Thông tư số 134/2007/TT-BTC “Hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế Thu nhập DN” mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp

So với Thông tư 128/2003/TT-BTC trước đây, Thông tư 134 có nhiều điểm tiến bộ hơn. Tuy nhiên, trong phần quy định về lãi suất tiền vay được thừa nhận vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế vẫn còn một “hạt sạn”, trái với quy định của Luật DN. Về các khoản lãi trả tiền vay không được thừa nhận vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế, tại mục 2.16, khoản 2, phần III của TT134, quy định: “Các khoản chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu kể cả trường hợp cơ sở kinh doanh đã đi vào sản xuất kinh doanh”. Mục đích của quy định nêu trên là ngăn chặn tình trạng đăng ký vốn “ảo” khi đăng ký thành lập DN đang xảy ra một cách khá phổ biến hiện nay. Song, quy định trên lại mâu thuẫn với quy định của Luật DN về việc góp vốn điều lệ. Khoản 1, Điều 39 Luật DN quy định việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp đối với Cty TNHH có từ hai thành viên trở lên như sau: “Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết”..và “Người đại diện theo pháp luật của Cty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn…”. Tương tự như vậy, khoản 1 Điều 84 Luật DN quy định đối với việc góp vốn điều lệ của Cty cổ phần như sau: “1. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày Cty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Khoản 4 Điều 84 cho phép “4. Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Cty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Như vậy, Luật DN không yêu cầu các thành viên góp vốn thành lập Cty TNHH có từ hai thành viên trở lên phải góp vốn ngay sau khi nhận Giấy chứng nhận kinh doanh mà được phép “cam kết tiến độ” góp vốn và bản cam kết này phải được thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Với các Cty cổ phần, các cổ đông sáng lập chỉ có trách nhiệm mua và phải góp đủ tiền đối với 20% vốn điều lệ, 80% còn lại là cổ phần chào bán và phải bán hết trong thời hạn ba năm. Ai cũng biết rằng, nếu hoạt động kinh doanh bằng vốn tự có thì chi phí sử dụng vốn thấp, có thể bằng 0 và khi đó, thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập DN sẽ cao hơn. Song, xét về hiệu quả đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư có quy mô lớn, việc sử dụng 100% vốn tự có không phải là tối ưu. Hơn nữa, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thành lập DN, tham gia thị trường, quy định như đã trích dẫn trên của Luật DN là hoàn toàn hợp lý. Do đó, nếu trong thời hạn của cam kết góp vốn đối với Cty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên và trong thời hạn ba năm để chào bán các cổ phần được quyền chào bán của Cty cổ phần, Cty phải huy động vốn từ ngân hàng hoặc các đối tượng khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiền trả lãi đối với khoản vay này phải được thừa nhận vào chi phí đầu tư, kinh doanh. Với những Cty cổ phần được thành lập để thực hiện các dự án có quy mô lớn, việc huy động vốn từ các ngân hàng cho 80% còn lại là tất yếu khách quan. Chẳng hạn, một Cty cổ phần đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng với tổng đầu tư 500 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập phải góp đủ 20% tức là bằng 100 tỷ đồng, 400 tỷ đồng còn lại phải được chào bán trong thời hạn ba năm. Song, việc xây dựng nhà máy không thể kéo dài tới ba năm, cho nên trong 1 đến 2 năm đầu, Cty phải vay đủ 400 tỷ để hoàn thành công trình. Sau đó, sẽ chào bán số cổ phần còn lại để trả nợ tiền vay. Trong trường hợp này, lãi trả tiền vay cho khoản 400 tỷ nêu trên phải được thừa nhận và được “vốn hóa” thành giá trị tài sản cố định của nhà máy. Từ phân tích trên, có thể kết luận rằng, quy định loại trừ các khoản lãi tiền vay trong trường hợp “Các khoản chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu kể cả trường hợp cơ sở kinh doanh đã đi vào sản xuất kinh doanh” là mâu thuẫn với quy định của Luật DN. Nếu được, xin đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung nội dung trên như sau: “Các khoản chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ theo tiến độ đã đăng ký đối với các Cty TNHH có từ hai thành viên trở lên và giá trị các cổ phần chào bán sau thời hạn ba năm đối với các Cty cổ phần”. Việc sửa đổi, bổ sung như trên là cần thiết khách quan nhằm khuyến khích việc thành lập doanh nghiêp, nuôi dưỡng nguồn thu và không nên để một thông tư cấp bộ lại “đá” luật do Quốc hội ban hành  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật