TÁC ĐỘNG HAI MẶT CỦA VỐN NƯỚC NGOÀI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

TS. NGUYỄN MINH PHONG Bên cạnh những lợi ích hiển nhiên to lớn của dòng vốn nước ngoài qua các kênh thu hút khác nhau, như bổ sung vốn đầu tư và gia tăng nguồn động lực mới, tích cực và mạnh mẽ hơn cho phát triển của đất nước, cải thiện cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, công nghệ, thị trường, đội ngũ lao động và quản lý… vẫn cần tỉnh táo nhận diện những tác động mặt trái của chúng để có các giải pháp thích ứng. Tác động hai mặt Về vốn vay: Dù là nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) có điều kiện ưu đãi cao nhất, cho đến các khoản vốn vay thương mại thông thường trên thị trường tài chính quốc tế thì nghĩa vụ nợ (bao gồm trả lãi và nợ gốc) cũng luôn luôn đặt ra cho người vay. Một cơ cấu nợ mà chiếm tỷ trọng lớn nhất là những khoản vay thương mại “nóng”, lãi cao, và bằng những ngoại tệ không ổn định theo xu hướng “đắt” lên sẽ chứa đựng những xung lực lạm phát mạnh. Những xung lực này càng mạnh hơn nếu vốn vay không được quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả, buộc con nợ phải tiếp tục tìm kiếm các khoản vay mới, với những điều kiện có thể ngặt nghèo hơn – chiếc bẫy nợ sập lại, con nợ rơi vào vòng xoáy mới: Nợ-vay nợ mới-tăng nợ-tăng vay… Vòng xoáy này sẽ dẫn con nợ đến sự vỡ nợ hoặc vòng xoáy lạm phát: Nợ-tăng nghĩa vụ nợ-tăng thâm hụt ngân sách-tăng lạm phát. Lúc này dịch vụ nợ sẽ ngốn hết những khoản chi ngân sách cho phát triển và ổn định xã hội, làm căng thẳng thêm trạng thái khát vốn và hỗn loạn xã hội. Hơn nữa, việc “thắt lưng buộc bụng” trả nợ khiến nước nợ phải hạn chế nhập và tăng xuất, trong đó có hàng tiêu dùng mà trong nước còn thiếu hụt, do đó làm tăng mất cân đối hàng tiền, tăng giá, tăng lạm phát. Nợ nước ngoài có thể làm sụp đổ cả một chính phủ, nhất là ở những nơi tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm là phổ biến của giới cầm quyền, đi kèm với việc thiếu những giải pháp xử lý mềm dẻo khôn ngoan với nợ (đàm phán gia hạn nợ, đổi nợ thành đầu tư, đổi cơ cấu và điều kiện nợ, xin xoá nợ từng phần…). Do vậy, sự chủ động và tỉnh táo khống chế nợ ở mức độ an toàn, theo những dự án đầu tư cụ thể, được luận chứng kinh tế – kỹ thuật đầy đủ, và chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của chủ nợ để tránh hao hụt do tham nhũng hay sử dụng nợ sai mục đích là những nguyên tắc hàng đầu cần được tuân thủ trong quá trình vay nợ nước ngoài. Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài dưới mọi dạng sẽ an toàn và tốt hơn việc trực tiếp vay nợ thương mại (kể cả dưới dạng mua hàng trả chậm theo L/C). Hơn nữa, điều này còn tránh cho nước tiếp nhận đầu tư những khó khăn, lúng túng ban đầu về thị trường, kinh nghiệm quản lý-kinh doanh quốc tế. Cùng với những bảo đảm pháp lý có tính quốc tế, bằng cách điều chỉnh những chiếc “van” như: Ưu đãi thuế, tài chính, tiền tệ, phát triển hạ tầng cứng-mềm, các thủ tục hải quan, hành chính, các nước chủ nhà có thể hướng dẫn luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đúng chỗ, đúng lúc, đủ khối lượng cần thiết theo kế hoạch định hướng sự phát triển kinh tế-xã hội của mình. Song, trong lĩnh vực tưởng chừng toàn những điều tốt lành này, những tác động mặt trái của FDI vẫn ẩn khuất đâu đó:   Thứ nhất, thực tiễn thế giới cho thấy, dòng vốn đầu tư này chỉ thực sự tích cực và góp phần làm dịu lạm phát khi chúng làm tăng cung những hàng khan hiếm, tăng nhập khẩu phụ tùng thiết bị sản xuất và công nghệ tiên tiến, từ đó làm tăng tiềm lực xuất khẩu, khả năng cạnh tranh, cải thiện cán cân thanh toán, tăng thu ngân sách cho nước chủ nhà và giúp hạn chế sức ép tăng tỷ giá tiền tệ thực tế. Ngược lại, nếu thiên về khuynh hướng kích thích nền kinh tế bong bóng, kích thích và thoả mãn những tiêu dùng cao cấp vượt quá khả năng kinh tế và sự tích luỹ cần thiết của nước tiếp nhận đầu tư, thì về lâu dài, chúng sẽ có hại cho các nguồn lực tăng trưởng kinh tế, tăng nhập siêu và làm mất cân đối tài khoản vãng lai, do đó làm tăng các xung lực lạm phát tương lai của đất nước. Thứ hai, nếu việc chuyển giao công nghệ (cả phần “cứng” lẫn phần “mềm”) không được thực hiện đầy đủ, hoặc chỉ chuyển giao những công nghệ lạc hậu, thì mặc nhiên “những lợi thế tương đối của nước bắt đầu muộn” sẽ bị tước bỏ – đó là một mặt. Mặt khác, khi đó nước tiếp nhận không chỉ không cải thiện được tình trạng công nghệ, khả năng xuất khẩu, mà còn phải chịu thêm gánh nặng nuôi dưỡng và dỡ bỏ những công nghệ “bất cập” này theo kiểu “bỏ thì vương, thương thì tội”. Ngoài ra, còn phải kể thêm tình trạng phụ thuộc một chiều vào đối tác nước ngoài về kinh tế – kỹ thuật của nước tiếp nhận dòng đầu tư kiểu ấy gây ra. Do đó, hiệu quả tiếp nhận vốn đầu tư sẽ không như mong đợi, hoặc không tương xứng với chi phí của nước chủ nhà bỏ ra, cả về chi phí tài chính, nhân lực và môi trường, tức “một tiền gà, ba tiền thóc”. Thứ ba, để hấp thụ được 1 USD đầu tư nước ngoài, theo tính toán của các chuyên gia thế giới, nước tiếp nhận cũng phải có sự bỏ vốn đầu tư đối ứng từ 0,5 – 3 USD, thậm chí nhiều hơn. Thêm nữa, lượng ngoại tệ đổ vào trong nước sẽ làm tăng lượng cung tiền tệ lẫn lượng cầu hàng hoá và dịch vụ tương ứng. “Hợp lực” của những yếu tố đó sẽ tạo nên những xung lực lạm phát mới do tính chất “quá nóng” của tăng trưởng kinh tế gây ra. Thứ tư, cần tính đến tác động kinh tế-xã hội và môi trường tổng hợp của các dự án FDI, nhất là các dự án dùng nhiều đất nông nghiệp, tạo áp lực thất nghiệp và là nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường lớn trong tương lai. Đặc biệt, các dự án xây dựng sân golf ở đồng bằng, vùng đất màu mỡ và những dự án “bán bờ biển” cho các nhà kinh doanh du lịch nước ngoài rất dễ làm tổn thương đến lợi ích lâu dài của các thế hệ tương lai. Về vốn đầu tư gián tiếp Một mặt, sự gia tăng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là trên thị trường chứng khoán, tạo những tác động tích cực: Trực tiếp làm tăng tổng vốn đầu tư gián tiếp và gián tiếp làm tăng tổng vốn đầu tư trực tiếp của xã hội. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài khi đổ vào Việt Nam sẽ trực tiếp làm tăng lượng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường vốn trong nước như một phép cộng đương nhiên vào tổng số dòng vốn này. Hơn nữa, khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gia tăng sẽ làm phát sinh hệ quả tích cực gia tăng dây chuyền đến dòng vốn đầu tư gián tiếp trong nước. Nói cách khác, các nhà đầu tư trong nước sẽ “nhìn gương” các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài và tăng động lực bỏ vốn đầu tư gián tiếp của mình, kết quả tổng đầu tư gián tiếp xã hội sẽ tăng lên. Góp phần tích cực vào phát triển thị trường tài chính nói riêng, hoàn thiện các thể chế và cơ chế thị trường nói chung. Việc gia tăng và phát triển bộ phận thị trường vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ làm cho thị trường tài chính (đặc biệt là thị trường chứng khoán) Việt Nam trở nên đồng bộ, cân đối và sôi động hơn, khắc phục được sự thiếu hụt, trống vắng và trầm lắng, thậm chí đơn điệu, kém hấp dẫn kéo dài của thị trường này trong thời gian qua. Hơn nữa, điều kiện và như là kết quả đi kèm với sự gia tăng dòng vốn này là sự phát triển nở rộ các định chế và dịch vụ tài chính – chứng khoán, trước hết là các loại quỹ đầu tư, công ty tài chính, và các thể chế tài chính trung gian khác, cũng như các dịch vụ tư vấn, bổ trợ tư pháp và hỗ trợ kinh doanh, xác định hệ số tín nhiệm, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán và thông tin thị trường; Đồng thời còn kéo theo sự gia tăng yêu cầu và hiệu quả áp dụng các nguyên tắc cạnh tranh thị trường, trước hết trên thị trường chứng khoán… Tăng cường cơ hội và đa dạng hoá phương thức đầu tư, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập của đông đảo người dân. Đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước, từ người dân, các doanh nhân đến các tổ chức và pháp nhân đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp sẽ có thêm điều kiện lựa chọn sử dụng vốn của mình để đầu tư dưới các hình thức trực tiếp tự mình hay thông qua các định chế tài chính trung gian để mua – bán các cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán có giá khác của Việt Nam trên thị trường tài chính Việt Nam và nước ngoài. Thông qua quá trình tham gia đầu tư gián tiếp này, các nhà đầu tư trong nước và người dân sẽ được dịp “cọ xát”, rèn luyện và bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, bản lĩnh đầu tư, nâng cao trình độ bản thân nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực nói chung, phù hợp yêu cầu và điều kiện kinh doanh thị trường, hiện đại. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước theo các nguyên tắc và yêu cầu kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Hệ thống luật pháp, cũng như các cơ quan, bộ phận và cá nhân trong hệ thống quản lý nhà nước liên quan đến thị trường tài chính, nhất là đến đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ phải được hoàn thiện, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động hơn theo yêu cầu, đặc điểm của thị trường này, cũng như theo các cam kết hội nhập quốc tế. Đồng thời, thông qua tác động vào thị trường tài chính, nhà nước sẽ đa dạng hoá các công cụ và thực hiện hiệu quả việc quản lý của mình theo các mục tiêu lựa chọn thích hợp. Trên cơ sở đó, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng sẽ được cải thiện hơn. Mặt khác, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực sau: Tăng mức độ nhạy cảm và khả năng bất ổn về kinh tế liên quan đến các nhân tố nước ngoài. Khác với FDI, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính thuần tuý với các chứng khoán có thể chuyển đổi và mang tính thanh khoản cao trên thị trường tài chính, nên các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài dễ dàng và nhanh chóng mở rộng hoặc thu hẹp, thậm chí đột ngột rút vốn đầu tư của mình về nước, hay chuyển sang đầu tư dưới dạng khác, ở địa phương khác tuỳ theo kế hoạch và mục tiêu kinh doanh của mình. Đặc trưng nổi bật đó cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên nguy cơ tạo và khuyếch đại độ nhạy cảm và chấn động kinh tế ngoại nhập của dòng vốn này đối với nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt khi việc chuyển đổi và rút vốn đầu tư gián tiếp nói trên diễn ra theo kiểu “tháo chạy” đồng loạt trên phạm vi rộng và số lượng lớn… Trong tình huống như vậy, một sự đổ vỡ, một cuộc khủng hoảng đầu tư – tài chính – tiền tệ, lạm phát cao, thậm chí là khủng hoảng kinh tế hết sức tệ hại và bất khả kháng là hoàn toàn có thể xảy ra đối với nước tiếp nhận đầu tư, nếu không có và triển khai tốt các phương án phòng ngừa hiệu quả. Gia tăng nguy cơ bị mua lại, sáp nhập, khống chế và lũng đoạn tài chính đối với các doanh nghiệp và tổ chức phát hành chứng khoán.Sự gia tăng tỷ lệ nắm giữ chứng khoán, nhất là các cổ phiếu, cổ phần sáng lập, được biểu quyết của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đến một mức “vượt ngưỡng” nhất định nào đó sẽ cho phép họ tham dự trực tiếp vào chi phối và quyết định các hoạt động sản xuất – kinh doanh và các chủ quyền khác của doanh nghiệp, tổ chức phát hành chứng khoán, thậm chí lũng đoạn doanh nghiệp theo phương hướng, kế hoạch, mục tiêu riêng của mình, kể cả các hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, tính chất gián tiếp của vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển hoá thành tính trực tiếp. Nhà đầu tư gián tiếp sẽ chuyển hoá thành nhà đầu tư trực tiếp. Thậm chí, về lô-gích, quá trình “diễn biến hoà bình” này đạt tới quy mô và mức độ nào đó còn có thể làm chuyển đổi về chất quyền sở hữu và tính chất kinh tế ban đầu của doanh nghiệp và quốc gia. Tăng quy mô, tính chất và sự cấp thiết đấu tranh với tình trạng tội phạm kinh tế quốc tế như: Hoạt động lừa đảo, hoạt động rửa tiền, hoạt động tiếp vốn cho các kinh doanh phi pháp và hoạt động khủng bố, cùng các loại tội phạm và các đe doạ an ninh phi truyền thống khác. Sự cộng hưởng của các hoạt động tội phạm và tác động mặt trái của các dòng vốn kể trên, nhất là khi chúng diễn ra một cách “có tổ chức” của giới đầu cơ hay lực lượng thù địch chính trị quốc tế, sẽ ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt và lâu dài gây tổn hại tới hoạt động kinh tế lành mạnh và làm tăng tính dễ tổn thương và có thể gây ra lạm phát cao của nền kinh tế nước tiếp nhận đầu tư trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay; Thậm chí trong một số trường hợp, chúng còn làm mất uy tín nhà nước và gây sụp đổ một nội các chính phủ… Một số giải pháp thích ứng Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì về lượng và nâng cao hiệu quả thu hút vốn nước ngoài, nhất là dòng FDI , cần tập trung vào các giải pháp sau: Thứ nhất, hoàn chỉnh và ban hành quy định quản lý các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, gồm cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (theo Luật Đầu tư) để áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (như về quản lý đầu tư xây dựng, một đầu mối liên thông cải cách thủ tục hành chính…). Tình hình triển khai các dự án đầu tư có vốn nước ngoài cũng cần có nhiều chuyển động tích cực. Các cơ quan quản lý nhà nước cả cấp trung ương lẫn địa phương, song song với cải cách thủ tục hành chính, phải chủ động bám sát dự án để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đôn đốc nhà đầu tư. Tuy nhiên, do môi trường pháp lý biến động nhiều, liên tục và còn nhiều bất cập, không thống nhất, rõ ràng (thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ bản, đất đai, môi trường, quy định trong gia nhập WTO, cam kết song phương đa phương…), nên cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư và các cơ quan trong việc thực thi pháp luật để triển khai các dự án, nhiều vấn đề phải nghiên cứu làm rõ mới có thể thực hiện, nên chưa thể mang lại kết quả ngay. Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh và ổn định các quy hoạch thu hút vốn nước ngoài theo hướng phát triển bền vững, tránh chạy theo lợi ích trước mắt, địa phương và cá nhân, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích áp dụng hình thức đầu tư mới có sử dụng vốn nước ngoài như BOT/BTO/BT, PPP… trong đầu tư xây dựng các công trình kết cầu hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ, nhằm xúc tiến một số dự án lớn, trọng điểm quốc gia và địa phương. Thứ ba, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, cập nhật, bổ sung nội dung thông tin mới về môi trường, chính sách đầu tư và danh mục dự án kêu gọi vốn nước ngoài trên các trang thông tin điện tử và in mới sách, đĩa CDROM phát hành rộng rãi; Tổ chức xúc tiến đầu tư tại các nước đang và sẽ có triển vọng trở thành nhà đầu tư lớn vào Việt Nam; Đẩy mạnh áp dụng các phần mềm chuyên dụng hiện đại trong quản lý dự án có vốn nước ngoài; tăng cường cung cấp thông tin, quảng bá môi trường đầu tư, hỏi đáp và đối thoại với các nhà đầu tư… Thứ tư, đổi mới căn bản phương thức quản lý và sử dụng vốn vay, tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng. Sử dụng ODA không hoàn lại và các dự án hỗ trợ kỹ thuật ưu tiên cho các dự án không có khả năng hoàn vốn, các nghiên cứu phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người và an toàn trong lĩnh vực giao thông, bảo vệ môi trường, hỗ trợ chuẩn bị dự án. Sử dụng ODA có ưu đãi cao (lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và có ân hạn) ưu tiên cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, như hoàn thiện và nâng cấp các đường vành đai, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, cải thiện môi trường đô thị. Đặc biệt, các cơ sở hạ tầng từ nguồn ODA phần lớn tồn tại và phát huy tác dụng tới nhiều năm sau, vì vậy các dự án cần có công nghệ cao, hiện đại và phải được xây dựng đạt chất lượng cao nhất thông qua đấu thầu thực chất hơn và có chế tài thích hợp về đảm bảo, đưa vào khai thác sử dụng phát huy được hiệu quả và có khả năng trả nợ. Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương cần phối hợp với các nhà tài trợ để tiếp tục hài hoà nhằm giảm bớt sự khác nhau về thủ tục để các dự án ODA được triển khai thuận lợi, đặc biệt tập trung vào những nội dung vướng mắc về phê duyệt dự án, đấu thầu… làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; cần chủ động xem xét và ban hành hướng dẫn cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn vay ODA; Rà soát và sửa đổi bổ sung, cũng như minh bạch hoá các quy định về thuế liên quan đến dự án ODA nói chung và đặc biệt các dự án ODA vay (với các chủ dự án, với nhà thầu, với chuyên gia…) cho phù hợp với các văn bản pháp quy mới ban hành. Đặc biệt, cần xúc tiến sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc điều chỉnh, ban hành bổ sung các quy định cụ thể về định mức các khoản chi phí, cũng như về thủ tục thanh quyết toán đối với các dự án ODA cho phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nhà tài trợ để tránh kéo dài thủ tục thanh toán, làm ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. Ngoài ra, sớm nghiên cứu ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về lập định mức đơn giá trong hoạt động xây dựng cũng như thuê tư vấn nước ngoài đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh sự chênh lệnh cao giữa các mức giá trong nước và nước ngoài, nhất là mức lương thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài. Các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát và sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, khung giá đất, cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng… cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; Khắc phục sự chậm trễ của các dự án ODA đang triển khai, quan tâm chỉ đạo các dự án đã được đưa vào danh sách ngắn, ký thoả ước… Đồng thời, có cơ chế và cấp kinh phí phù hợp cho công tác chuẩn bị dự án để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án để thu hút, vận động các dự án ODA; Kiện toàn, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu và tính chuyên nghiệp trong quản lý dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA; Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trong hoạt động đầu tư và xây dựng, nhất là công tác giám sát cộng đồng và gắn công tác giám sát, đánh giá đầu tư với công tác thanh quyết toán vốn đầu tư, điều chỉnh dự án…  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật