THAY LÃI SUẤT CƠ BẢN BẰNG LÃI SUẤT CHÍNH SÁCH

TS. LÊ HỒNG GIANG Hầu hết các sách giáo khoa kinh tế vĩ mô đều định nghĩa chính sách tiền tệ là những quyết định của ngân hàng trung ương liên quan đến thay đổi tổng lượng tiền hay tổng phương tiện thanh toán lưu thông trong nền kinh tế. Một thực tế là hiện nay không còn ngân hàng trung ương nào kiểm soát trực tiếp số lượng tiền lưu thông nữa mà họ cố gắng lái mặt bằng lãi suất trên thị trường dao động trong một khoảng nhất định. Chính sách tiền tệ hiện đại gần như tương đương với chính sách lãi suất. Người ta nói đến các chính sách thắt chặt và nới lỏng tiền tệ tương đương với tăng và giảm lãi suất. Ở các nước phát triển, lãi suất mà các ngân hàng trung ương cố gắng tác động là lãi suất rất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, thường là cho vay qua đêm như ở Mỹ hay dài lắm là ba tháng như trường hợp Thuỵ Sỹ. Ngân hàng trung ương không bao giờ can thiệp trực tiếp vào lãi suất huy động hoặc cho vay giữa ngân hàng thương mại và khách hàng của họ. Ở những nước này, một uỷ ban chính sách tiền tệ thuộc ngân hàng trung ương (nhưng các thành viên có thể từ giới doanh nghiệp và giới hàn lâm bên ngoài) ra quyết định lãi suất trong các cuộc họp định kỳ, thường là hàng tháng. Mỗi ngân hàng trung ương gọi lãi suất mục tiêu này với một tên gọi khác nhau, ví dụ ở Mỹ là Fed Funds Rate, ở Úc là Cash Rate, ở Anh là Bank Rate. Tên gọi chung trong tiếng Anh cho các loại lãi suất mục tiêu này là “policy rate”, nếu dịch sát sẽ là “lãi suất chính sách”. Còn ở Việt Nam, các loại lãi suất mục tiêu này, vì lý do nào đó, được dịch và xuất hiện trên báo chí dưới cái tên “lãi suất cơ bản”. Thông thường, sau khi quyết định lãi suất mục tiêu ngân hàng trung ương sẽ can thiệp vào thị trường liên ngân hàng thông qua “hoạt động thị trường mở”, nghĩa là mua hoặc bán trái phiếu chính phủ để lái mặt bằng lãi suất trên thị trường này về gần với mục tiêu. Bên cạnh “hoạt động thị trường mở”, nhiều ngân hàng trung ương còn sử dụng một số công cụ bổ sung để tăng tính hiệu quả của chính sách tiền tệ như mua bán repo, trả lãi suất cho dự trữ bắt buộc, phát hành trái phiếu ngân hàng trung ương, hay cho vay tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng thương mại. Những công cụ này đều đi kèm với các lãi suất mục tiêu tương ứng có quan hệ mật thiết với “lãi suất chính sách”. Mỗi khi hội đồng tiền tệ của ngân hàng trung ương thay đổi “lãi suất chính sách”, các loại lãi suất này cũng được thay đổi theo một tỷ lệ tương đối cố định. Bởi vậy giới doanh nghiệp và báo chí hầu như chỉ quan tâm đến “lãi suất chính sách”.   Ở các nước đang phát triển, ngân hàng trung ương còn sử dụng một số biện pháp có tính hành chính để điều hành chính sách tiền tệ bên cạnh các biện pháp thị trường nói trên. Điển hình nhất là yêu cầu các ngân hàng thương mại thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc đặt ra trần và sàn lãi suất cho thị trường. Một số nước, trong đó có Việt Nam, áp đặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa cho các ngân hàng thương mại, nghĩa là tác động trực tiếp vào tổng phương tiện thanh toán chứ không thông qua lãi suất. Sở dĩ các nước này phải sử dụng nhiều biện pháp hành chính vì thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng chưa phát triển đủ sâu và rộng, do đó tác động lan truyền từ lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng vào mặt bằng lãi suất thương mại và tổng phương tiện thanh toán chưa đủ mạnh. Điều này làm các công cụ chính sách tiền tệ truyền thống như “hoạt động thị trường mở” có ít tác dụng và/hoặc có độ trễ rất lớn. “Lãi suất cơ bản” của Việt Nam [...] là một mệnh lệnh hành chính của một công cụ điều hành tiền tệ có nhiều bất cập, do vậy không sớm thì muộn sẽ phải thay đổi. Điều 476 của luật Dân sự cần được sửa đổi theo hướng sử dụng một lãi suất thị trường làm lãi suất tham chiếu… Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức ngân hàng trung ương của Việt Nam, bắt đầu quá trình cải tổ và tự do hoá hệ thống ngân hàng thương mại từ những năm 1990. Đến năm 2003, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được tự định đoạt lãi suất huy động và cho vay dựa vào một loại lãi suất mục tiêu mà NHNN gọi là “lãi suất cơ bản”. Khái niệm này khác hoàn toàn với “lãi suất chính sách” của các ngân hàng trung ương khác mà báo chí Việt Nam cũng gọi là “lãi sut cơ bản”. Lãi suất chính sách của các nước là lãi suất thực sự trên thị trường, còn lãi suất cơ bản của Việt Nam là một mệnh lệnh hành chính. Khi nền kinh tế phát triển và hệ thống ngân hàng thương mại trưởng thành hơn, hình thức điều hành chính sách tiền tệ bằng mệnh lệnh hành chính này đã có nhiều bất cập, do vậy NHNN đã chính thức cho phép các ngân hàng thương mại được sử dụng lãi suất thoả thuận trong một số loại hợp đồng tín dụng mà không bị trói buộc bởi “lãi suất cơ bản” nữa. NHNN đang trên con đường tiến đến việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ tiên tiến hướng đến thị trường như các nước khác. Lẽ đương nhiên “lãi suất cơ bản” trong vai trò cũ sẽ bị đào thải và được thay bằng những “lãi suất chính sách” như của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên có một rắc rối nhỏ là điều 476 của luật Dân sự có mục đích chống lại nạn cho vay nặng lãi đã sử dụng thuật ngữ “lãi suất cơ bản” làm lãi suất tham chiếu. Đây là một điều đáng tiếc vì như đã nói ở trên, “lãi suất cơ bản” của Việt Nam không phải là lãi suất thị trường mà là một mệnh lệnh hành chính của một công cụ điều hành tiền tệ có nhiều bất cập, do vậy không sớm thì muộn sẽ phải thay đổi. Điều 476 của luật Dân sự cần được sửa đổi theo hướng sử dụng một lãi suất thị trường làm lãi suất tham chiếu, ví dụ lãi suất VIBOR của thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất cho vay thương mại trung bình của một số ngân hàng lớn. Điều này vừa tránh được sự phụ thuộc của luật Dân sự vào một cái tên cố định mà rất có thể sẽ lại bị thay đổi trong tương lai, vừa giúp NHNN nhanh chóng thay đổi các lãi suất chính sách của mình phù hợp với tình hình kinh tế xã hội mới.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật