THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG

NGUYỄN ĐỨCTUẤN – Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ 1. Sự hình thành và thực trạng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam 1.1. Sự hình thành và phát triển Bắt đầu từ năm 1986 Việt Nam đã chính thức thực hiện chính sách “Đổi mới”, với trọng tâm là chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Chính sách đổi mới đã thực sự có tác động tích cực đối với toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, đem lại sự ổn định và tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong 10 năm qua đạt trên 7% và trong năm 2007 đạt 8,5%; thu nhập bình quân theo đầu người tăng từ 423 đô la Mỹ năm 2001 lên 835 đô la Mỹ năm 2007; lạm phát được kiềm chế và kiểm soát; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 32% năm 2000 và còn 14,7% vào năm 2007. Tăng trưởng kinh tế cùng với việc xoá bỏ dần cơ chế bao cấp đã thúc đẩy nhu cầu và sự ra đời của thị trường bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam. Năm 1996 đánh dấu sự ra đời của ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam bằng việc Bộ Tài chính cho phép Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm nhân thọ. Đáp lại yêu cầu của quá trình mở cửa và hội nhập cũng như yêu cầu phát triển của bản thân ngành bảo hiểm nhân thọ. Sau thời gian thí điểm, Bộ Tài chính đã lần lượt cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài (trong năm 1999 cấp giấy phép cho 3 doanh nghiệp là Prudential, Manulife, Bảo Minh – CMG – nay là Daiichi Life), sau đó là AIA (năm 2000), Prevoir, ACE Life, Great Eastern Life và Cathay Life. Đến nay trên thị trường đã có 09 doanh nghiệp hoạt động và theo dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được cấp giấy phép hoạt động trong thời gian tới.   Với sự gia nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, sản phẩm, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Có thể kể ra những con số và thông tin đáng chú ý sau: Về khai thác mới: nếu như năm 1996 doanh thu phí khai thác mới của toàn thị trường chưa đầy 1 tỷ đồng thì đến năm 2003 con số này là 2.050 tỷ đồng (bằng 0,61% GDP) và năm 2007 ước đạt 1.815 tỷ đồng (bằng 0,16 % GDP). Xin lưu ý, trong giai đoạn từ 2004 đến 2006, thị trường bước vào giai đoạn suy giảm và đã có dấu hiệu hồi phục từ năm 2007. Tổng doanh thu phí bảo hiểm: năm 2003 tổng doanh thu phí của toàn thị trường đạt 6.442 tỷ đồng (bằng 1,92% GDP) và năm 2007 đạt 9.485 tỷ đồng (bằng 2,06% GDP). Chính từ nguồn phí bảo hiểm này, ngành bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp một lượng vốn lớn cho nền kinh tế. Tổng số hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đến cuối năm 2007: 3.834 nghìn hợp đồng chính (bằng khoảng 4,5% dân số). Về kênh phân phối đại lý: thị trường đã tạo việc làm cho nhiều người lao động. Tổng số đại lý tại cuối năm 2007 là 70.000 người. Về sản phẩm: Đến nay, thị trường đã cung cấp cho công chúng hầu hết các dòng sản phẩm từ sản phẩm truyền thống đến bảo hiểm liên kết chung (universal life) và gần đây là bảo hiểm liên kết đơn vị (unit linked). Sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng là một nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển của khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, đánh dấu bằng sự ra đời của Luật kinh doanh bảo hiểm đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000. 1.2. Thực trạng và những thách thức a). Thực trạng/Đặc điểm Bây giờ chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam ở những khía cạnh sau: Về sản phẩm: Giống như quá trình phát triển của các thị trường khác trên thế giới, đến nay sản phẩm chủ yếu của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn là các sản phẩm hỗn hợp truyền thống với 73% doanh thu khai khác mới và 87% số lượng hợp đồng chính có hiệu lực tại cuối năm 2007. Tỷ trọng này đã giảm trong thời gian qua với sự gia tăng của các sản phẩm mang tính bảo vệ và sản phẩm phi truyền thống. Sản phẩm liên kết chung (universal life) đã được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây và thu được những kết quả đáng chú ý. Từ đầu năm 2008 sản phẩm liên kết đơn vị (unit linked) cũng đã được đưa ra thị trường. Các sản phẩm bancassurance cũng đã lần lượt được đưa ra thị trường trong mấy năm gần đây. Về kênh phân phối: Kênh phân phối qua đại lý đến nay đây vẫn là kênh phân phối chính, đóng góp khoảng 99% doanh thu khai thác mới. Đáng chú ý, sau một giai đoạn phát triển “nóng" về số lượng đại lý với hệ quả là “vào nhanh, ra nhanh”, trong thời gian gần đây các doanh nghiệp đã chú trọng đến chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghề đại lý bảo hiểm. Tại cuối năm 2004, toàn thị trường có gần 100.000 đại lý hoạt động thì đến cuối năm 2007 con số này chỉ là gần 70.000 đại lý hoạt động. Bên cạnh kênh phân phối qua đại lý, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng thêm kênh bancassurance nhưng đến nay kết quả của kênh phân phối này vẫn còn rất khiêm tốn (với dưới 1% doanh thu khai thác mới). Năng lực tài chính: Nhằm nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có quy định nâng mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ từ 400 tỷ lên 600 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp được phép triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị thì yêu cầu về mức vốn điều lệ đã góp phải cao hơn mức vốn pháp định từ 200 tỷ đồng trở lên. b). Những thách thức Mặc dù đã có những bước phát triển dài nhưng có thể thấy, đến nay thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đang gặp phải một số thách thức đối với sự phát triển bền vững của mình, có thể kể: Thứ nhất, lạm phát. Trong năm 2007 tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là 12,6% và dự báo trong năm 2008 tỷ lệ này còn cao hơn, làm cho chúng ta nhớ đến tình trạng lạm phát trong những năm đầu bảo hiểm nhân thọ được triển khai. Lạm phát cao kéo theo hệ quả là làm giảm niềm tin của công chúng đối với các khoản đầu tư dài hạn, các hợp đồng bảo hiểm dài hạn đồng thời làm cho lãi suất ngắn hạn tăng lên cao (như lãi suất tiết kiệm ngân hàng), tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Thứ hai, sự cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính (như ngân hàng, chứng khoán và các tổ chức tài chính) và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong việc thu hút tiền vốn nhàn rỗi trong dân chúng ngày càng gay gắt. Các ngân hàng đã đưa ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao đối với các sản phẩm bảo hiểm như tiết kiệm gửi định kỳ, tiết kiệm lãi suất bậc thang, tiết kiệm với thời hạn dài kèm theo các hình thức khuyến mại như tặng bảo hiểm, rút thăm trúng thưởng và nhiều ưu đãi liên quan khác. Theo đánh giá chung, sự cạnh tranh của các tổ chức tài chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong giai đoạn 2004-2006. Thứ ba, môi trường luật pháp điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm mặc dù đã được quan tâm xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Điều vui mừng là việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm 2010. Thứ tư, nhận thức và hiểu biết của thị trường cũng như của các cơ quan nhà nước nói chung về bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa cao, gây khó khăn cho hoạt động của ngành. Đặc biệt, đến nay đại lý bảo hiểm nhân thọ chưa nhận được sự đánh giá cao của công chúng và chưa được chính thức thừa nhận như một nghề nghiệp chuyên nghiệp. Thứ năm, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gặp không ít khó khăn do thị trường tài chính của Việt Nam chưa phát triển đầy đủ. Hiện có tới 90% nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ dành đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng thương mại. Vì thế hiệu quả đầu tư thấp và bảo tức cho người tham gia bảo hiểm vẫn chưa cao. Bên cạnh những thách thức trên, những hệ quả của giai đoạn phát triển “nóng” cũng là những vấn đề mà ngành bảo hiểm nhân thọ cần phải giải quyết, vượt qua. 2. Triển vọng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam Mặc dù có những khó khăn, thách thức như nêu trên, nhưng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn. Các cơ sở cho nhận định này là: Về dân số và nhu cầu đào tạo: Hiện nay dân số Việt Nam là 85 triệu người-đứng hàng thứ 13 trên thế giới, với mức tăng hàng năm khoảng 1 triệu người. Điểm đáng chú ý, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với 52 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 60% tổng dân số; tuổi thọ trung bình không ngừng được cải thiện (từ 50 tuổi trong những năm 1960 tăng lên 72 tuổi vào năm 2005). Với dân số trẻ cùng với truyền thống hiếu học cộng với yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực có trình độ cao sau khi Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đào tạo của Việt Nam ngày càng cao, đặc biệt là nhu cầu đào tạo chất lượng cao cả ở trong và ngoài nước kéo theo yêu cầu tài chính cho đào tạo ngày càng lớn. Phát triển kinh tế: Từ khi thực hiện chính sách “đổi mới”, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc và theo dự đoán Việt Nam tiếp tục đạt được tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao trong thời gian tới (dự báo trên 7%/năm); đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới năm 2010 GDP/người sẽ đạt 1.000 USD, và hơn thế nữa, người Việt Nam có truyền thống tiết kiệm và có mức tiết kiệm/thu nhập vào hàng cao nhất thế giới. Đáng chú ý, sự phát triển kinh tế đã làm cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, tạo ra nhu cầu cao về bảo hiểm nhân thọ. Xin nhắc lại, tỷ trọng người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ hiện nay ở Việt Nam mới chỉ chiếm 4,5% dân số (trong khi ở Nhật Bản tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ là 90%, Singapore 50%, và ngay tại Indonesia tỷ lệ này cũng trên 10%) và số tiền tiết kiệm được người dân dùng mua bảo hiểm nhân thọ mới chiếm 3,45% tổng số tiền tiết kiệm trong khu vực dân cư. Nhu cầu hoạch định kế hoạch tài chính và độc lập tài chính ngày càng cao hơn. Theo đà phát triển kinh tế – xã hội và sự hình thành gia đình hạt nhân (bố mẹ và con), làm cho nhu cầu hoạch định tài chính và nhu cầu độc lập tài chính ngày càng cao, nhằm tạo lập một cuộc sống ổn định, tự chủ và có mức hưởng thụ cao. Chẳng hạn, quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” của người Việt Nam đến nay đã có nhiều thay đổi, đặc biệt ở các thành phố lớn. Các cá nhân đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn tài chính khi nghỉ hưu, hết sức lao động để có thể sống độc lập về tài chính, không phải lệ thuộc hoặc dựa vào con cái, người thân. 3. Hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của Việt Nam chưa hoàn thiện. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, đến nay mới chỉ có khoảng 11% dân số Việt Nam, chủ yếu thuộc khu vực kinh tế nhà nước và công chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của nhà nước. Đáng chú ý, thu nhập từ tiền lương bảo hiểm xã hội ngày càng không đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao và sự tăng giá tiêu dùng. Thực trạng trên tạo cơ sở cho sự phát triển của các sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Trên thực tế, ở Việt Nam đã hình thành một số quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, như bảo hiểm hưu trí của nông dân. Tương tự bảo hiểm xã hội, hệ thống bảo hiểm y tế cũng trong tình trạng bất cập. Cụ thể, đến nay chỉ có khoảng gần 20% dân số được bảo vệ bởi bảo hiểm y tế, trong đó chủ yếu là người nghèo và học sinh (với chính sách hỗ trợ của Nhà nước). Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm y tế còn khá hẹp, còn có sự phân biệt trong điều trị giữa bệnh nhân hưởng bảo hiểm y tế và bệnh nhân dịch vụ. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn bệnh nhân có bảo hiểm y tế và thuộc tầng lớp trung lưu trở lên khi khám chữa bệnh đều không sử dụng quyền lợi từ bảo hiểm y tế để được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế cao hơn. Thực trạng này cũng là cơ sở cho sự ra đời của các sản phẩm bảo hiểm y tế, đặc biệt cho tầng lớp có thu nhập từ trung bình trở lên. Sự phát triển của thị trường tài chính một mặt cho phép nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đồng thời tạo là cơ sở cho sự ra đời của các sản phẩm bảo hiểm gắn với đầu tư, tích hợp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với các sản phẩm bảo hiểm tài chính khác (chẳng hạn, có thể kết hợp sản phẩm bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng ngân hàng…). Bên cạnh đó, sự lên xuống của thị trường chứng khoán trong thời gian qua cho thấy nhu cầu uỷ thác đầu tư cho nhà đầu tư chuyên nghiệp (chẳng hạn, các quỹ đầu tư) ngày càng cấp thiết, tạo tiền đề cho sự phát triển của sản phẩm liên kết đơn vị (unit Linked). Sự ủng hộ của Nhà nước Việt Nam mạnh mẽ đối với sự phát triển của thị trường thông qua việc tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành cũng như thực thi chính sách hội nhập nhằm tiếp thu công nghệ kinh doanh, công nghệ quản lý tiên tiến cho sự phát triển của ngành. Từ những phân tích ở trên một lần nữa có thể khẳng định rằng, trong thời gian tới cơ hội phát triển cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là rất lớn tuy nhiên cũng đi cùng là những thách thức không nhỏ. Để thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược sản phẩm, phân phối và công nghệ phù hợp. 4. Định hướng của Bảo Việt Nhân thọ Là doanh nghiệp khai mở thị trường bảo hiểm nhân thọ và là doanh nghiệp nội địa duy nhất của Việt Nam, trong môi trường kinh doanh liên tục thay đổi thì tầm nhìn và định hướng của Bảo Việt Nhân thọ sẽ là như thế nào? Về tầm nhìn: Trong thời gian tới Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục đặt mục tiêu là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trên phạm vi khu vực và quốc tế. Các định hướng: Thực hiện hiện đại hoá doanh nghiệp thông qua việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa và công nghệ quản lý, công nghệ kinh doanh tiên tiến nhất trên thế giới. Tổ chức lại hoạt động, chuẩn hoá các quy trình theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, nâng cao giá trị cho khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động kinh doanh. Thực hiện đa dạng hoá kênh phân phối, đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở phân đoạn thị trường, nguồn lực và những điểm mạnh của doanh nghiệp. Lấy chính sách phát triển con người làm trọng tâm, đặc biệt khuyến khích nhân tài qua các biện pháp như tiền lương, tiền thưởng, thăng tiến, đánh giá, đào tạo… Tăng cường áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật