HÀ TƯƠI
Theo số liệu công bố trên trang web chính thức của IMF, Dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 10 của hầu hết các nước đã công bố số liệu đều sụt giảm mạnh so với tháng 9. Cụ thể trong số 28 nước đã công bố số liệu thì có 27 nước Dự trữ ngoại hối sụt giảm trừ Estonia có mức Dự trữ ngoại hối tăng khoảng 600 triệu USD từ 3,6 tỷ USD vào cuối tháng 9 tới 4,2 tỷ USD vào cuối tháng 10. Đặc biệt, 3 nước trong số 5 nước có quy mô Dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới theo thứ tự là: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc đều có mức sụt giảm mạnh mẽ không kể Trung Quốc là nước không công bố chính thức số liệu Dự trữ ngoại hối trên website của IMF và Ấn Độ do chưa công bố số liệu Dự trữ ngoại hối tháng 10. Đứng đầu mức sụt giảm Dự trữ ngoại hối là Nga với mức sụt giảm là 71,5 tỷ USD từ 556 tỷ USD xuống chỉ còn 484,5 tỷ USD, sau đó tới Hàn Quốc giảm 27,4 tỷ USD từ 239, 7 tỷ USD xuống 212,3 tỷ USD; Đức giảm 18,6 tỷ USD từ 142,9 tỷ USD xuống 124,3 tỷ USD và Nhật giảm 18,2 tỷ USD từ 995,9 tỷ USD xuống 977,7 tỷ USD.
Có hai nguyên nhân chính khiến Dự trữ ngoại hối của các nước giảm mạnh trong tháng 10.
Nguyên nhân thứ nhất là việc Ngân hàng trung ương các nước bán ròng ngoại tệ trong đó chủ yếu là đồng đô la Mỹ để can thiệp thị trường nhằm giữ giá đồng nội tệ.
Nguyên nhân thứ hai là do tỷ giá của một số ngoại tệ mạnh trong rổ ngoại tệ thuộc Dự trữ ngoại hối biến động khiến mức Dự trữ ngoại hối quy ra đô la Mỹ sụt giảm.
Đồng rup của Nga liên tục mất giá kể từ giữa tháng 6 đến nay. Tại thời điểm giữa tháng 6 tỷ giá USD/RUB vào khoảng 22,9 thì ngày 31/10 tỷ giá này lên tới 27,1 khiến đồng rup mất giá hơn 18% so với USD. Tương tự đà mất giá của đồng rup, đồng won của Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn mất giá nghiêm trọng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tại thời điểm 27/10 tỷ giá USD/KRW lên tới 1.457, so với cuối năm 2007 đồng won mất giá trên 31% và trở thành đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới. Chỉ riêng trong tháng 10 đồng won mất giá tới 17% so với USD.
Sự mất giá của các đồng tiền này theo xu thế mất giá chung của hầu hết các đồng tiền mạnh so với USD do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái với hàng loạt tin tức ảm đảm về tình hình tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc….đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường hàng hoá như vàng, dầu mỏ và chứng khoán trong tháng 10. Trong bối cảnh thị trường hàng hoá sụt giảm nghiêm trọng thì nắm giữ tiền là lựa chọn an toàn đối với đa số nhà đầu tư. Đặc biệt, các đồng tiền mạnh với lãi suất thấp như USD, JPY trở thành “vịnh tránh bão” trong cơn khủng hoảng theo nguyên lý cơ bản “lợi nhuận thấp, rủi ro thấp”. Tâm lý lo ngại về diễn biến xấu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cộng với đà sụt giảm liên tiếp của đồng nội tệ đã đẩy đồng rup cũng như đồng won ngày càng mất giá.
Trong điều kiện nhu cầu về hàng hoá sụt giảm, thị trường xuất khẩu của các quốc gia bị co hẹp thì việc đồng nội tệ mất giá sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Nga và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc đồng rup và đồng won mất giá quá mức so với USD sẽ làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư và dân chúng, dẫn tới hành động bán tháo những đồng tiền này và sự tăng giá của hàng hoá nhập khẩu, gây sức ép tới lạm phát. Do đó, chính phủ Nga và Hàn Quốc đã bơm một lượng lớn USD vào thị trường để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng nội tệ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới Dự trữ ngoại hối tháng 10 của các nước này sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên còn một lý do quan trọng khác dẫn tới sự sụt giảm Dự trữ ngoại hối trong tháng 10 đó là sự mất giá của đồng euro, đồng tiền đang chiếm khoảng 25% trong cơ cấu ngoại tệ Dự trữ ngoại hối của các quốc gia. Tỷ giá EUR/USD ngày 1/10 là 1,4019 và giảm sâu tới mốc 1,2466 vào ngày 27/10 và dừng ở mức 1,273 vào ngày 31/10. Như vậy, chỉ trong tháng 10 đồng euro đã mất giá khoảng 10% so với USD do tâm lý nắm giữ đồng USD như tài sản an toàn trong thời kỳ khủng hoảng và lo ngại các nền kinh tế thuộc khu vực châu Âu sẽ phục hồi chậm chạp hơn so với Mỹ. Đồng euro mất giá khiến Dự trữ ngoại hối quy đổi ra USD của hầu hết các nước sụt giảm.
Ảnh hưởng của tỷ giá EUR/USD tới Dự trữ ngoại hối thể hiện rõ qua việc Dự trữ ngoại hối của Nhật trong tháng 10 giảm tới 18,2 tỷ USD trong khi nước này không đứng trước áp lực bơm ngoại tệ can thiệp thị trường do đồng yên liên tục tăng giá so với đô la Mỹ. Đi ngược với xu thế mất giá của hầu hết các đồng tiền mạnh khác như EUR, KRW, CHF… JPY đã tăng giá khoảng 7,5% trong tháng 10. Tỷ giá USD/JPY đầu tháng 10 là 105,78 và đã giảm xuống còn 98,44 vào 31/10 và tiếp tục đà sụt giảm tới mức 95,47 vào cuối tháng 11. Nguyên nhân chính là do sự kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của nền kinh tế Nhật so với các nền kinh tế khác đặc biệt là Mỹ vì ảnh hưởng lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay tới nền kinh tế Nhật là sự khó khăn về thị trường xuất khẩu chứ không phải sự sụp đổ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như với Mỹ. Việc đồng yên lên giá gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Nhật như Toyota, Canon… buộc chính phủ Nhật phải tính đến phương án hỗ trợ nhằm giảm giá đồng yên. Do đó, khả năng NHTW Nhật phải chi ngoại tệ từ Dự trữ ngoại hối của nước này để can thiệp thị trường là không có. Mặc dù vậy, Dự trữ ngoại hối của Nhật vẫn giảm mạnh trong tháng 10, chứng tỏ sự biến động của tỷ giá EUR/USD là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này.
Như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động tới mọi khía cạnh của nền kinh tế trong đó có cả mức Dự trữ ngoại hối của các quốc gia do ảnh hưởng trực tiếp từ biến động tỷ giá của các đồng tiền so với USD, đồng tiền đang tỏ ra rất nhạy cảm trước những tín hiệu của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"