tiếp. Trong các huyện ở Lai Châu thì huyện Phong Thổ được coi là nơi có tập tục này tồn tại lâu nhất và ăn sâu vào tiềm thức người dân, đặc biệt là ở các xã xa xôi như Nậm Se, Mù Sang, Bản Lang… Để tìm hiểu cái hậu nghiệt ngã của tập tục này, tại bản Nậm Se, chúng tôi đã tìm gặp người mẹ trẻ Lý Thị Hợp. Ngôi nhà tranh gió thốc bốn bề, nằm sát bìa rừng là nơi cư ngụ của vợ chồng trẻ Lý Thị Hợp và Vàng Văn Việt. Nếu không đặt chân vào nhà, thấy người, thấy bếp thì người ta dễ nhầm đây là một cái chòi canh nương bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi. Nhà của cặp vợ chồng trẻ này không có gì ngoài vài ba chiếc nồi méo mó, đen thui cùng ít váy áo cũ vắt trên chiếc sào nứa. Lý Thị Hợp, người con gái phải chấp nhận tập tục “bắt vợ” của người Mông này đã phải làm vợ từ năm 12 tuổi. Là một cô bé xinh xắn, năm 12 tuổi, Hợp đang váy áo xúng xính cùng bạn bè đồng lứa đi chơi lễ hội Gầu Tào (một lễ hội của người Mông vào đầu mùa xuân) thì “được” Vàng Văn Việt (chồng của em bây giờ, hơn em 5 tuổi) “để ý”. Thế là Tết năm ấy, cuộc đời thiếu nữ của cô bé Hợp khép lại khi Vàng Văn Việt rủ tụi bạn chặn đường “bắt” em về làm vợ. Hợp có muốn học, muốn làm, muốn ở với bố mẹ đẻ nữa cũng bằng không thôi, “ma nhà chồng” đã “ghi tên” em vào “sổ” rồi! Không có lối thoát, không có sự lựa chọn, theo tập tục, cô bé Hợp ngơ ngác bước chân qua bậu cửa nhà chồng. Hai năm sau, cây đào trên núi lại đơm hoa đỏ thắm, chúng bạn cùng trang lứa chưa bị ai “bắt” vẫn vui vẻ chơi xuân, còn em phải nằm góc nhà trở dạ. 14 tuổi Hợp đã phải làm mẹ, tài sản không có gì, mẹ bé, con yếu, gia cảnh của em túng quẫn vô cùng. Hôm chúng tôi đến, Hợp đang ôm con ngồi hơ lửa và vá lại bộ quần áo cũ vừa xin được để chuẩn bị chống lạnh cho con khi những cơn gió mùa đang rin rít tràn về. Cũng trong chuyến vào Phong Thổ lần này, tại Mù Sang, chúng tôi gặp người mẹ trẻ Vàng Thị Dợ. Dợ là một cô gái Dao. So với Hợp, Dợ vẫn may mắn hơn vì 16 tuổi em mới bị người ta “kéo” về làm vợ. Dợ bảo, trong một lần đi lấy rau cho lợn ngoài nương, em bị một người mà em không hề yêu thương lấy vải bịt mắt, vác về nhà cúng ma. Và, cũng như cô gái người Mông Lý Thị Hợp kia, Dợ đành phải chấp nhận lấy chồng theo tập tục. Dợ nói trong ánh nhìn buồn như mây mù: “Gái Mông, gái Dao ở đây là thế, bị người ta “bắt”, người ta “kéo” là phải lấy người ta thôi”. Khi luật chưa thắng lệ Bên bếp lửa rực hồng với chén rượu ngô, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tấn Văn Thông – Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Nậm Se. ông Thông cho biết: “Chính quyền xã cũng đã tốn công, tốn sức tuyên truyền, vận động và có cả xử phạt nữa đấy, nhưng ở nơi này Luật (Luật Hôn nhân gia đình) vẫn chưa thắng cái lệ đâu…”. Theo cách lý giải của ông Thông, tập tục “kéo vợ”, “bắt vợ” ở vùng Tây Bắc này vẫn hết sức nan giải. Điều nan giải nhất là tập tục này đã có từ lâu đời, nó đã trở thành một phần huyết tố, một “nếp nhăn” hằn đậm trong suy nghĩ của người dân. Tuổi lấy chồng đối với con gái người Dao, người Mông ở đây vẫn được “ấn định” từ 15-20 tuổi. Cô gái nào từ 20 tuổi trở đi, nếu không được ai “bắt”, “kéo” thì coi như đã “ế” rồi. Nếu muốn lấy được chồng, nhiều cô gái phải làm lễ đi tìm chồng cho mình, xấu hổ và tốn kém lắm. Cũng theo ông Thông, do sự chi phối của tập tục cùng với điều kiện kinh tế, xã hội còn thấp kém nên tập tục “bắt vợ”, “kéo vợ” còn hết sức nan giải. Trong các nạn nhân của tập tục này chiếm phần rất nhỏ là tự nguyện còn lại là bị sức ép từ nhiều phía, trong đó lớn nhất vẫn là tập tục. Ngoài những sức ép như: sợ không ai “bắt”, “kéo”; sợ “ế” chồng thì con gái người Mông, người Dao còn bị sức ép từ phía cha mẹ. Nếu được người ta “bắt”, “kéo” vào độ tuổi từ 20 đổ lại thì gia đình nhà gái có quyền thách cưới, dù thách to hay nhỏ cũng có tiền đem về cho gia đình. Chính lý do này đã khiến các ông bố bà mẹ có con gái luôn luôn “ủng hộ” việc người ta “bắt”, “kéo” con gái mình trong độ tuổi ấy. Với tâm trạng hết sức trăn trởV, chị Nguyễn Thị Thảo, y tá Trạm y tế xã Mù Sang ngậm ngùi: “Nhiều khi tôi rớt nước mắt trước những sản phụ tuổi chưa đến 15 quằn quại với những cơn đau quá sức. Chúng ngây thơ, vụng về đến tội nghiệp. Có trường hợp đòi bỏ về vì… đau quá không đẻ nữa. Không biết chúng sẽ sống ra sao khi phải làm mẹ ở lứa tuổi ấy”. Các lớp học ở đây thỉnh thoảng lại vắng mất một bé gái. Cô giáo hỏi thì bạn bè cho biết là họ đã bị người ta “bắt”, “kéo” về làm vợ rồi. Vấn đề này đang là một thực trạng hết sức đau lòng ở đây. Riêng với y tá Thảo, 2 năm công tác ở Mù Sang, hàng chục lần chị đã tận mắt chứng kiến các em gái bị trai bản “bắt” và “kéo” về làm vợ. Chị thấy cám cảnh mà không làm gì được. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đồn biên phòng 277 được phân quản lý 3 xã là Suối Hồ, Nậm Se, Bản Lang. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, anh em Đồn 227 còn trợ giúp cơ sở loại bỏ tập tục. Tuy nhiên, để giải quyết tập tục này không thể trong ngày một, ngày hai mà cần phải tác động từ từ vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Riêng năm 2006, 3 xã có tới gần 40 vụ trai, gái tự tử mà nguyên nhân sâu xa là bị người ta “bắt”, nhầm, “bắt” sớm hoặc do cha mẹ, người thân ngăn cản không cho đi “bắt”, đi “kéo”. Chúng tôi rời Tây Bắc khi màu trong xanh của nước sông Đà biến thành đỏ quạch vì lũ đang cuồn cuộn đổ về. Không biết mỗi năm có bao thiếu nữ người Mông, người Dao phải gác mọi hồn nhiên, ngậm ngùi theo người ta về làm vợ khi chưa đến tuổi trăng tròn. Suy nghĩ và sự trăn trở cứ như chiếc đinh vít xoáy sâu vào đầu chúng tôi, gây ra một cảm giác nhoi nhói về một hủ tục buồn…

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật