THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ: CÓ TỊCH THU GIẤY PHÉP KINH DOANH KHÔNG?

LÊ VĂN KIỀU – Nguyên Chánh Thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ
Công ty Honda Việt Nam sở hữu KDCN đối với các loại xe máy, trong đó có KDCN đã được cấp bằng độc quyền số 4306. Công ty Li đã đưa ra thị trường loại xe máy có các chi tiết nhựa gồm mặt nạ, cặp cánh yếm trái và phải, chắn bùn trước, cặp ốp giảm sóc trước trái và phải, cặp ốp lườn trái và phải, cốp xe, đèn sau, chắn bùn sau, mu rùa, ốp nhựa giữa yếm, cặp ốp sườn trái và phải. Các chi tiết này tạo thành xe có kiểu dáng trùng với KDCN đã được cấp bằng độc quyền số 4306. Vụ vi phạm có nhiều tình tiết đáng lưu ý như hành vi có tính chất, quy mô lớn, có tổ chức, khép kín từ sản xuất, lắp ráp đến lưu thông trên thị trường. Đây là lần thứ 3 trong thời gian gần 1 năm, Công ty Li có hành vi vi phạm hành chính về SHCN. Hai lần trước đó Công ty này đã bị xử phạt. Sau khi xem xét hành vi vi phạm và các tình tiết tăng nặng, UBND tỉnh Đồng Nai đã phạt Công ty Li 75 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn 9 tháng, buộc tháo dỡ, tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ các chi tiết vi phạm KDCN của Honda được lắp trên 72 chiếc xe máy của Công ty Li. (Nguồn: Báo Đầu tư ngày 26.7.2005)
Lời bình: 1. Công ty Li đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN chưa hết thời hạn 1 năm, nay lại tiếp tục vi phạm. Hành vi vi phạm lần trước và lần này trong cùng lĩnh vực SHCN. Vì vậy, theo quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính bị coi là tái phạm. Tái phạm là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt mà lại thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đã bị xử phạt. “Lĩnh vực” quy định tại khoản này được hiu là các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định tại từng nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính. Tái phạm là một trong các tình tiết tăng nặng. Bên cạnh đó, việc vi phạm của Công ty Li có tính chất, quy mô lớn, có tổ chức. Do hành vi của Công ty Li có nhiều tình tiết tăng nặng nên mức phạt phải cao hơn mức trung bình của khung tiền phạt. Vì vậy, căn cứ Nghị định số 12/1999/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ việc này, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định mức phạt 75 triệu đồng là phù hợp.   2. Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 12 quy định, bên cạnh hình thức phạt chính (cảnh cáo hoặc phạt tiền) còn có hình thức phạt bổ sung gồm các hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Trong quyết định xử phạt đối với Công ty Li có kèm theo hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ các chi tiết vi phạm. Việc áp dụng hình thức phạt bổ sung này là hợp lý. Việc tịch thu, tiêu hủy giúp ngăn chặn việc tiếp tục đưa các chi tiết tạo nên KDCN vi phạm trở lại thị trường. 3. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh của Công ty Li là cần phải cân nhắc. Mặc dù pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có quy định việc tước giấy phép kinh doanh, nhưng việc áp dụng hình thức xử phạt này trong từng trường hợp cần thận trọng. Tước giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc Công ty Li sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Li bao gồm nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Hoạt động lắp ráp 72 xe gắn máy xâm phạm KDCN chỉ là một trong nhiều hoạt động theo giấy phép kinh doanh của Công ty này. Vì vậy, biện pháp xử phạt bổ sung đối với Công ty Li phải là tước quyền hoạt động lắp ráp xe máy ghi trong giấy phép kinh doanh. Như vậy, Công ty Li không được lắp ráp xe máy trong thời hạn nhất định. Các hoạt động khác, trong các lĩnh vực khác không liên quan đến hoạt động vi phạm (lắp ráp xe máy) vẫn được hoạt động. 4. Để làm rõ nội dung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, Điều 11 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16.12.2008 quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã chỉ rõ đó là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để cho phép tổ chức, cá nhân đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề trong một lĩnh vực nhất định hoặc sử dụng một loại công cụ, phương tiện nhất định. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều này không bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề. Như vậy, từ sau khi Nghị định số 128/2008/NĐ-CP có hiệu lực, các quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp cần áp dụng biện pháp tịch thu giấy phép sẽ không bao gồm việc tịch thu giấy phép kinh doanh.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật