THANH TOÁN QUỐC TẾ THỰC HIỆN THEO PHÁN QUYẾT CỦA TÒA HAY THÔNG LỆ QUỐC TẾ

NGUYỄN CAO KHÔI Sự hợp tác và tham gia phân công lao động quốc tế tăng lên không những làm cho trao đổi hàng hóa trong nước gia tăng mà còn làm cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các nước phát triển. Các liên hệ kinh tế giữa các nước ngày càng mật thiết và dần dần hình thành một thị trường thế giới thống nhất. Từ lâu, nước ta đã có chủ trương và thực hiện giao dịch, buôn bán với thương nhân nước ngoài. Ngay từ thời nhà Lý (1010 – 1225), nước ta đã cho phép thương nhân trong nước giao dịch, buôn bán với thương nhân nước ngoài để phát triển thương nghiệp. Vì nhiều lý do khác nhau (kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng…), nên lúc bấy giờ nhà Lý không mở cửa tự do cho các thương nhân nước ngoài vào kinh doanh, buôn bán với thương nhân trong nước ở tất cả các địa phương trên cả nước mà chỉ lấy trang Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) làm nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa với thuyền bè nước ngoài (kinh doanh, buôn bán trên biển). Khi đó, phương thức thanh toán được sử dụng trong quan hệ mua bán giữa thương nhân trong nước với thương nhân nước ngoài chủ yếu là hàng đổi hàng (barter).   Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ – thông tin, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa thương nhân các nước với nhau đã phát triển phong phú và đa dạng hơn. Quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế không chỉ được xác lập, thực hiện giữa thương nhân với thương nhân mà còn được thực hiện giữa các chính phủ với nhau. Sự xuất hiện và phát triển ngày càng mạnh mẽ các quan hệ kinh tế đối ngoại đã làm xuất hiện nhiều các phương tiện thanh toán quốc tế, như: séc (check), hối phiếu (bill of exchange) và lệnh phiếu (promissory note). Bên cạnh các phương tiện thanh toán quốc tế nói trên, các thương nhân còn sử dụng nhiều phương thức thanh toán trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Khác với trước đây, phương thức thanh toán không còn bị bó hẹp trong phạm vi “hàng đổi hàng” mà đã có nhiều phương tiện thanh toán hiện đại khác cho các bên lựa chọn, thỏa thuận, như: phương thức chuyển tiền, phương thức nhờ thu, phương thức tín dụng chứng từ. Mỗi phương tiện thanh toán và phương thức thanh toán nêu trên có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Cho nên, tùy thuộc vào từng giao dịch cụ thể mà các bên có thể lựa chọn, thỏa thuận sử dụng một phương thức thanh toán nói trên. Thực tiễn, kể từ khi ngân hàng thương mại nước ta tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (thanh toán quốc tế) trên cơ sở giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là phương thức thông dụng, phổ biến và an toàn nhất, trong đó thư tín dụng (letter of credit – L/C) đóng vai trò chủ yếu, quyết định sự tồn tại của phương thức thanh toán này. Điều này thể hiện ở chỗ nếu các bên tham gia giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế không thiết lập được L/C thì các bên không có trách nhiệm giao hàng và trả tiền cho nhau. Do vậy, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ không được xác lập. Mọi giao dịch chứng từ trong thanh toán quốc tế đều được chỉ dẫn bởi các quy tắc được tập hợp thành bản Điều lệ và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ. Bản Điều lệ đầu tiên được ra đời năm 1933 và cứ 10 năm một lần, bản Điều lệ được sửa đổi cho phù hợp với thực tế (hiện nay là Bản điều lệ 600: UCP 600). Đây không phải là bộ luật quốc tế mà chỉ là những quy tắc ấn hành bởi Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) – một tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng lớn trong giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Những quy tắc này không mang tính bắt buộc đối với các bên tham gia giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên, khi các bên đã lựa chọn, thỏa thuận áp dụng chúng và ghi vào hợp đồng, thì bản Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ có giá trị ràng buộc đối với các bên. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận, trong đó một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng – the issuing bank) theo yêu cầu của một khách hàng (người đề nghị mở thư tín dụng – applicant for credit) sẽ trả tiền cho người thứ ba hoặc trả cho bất cứ người nào theo lệnh của người thứ ba đó (gọi là người hưởng lợi – beneficiary); hoặc sẽ trả hoặc chấp nhận và thanh toán hối phiếu do người hưởng lợi phát hành; hoặc ủy quyền cho một ngân hàng khác thanh toán; chấp nhận và thanh toán hoặc cho phép ngân hàng khác chiết khấu chứng từ với điều kiện chúng phù hợp với tất cả mọi quy định và điều kiện của thư tín dụng. Giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế giữa thương nhân các quốc gia với nhau vừa chịu sự điều chỉnh của thông lệ, tập quán quốc tế, vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật các quốc gia. Cho nên, trong một số trường hợp nhất định, quy định của pháp luật quốc gia không thống nhất với thông lệ quốc tế. Gần đây, trong quá trình tham gia quan hệ mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài, một số nhà nhập khẩu Việt Nam đã không thanh toán tiền bán hàng cho bên nước ngoài vì cho rằng bên nước ngoài đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Cho nên, nhà nhập khẩu Việt Nam đã chủ động nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở của mình để yêu cầu giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đơn khởi kiện của bên Việt Nam (có kèm theo các tài liệu chứng minh yêu cầu của bên khởi kiện), Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã xem xét và quyết định, tuyên buộc bên nước ngoài thua kiện. Theo đó, ngân hàng mở thư tín dụng phải tạm ngừng thanh toán số tiền còn lại cho bên nước ngoài. Do vậy, ngân hàng mở thư tín dụng rất thụ động và lúng túng khi phải lựa chọn để thực hiện bản án, quyết định của Tòa hay quy tắc của bản Điều lệ và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ do ICC phát hành. 1. Tóm tắt nội dung vụ việc - Ngày 07 tháng 11 năm 2006, Công ty U ở Sóc Trăng, Việt Nam (nhà nhập khẩu – bên mua hàng) và Công ty Galaxy ở Ấn Độ (nhà xuất khẩu – bên bán hàng) đã ký hai hợp đồng mua bán quốc tế số UX 013/06-GAL và UX 014/06-GL. Theo đó, Công ty Galaxy có nghĩa vụ cung cấp cho Công ty U 3.000 thùng chứa tôm sú vỏ đông lạnh không đầu có tiêu chuẩn hạng nhất (Frozen headless shell-on back tiger shrimps, first grade brand) (“Sản phẩm Tôm”) tương đương với 32.400 kg tôm nguyên liệu đông lạnh với tổng giá trị 288.090 USD. Theo thỏa thuận trong hai hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nêu trên, các bên đã chọn phương thức thanh toán tín dụng chứng từ làm phương thức thanh toán. Cho nên, ngày 08 tháng 11 năm 2006, Công ty U có đơn gửi và được một ngân hàng thương mại Việt Nam trên cùng địa bàn mở L/C cùng ngày để Công ty U hoàn thiện thủ tục mua lô hàng tôm nguyên liệu từ Công ty Galaxy theo thỏa thuận trong hai hợp đồng nêu trên. Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (State Bank of India) là ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu (Công ty Galaxy). Ngày 15 tháng 12 năm 2006, các lô hàng đã được vận chuyển bằng đường biển về đến cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Một ngày sau đó (16/12/2006), Công ty U đã nhận bộ chứng từ tại ngân hàng mở L/C và mang chúng đến làm thủ tục nhận hàng tại cảng Cát Lái. Khi kiểm tra các lô hàng, với sự giám định của Công ty TNHH SGS Việt Nam (Công ty SGS), Công ty U đã phát hiện thấy sản phẩm tôm trong các lô hàng đã giao không bảo đảm chất lượng theo thỏa thuận trong hai hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nêu trên. Trong tổng số 2.999 thùng của lô hàng tôm nhập khẩu, chỉ có 1.751 thùng tôm nguyên liệu đông lạnh, số còn lại 1.248 thùng nước đá đóng khuôn (không có tôm). Trước sự việc gian lận thương mại của Công ty Galaxy, Công ty U đã nhiều lần cố gắng liên lạc với Công ty Galaxy để giải quyết vấn đề phát sinh về chất lượng lô hàng tôm nhập khẩu nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Công ty Galaxy. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 17 tháng 01 năm 2007, Công ty U đã khởi kiện Công ty Galaxy tại Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng với lý do Công ty Galaxy đã vi phạm hợp đồng mua bán ngoại thương ký kết ngày 07 tháng 11 năm 2006. Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã chấp nhận thụ lý hồ sơ và giải quyết vụ kiện trên cơ sở những quy định hiện hành dưới đây của pháp luật Việt Nam: - Khoản 2 Điều 5 của Luật Thương mại 2005: các bên có quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế nếu các tập quán thương mại đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. - Điều 51 của Luật Thương mại 2005: nếu bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán. - Khoản 3 Điều 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005: Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam được áp dụng đối với việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó. - Điều 19 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005: bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong trường hợp nêu trên, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (tôm đông lạnh), Công ty U và Công ty Galaxy không thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Cho nên, theo tư pháp quốc tế, luật và cơ quan giải quyết tranh chấp của nước nơi thực hiện hợp đồng sẽ được ưu tiên viện dẫn tới để giải quyết tranh chấp phát sinh. Trường hợp này, việc hàng được giao tại Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tranh chấp về thanh toán. Do vậy, Tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ được xác định để giải quyết tranh chấp từ hoặc liên quan đến hai hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nêu trên. Ngày 18 tháng 01 năm 2007, theo yêu cầu cấp bách của Công ty U, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2007/QĐ-BPKCTT, trong đó yêu cầu Ngân hàng mở L/C tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng cho Công ty Galaxy theo các hợp đồng mua bán ngoại thương nêu trên nhằm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Trước đó, ngày 16/03/2007, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ đã gửi điện cho Ngân hàng mở L/C thông báo về việc nhà xuất khẩu đã bỏ trốn để lẩn tránh sự truy bắt của cảnh sát địa phương. Đến ngày 29 tháng 01 năm 2007, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra thông báo thụ lý vụ án và gửi cho phía bị đơn (Công ty Galaxy) đề nghị trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn (Công ty U), nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng không nhận được văn bản trả lời của Công ty Galaxy. Sau một thời gian chờ thư phản hồi từ phía bị đơn nhưng không có kết quả, ngày 26 tháng 02 năm 2007, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng tiến hành ủy thác tư pháp thông qua Bộ Tư pháp để tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn, nhưng việc ủy thác tư pháp cũng không mang lại kết quả. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung mà không có sự tham dự của bị đơn. Căn cứ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2007/BPKCTT nêu trên, ngày 29 tháng 01 năm 2007, Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã ký Quyết định thi hành án số 10/CĐ.THA yêu cầu Ngân hàng mở L/C tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng cho Công ty Galaxy theo các hợp đồng mua bán ngoại thương ngày 07 tháng 11 năm 2007 giữa Công ty U với Công ty Galaxy. Ngày 27 tháng 09 năm 2007, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương giữa nguyên đơn là Công ty U và bị đơn là Công ty Galaxy. Theo Bản án sơ thẩm số 03/2007/KDTM-ST ngày 27 tháng 09 năm 2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thì Công ty U chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Galaxy tiền mua hàng theo số lượng thực nhận với số tiền tương ứng với từng hợp đồng, tổng cộng số tiền thanh toán là 64.815,60 USD và yêu cầu Ngân hàng mở L/C tạm ngừng thanh toán số tiền mua hàng cho Công ty Galaxy đối với lô hàng tôm nhập khẩu theo hai hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nêu trên. Trong khi Ngân hàng mở L/C đang phải thực hiện quyết định, bản án của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thì Ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu liên tục gửi điện yêu cầu Ngân hàng mở L/C thực hiện thanh toán tiền lô hàng nhập khẩu theo quy định tại L/C vì Ngân hàng này thông báo rằng họ đã chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất và thanh toán cho người hưởng (Công ty Galaxy). 2. Ngân hàng biết thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án hay thông lệ quốc tế. Trước tình hình trên, Ngân hàng mở L/C buộc phải lựa chọn một trong hai phương án sau đây để thực hiện: (i) Phương án thứ nhất là tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng cho Công ty Galaxy theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng; (ii) Phương án thứ hai là tiếp tục thanh toán số tiền còn lại cho ngân hàng phục vụ người xuất khẩu theo quy định của L/C và UCP 500 (UCP này có hiệu lực vào thời điểm phát sinh tranh chấp). Mỗi phương án có những cơ sở riêng để Ngân hàng mở L/C lựa chọn, thực hiện. - Về phương án thứ nhất. Khi xem xét hiệu lực pháp lý giữa bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng với hiệu lực của UCP 500, nhà nhập khẩu thấy rằng tài liệu xuất bản số 511 (bản so sánh UCP 500 với UCP 400) của ICC – cơ quan ban hành UCP 500 đã nêu rõ: Do được dẫn chiếu áp dụng vào Tín dụng chứng từ, UCP chi phối giao dịch Tín dụng chứng từ là cơ bản nhưng không phải là duy nhất. Tòa án và Trọng tài thường vận dụng UCP bởi nó là một tuyển tập các thông lệ và tập quán về tín dụng chứng từ được phổ biến và thông dụng nhất trên toàn thế giới. Nó được hiểu như là một văn bản đạt được sự hoàn hảo gần với một Bộ luật Quốc tế. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta phải thừa nhận là sự áp dụng của UCP vào tín dụng chứng từ không ngăn việc tòa án áp dụng luật quốc gia. Thời gian qua, có nhiều cuộc tranh luận pháp lý, đặc biệt là các trường hợp có sự đối nghịch giữa UCP và luật quốc gia. Quan điểm của ICC là Bản quy tắc sẽ không nêu ra những vấn đề pháp lý như vậy và UCP không thể thay đổi được luật quốc gia. Những tranh chấp, nếu có, tốt nhất là để cho Tòa án xem xét và phán quyết. Tòa án quyết định mọi vấn đề trên cơ sở luật quốc gia và UCP. Nếu có sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật thì quyết định của Tòa án có thể vượt lên tất cả, kể cả UCP. Căn cứ văn bản trên đây của ICC, nhà nhập khẩu đã cung cấp và đề xuất để Tòa án nhận định rằng các quy định của UCP 500 – một tập quán quốc tế không được ưu tiên áp dụng hơn so với phán quyết/quyết định của Tòa án – một văn bản được tuyên dựa trên cơ sở luật quốc gia. Cho nên, trường hợp có sự khác biệt giữa luật quốc gia và UCP 500, thì bản án, quyết định của Tòa án sẽ vượt lên và điều chỉnh các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, trong vụ tranh chấp thanh toán tiền tôm đông lạnh nhập khẩu nêu trên, Ngân hàng mở L/C cần tuân thủ quyết định, bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng (tạm ngừng thanh toán số tiền mua hàng còn lại cho Công ty Galaxy đối với lô hàng nhập khẩu tôm đông lạnh theo hai hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nêu trên). Nhưng thời hạn tạm ngừng thanh toán lại không được quy định cụ thể trong bất cứ văn bản nào, kể cả bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng. - Về phương án thứ hai. Tại Điều 3 của UCP 500 quy định: Về bản chất Tín dụng thư là những giao dịch riêng biệt với hợp đồng thương mại và các loại hợp đồng khác mà các hợp đồng này là cơ sở cho Tín dụng thư, nhưng các ngân hàng bất luận trong trường hợp nào cũng không liên quan đến, hoặc không hề ràng buộc bởi những hợp đồng đó, ngay cả khi Tín dụng thư có dẫn chiếu đến hợp đồng đó. Vì thế, cam kết của ngân hàng về thanh toán, chấp nhận và thanh toán hối phiếu hoặc chiếu khấu và/hoặc thực thi bất kỳ nghĩa vụ nào của Tín dụng thư không phụ thuộc vào khiếu nại hoặc biện hộ của người mở thư tín dụng phát sinh từ mối quan hệ của người mở thư tín dụng với ngân hàng phát hành, hoặc với người hưởng lợi. Căn cứ những quy định trên đây của UCP 500, Ngân hàng mở L/C phải thực hiện các nghĩa vụ của mình (ngân hàng thanh toán) theo cam kết tại L/C một cách độc lập mà không phụ thuộc vào bất kỳ tranh chấp phát sinh nào giữa nhà xuất khẩu (Công ty Galaxy) với nhà nhập khẩu (Công ty U) theo các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã ký kết. Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là cơ sở để mở thư tín dụng (thư tín dụng được lập trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế), nhưng trong quan hệ L/C, thư tín dụng độc lập với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu. Do đó, ngân hàng không liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và không bị ràng buộc bởi những điều khoản được người mua, người bán thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế đó. Cho nên, thư tín dụng là cơ sở chính của việc thanh toán và ngân hàng chỉ cần căn cứ vào nội dung bộ chứng từ do người bán xuất trình phù hợp với các điều kiện của thư tín dụng để trả tiền cho người bán hoặc người khác do người bán chỉ định. Trong khi người mua và người bán vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện cả những quy định trong thư tín dụng và những điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế đã ký kết. Mặt khác, thư tín dụng thực chất là biện pháp bảo lãnh của ngân hàng đối với nhà xuất khẩu. Do vậy, trong trường hợp nhà nhập khẩu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đến hạn quy định trong L/C, thì Ngân hàng mở L/C phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho nhà nhập khẩu đối với nhà xuất khẩu. Về lý thuyết, Ngân hàng mở L/C có hai phương án để lựa chọn, thực hiện nhưng mỗi phương án có những rủi ro nhất định đối với Ngân hàng. Nếu thực hiện theo quy định của UCP 500, thì Ngân hàng mở L/C giữ được “chữ tín” trên thị trường quốc tế, tránh được các vụ kiện tụng tại Tòa án nước ngoài hoặc trung tâm trọng tài quốc tế ở nước ngoài nhưng lại không tuân thủ bản án, quyết định của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Việc Ngân hàng mở L/C không thực hiện bản án, quyết định của Tòa án được coi là vi phạm quy định của pháp luật: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Ngược lại, nếu thực hiện theo bản án, quyết định tại Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, thì Ngân hàng mở L/C vi phạm quy định của UCP 500, mất “uy tín, tín nhiệm” trên thị trường quốc tế và có thể bị ngân hàng phục vụ người bán kiện tại một tòa án hoặc trung tâm trọng tài quốc tế ở nước ngoài vì ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu đã chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất để trở thành người có quyền được nhận số tiền thanh toán từ bộ chứng từâ hàng xuất đã được chiết khấu đó. Bộ chứng từ hàng xuất trên đã được Ngân hàng mở L/C kiểm tra và giao cho nhà nhập khẩu đi nhận hàng tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, nên theo quy định của L/C đã mở, có thể hiểu là Ngân hàng mở L/C đã chấp nhận bộ chứng từ và sẵn sàng thanh toán. Do đó, trong trường hợp bị ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu kiện tại Tòa án nước ngoài, thì có hai bản án có hiệu lực và song song tồn tại tại Việt Nam (một bản án của tòa án nước ngoài và một bản án của Tòa án Việt Nam) liên quan đến việc giải quyết thanh toán tiền mua tôm theo hai hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nêu trên. Khi đó, theo quy định tại Điều 356 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005 của Việt Nam, bản án của toà án nước ngoài có khả năng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì cùng một vụ án đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ án, Tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó. Trường hợp ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu yêu cầu trọng tài nước ngoài giải quyết và được trọng tài nước ngoài chấp nhận thụ lý giải quyết, thì quyết định của trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam vì quyết định của trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết ((1) điểm d khoản 1 Điều 370 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005 của Việt Nam) (nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu không thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp và ghi hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế). Chính vì lẽ đó, Ngân hàng mở L/C khó có thể không thực hiện bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cho dù biết rằng việc mình tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng cho Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ là không phù hợp với quy định của L/C, UCP 500 và có thể làm giảm uy tín, tín nhiệm của mình trên thị trường quốc tế.
Từ thực trạng giải quyết tranh chấp về thanh toán quốc tế nêu trên, thiết nghĩ các tòa án Việt Nam, khi xét xử các vụ án liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài, cần tiến hành các thủ tục tố tụng một cách thận trọng trên cơ sở luật pháp quốc gia và thông lệ, tập quán quốc tế nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của cả nhà nhập khẩu và ngân hàng mở thư tín dụng; đồng thời, Tòa án cũng cần xem xét ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 802/TTg ngày 24 tháng 09 năm 1997: “Doanh nghiệp nhập khẩu được Ngân hàng bảo lãnh mở thư tín dụng trả chậm, khi đến hạn thanh toán phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán nợ với nước ngoài. Trong trường hợp doanh nghiệp chậm hoặc chưa có khả năng thanh toán với nước ngoài, Ngân hàng bảo lãnh phải thanh toán thay để bảo đảm tín nhiệm trong thanh toán quốc tế và doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc với ngân hàng” (Điều 1)
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật