TÁC ĐỘNG CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM

Sử dụng mô hình kinh tế lượng để phân tích tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam là một việc mới mẻ. Kết quả hồi quy sử dụng dữ liệu mảng của 64 tỉnh từ năm 1999-2003, cho thấy bất bình đẳng có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế thông qua cả hai kênh trực tiếp và gián tiếp. Giải pháp gì nhằm giải quyết hữu hiệu mối quan hệ giữa bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế, đó là nội dung chính của bài viết dưới đây. Theo lý thuyết truyền thống, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đặc biệt là hướng tới phân phối thu nhập bình đẳng hơn có thể mâu thuẫn với mục tiêu đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn và có tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, có nhiều lý do cho thấy sự phân phối thu nhập bình đẳng hơn ở các nước nghèo như Việt Nam có thể có lợi cho tăng trưởng. Do đó, việc đánh giá đúng đắn tác động của bất bình đẳng đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chính sách thích hợp để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù, đã có một số nghiên cứu về tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế, song nghiên cứu này tập trung chủ yếu về tác động của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế sử dụng dữ liệu mảng nhằm làm tăng độ chính xác và bộ số liệu cập nhật theo thời gian nhằm khắc phục những hạn chế của các nghiên cứu trước. Hơn nữa, nghiên cứu này có thể được xem là một nghiên cứu thực chứng nhằm góp phần tìm ra các tác động bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp của bất bình đẳng đến tăng trưởng kinh tế. 1. Tác động trực tiếp của Bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng Sử dụng mô hình toán với phương pháp hai giai đoạn (2SLS), kết quả hồi quy cho thấy bất bình đẳng thu nhập và đầu tư có tác động tương đối rõ nét đến tăng trưởng kinh tế. ở đây, chúng ta sử dụng biến HDI99 (giá trị HDI năm gốc) để làm biến giải thích cho biến INEQUALITY99 mô hình 2SLS (instrument variable) – mà cụ thể là HDI99 được giả định không tương quan với các đại lượng ngẫu nhiên (tức ei trong biểu thức (1)). Trong đó, tăng trưởng kinh tế (REALGROWTH) phụ thuộc vào bất bình đẳng (INEQUALITY99), giáo dục (EDU-sử dụng tỷ lệ tốt nghiệp cấp 2 làm biến đại diện) và biến tương tác INVEST_GDP (Đầu tư và GDP) cho kết quả hồi quy như sau: REALGROWTH= -15.3808 + 1.062 * INEQUALITY99 + 0.145503 * INVEST_GDP + 0.1124 * EDUC Từ phương trình hồi quy trên ta nhận thấy, nếu bất bình đẳng thu nhập tăng 1 đơn vị (nghĩa là chênh lệch giữa nhóm 20% giàu nhất và nhóm 20% nghèo nhất tăng thêm 1 lần) thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 1.06 điểm phần trăm với điều kiện các yếu tố khác không đổi và với mức ý nghĩa có thể chấp nhận được là 5%; Tiếp đến, tác động của tỉ lệ đầu tư/GDP thì thấp hơn, nếu tỉ lệ này tăng 1 điểm phần trăm thì tăng trưởng tăng thêm 0.14 điểm phần trăm trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Kết quả này hàm ý, tại các địa phương mà khoảng cách giàu nghèo cao và/hoặc có tỉ lệ đầu tư/GDP cao thì tăng trưởng sẽ cao hơn. Đây là một hậu quả tất yếu của các nền kinh tế chuyển đổi: các cơ hội làm giàu nằm ở trong tay người có thu nhập cao mà chủ yếu là tại các thành phố lớn – nơi mà khoảng cách giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Thực tế cho thấy, các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa -Vũng Tàu đang đóng góp phần lớn cho GDP của đất nước thông qua việc dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là các địa phương có tỉ lệ vốn đầu tư so với GDP cao nhất. Trong khi đó vai trò của giáo dục đối với tăng trưởng được thể hiện qua tham số cuối, ở đó với 1% gia tăng trong tỷ lệ tốt nghiệp cấp 2 giúp cho tăng trưởng kinh tế tăng 0.1124% với điều kiện các yếu tố khác không đổi. Điều đó hàm ý khi chất lượng và số lượng giáo dục gia tăng sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn. 2. Tác động gián tiếp của Bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng Để phân tích tác động gián tiếp của bất bình đẳng tới tăng trưởng cần xây dựng các biến hỗn hợp. Tác giả sử dụng cách tiếp cận giống như Barro (1999) sử dụng khi nghiên cứu về trường hợp của các nước Mỹ Latinh. Bất bình đẳng và đầu tư Sử dụng phương pháp hồi quy 2 giai đoạn (theo như lập luận rằng biến giải thích và biến phụ thuộc có tác động qua lại lẫn nhau). ở đây tác giả sử dụng một số các biến như tỉ lệ lao động có chuyên môn, bất bình đẳng, và Dummy để giải thích cho IN_INVEST. So với phương pháp OLS thì kết quả 2SLS cũng tương tự: tác động của IN_INVEST đến REALGROWTH là tác động cùng chiều với mức ý nghĩa 10%. Giá trị F-statistic = 10,23 là rất cao, cho thấy sự lựa chọn mô hình 2SLS hợp lý hơn trong trường hợp này. Trong mô hình này tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào IN_INVEST (biến hỗn hợp giữa bất bình đẳng và đầu tư), Income (thu nhập) và các biến khác như trên, kết quả như sau: REALGROWTH = -4.985+0.0177 * IN_INVEST-8.84 * 10-8 * GDP99 + 0.076 * EDUC + 0.006 * INCOME99 Kết quả hồi quy cho thấy với =0.0177 cho biết khi hỗn hợp IN_INVEST tăng 1% làm cho tăng trưởng kinh tế tăng 0.0177% trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Điều đó thể hiện quá trình tác động biến đầu tư tác động đến bất bình đẳng và từ đó nó có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong kết quả hồi quy này ta có thể nhận thấy vai trò của giáo dục tới tăng trưởng cũng có tác động dương đến tăng trưởng nhưng có mức độ nhỏ hơn so với kết quả của phương trình trên (0.076%). Bất bình đẳng và y tế Tham số của biến hỗn hợp bất bình đẳng và y tế trong mô hình OLS có dấu dương với mức ý nghĩa 10%. Điều này hàm ý sự kết hợp này có tác động đến tăng trưởng. Để đảm bảo tính đồng nhất của các lập luận, sử dụng phương pháp 2SLS với kết quả hồi quy như sau: REALGROWTH= -7.7542+0.0081 * IN_DOCTOR + 0.115 * INVEST_GDP + 0.0986 * EDUC Như vậy, cả hai phương pháp đều tương đối nhất quán: Hệ số của biến IN_DOCTOR có dấu dương và mức ý nghĩa 10%. Chúng ta có thể kết luận, ở các địa phương mà có mức độ chăm sóc y tế cao và bất bình đẳng lớn thì tăng trưởng được cải thiện. ở đây, biến y tế là số bác sỹ /100 dân, nên điều này cho thấy tại các thành phố lớn, có cả hai đặc điểm là trình độ phát triển y tế cao và bất bình đẳng lớn thì kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Bất bình đẳng và giáo dục Như kết quả này thì sự kết hợp giữa hai biến số bất bình đẳng thu nhập và giáo dục (IN_EDUC) cũng có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế. Nếu sử dụng mô hình 2SLS thì kết quả sẽ như sau: REALGROWTH= -2.9709 + 0.0078 * IN_EDUC+0.1216 * INVEST_GDP + 0.0302 * DOCTOR Với mức ý nghĩa của tham số IN_EDUC trong cả hai mô hình là 5% thì có thể kết luận là với bất kỳ phương pháp nào, biến hỗn hợp bất bình đẳng thu nhập và giáo dục có tác động cùng chiều đến tăng trưởng. Cụ thể, ở các thành phố lớn nơi có cả bất bình đẳng và giáo dục lớn hơn các địa phương khác thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Tóm lại, từ hai kênh phân tích cả tác động trực tiếp và gián tiếp ta nhận thấy bất bình đẳng ở những vùng lớn hơn, điều kiện chăm sóc y tế và đầu tư cao có tăng trưởng kinh tế cao hơn. 3. Kiến nghị Với nhận thức thúc đẩy tăng trưởng nhanh một cách bền vững, đạt được thành công về giảm nghèo, đồng thời vẫn duy trì một xã hội tương đối công bằng trong suốt công cuộc đổi mới cho đến nay. Quan điểm tổng quát mà Đảng ta đã khẳng định là “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”. Muốn vậy, cần cụ thể hoá bằng một số giải pháp sau: Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có thể và cần phải là tiền đề và điều kiện cho nhau. Tăng trưởng kinh tế tạo ra điều kiện vật chất để thực hiện công bằng xã hội, ngược lại thực hiện tốt công bằng xã hội lại trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi tăng trưởng kinh tế đến đâu phải thực hiện ngay công bằng xã hội đến đó. Không thể chờ đợi đến khi kinh tế đạt đến trình độ phát triển cao mới thực hiện công bằng xã hội, càng không hy sinh công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần vì lợi ích của một thiểu số. Muốn vậy, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới bảo đảm công bằng xã hội, mỗi chính sách thực hiện công bằng xã hội đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài. Thứ ba, thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, đa sở hữu phải triệt để khắc phục những tàn dư của chế độ phân phối bình quân, “cào bằng”, chia đều các nguồn lực và của cải làm ra, bất chấp chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự đóng góp công sức, trí tuệ, tài sản của một người cho sự phát triển chung của đất nước. Càng không thể dồn phần lớn của cải làm ra để thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng xã hội vượt quá khả năng mà nền kinh tế cho phép. Do vậy, trong mỗi bước đi, mỗi thời điểm cụ thể của quá trình phát triển phải tìm ra đúng mức độ hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội sao cho hai mặt này không cản trở, triệt tiêu lẫn nhau mà trái lại chúng có thể bổ trợ cho nhau. Thứ tư, để thực hiện công bằng trong kinh tế điều quan trọng trước hết là cần đảm bảo công bằng về cơ hội làm việc, bình đẳng trong việc sử dụng các nguồn lực phát triển, và được đối xử bình đẳng trong các hoạt động làm ăn kinh doanh theo pháp luật. Đa số các nhà kinh tế tin rằng sự bình đẳng về cơ hội quan trọng hơn sự bình đẳng về thu nhập. Chính phủ cần bảo vệ các quyền cá nhân để đảm bảo cho mọi người có cơ hội như nhau trong việc sử dụng tài năng và đạt được thành công. Một khi những quy tắc trò chơi này được thiết lập, chính phủ sẽ ít phải can thiệp để thay đổi kết quả phân phối thu nhập. Thứ năm, để thực hiện được tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước là hết sức quan trọng. Nhà nước phải biết tận dụng mặt mạnh của cơ chế thị trường để giải phóng và phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Nhà nước phải kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và sức mạnh của khu vực kinh tế nhà nước để khắc phục những thất bại của cơ chế thị trường nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân./. Tài liệu tham khảo 1. Barro, J., 1991, “Economic Growth in a Cross-Section of Countries”, The Quarterly Journal of Economics, Vol. 106: 407-433. 2. Kuznets, S., 1955, “Economic Growth and Income Inequality,” American Economic Review 45, 1-28. 3. Ngân hàng thế giới, 2005, Báo cáo phát triển thế giới 2006: Công bằng và phát triển, NXB Văn hoá – Thông tin 4. Nguyễn Công nghiệp (Chủ biên), 2006, Phân phối nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luận văn cấp Nhà nước, Mã số: KX 01- 10 Persson, Torsten and Tabellini, G., (1994), “Is Inequality Harmful for Growth”, The American Economic Review. Vol. 84. 5. Rainer Klump và Thomas Bonschab, Thực hiện tăng trưởng vì người nghèo: Nghiên cứu trường hợp của Việt Nam 6. Taylor, L., 1994, Income Distribution, Inflation and Growth, Second Printing, Massachusetts Institute of Technology. 7. Todaro, M. P., (1998), Kinh tế học cho thế giới thứ ba, NXB Giáo dục.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật