SỬA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỂ HỢP CHUẨN MỰC QUỐC TẾ

SỬA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỂ HỢP CHUẨN MỰC QUỐC TẾ

Bộ luật Dân sự có hiệu lực ngày 1-1-2006, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực ngày 1-7-2006 đã tạo hành lang pháp lý an toàn khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Tuy nhiên, sau hai năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ một số thiếu sót, đặc biệt là những tồn tại liên quan đến các chuẩn mực quốc tế.

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng nay, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (ảnh bên) đã trình bày trước Quốc hội những điểm hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo đánh giá chung của Tờ trình thì sau hai năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, nhận thức của các đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan đã được nâng lên một bước thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân đang là vấn đề nổi cộm, thách thức đối với hoạt động thực thi, đặc biệt là bên khai thác sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước chưa gương mẫu chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng về cơ bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn đã đáp ứng được nhu cầu bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 11-1-2007. Tuy nhiên, việc bảo hộ chưa đạt kết quả như mong muốn. Hầu hết các lĩnh vực đều có vi phạm, ở một số lĩnh vực vi phạm nghiêm trọng như: làm hàng nhái, hàng giả, sao chép bản ghi âm, ghi hình, sách, chương trình máy tính; thu nhận tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã mã hóa, môi trường kỹ thuật số (báo điện tử, trang Web, dịch vụ truyền thông).

Một số quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài đã đề cập đến tình hình vi phạm này và yêu cầu sớm được cải thiện. Theo chuyên gia của WIPO thì việc thực thi có hiệu quả là vấn đề còn hạn chế tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Những hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:

Một số điều luật chưa tương thích với chuẩn mực quốc tế, bao gồm: các quy định về quyền và giới hạn quyền tại các Điều 26, 33; về chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh tại Điều 42 Khoản 1 Điểm a; về các loại hình tác phẩm được bảo hộ tại Điều 14. Về giống cây trồng, bao gồm Điều 160 về tính khác biệt của giống cây trồng; Điều 165 về cách thức nộp đơn; Điều 187 về mở rộng quyền của chủ văn bằng bảo hộ không tương thích với Công ước UPOV 1991; Điều 186 về quyền của chủ văn bằng bảo hộ; Điều 190 về hạn chế quyền của chủ văn bằng bảo hộ. Về quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các Điều liên quan đến thủ tục đăng ký xác lập quyền tại các Điều 87, 90, 119, 134, 154. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, qua hơn hai năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ một số điều khoản liên quan đến ba đối tượng nêu trên, được phát hiện chưa phù hợp hoặc có lỗi về kỹ thuật quy định tại các Điều 2, 11, 12, 200, 201, 211, 214, 220. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan:

- Về mặt khách quan: Bảo hộ sở hữu trí tuệ là vấn đề mới và phức tạp đối với Việt Nam. Trong khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ một Dự án được Quốc hội phê duyệt với thời gian chỉ có 11 tháng thực hiện nghiên cứu, soạn thảo, trình duyệt. Nó có thể là một Dự án Luật lập kỷ lục về thời gian ngắn nhất trong lịch sử lập pháp của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu của việc đàm phán tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Do đó, không thể tránh khỏi các lỗi về kỹ thuật lập pháp trong quá trình chuẩn bị và phê duyệt.

- Về mặt chủ quan: Có điều luật được chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu thuần tuý về hoạt động tuyên truyền của các phương tiện phát sóng, vì vậy chưa tương thích với luật pháp quốc tế (Điều 26, 33). Nó đã trở thành vấn đề tại các diễn đàn quốc tế liên quan, các vòng đàm phán về việc Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Để khắc phục, tại Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư thành lập WTO của Việt Nam đã quy định áp dụng trực tiếp Điều 26, 33 với nội dung quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định thư.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng thông báo kết quả hai năm thực thi Luật Sở hữu trí tuệ về hợp tác quốc tế. Theo đó, Mười điều ước quốc tế song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực tại Việt Nam đang tiếp tục được triển khai thực hiện với những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các hiệp định, bao gồm: “Hiệp định về bảo hộ lẫn nhau các quyền đối với kết quả hoạt động sở hữu trí tuệ được sử dụng và được tạo ra trong quá trình hợp tác song phương về kinh tế và quân sự  Việt Nam – Liên bang Nga”, “Hiệp định song phương về hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam – Liên bang Nga”, “Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam – Nhật Bản. “Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) ASEAN – EU”, với các nội dung về sở hữu trí tuệ đang được triển khai trong chính sách hội nhập sâu, rộng vào cộng đồng quốc tế.

XUÂN BÁCH

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật