Thấy gì từ một vụ tranh chấp đất đai ?

Thông thường, những vụ tranh chấp đất đai giữa các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ xảy ra khi một hoặc cả hai bên có mâu thuẫn về quyền lợi. Song vụ tranh chấp đất đai giữa hộ bà Phạm Thị Bé và ông Phạm Văn Quảng (cùng trú tại thôn 2, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) lại rơi vào một tình huống khác. Hai hộ liền kề này đều “không ai chịu ai” bởi người làm sai các quy định về cấp chứng nhận quyền sử dụng đất lại là cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này. Tranh chấp kéo dài Ông Phạm Văn Lõi (cha ông Quảng) và bà Phạm Thị Bé đều có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất cùng đề ngày 26-7-1997 và đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Giấy CNQSDĐ số 00833QSDĐ/492B/QĐUB, ngày 15-8-1998 giao cho bà Phạm Thị Bé 2.255m2 đất ở, đất vườn thuộc quyền sử dụng lâu dài tại thửa 848, tờ bản đồ số 12. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 1999, xảy ra vụ tranh chấp giữa hộ bà Phạm Thị Bé và ông Phạm Văn Quảng ở ranh giới 2 khu vườn. (Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 17-9-2008 của TAND tỉnh và các ban ngành liên quan xác định diện tích đất tranh chấp là 259,35m2 nằm trong giấy CNQSDĐ của bà Phạm Thị Bé, nhưng thực chất người đang sử dụng đất này là ông Phạm Văn Quảng). Từ tranh chấp chỉ mang tính chất mâu thuẫn nhỏ giữa hàng xóm láng giềng, nhưng việc giải quyết vụ việc lại không theo đúng trình tự thủ tục (biên bản cuộc họp ngày 16-11-1999 của Ban nhân dân thôn 2, Tam Phước không mời đương sự tham dự và cũng không hề tham khảo ý kiến của họ), vì thế mâu thuẫn âm ỉ kéo dài dẫn đến xung đột. Ngày 19-10-2007, UBND xã Tam Phước tổ chức cuộc họp hòa giải tranh chấp nhưng không thành. Xin trích một đoạn trong biên bản:  “Ý kiến của đồng chí Trận (Chủ tịch Ủy ban MTTQ): theo luật thì bà Bé có quyền sở hữu vì đất đó (đất tranh chấp - NV) ở trong bìa đỏ của bà… Ý kiến của đồng chí Giảng (phó chủ tịch UBND xã): Về hình thức (ý nói nguồn gốc đất - NV) đất đó là của bà Ảnh, nhưng thực tế đất đó là của ông bà nhà ông Quảng. Về nội dung (ý nói là văn bản - NV) thì đất đó là của bà Bé”. Sự việc bắt đầu phức tạp khi vào ngày 28-6-2008, ông Quảng uống rượu về đập phá chuồng bò nhà bà Bé và họ đã nhờ đến sự can thiệp của toà án. Phán quyết của tòa án Bản án số 28/2008/DSST ngày 8-8-2008 của TAND huyện Phú Ninh sau khi xem xét các tình tiết và nghe lời khai của các đương sự đã kết luận: “Qua các nhân chứng và công văn trả lời của các cơ quan có thẩm quyền thì thực tế từ trước đến nay, bà Bé không quản lý sử dụng diện tích đất này mà do vợ chồng ông Quảng sử dụng trồng cây và xây chuồng bò và bà Bé không có ý kiến gì. Từ đó có thể thấy nguồn gốc đất không phải của bà Bé và chỉ khi bà Bé phát hiện việc mình có được phần đất này trong bìa đỏ thì mới tranh chấp”. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi ở tình tiết “và chỉ khi bà Bé phát hiện việc mình có được phần đất này trong bìa đỏ thì mới tranh chấp” thì chẳng lẽ đơn xin cấp đất ngày 26-7-1997 bà Bé không biết diện tích đất mình có bao nhiêu mà đăng ký tổng diện tích đất xin cấp là 2.255m2 ? Dựa trên công văn trả lời của Phòng Tài nguyên - Môi trường Phú Ninh tòa cũng đã kết luận: “Như vậy việc cấp đất đó không đúng quy định của pháp luật về đất đai, vì vậy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà Bé”. Từ những kết luận trên, TAND huyện Phú Ninh bác đơn khởi kiện của bà Bé và cho ông Phạm Văn Quảng được sử dụng toàn bộ diện tích đất tranh chấp và tài sản có trên đất. Công văn 124/CV-TNMT, ngày 05-08-2008 của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Ninh trả lời về nguyên nhân mà 259,35m2 đất lại được cấp cho bà Bé: “Đây có thể là do thao tác của phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Tam Kỳ trước đây chỉ căn cứ vào đơn xin cấp đất của bà Bé mà không trực tiếp xác minh cụ thể ở thực địa khi cấp giấy”. Cũng trong công văn này, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Ninh cho rằng “Phòng Tài nguyên - Môi trường không thực hiện việc đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới cụ thể khi cấp giấy CNQSD đất cho bà Bé (do chia địa giới hành chính giữa Tam Kỳ và Phú Ninh - NV) vì vậy không biết được việc đo đạc cắm mốc xác định cụ thể khi giao đất cho bà Bé như thế nào”. Không đồng ý với phán quyết của Tòa án, bà Phạm Thị Bé đã đệ đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. TAND tỉnh đã tổ chức thẩm định lại diện tích đất tranh chấp và tổ chức phiên tòa vào ngày 24-9-2008. Bản án phúc thẩm số 79/DSPT ngày 24-9-2008 giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, dù nguyên đơn đã bổ sung đơn báo cáo của gia đình đề ngày 11-8-1999 với nội dung yêu cầu giải quyết ranh giới giữa đất của bà và ông Quảng kèm theo một biên bản giải quyết của Ban nhân dân thôn 2 ngày 16/11/1999 nhưng tòa lại không xem là một tình tiết để xem xét. Bởi nếu có tình tiết này thì bản án sơ thẩm không thể khẳng định “bà Bé không có ý kiến gì” trong suốt quá trình sử dụng đất của hai hộ và từ đó nguồn gốc đất sử dụng cũng phải được xem xét một cách đầy đủ hơn. Việc tranh chấp kéo dài và cơ quan có trách nhiệm cũng đã vào cuộc, nhưng mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, ngược lại càng phức tạp hơn. Theo chúng tôi mấu chốt của vấn đề nằm ở những tấm bìa đỏ (giấy CNQSD đất) được cấp cho hai hộ. Rõ ràng cái sai đầu tiên là ở cơ quan cấp giấy CNQSDĐ và để giải quyết vấn đề này cần có sự “ra tay” của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương mới có thể phân giải một cách thấu tình đạt lý.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật