SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÂN HÀNG GIAI ĐOẠN 2004 ĐẾN NAY VÀ NHỮNG XU HƯỚNG LỚN TRONG THỜI GIAN TỚI

TS. TRẦN CÔNG HÒA – CN. LÊ THỊ THÚY Trong những năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc với việc mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường mạng lưới và hiện đại hóa công nghệ. Cả nước hiện có 84 ngân hàng (gồm: 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), 31 Ngân hàng thương mại cổ phần đô thị (NHTMCP), 4 Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, 5 Ngân hàng liên doanh, 37 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 02 ngân hàng chính sách: Ngân hàng phát triển Việt Nam – VDB và Ngân hàng chính sách xã hội – VBSP). Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có quy mô còn rất nhỏ và trình độ phát triển chưa cao so với các ngân hàng của các nước phát triển. Hiện tại, trên 90% thị phần hoạt động ngân hàng do 16/84 NHTM lớn nhất Việt Nam và 02 ngân hàng chính sách nắm giữ, trong đó riêng các NHTMQD đã nắm giữ trên 70% thị phần. Cùng góp phần đánh giá sự phát triển của hệ thống các NHTM Việt Nam trong thời gian qua, nhìn nhận xu hướng phát triển trong thời gian tới, bài viết này sẽ tập trung vào phân tích sự phát triển của 16 NHTM lớn nhất Việt Nam thông qua một số chỉ số tài chính chủ yếu trong giai đoạn từ 2004 đến nay. Để đảm bảo phân tích, đánh giá phù hợp với quy mô và lịch sử phát triển của các nhóm ngân hàng, trong các phần 1 và 2, chúng tôi sẽ phân tích theo nhóm và có so sánh đánh giá chung giữa các nhóm: Nhóm I: 4 NHTMNN (VBARD, VCB, BIDV, ICB); Nhóm II: MHB và 11 ngân hàng lớn nhất trong nhóm các NHTMCP; việc đánh giá các ngân hàng chính sách sẽ không đề cập trong nghiên cứu này do tính không tương đồng về mục tiêu và phạm vi hoạt động. PHẦN 1: NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI: QUY MÔ TĂNG CHÓNG MẶT Các NHTMNN vẫn là chủ đạo, ông lớn chiếm phần hơn. Khi xét đến quy mô vốn của ngân hàng, những chỉ tiêu không thể không nhắc đến là tổng tài sản, khả năng huy động vốn từ thị trường và vốn chủ sở hữu. Đây là những chỉ tiêu quan trọng nhất, tập trung nhất và bao quát nhất thể hiện tiềm lực về tài chính và sức cạnh tranh của ngân hàng.   Dẫn đầu toàn ngành ngân hàng là 4 NHTMNN với quy mô tăng nhanh qua các năm, tổng tài sản bình quân đến hết năm 2006 đã lên tới gần 180.000 tỷ đồng/ngân hàng. Liên tục trong giai đoạn 2004-2006, VBARD chiếm vị trí quán quân về quy mô tổng giá trị tài sản, đứng thứ 2 là VCB, tiếp theo là BIDV và ICB. Tính chung tổng tài sản của khối này năm 2005 tăng 18,2% so với năm 2004, năm 2006 tăng 26,9% so với năm 2005. BANK Tốc độ tăng trưởng tài sản bình quân của 4 NHTMNN theo phương pháp tích số trong cả giai đoạn này là 22,1%/năm; trong đó VBARD vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng (24,2%/năm) nhưng VCB (17,4%) lại tụt xuống vị trí thứ 4 nhường chỗ cho BIDV (22,5%) và ICB (21,5%). Riêng năm 2006 đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc của BIDV với tốc độ tăng là 34,1%, đẩy VBARD xuống vị trí thứ 2, kế tiếp là VCB và ICB. Đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này là do công tác huy động vốn của các ngân hàng được đẩy mạnh, giữa các ngân hàng này có sự ganh đua quyết liệt và liên tục soán ngôi vị của nhau về tốc độ huy động vốn. Nếu như năm 2005, VCB dẫn đầu về tốc độ huy động vốn (47,2%) và ICB đứng vị trí thứ 2 (38,3%), BIDV đứng vị trí thứ 3 (28,4%) thì sang năm 2006 ngôi vị số 1 về tốc độ huy động vốn là BIDV (34,2%), kế tiếp là VCB (25,94%) và ICB (25,9%). Dù vậy, tính chung cả giai đoạn thì VCB vẫn dẫn đầu về tốc độ huy động vốn, ICB đứng thứ 2 và BIDV xếp thứ 3; riêng VBARD khá đều đặn ở vị trí cuối cùng với tốc độ bình quân 21%/năm. Về vốn chủ sở hữu, đến hết năm 2006 VCB đã vượt lên dẫn đầu toàn ngành ngân hàng với tốc độ tăng chung cả giai đoạn 2004-2006 là 48,5%/năm, đạt tới 11.277 tỷ đồng, vượt VBARD (11.197 tỷ đồng); BIDV và ICB cũng tăng nhưng đều ở mức dưới 10% với số vốn đến cuối 2006 là 7.626 và 5.607 tỷ đồng. Một điều rất quan trọng là VCB và BIDV tỏ ra có chiến lược khá rõ ràng về nâng cao tiềm lực vốn dài hạn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu ngân hàng (được tính vào vốn cấp 2). Sự tăng nhanh các nguồn vốn này đã thực sự ghi thêm điểm cho các ngân hàng trước các đợt IPO không chỉ xét về phương diện quy mô vốn mà còn là những bước “thăm dò” ban đầu về sự tín nhiệm của thị trường dành cho mình. Đối với VCB, mặc dù mạng lưới không lớn nhưng đã huy động được số vốn “khổng lồ” đứng thứ 2 toàn ngành ngân hàng, thể hiện một giá trị thương hiệu rất mạnh mẽ. Riêng BIDV, cùng với chiến lược trở thành tập đoàn tài chính đa năng hàng đầu Việt Nam, đến nay đã là nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất cả nước, trở thành nhà tạo lập thị trường (market maker) quan trọng, khẳng định vị trí là nhà phát hành trái phiếu lớn thứ 3 toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là tỷ lệ tổng tài sản và vốn huy động của 4 NHTMNN so với tổng số của 16 ngân hàng đang giảm dần qua các năm (năm 2004 chiếm 85,9% và 85,5%, năm 2005 còn 83,1% và 83,4%; năm 2006 là 78,4% và 78,6%). Lý giải cho hiện tượng này là sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ của khối các NHTMCP. NHTMCP, những “thiếu gia” vừa thức dậy: “muốn chóng lớn, vốn phải no”: Trong những năm gần đây, các ngân hàng thuộc Nhóm II (kể cả MHB) đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế và dần khẳng định vị trí của mình trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn so với các NHTMNN nhưng đến đầu năm 2007, các ngân hàng này đã có tổng tài sản chiếm hơn 20% tổng tài sản của cả hệ thống, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2004. Nếu như năm 2004, tổng tài sản của 4 NHTMNN gấp 6,1 lần 12 ngân hàng này thì đến hết năm 2005, con số này chỉ còn 4,9 lần và hết năm 2006 chỉ còn 3,6 lần. Hoạt động huy động vốn đạt kết quả đáng khích lệ, đạt trên 21% huy động của toàn hệ thống, tăng 2,64 lần so với năm 2004. Các ngân hàng thuộc nhóm này đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn vốn cho nền kinh tế và nếu như coi 4 NHTMNN là những “đại gia” thì 12 ngân hàng này đang là những “thiếu gia” hết sức quan trọng và đầy tiềm năng. Số liệu tại bảng 1 cũng cho thấy rõ sự lớn mạnh của các NHTMCP với tốc độ phát triển chóng mặt của khối này, có tới 9/12 ngân hàng có tốc độ tăng tài sản bình quân xấp xỉ 50%/năm. Chưa bao giờ các “thiếu gia” lại đạt được kết quả ấn tượng như vậy; giá trị tổng tài sản của 12 “thiếu gia” tăng đáng kinh ngạc với bình quân chung toàn khối lên tới 57,5%/năm, cao gấp 2,6 lần tốc độ tăng của 4 “đại gia”, gấp 2,5 lần tốc độ tăng chung của toàn ngành ngân hàng Việt Nam và khoảng 5-6 lần tốc độ tăng chung của thế giới. Tỷ lệ tổng tài sản của khối này so với tổng số của 16 ngân hàng tăng nhanh qua các năm (năm 2004 chiếm 14,5%, năm 2005 chiếm 16,6% và năm 2006 chiếm 21,4%). Nhóm đầu bảng về quy mô của khối này trong 3 năm qua vẫn là ACB, Sacombank, Eximbank, MHB và Techcombank nhưng 5 “thiếu gia” này xét về tốc độ tăng tổng tài sản thì chỉ đứng thứ 5, 7, 10, 8 và 9 trong toàn khối; tốc độ tăng huy động vốn lần lượt là 4, 6, 12, 7 và 11. Tổng tài sản cuối năm 2006 của ACB đạt 44,605 tỷ đồng, tăng 84% so với cuối năm 2005 và gấp gần 2 lần so với con số đạt được cuối năm 2004. Là ngân hàng niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán tập trung, Sacombank trở thành tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất. Tận dụng những nguồn lực huy động được trên thị trường chứng khoán, Sacombank đã hoạt động khá hiệu quả, nâng tổng tài sản lên 24.764 tỷ đồng năm 2006, tăng 71,3% so với năm 2005. Về vốn điều lệ, 100% NHTMCP tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 2 lần trong năm 2006; hiện nay Sacombank là lớn nhất và vừa tăng vốn từ 2.340 lên gần 4.450 tỷ đồng, mở đầu làn sóng tăng vốn cho cuối năm 2007. Habubank cũng dự kiến tăng vốn từ 1.260 lên 2.000 tỷ đồng, EAB sẽ tăng lên 1.400 tỷ đồng, VPbank sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng, SCB tăng lên 1.020 tỷ đồng, Seabank cũng tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, Eximbank tăng từ 1.200 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng trong năm 2007, Techcombank sẽ tăng lên 2.700 tỷ đồng và ACB tăng trên 2.530 tỷ đồng [1]. Có nhiều nguyên nhân tạo nên cơn sốt tăng vốn của các NHTMCP. Trước hết là vốn chủ sở hữu của các ngân hàng nước ta thấp hơn nhiều so với ngân hàng các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai, tăng vốn để dần đảm bảo tỷ lệ vốn điều lệ tối thiểu (NĐ 141/2006/NĐ-CP) và tỷ lệ an toàn tối thiểu giữa vốn chủ sở hữu và tài sản có có rủi ro (QĐ 457/2005/QĐ-NHNN). Thứ ba là các ngân hàng muốn mở rộng tín dụng thì phải tăng vốn chủ sở hữu (cho vay một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có). Thứ tư, theo QĐ 888/2005/QĐ-NHNN thì một trong những điều kiện để mở chi nhánh của tổ chức tín dụng là số vốn điều lệ hiện có trừ đi số vốn pháp định tối thiểu thì mỗi chi nhánh bình quân phải có 20 tỷ đồng. Thứ năm, các ngân hàng đang hướng tới mô hình đa năng với chủ trương thành lập thêm nhiều công ty trực thuộc nên việc tăng vốn chủ sở hữu là điều kiện tất yếu. Cuối cùng, các ngân hàng muốn đầu tư và hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, công nghệ (đặc biệt là mua máy ATM) thì cũng cần tăng vốn. Tuy nhiên, các NHTMNN vẫn tăng vốn chủ sở hữu một cách thuận lợi hơn do có quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ lớn và tăng trưởng khá ổn định, cộng với phần thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước được giữ lại và thu từ trái phiếu chính phủ đặc biệt. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là từ khu vực dân cư. Để cạnh tranh về huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng, các NHTMCP luôn là người châm ngòi nổ cho các cuộc đua về lãi suất; bên cạnh đó là hàng loạt các chiêu khuyến mại tặng quà, tiết kiệm dự thưởng, du lịch, trúng vàng, trúng ô tô…. Nhờ đó, khối các NHTMCP đạt mức tăng trưởng huy động bình quân cao gấp 2,6 lần tốc độ chung của toàn ngành ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phát triển mạng lưới hết sức nhanh chóng, đặc biệt là các NHTMCP; trong đó đứng đầu phải kể đến Sacombank với 52 chi nhánh và 109 phòng giao dịch và kế đến là Techcombank với 109 điểm giao dịch trải rộng trên 16 tỉnh thành cả nước; ACB với 84 chi nhánh và phòng giao dịch; Eximbank với 36 điểm giao dịch và sẽ mở thêm 23 điểm giao dịch trong đầu quý 4/2007; VIB cũng đã nâng số điểm giao dịch của lên con số 75. Hiện tại, hệ thống các NHTMCP đã có chi nhánh hoặc phòng giao dịch ở khắp các tỉnh, thành phố và đặc biệt là gần như tất cả các khu công nghiệp. Tuy vậy, hệ thống mạng lưới của các NHTMCP vẫn thua rất xa các NHTMNN, trong đó đứng đầu là VBARD, kế tiếp là BIDV, ICB rồi mới đến VCB, còn các phòng giao dịch của các ngân hàng này thì nhiều vô kể. PHẦN 2: NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NỞ HOA Dư nợ, mục tiêu hàng đầu: Tín dụng là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các ngân hàng Việt Nam. Thị trường tín dụng trở thành miếng bánh ngon mà ngân hàng nào cũng muốn chiếm phần hơn. Trong những năm gần đây, môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện, môi trường kinh tế – xã hội tiếp tục ổn định và ngày càng minh bạch hơn theo hướng thị trường, các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động và dòng chảy tài chính luân chuyển ngày càng nhanh hơn, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam cũng tăng rất nhanh, và cũng chính điều này góp phần quan trọng thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tính chung trong cả giai đoạn 2004-2006, tốc độ tăng trưởng dư nợ của 16 ngân hàng này đạt khoảng 18,6%; trong đó 4 NHTMNN chiếm bình quân 84% dư nợ và tăng trưởng ở mức 13,4%, khối các ngân hàng thuộc nhóm 2 chiếm bình quân 16% dư nợ với mức tăng trưởng 50,3%. Chiếm dư nợ lớn nhất và tốc độ tăng bình quân cao nhất cả giai đoạn 2004-2006 trong khối NHTMNN là VBARD (dư nợ hơn 188.000 tỷ đồng, tốc độ tăng 14,4%), đứng vị trí thứ 2 là BIDV với dư nợ cuối 2006 khoảng 93.450 tỷ đồng và tốc độ tăng 13%, tiếp nối là ICB với dư nợ hơn 80.500 tỷ đồng và tốc độ tăng 10,6%, VCB đứng thứ 4 với dư nợ gần 65.700 tỷ và tốc độ tăng 11,5%. Tuy nhiên, tốc độ tăng dư nợ của các ngân hàng này trong năm 2006 đã chậm lại, chỉ bằng nửa tốc độ tăng của năm 2005 so với 2004. Đối với các NHTMCP, có tới 7/12 ngân hàng có tốc độ tăng dư nợ bình quân trên 50%/năm là: ACB (59,1%), STB (54,1%), Techcombank (58,3%), VPBank (64%), Habubank (57,1%), SCB (111%), OCB (54,7). Các ngân hàng ngày càng đa dạng hoá các dịch vụ hướng tới khu vực dân cư như: an tín nhà mới, cùng bước tới trường… và dần hoàn thiện các dịch vụ cả gói logistic, cho vay trả góp…. Rộn ràng lợi nhuận, chia nhau: ngân hàng: Những năm gần đây là mùa bội thu của các NHTM, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ về huy động vốn và cho vay, các ngân hàng đã thật sự đơm bông, nở hoa lợi nhuận rất mạnh mẽ. Lợi nhuận của 16 ngân hàng này tăng bình quân 78%/năm; trong đó 4 NHTMNN đạt mức tăng tới 80%/năm, 12 ngân hàng còn lại có mức tăng chung là 72%/năm. Các NHTMNN vẫn lợi thế hơn rất nhiều nhờ mạng lưới, quy mô và giá trị thương hiệu lâu năm, do đó vẫn là kênh cho vay lớn nhất và đặc biệt là đối với các dự án quy mô lớn thì hầu như không có NHTMCP nào tham gia; các NHTMCP do quy mô nhỏ chủ yếu tập trung cho vay tiêu dùng hoặc cho vay ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh. BANK Năm 2005, lợi nhuận trên tài sản (ROA) của các NHTMNN trung bình 0,4% (thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 1%). ROA của các NH này ở mức thấp chứng tỏ khả năng sử dụng tổng tài sản chưa hiệu quả. Lợi nhuận trên vốn (ROE) trung bình của các NH này là 9%, thấp hơn so với ROE tối thiểu của thế giới 15%. Nguyên nhân là do tỷ lệ nợ không sinh lời quá cao, khả năng quản lý chi phí còn hạn chế do công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản trị ngân hàng thấp, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ngày càng giảm,… Nợ quá hạn, nợ xấu vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng của các NHTMNN vào thời điểm này. Tuy nhiên, năm 2006, với nỗ lực rất cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị cho quá trình cổ phần hoá diễn ra vào năm 2007, các NHTMNN đã đạt được kết quả hoạt động kinh doanh tốt hơn. Theo đó, ROA trung bình đạt 0,7%, ROE trung bình đạt 14%. Trong đó, VCB có ROE là 26,2%, ROA là 1,7%. BIDV có ROE là 15,2%, ROA là 0,8%; VBARD có ROE là 11%%, ROE là 0,6%. ICB cũng có ROA và ROE tăng đáng kể. Nguyên nhân là do tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Hiện tại, BIDV đã bứt phá ngoạn mục và gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ, chiếm thứ 3 về số tuyệt đối nhưng là quán quân về tốc độ tăng lợi nhuận (bình quân 122%/năm), bỏ xa ICB với lợi nhuận sau thuế năm 2006 chỉ gần 600 tỷ đồng dù có tốc độ tăng tới 68%/năm. Đến nay, VCB vẫn chiếm ngôi đầu bảng về ROE và ROA, kế tiếp là BIDV và ICB, đứng thứ 4 là VBARD. Lợi thế lớn nhất bây giờ của VBARD là về quy mô tài sản và mạng lưới, VBARD đang vấp phải sự cạnh tranh hết sức mạnh mẽ từ các ngân hàng anh em đang cùng mẹ sở hữu (nhà nước). Mặc dù tổng tài sản của khối NHTMCP chỉ bằng 1/4 lần tổng tài sản của khối NHTMNN, nguồn huy động và dư nợ tín dụng của các NH này cũng chỉ bằng 1/4 nguồn huy động và dư nợ tín dụng của khối NHTMNN nhưng lợi nhuận thì bằng 1/2 lợi nhuận của khối NHTMNN. Điều đó chứng tỏ mô hình hoạt động của các NHTMCP khá hiệu quả, phát huy tốt mọi nguồn lực; có tới 10/12 ngân hàng đạt mức tăng lợi nhuận bình quân trên 50%/năm; Chiếm vị trí đầu là ACB, Sacombank, Eximbank, riêng SCB đạt tốc độ tăng khủng khiếp (năm 2006 gấp hơn 2 lần năm 2005). Xét theo ROE thì ACB vẫn là số 1 nhưng xét theo ROA thì Sacombank lại đứng đầu; nhìn chung ACB vẫn nổi và ổn định hơn nhờ lợi thế về quy mô. Sự phát triển mạng lưới mạnh mẽ của Sacombank gần đây còn cần thêm thời gian để bứt phá hơn mới có thể vượt được ACB. Các gương mặt đang tiếp tục nổi lên là EAB, Techcombank, Habubank và VPbank. Một số ngân hàng đạt lợi nhuận thấp nhưng lại có tốc độ tăng trưởng khá cao như SCB, OCB (>100%). Chính vì vậy mà kết thúc năm, các NHTMCP chia cổ tức cho các cổ đông rất cao khiến cho các cổ đông cũng thấy ngạc nhiên. (hết năm 2005: Dẫn đầu là Techcombank tỷ lệ chia cổ tức là 36%, ACB là 28%, Sacombank là 23%, EAB và VPBank gần 20%; hết năm 2006: MB chia cổ tức là 60% trong đó 42% chia bằng cổ phiếu, còn lại chia bằng tiền mặt; VPBank là 24%). Tốc độ tăng doanh thu của các ngân hàng này thấp hơn so với tốc độ tăng lợi nhuận, có nghĩa là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiết kiệm chi phí hoạt động nên tỷ suất lợi nhuận đạt được cao hơn so với các NHTMNN. Đến hết quý 2/2007, các ngân hàng tiếp tục đạt được lợi nhuận cao. MSB đạt lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 103 tỷ đồng, bằng lợi nhuận cả năm 2006; VIBank đạt 150 tỷ đồng; Sacombank tăng kỷ lục là 610 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch cả năm 2007; ACB đạt 880 tỷ đồng; Habubank đạt khoảng 236 tỷ đồng, bằng 94,5% lợi nhuận cả năm 2006 và 54% kế hoạch cả năm 2007; Techcombank đạt 314 tỷ đồng; VPBank đạt 140 tỷ đồng; lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2007 của EAB đạt 127 tỷ đồng; Eximbank đạt 260 tỷ đồng; OCB đạt 90 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận cuối năm của OCB đạt 250 tỷ đồng; lợi nhuận 7 tháng của MB đạt 347 tỷ, Techcombank đạt xấp xỉ 364 tỷ, Sacombank đạt gần 715 tỷ đồng. Lợi nhuận của các ngân hàng khác cũng rất ấn tượng. Nhìn chung toàn khối vẫn đang đạt kết quả rất khả quan [3]. Trong cơ cấu thu nhập và lợi nhuận của các ngân hàng, chiếm phần lớn vẫn là thu từ tín dụng (75,5% tổng thu nhập); tuy nhiên một xu hướng rất rõ ràng là thu nhập ngoài lãi tín dụng (từ dịch vụ và các hoạt động đầu tư kinh doanh khác) đang tăng lên rất nhanh với tốc độ tới 88%/năm. Sự dịch chuyển về cơ cấu nguồn thu ngoài lãi tín dụng của khối các NHTMCP là rõ nét hơn các NHTMNN. Đánh giá chung về hiệu quả hoạt động, xác định theo tiêu chí tổng chi phí và tổng thu nhập, VCB luôn giữ vị trí hiệu quả nhất (tỷ lệ chi phí thấp nhất), kế đến là BIDV, ICB và VBARD. Trong khối các NHTMCP, Sacombank đứng đầu, giữ vị trí thứ 2 là Eximbank, Techcombank giữ vị trí thứ 3 và ACB đứng thứ 4 (bảng 3). BANK PHẦN 3: CÁC XU HƯỚNG LỚN TRONG THỜI GIAN TỚI Chúng tôi nhận định rằng hoạt động của các ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới theo 6 xu hướng lớn sau đây: 1. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa và đa dạng hóa sản phẩm, “đẩy” khách hàng ra khỏi ngân hàng, hoạt động dịch vụ tăng nhanh: Công nghệ hiện đại quyết định sức cạnh tranh và đầu tư vào công nghệ là hướng ưu tiên số 1 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí, tối đa hoá khả năng xử lý và hiệu quả quản lý nghiệp vụ trong hoạt động ngân hàng. Sự phát triển đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng là tất yếu bởi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu của các khách hàng sẽ ngày càng đa dạng hơn, khó tính hơn và chỉ có bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đại mới đáp ứng nổi những nhu cầu này. Theo thống kê không chính thức, chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ của các ngân hàng trên thế giới có tới gần 3.000 dịch vụ; hiện tại các ngân hàng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, khoảng 200 dịch vụ. Đồng thời, các ngân hàng ngày càng chuyên biệt hóa sản phẩm của mình với những gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho từng nhóm/đối tượng khách hàng khác nhau với mục tiêu khác nhau. Nhờ có hệ thống ứng dụng công nghệ hiện đại, khách hàng sẽ ngày càng phải ít đến ngân hàng hơn. Chúng ta nhận thấy một điều rất khác biệt ở các nước phát triển là các quầy giao dịch của họ không phải lúc nào cũng tấp nập khách hàng rút tiền, gửi tiền như ở Việt Nam (do còn nặng về dùng tiền mặt). Thay vào đó, khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán qua mạng, qua hệ thống máy tự động và các ứng dụng trên nền tảng công nghệ tin học – viễn thông. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đang tiếp tục đầu tư/nâng cấp mạng diện rộng và hạ tầng công nghệ thông tin với các giải pháp kỹ thuật và phương thức truyền thông phù hợp với trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Hoàn thiện và phát triển các mô thức quản lý nghiệp vụ ngân hàng cơ bản; các quy trình, thủ tục quản lý và tác nghiệp theo hướng hiện đại, tự động hoá và được tích hợp trong hệ thống quản trị ngân hàng hoàn chỉnh và tập trung. Xây dựng hệ thống ứng dụng lõi (core-banking) làm nền tảng chính phục vụ cho các hoạt động ngân hàng; đây chính là cơ sở tiền đề cho phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng qua mạng viễn thông (e-banking, mobile-banking…). Đối với các NHTMNN, VCB là ngân hàng hiện đại hóa sớm nhất và đi nhanh nhất do mạng lưới gọn hơn các NHTMNN còn lại. Điều rất thuận lợi cho các ngân hàng này là có sự hỗ trợ hiện đại hóa từ Ngân hàng thế giới với cả gói lên tới gần 300 triệu USD; hệ thống thông tin quản lý (MIS) đã được xây dựng hiện đại và đang triển khai giai đoạn 2 của dự án hiện đại hóa dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. VBARD là ngân hàng đi chậm hơn cả do mạng lưới quá rộng lớn và cơ sở khách hàng (customer base) quá đa dạng, ngân hàng này có mạng lưới tới tận thôn/xã và do điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là hạ tầng công nghệ của nhiều địa bàn chưa cho phép. Đối với các NHTMCP, hầu hết đều đang triển khai ứng dụng lõi (Symbols, Temenos T24…). Do mạng lưới và quy mô khách hàng nhỏ nên triển khai hiện đại hóa rất thuận lợi, điểm yếu của các ngân hàng này là năng lực tài chính vì triển khai các ứng dụng này là rất tốn kém. Xu hướng “đẩy” khách hàng ra khỏi ngân hàng ở Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ và số lượng khách hàng sẽ tăng lên đáng kể nhờ chất lượng dịch vụ được nâng cao và tăng tính tiện ích/chủ động cho khách hàng thông qua hệ thống máy ATM, POS, ứng dụng dịch vụ qua mạng điện thoại, internet…. Thật phấn khởi khi các NHTMCP rất quyết liệt đi theo hướng này. Techcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ thanh toán qua mạng, ACB đã triển khai tín dụng qua internet…. Điều đó chứng tỏ năng lực về công nghệ và quản trị hệ thống của các ngân hàng này đã có tiến bộ vượt bậc. Hệ thống máy ATM, POS đã được triển khai rất nhanh chóng với công nghệ hiện đại, nổi bật trên thị trường thẻ hiện nay là VCB, EAB và VPBank. Đến hết tháng 05/2007 đã phát hành được khoảng 6,5 triệu thẻ, tăng 185% so với năm 2006; số thẻ quốc tế đạt gần 500.000 thẻ, tăng 185% so với năm 2006, nâng tổng số thẻ phát hành (cả nội địa và quốc tế) lên gần 7 triệu thẻ, tăng 140% so với cuối năm 2006, với gần 60 thương hiệu, 16 ngân hàng phát hành và hơn 20 ngân hàng làm đại lý thanh toán. Tổng số máy ATM trong toàn hệ thống các ngân hàng có gần 3.500 máy, tăng 150% so với năm 2006, máy POS có gần 20.000 máy, tăng 170% so với năm 2006 [5]. Trong thời gian ngắn tới đây, thị trường thẻ sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ cú hích “trả lương vào tài khoản” theo quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cạnh tranh sẽ chủ yếu gay gắt ở các đô thị lớn vì thu nhập của dân cư khu vực này cao hơn và các tiện ích do thẻ mang lại nhiều hơn các so với địa phương khác, nơi thuộc diện miền núi xa xôi, thương mại kém phát triển (VD: Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang…). Trong thời gian tới đây, lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. 2. Sự chuyên biệt hóa ngày càng sâu sắc, chọn lối đi riêng trên những phân khúc thị trường nhất định: Sau giai đoạn 2004-2007 thắng lợi rực rỡ trên mọi phương diện, hoạt động ngân hàng sẽ ngày càng cạnh tranh mãnh liệt hơn, nhất là khi tới đây sẽ có hàng loạt NHTMCP mới ra đời và ngân hàng nước ngoài được cấp phép. Các ngân hàng trong nước sẽ phải tập trung hơn vào những mũi nhọn chiến lược của mình nhằm vừa để giữ vững thị phần hoặc ưu thế của mình trong từng phân khúc thị trường nhất định, vừa để “tránh voi” phía trước. Các phân khúc thị trường có thể phân theo tính chất/cấp độ dịch vụ hoặc nhóm khách hàng hoặc lĩnh vực ngành nghề. Do điều kiện các nguồn lực (vốn, con người và công nghệ) của các ngân hàng Việt Nam còn rất hạn chế so với các ngân hàng nước ngoài nên nếu ngân hàng không cân nhắc kỹ lưỡng mà vẫn quyết tiến đa năng thì sẽ dẫn đến dàn trải, không tập trung được nguồn lực nhằm rút ngắn quá trình đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hoạt động. Dự báo rằng thời điểm 2010, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng nội địa và các ngân hàng nước ngoài sẽ thực sự khốc liệt. Chúng ta không loại trừ việc ngày càng nhiều ngân hàng nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và mua cổ phần của các ngân hàng trong nước để rồi dần dần trong tương lai, khi các giới hạn khi gia nhập WTO được dỡ bỏ hoàn toàn, chính họ sẽ là người chi phối các ngân hàng này. Vì lẽ đó, mỗi ngân hàng sẽ phải tìm lối đi cho riêng mình nhắm tới những phân khúc thị trường nhất định. Hiện tại, chỉ có những “đại gia” là NHTMNN mới được đánh giá là có đủ tiềm lực để trở thành tập đoàn tài chính đa năng (hoạt động ngân hàng đa năng – universal banking); bất kỳ một NHTMCP trong nước hiện nay nếu giương cao ngọn cờ đa năng sẽ trở thành sáo rỗng và ảo mộng, trừ khi được bán lại cho các ngân hàng nước ngoài. BIDV hiện nay là ví dụ rất điển hình về hoạt động đa năng khi xác định chiến lược dựa trên 4 trụ cột: kinh doanh ngân hàng – đầu tư tài chính – chứng khoán – bảo hiểm. Bên cạnh việc thành lập hàng loạt các công ty thành viên trong những lĩnh vực này, BIDV cũng đang tiếp tục tăng cường các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đẩy mạnh các hoạt động tài trợ dài hạn cho các dự án lớn, xúc tiến các hoạt động tư vấn tài chính và duy trì vị trí tiên phong trong phát triển thị trường các công cụ tài chính phái sinh (financial derivatives) ở Việt Nam (giao dịch cà phê). Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng hoạt động khá năng động trên thị trường vốn; đến nay BIDV đã trở thành nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, là nhà phát hành trái phiếu lớn thứ 3 toàn nền kinh tế sau Kho bạc nhà nước và VDB chuyên phát hành trái phiếu chính phủ, tuy nhiên vị trí này của BIDV cũng đang bị các ngân hàng, tổ chức khác ngấp nghé. Ngày càng quan trọng hơn trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (investment banking) của BIDV càng rõ nét. Cùng với việc hợp tác chặt chẽ với hàng loạt các Tổng Công ty lớn trong nền kinh tế, lợi thế và mối “đe dọa” mang tên BIDV sẽ ngày càng ám ảnh các ngân hàng khác. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự xuất hiện của các loại ngân hàng chuyên biệt như: ngân hàng thanh toán, ngân hàng bán buôn/ngân hàng đầu tư (merchant bank/investment bank), ngân hàng bán lẻ…. Hiện tại, một số ngân hàng đã xác định rất rõ hướng đi chiến lược của mình: Seabank hướng đến là một ngân hàng đầu tư, Sacombank và VPbank đều hướng đến là ngân hàng bán lẻ, BIDV và VCB hướng đến trở thành tập đoàn tài chính đa năng…. Chúng tôi đánh giá rằng phân khúc thị trường hoạt động ngân hàng đầu tư đang còn rất trống vắng và chưa được thiết lập bài bản, đây là những cơ hội rất lớn và những ngân hàng có quy mô lớn nên chiếm lĩnh phân khúc này. Mảng dịch vụ bán lẻ cũng rất hấp dẫn nhưng tính cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. 3. Gia tăng/củng cố mạng lưới và cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao: Trong Phần 1, chúng tôi đã đề cập đến sự phát triển nhanh chóng về tổ chức mạng lưới của các ngân hàng, đặc biệt NHTMCP. Dự đoán rằng xu thế này sẽ tiếp diễn rất rõ nét trong khối các NHTMCP từ nay đến 2010 nhằm tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và phát triển hoạt động cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý và tác nghiệp. Nhìn chung, các ngân hàng đều chủ trương gia tăng và củng cố mạng lưới của mình càng nhanh càng tốt, tranh thủ thu hút khách hàng trước khi các ngân hàng nước ngoài kịp đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có điều chỉnh cơ cấu về tổ chức mạng lưới trong cục bộ một số ngân hàng, đặc biệt là 4 NHTMNN với lựa chọn ưu tiên củng cố hơn là mở rộng, nhằm tinh gọn bộ máy và linh hoạt hơn với phương châm hiệu quả là chính. Mô hình “đầu to- đuôi nhỏ” sẽ rõ nét hơn ở các ngân hàng này vì hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính đa năng và sẽ không tránh khỏi sự tiếp tục cắt giảm (nhưng không nhiều) một số chi nhánh của VBARD, đưa các chi nhánh này về cấp phòng giao dịch. Thời gian qua, nhiều NHTMCP đã có tốc độ phát triển nhân lực khá cao, từ 30%-70%; chúng ta cũng đã chứng kiến hàng loạt cuộc chia ly ở cấp độ lớn, diện rộng giữa những cán bộ của BIDV, VCB, kể cả Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Sức hấp dẫn về chế độ đãi ngộ và cơ hội thăng tiến từ khu vực tư nhân ngày càng gia tăng đối với các cán bộ làm việc trong khu vực nhà nước; điều này đúng với tất cả các ngành hiện nay và càng dễ hiểu hơn trong ngành tài chính-ngân hàng, một ngành vốn được coi là cao cấp và nhạy cảm. Tới đây, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng hoàn thiện, cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ tiếp tục gắt gao hơn và sức hút nhân tài sẽ không chỉ dừng ở lương hay cổ phần mà đang và sẽ còn là: nhà ở, hỗ trợ dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, điều kiện/môi trường làm việc, phương tiện truyền thông và đi lại, tín dụng cho nhân viên, du lịch và đào tạo tại nước ngoài, hỗ trợ dịch vụ gia đình cho nhân viên…. Những vấn đề này đang và sẽ tiếp tục nóng bỏng, làm đau đầu các nhà quản lý ngân hàng, đặc biệt khi không lâu nữa sẽ có thêm những NHTMCP mới hay ngân hàng nước ngoài được cấp phép hoạt động. Khu vực nhà nước và có vốn nhà nước chi phối đang đứng trước một thử thách vô cùng lớn lao về thu hút và giữ chân nhân tài. Đi cùng với việc mất cán bộ là lộ bí quyết kinh doanh hoặc điểm yếu nội tại của ngân hàng; đồng thời, những cán bộ kinh doanh giỏi ra đi sẽ kéo các khách hàng ra đi. Tính tất yếu về sự cạnh tranh và tác động nguy hiểm của nó trong ngành ngân hàng-tài chính là điều không thể tránh khỏi (tùy mức độ xảy ra), sẽ góp phần làm tăng nhanh sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. 4. Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau và đẩy mạnh các hợp tác chiến lược: Một mặt các ngân hàng vừa cạnh tranh với nhau, một mặt vừa hợp tác với nhau trên cả 3 phương diện: (i) Đề phòng mất khả năng thanh toán: có thể thấy rõ điều này qua việc các ngân hàng cho vay qua đêm, gửi tiền lẫn nhau và ký thỏa ước hỗ trợ khả năng thanh toán. Trong những trường hợp có sự cố mất khả năng thanh toán tức thời xảy ra, các ngân hàng sẵn sàng bơm tiền cứu nhau tránh sụp đổ. Vì nếu chỉ một ngân hàng đô thị mất khả năng thanh toán xảy ra, hiệu ứng Domino sẽ xuất hiện và lan truyền sang các ngân hàng khác, khi đó cả ngành ngân hàng sẽ lao đao và nguy cơ sụp đổ là rất lớn, tác hại khôn lường đối với toàn bộ nền kinh tế. Thực tế sự kiện ACB năm 2005 là một minh chứng rất rõ cho điều này và 4 NHTMNN đã sẵn sàng rút hầu bao cứu giúp tránh một cuộc sụp đổ. (ii) Chia sẻ thông tin và đồng tài trợ: Các ngân hàng cùng chia sẻ thông tin lẫn nhau nhằm phòng ngừa rủi ro và cùng thực hiện tài trợ, đặc biệt đối với các dự án lớn. (iii) Liên kết để tăng sức mạnh chiếm lĩnh/thống trị những mảng thị trường nhất định: Xu thế liên kết và hợp tác vẫn là chủ đạo trong những năm tới đây; đó sẽ là những cú bắt tay trong từng lĩnh vực cụ thể. Có thể thấy rõ điều này qua thị trường thẻ trong những năm qua, các nhóm ngân hàng liên kết với nhau tạo thành các liên minh nhằm tăng cường sức mạnh để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, tính liên kết sẽ ngày càng sâu sắc hơn, đó là liên kết qua hệ thống thanh toán, liên kết cùng chia sẻ những lợi thế và khắc phục điểm yếu của nhau, liên kết thông qua hình thức đối tác chiến lược với quan hệ sở hữu vốn cổ phần…. Chúng tôi cho rằng đây là điều đặc biệt quan trọng để các NHTM Việt Nam tăng cường sức mạnh chống lại sự cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài. Cùng với việc tăng cường hợp tác với nhau, các ngân hàng cũng đẩy mạnh liên minh và hợp tác chiến lược với các đơn vị lớn thuộc các ngành khác nhằm chiếm lĩnh thị trường, mở rộng hoạt động. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt “lễ đính ước đa phương” như: BIDV – Nam Á, BIDV-VDB, BIDV cũng liên kết với 9 Tổng Công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và thành lập các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư trong lĩnh vực này. ICB với VDB, Eximbank với 16 đối tác chiến lược (trong đó có những cái tên lớn như: ACB, Tổng Công ty XNK Tổng hợp 1, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Tài chính dầu khí, Công ty Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Tập đoàn Kinh Đô); VIBank với PVI, ABBank với EVN Telecom, Techcombank với HSBC, FPT, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh; Sacombank với IFC, ANZ, Dragon Financial Holdings; Vietcombank với VNPT; 4 liên minh thẻ thanh toán (Vietcard do Vietcombank đứng đầu, VNBC do EAB đứng đầu, Banknet Việt Nam của 3 NHTMNN và một số NHTMCP, liên minh thẻ ANZ/Sacombank)… . Tuy nhiên chúng tôi nhận định rằng thời gian bùng nổ vừa qua mới chỉ là khúc dạo đầu và giai đoạn 2008-2010 mới là lúc để biến các biên bản hợp tác này thành hiện thực với những kết quả cụ thể; khi đó mới thực sự là “ăn chung – ở chung” và các hoạt động hợp tác liên kết sẽ đi vào thực chất hơn, có chiều sâu và bài bản hơn, thể hiện mối liên kết ngày càng hữu cơ giữa các định chế này. Liên kết/liên minh nếu làm tốt sẽ thúc đẩy ngân hàng/doanh nghiệp phát triển, chống đỡ tốt hơn trước những cú sốc thị trường và ngược lại, nếu làm không tốt sẽ làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau và dễ sụp đổ dây chuyền khi có cú sốc lớn. 5. Tăng nhanh tiến trình quốc tế hóa và nhanh chóng gia nhập làn sóng toàn cầu hóa; thu hút ngoại lực và vươn ra các nước trong khu vực ASEAN+3 Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang tăng cường thu hút ngoại lực (vốn, công nghệ kỹ thuật và quản trị, nhân lực trình độ cao) thông qua việc bán một phần vốn cho các đối tác chiến lược nước ngoài, hợp tác liên kết với các hãng lớn của nước ngoài nhằm mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng giá trị của mình; thể hiện ở hàng loạt cuộc “hôn nhân” đã và đang được tiến hành/chuẩn bị như: Sacombank-ANZ, Eximbank – Sumitomo Mitsui (SMBC – Nhật Bản), Southern Bank – Amcorp Bhd (Malaysia), ACB – Standard Chartered, Habubank – Deutsche Bank, VPBank – OCBC, UOB-Southern Bank – ICE, Techcombank – HSBC….. Một xu hướng lớn của các ngân hàng Việt Nam là sẽ nhanh chóng đi vào và bước qua giai đoạn quốc tế hóa, tiến tới hoạt động ngân hàng mang màu sắc toàn cầu hóa. Quốc tế hóa hoạt động ngân hàng là hình thức các ngân hàng từ nước này tài trợ sang nước khác, còn toàn cầu hóa sẽ xóa nhòa ranh giới địa lý và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện diện thương mại theo quan niệm chuẩn của WTO. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam sẽ không chỉ cung ứng dịch vụ qua mạng cho các khách hàng ở nước ngoài mà còn xuất hiện trực tiếp tại nước ngoài dưới hình thức chi nhánh, ngân hàng liên doanh, cổ phần… tại nước ngoài, cung cấp dịch vụ cho cả khách hàng mang quốc tịch nước sở tại, quốc tịch nước thứ 3 và cả khách hàng quốc tịch Việt Nam tại nước sở tại. Trong giai đoạn trước mắt, các ngân hàng Việt Nam sẽ tiến vào thị trường Lào, Campuchia và Miền Nam Trung Quốc (giáp Việt Nam). Sự khởi sắc của Lào-Việt Bank và các dấu hiệu ban đầu của ngân hàng Việt-Nga, Việt-Thái, văn phòng đại diện của Sacombank tại Trung Quốc… cùng với tham vọng niêm yết tại thị trường nước ngoài của một số ngân hàng như ACB, Sacombank… là dấu hiệu manh nha xu hướng này. Chúng ta cũng mong mỏi rằng không lâu nữa sẽ có ngân hàng Việt-Cam và Việt-Trung hiện diện ở cả Việt Nam và trên đất bạn Campuchia, Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước này đang tăng nhanh đáng kể thì hợp tác với ý nghĩa bản địa hóa dịch vụ toàn cầu là một hướng đi đúng đắn. Chính mô hình Chi nhánh Hoa-Việt của Sacombank tại TP.HCM cũng lấp ló đâu đó theo ý tưởng này. 6. “Vào cua”: Năm 2010, khúc quanh phía trước: Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam thực hiện chế độ đối xử quốc gia đối với các ngân hàng nước ngoài kể từ ngày 01/01/2011. Vì lẽ đó các ngân hàng trong nước đang rất gấp rút nâng cao năng lực cạnh tranh trước thời điểm này. Tuy nhiên, quá trình này cũng làm tăng nhanh sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm ngân hàng. Trong giai đoạn 2008-2010, một số ngân hàng có trình độ quản trị tốt và hướng chiến lược đúng đắn sẽ tiếp tục bứt phá, nhưng cũng sẽ lộ rõ những ngân hàng không theo kịp bước chân thời đại và tụt hậu; đồng thời cũng lộ rõ những ông chủ thành lập ngân hàng và xây dựng thương hiệu với mục đích chỉ để bán cho nước ngoài trong thời gian tới. Chúng ta dự đoán rằng đến nửa cuối năm 2010, sức nóng cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng sẽ không chỉ mang dáng vẻ bề ngoài như hiện nay khi mọi ngân hàng đều thắng lớn mà sẽ là nóng bỏng từ trong ra ngoài, từ tâm can ra hình thức. Trước sự đổ bộ và cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng nước ngoài, nếu ví những ngân hàng Việt Nam như những chiếc xe thì vào thời điểm ấy: Sẽ ít hơn những chiếc xe đa năng chạy trên mọi loại địa hình mà xuất hiện nhiều hơn những chiếc xe chuyên dụng cho những địa hình chuyên biệt. Cho dù con đường mang tên WTO ở Việt Nam có thế nào thì những chiếc xe nội địa sẽ phải giảm tốc để vượt qua khúc quanh đầy cam go khốc liệt, bước vào chặng đua mới quyết liệt hơn. Khi ấy sẽ chắc chắn sẽ có những chiếc xe va đập, mất lái, và chỉ có những chiếc xe được thiết kế hoàn hảo với tay lái lụa mới tránh khỏi kết cục buồn. Giống như trong cuộc đua công thức 1, các tay đua sẽ phân hóa thành từng nhóm cách biệt và rõ ràng là không có nhiều giải thưởng như phong trào văn nghệ quần chúng. Sẽ có những ông chủ ngủ ít ngon hơn và liệu đến lúc nào đó, thuốc ngủ cao cấp cho lãnh đạo ngân hàng sẽ trở thành món hàng đắt đỏ? Giai đoạn này, các hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) thực sự sôi động và không ít các ngân hàng tụt hậu sẽ bị thôn tính bởi các ngân hàng khác nhưng cũng sẽ có những ông chủ kiếm lời vì đã đạt được mục đích thành lập ngân hàng để đem bán. Nghiên cứu và đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam là một vấn đề lớn và có thể xem xét thông qua nhiều chỉ tiêu khác nhau; Trong khuôn khổ của loạt bài viết nhỏ bé này, chúng tôi không có tham vọng làm hết được những điều đó mà chỉ tập trung đánh giá qua các chỉ số cơ bản nhất. Chúng tôi cũng xin chia sẻ những nhận định ban đầu về xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới; mong muốn nhận được và xin trân trọng những ý kiến trao đổi, chia sẻ của quý bạn đọc. ————————— Chú thích: [1] Số liệu tăng vốn tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau [2] Các giá trị bình quân tính theo phương pháp trung bình nhân [3] Tổng hợp từ nhiều nguồn tin trên internet. [4]. Phương pháp xác định theo tiêu chí chi phí/thu nhập (Peter S. Rose: Commercial bank management; Texas A&M University, 2001).[5] Báo cáo của Hiệp hội ngân hàng tại Đại hội nhiệm kỳ IV, 07/2007.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật