SUY NGHĨ VỀ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC – NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN BẢN

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH Siêu chủ thể trong lòng Siêu chủ thể, hay là Tính độc lập bất khả thi? Có nhiều người thường nhắc đến tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Trung ương theo thuật ngữ chuyên môn) như là một giải pháp cần thiết để chính sách tiền tệ được hiệu quả hơn, và do đó là việc bình ổn kinh tế vĩ mô. Từ những chiêm nghiệm cá nhân, tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên trong bối cảnh hiện nay ở nước ta. Thứ nhất, việc hình thành Ngân hàng Trung Ương – mà một số nhà kinh tế, trong lúc say sưa, đã tuyên bố không thẹn thùng rằng đó là một phát minh quan trọng thứ ba của nhân loại, chỉ sau lửa và bánh xe – có đặc điểm lịch sử mang tính kinh tế thị trường trong trạng thái đặc biệt chín muồi. Tôi muốn nói tới trạng thái phát triển đầy đủ của nền kinh tế thị trường với những đặc điểm thuần tuý của nó: sở hữu tư nhân được bảo đảm và ưu tiên tuyệt đối, giá cả thị trường tự do vận động và được tôn trọng như một tín hiệu quan trọng bậc nhất, nguồn lực được tự do dịch chuyển, và lưu thông tiền tệ phát triển đầy đủ.   Việc hình thành Ngân hàng Trung ương mang tính tự phát ở Anh một cách lần hồi, thoạt tiên nhằm thống nhất các phương tiện lưu thông (trước đó mỗi ngân hàng hoặc đại công ty tự phát hành tín phiếu, hay giấy nhận nợ, hay có thể gọi là tiền tư nhân cũng được). Việc thống nhất độc quyền phát hành tiền vào một tổ chức, là có sự đồng thuận của giới ngân hàng (bankers). Việc thống nhất ấy có tác dụng giảm chi phí giao dịch (chủ yếu liên quan đến thông tin không cân xứng, hay vấn đề xác nhận uy tín của mỗi đơn vị phát hành). Nó có ý nghĩa giống như Tần Thuỷ Hoàng thống nhất hệ thống đo lường của Trung Hoa, không phải xuất phát từ ý thích nhất thời của ông, mà là để giảm chi phí giao dịch trên diện rộng. Rồi sự phát triển của nghiệp vụ ngân hàng trung ương (central banking) dần dần trở nên không thể thiếu trong việc bình ổn lãi suất-đại lượng vĩ mô số một của thị trường, giúp ổn định nền kinh tế trên một quy mô rộng lớn, nhằm làm giảm những cuộc khủng hoảng đau đớn gây ra cho chính thị trường đó. Do đó, thoạt  tiên Ngân hàng Trung ương được sản sinh và duy trì bởi các nhóm tư nhân, với những mục đích hoàn toàn mang tính tư nhân. Trong trường hợp này, lợi ích của nhóm tư nhân ấy rất gần với lợi ích của xã hội, đó là sự bình ổn nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Về sau này Ngân hàng Trung Ương phát triển lên trở thành một tổ chức vượt lên trên mọi chủ thể của thị trường, – một siêu chủ thể, và hiển nhiên gia nhập cùng một nhóm những siêu chủ thể khác cũng đã vượt lên mọi chủ thể của thị trường như thế, và đó không gì khác là các tổ chức nhà nước (như tổ chức Lập Pháp, Hành pháp, và Tư pháp – Pháp, theo nghĩa kinh tế học, là luật chơi để giữ cho thị trường phát triển bền vững, mà không đổ vỡ). Do đó, ngay từ buổi ban đầu, Ngân hàng Trung ương đã là một tổ chức độc lập với nhà nước. Độc lập bởi vì đó đều là những siêu chủ thể đứng lên trên, bao quát toàn bộ thị trường. Thứ hai, việc hình thành ngân hàng trung ương ở các nước như nước ta không giống như các nước khác. Cấu trúc thị trường của các nước có thị trường kém phát triển có một đặc thù là các tổ chức siêu thị trường (tức là Nhà nước) có một sức mạnh cố hữu lớn hơn thị trường rất nhiều. Các tổ chức siêu thị trường này, không phải được sinh ra từ thị trường nhằm duy trì sức mạnh của thị trường, mà trái lại, nó còn giúp sinh ra thị trường và dẫn dắt thị trường. Đó là các nhà nước phát triển (developmental state). Các tổ chức siêu thị trường này, về mặt lý thuyết, không thể dẫn dắt cái mà về nguyên lý là sinh ra nó, theo định luật bảo toàn thông tin. Nhưng định luật bảo toàn thông tin, giống như định luật bảo toàn năng lượng, chỉ áp dụng được cho các hệ đóng. Mà các tổ chức xã hội phát triển sau lại không phải là một hệ đóng xét về mặt thông tin. Nó là một hệ mở vì nó có thể tiếp nhận thông tin sản sinh bởi các tổ chức xã hội phát triển, đi trước, tức là các tổ chức thị trường tự do đi trước (Thế giới thứ Nhất). [Lưu ý là có thể coi Thế giới thứ Nhất là một hệ đóng về thông tin, vì nó không có cơ hội tiếp cận các luồng thông tin từ một nước đi trước nào cả, vì nó đã ở hàng đầu rồi.] Vì các xã hội phát triển sau học tập ở các nước đi trước, nên các tổ chức siêu thị trường vốn có có khả năng tự sản sinh ra các tổ chức siêu thị trường khác, nhằm dẫn dắt thị trường, theo cách thức mà nó học được từ các nước đi trước. Do đó, nhìn về hình thức xã hội, ở các nước này cũng có các tổ chức thị trường và các tổ chức siêu thị trường. Nhưng về bản chất là hoàn toàn khác nhau. Hai đặc điểm tương phản nêu trên dẫn đến một hệ quả quan trọng. Đó là các nước chậm phát triển xa lạ với việc chấp nhận một tổ chức siêu thị trường đứng bên ngoài nhóm siêu thị trường – nguồn gốc của thị trường và các tổ chức siêu thị trường nhân tạo khác. Vì ngay từ đầu Ngân hàng Nhà nước ở những nước như Việt Nam hay Trung Quốc đã có nguồn gốc là của nhà nước, chứ không phải một nhóm tư nhân, nên việc tách nó khỏi nhóm công buộc phải đồng nghĩa trao cho nó tư cách tư nhân, là cái mà nó chưa bao giờ thuộc về cũng như thoát thai từ đó cả.  Cho nên nói, việc tách một tổ chức ra độc lập với Nhà nước, mà vẫn giữ vị thế siêu thị trường, tức là ngang hàng với chính nó, là một điều xa lạ về tư duy, và không thể nào chấp nhận trong thực tiễn. Nhà nước, với tư cách cái đã tạo ra mọi thứ, thấy rất khó chịu đựng được cái cảm giác có một cái gì do mình tạo ra, lại vượt ra bên ngoài tầm kiểm soát của mình và đứng độc lập với mình. Đó thực sự là điều không hiểu nổi.  Điều tương tự cũng vậy đối với việc tách Nhà nước thành ba bộ phận về Pháp như có đề cập trên kia.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật