Trọng chứng hay trọng cung không quan trọng bằng bản lĩnh nghề nghiệp và cái tâm sáng của người thẩm phán khi giải quyết án.Sơ thẩm: Trọng chứng Theo hồ sơ, tháng 5-2008, bà NTTT kiện ông Y. (anh chồng) ra TAND TP.HCM đòi chia 1/2 căn nhà ở đường Cô Giang (phường 2, quận Phú Nhuận). Theo bà T., căn nhà trên do cha mẹ chồng cho tiền chồng bà và ông Y. mua năm 1987. Sau đó, anh em họ đã đưa cả gia đình bên chồng về ở chung. Cha mẹ chồng bà bán nhà cũ, anh chị em nào có gia đình thì cho tiền ra ở riêng. Nay chồng bà đã mất, bà làm ăn thất bại, không có nhà ở nên yêu cầu ông Y. chia 1/2 căn nhà cho bà. Kèm đơn kiện, bà T. nộp bản sao giấy tờ nhà đứng tên chồng bà cùng ông Y. Ngược lại, ông Y. khẳng định cha mẹ ông mua căn nhà trên để hai anh em ông đứng tên giùm. Ý của các cụ là muốn để căn nhà này làm nhà thờ dòng họ lâu dài. Trước đây, tám anh em ông cùng ở chung với cha mẹ tại đây, sau trưởng thành, có gia đình đều được cha mẹ cho tiền ra riêng. Bản thân ông và chồng bà T. cũng không còn ở trong nhà này. Nhà hiện do hai người em ở đó quản lý di sản, thờ cúng cha mẹ. Vì vậy, ông không đồng ý chia một nửa căn nhà cho bà T. Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2009, TAND TP.HCM đã dựa vào giấy tờ nhà để chấp nhận yêu cầu của bà T., bác toàn bộ lời khai của ông Y., của các anh chị em ông (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và các nhân chứng về nguồn gốc căn nhà. Theo tòa, các nhân chứng chỉ nghe lời cha chồng bà T. nói mua nhà, còn cụ thể hơn thì không ai nắm. Ngoài những lời khai thì không có chứng cứ nào khác xác định căn nhà này là do cha mẹ ông Y. để lại cho tất cả anh chị em. Phúc thẩm: Trọng cung Các anh chị em ông Y. đã kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, trước hết tất cả đương sự, kể cả nguyên đơn đều thừa nhận căn nhà là do cha mẹ chồng bà T. bỏ tiền ra mua. Điều này phù hợp với lời khai của các nhân chứng (đều cho rằng cha chồng bà T. mua nhà và để chồng bà T. cùng ông Y. đứng tên giùm). Năm 2005, cha chồng bà T. cũng từng yêu cầu chuyển tên quyền sở hữu nhà lại nhưng chồng bà T. không chịu. Hai bên xảy ra tranh chấp, có cán bộ phường chứng kiến. Cạnh đó, bà T. nói cha mẹ chồng cho chồng bà và ông T. căn nhà nhưng bản thân ông Y. – người cùng đứng tên sở hữu nhà lại không thừa nhận. Lời khai của ông Y. phù hợp với lời khai của sáu người con khác. Phía nguyên đơn, ngoài việc người chồng đứng tên trong giấy hồng thì không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ gì khác để chứng minh có việc tặng cho nhà này. Ngoài ra, thực tế dù căn nhà đứng tên chồng bà T. và ông Y. nhưng các đương sự đều thừa nhận sau khi mua nhà, cả gia đình chồng bà T. đều về ở. Tại phiên xử, bà T. cũng thừa nhận sau khi cưới (năm 1991), vợ chồng bà cũng chỉ ở đây nửa năm rồi sang nhà bà sinh sống. Hiện căn nhà do hai anh em khác của ông Y. đang ở quản lý, sử dụng. Họ cũng đang giữ toàn bộ giấy tờ nhà. Hơn nữa, trước khi mất, cha mẹ chồng bà T. chỉ có căn nhà trên là tài sản chung duy nhất. Vì vậy, tòa phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm đã đánh giá chưa đầy đủ, chưa toàn diện các chứng cứ khi chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Từ đó, tòa đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu của bà T., xác định căn nhà trên là di sản của cha mẹ chồng bà T. để lại cho các con. Quan trọng là hợp tình, hợp lý Theo một thẩm phán chuyên xét xử dân sự, các tranh chấp dân sự rất đa dạng, phức tạp, muôn hình vạn trạng. Đi tìm sự thật khách quan thì không thể chỉ máy móc đánh giá dựa trên những chứng cứ giấy tờ rồi bỏ qua lời khai của các đương sự. Dĩ nhiên, để có phán quyết hợp tình, hợp lý thì HĐXX phải có bản lĩnh, đồng thời phải rất cẩn trọng. Đồng tình, luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, lời khai của đương sự, người làm chứng cũng được xem là chứng cứ. Luật ở ta không phân biệt chứng cứ trực tiếp hay gián tiếp nên bản thân lời khai cũng có thể đối trọng với những chứng cứ bằng giấy tờ khác. Khi chứng cứ có chứng thực hợp pháp mà không phù hợp với những chứng cứ lời khai khác thì phải thận trọng. Điều đáng lưu ý là người xét xử phải xem xét một cách toàn diện, khách quan tất cả chứng cứ để tìm ra sự thật. Trọng chứng hay trọng cung không quan trọng bằng bản lĩnh nghề nghiệp và cái tâm sáng của người thẩm phán khi giải quyết án. Thụ lý vụ án này, tòa phúc thẩm đã phải hoãn xử nhiều lần để nghiên cứu thật kỹ hồ sơ. Bởi lẽ chứng cứ chỉ có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên chồng nguyên đơn và bị đơn, còn lại tất cả đều chỉ là lời khai của các đương sự. Cuối cùng, tòa xét thấy các lời khai lại có sức thuyết phục hơn bằng chứng mà bên nguyên đơn cung cấp. SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"