SỬ DỤNG HỢP LÝ CÔNG CỤ LÃI SUẤT CƠ BẢN

TS. ĐOÀN THỊ HỒNG Nhìn lại khoảng thời gian từ đầu năm 2008 đến nay, mặc dù chưa đầy một năm nhưng mọi ngành trong nền kinh tế nước ta đã trải qua nhiều thời điểm biến động ngoài dự tính. Xét riêng trong lĩnh vực tiền tệ, ngành ngân hàng đang ở vị trí cao trong danh mục đầu tư thì cũng đã lùi lại trước tác động của yếu tố lạm phát. Sự vận hành của thị trường đã đến lúc phải có sự can thiệp của nhà nước. Với chủ trương thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thông qua các công cụ vĩ mô. Trong đó, lãi suất cơ bản được phát huy tác dụng bởi Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 của Thống đốc NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo đó, các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Trong bối cảnh nền kinh tế xoay chiều đi theo hướng không thuận lợi, việc xác định nhân tố trọng yếu và tìm đối sách thích ứng kìm hãm lại chiều hướng đi xuống của nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Một quyết định đúng đắn, đúng thời điểm sẽ mang lại hiệu quả vượt trội. Sự cần thiết của việc điều hành chính sách tiền tệ bằng lãi suất cơ bản Cuối năm 2007, lạm phát trong nước đã có dấu hiệu gia tăng, nếu để cho thị trường tiếp tục tự vận hành thì dẫn đến thất bại của thị trường. Do đó, cần phải có sự can thiệp của nhà nước để đưa thị trường đi đúng hướng. Việc điều hành lãi suất theo sát tín hiệu thị trường, có thể giúp các NHTM định hướng được mức lãi suất hợp lý, tạo nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người gửi, TCTD và người đi vay. Công cụ được NHNN chú trọng là lãi suất cơ bản, vốn tồn tại sau một thời gian dài mờ nhạt. Lãi suất cơ bản trước đây chỉ mang tính định hướng và tham khảo nhưng khi lạm phát tăng đột biến, cơn bão giá đã tác động đến mọi ngành trong nền kinh tế, an sinh xã hội bị ảnh hưởng càng làm tăng sức ép lên các nhà điều hành trong chính sách quản lý. Lãi suất cơ bản giờ đã được sử dụng như một thông điệp có tác động nhanh, mạnh đến cả nền kinh tế, là cơ sở để ấn định lãi suất kinh doanh, tính toán trong hoạt động của các TCTD. Sau những giải pháp mạnh của chính sách thắt chặt tiền tệ thì việc điều hành bằng công cụ lãi suất cơ bản ấn định trần lãi suất cho vay thay đổi linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đã góp phần hạ nhiệt lãi suất huy động lúc đầu, giúp nền kinh tế dần trở lại nhịp độ phát triển.   Khi kinh tế trong nước bắt đầu hội nhập, các động thái biến động từ thế giới bên ngoài cũng gây sức ép biến đổi trong nước. Việc xây dựng chiến lược phát triển và điều hành của từng TCTD không chỉ phụ thuộc vào yếu tố nội lực mà còn chịu sự chi phối nhiều của yếu tố khách quan. Sự sụp đổ hệ thống tài chính khổng lồ của Mỹ là một cú sốc mạnh cho cả nước Mỹ và ảnh hưởng lan truyền đến phần còn lại, nhất là khối liên minh Châu Âu và các nước phát triển khác. Suy thoái kinh tế bao trùm làm nền kinh tế thế giới quay đầu đột ngột từ nỗ lực chống lạm phát sang nỗ lực chặn đà giảm phát. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng. Các khoản dự báo trước đây đều phải thay đổi, giá dầu tuột dốc không phanh khi dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng của Mỹ giảm mạnh. Với chính sách quyết liệt của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ cùng với tác động của thế giới bên ngoài đã làm lạm phát trong nước sụt giảm đáng kể và để ngặn chặn nguy cơ giảm phát, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh lãi suất cơ bản theo chiều hướng giảm để kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Trong khoảng thời gian 6 tháng, từ 16/5/2008 đến 3/12/2008, NHNN đã 10 lần đưa ra Quyết định thay đổi lãi suất cơ bản, cho thấy sự sâu sát và tính nhất quán trong điều hành lĩnh vực nhạy cảm của thị trường tài chính tiền tệ. Như vậy, lãi suất cơ bản đã được trở lại bản chất của chính nó nhưng ở một cách nhìn khác – theo sát diễn biến thị trường. Hiệu quả và hạn chế của việc áp dụng ”trần lãi suất” theo tỷ lệ 150% lãi suất cơ bản Lạm phát đang giảm dần, thị trường dần đi vào ổn định, sự biến động qua lại tiền gửi của khách hàng giữa các ngân hàng giảm hẳn. Thay vào đó là khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, đường cong lãi suất huy động cũng trở lại hình dáng hợp lý. Kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao, khác với tính bất hợp lý của thời gian trước đó kỳ hạn càng ngắn, lãi suất càng cao. Việc giảm lãi suất cơ bản, kéo theo việc hạ lãi suất cho vay là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng có kiểm soát. Với mức lãi suất chấp nhận được, doanh nghiệp tiến hành vay vốn kinh doanh, qua đó giải phóng đầu ra cho ngân hàng. Nhưng trong thời gian ngắn, nhất là các ngân hàng có quy mô vốn còn nhỏ, chưa thể giảm nhanh lãi suất cho vay vì phải còn gánh số vốn huy động cao từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế giảm phát, nguồn đầu ra tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng bị ách tắc. Mặc dù nhà nước có chính sách trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp (lúa, cá ba sa…) thông qua lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn đến ngân hàng một cách dè chừng. Người tiêu dùng trong nước hạn chế chi tiêu, cầu hàng hóa – dịch vụ yếu, kinh tế của nước ngoài cũng đang bị ảnh hưởng của sự suy thoái nên sản phẩm xuất khẩu trong nước bị đọng. Doanh nghiệp không dám vay vì tìm được đầu ra rất khó khăn và nếu có đầu ra thì khả năng thu tiền cũng không chắc do bất cân xứng thông tin. Kết quả dư nợ ngành ngân hàng không tăng nhiều, ngân hàng vẫn khó tiếp cận khách hàng tốt dù lãi suất hạ. Từng ngân hàng khó có thể dự đoán xu hướng thị trường để chủ động điều chỉnh lãi suất. Khi lãi suất cơ bản hạ, việc áp dụng nghiêm ngặt trần lãi suất chỉ trong ngày một, ngày hai nên các NHTM cũng không chủ động giảm được cho các khoản huy động trước đó. Hơn nữa, trong nước có nhiều ngân hàng có quy mô còn nhỏ, việc cạnh tranh lãi suất huy động cao nên chỉ có những ngân hàng thực sự mạnh về tài chính, tạo được lợi thế khác biệt mới có chủ trương đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động và hạ lãi suất cho vay. Trần lãi suất cho vay giảm nên các khoản giải ngân trước đó khách hàng cũng thường tìm cách trả nợ trước hạn để được vay lại với lãi suất thấp hơn. Nhưng các khoản huy động với lãi suất cao trong những tháng trước, ngân hàng không thể thương lượng với khách hàng để hạ lãi suất tiền gửi thấp xuống. Lợi nhuận của cả hệ thống ngân hàng đều bị ảnh hưởng. Việc áp dụng trần lãi suất cho vay cũng hạn chế vốn đến khách hàng cá nhân, nhất là những cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn tiêu dùng do chi phí quản lý cao. Hơn nữa khách hàng mỗi nơi, mỗi vùng lại có những đặc thù khác nhau, chi phí giao dịch cũng phải khác nhau. Nhưng thực tế, các khoản vay tiêu dùng thường có kỳ hạn ngắn, vòng quay vốn nhanh, đồng vốn được thu hồi nhanh chóng nên có thể chấp nhận được khi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động của hệ thống tổ chức tài chính vi mô đã chứng minh người nghèo có khả năng vay và thanh toán nợ với lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất của hệ thống định chế tín dụng chính thức dựa trên hoạt động thương mại. Điều quan trọng là người nghèo không có đủ điều kiện để được vay chứ không phải họ cần vay với lãi suất thấp. Nhu cầu chính của người nghèo là dễ dàng và nhanh chóng vay được được vốn và chi phí giao dịch thấp (thủ tục đơn giản và nhanh chóng nhận được tiền), chứ không phải tín dụng giá rẻ. Quy định trần lãi suất như nhau cho mọi loại hình kinh tế là điều chưa hợp lý. Trong khi chi phí quản lý đồng vốn của dự án tốt phải thấp hơn dự án rủi ro, tỷ lệ trích lập dự phòng của dự án rủi ro cũng phải cao. Trần lãi suất áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng còn làm hạn chế sự phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Nếu áp dụng cùng một mức lãi suất thì khả năng tiếp cận vốn của vay tiêu dùng bị xếp sau thứ tự ưu tiên, làm ảnh hưởng tiêu cực và là nguyên nhân đẩy khách hàng cá nhân ra khỏi hệ thống ngân hàng, họ phải tìm tới thị trường không chính thức với lãi suất cao, nạn cho vay nặng lãi xuất hiện. Nhận định Trong điều kiện kinh tế giảm phát, bên cạnh chính sách giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư cũng phải khuyến khích vay tiêu dùng vì doanh nghiệp không thể phát triển sản xuất kinh doanh khi không có người tiêu thụ. Khi nền kinh tế trở lại phát triển đúng hướng, thị trường có thể tự vận hành, không cần sự can thiệp của nhà nước thì nên gỡ bỏ trần lãi suất cho vay và hướng đến cơ chế lãi suất thỏa thuận vì ngay trong giai đoạn nền kinh tế có mức lạm phát nằm trong giới hạn cho phép thì lãi suất cho vay các NHTM cũng đã linh hoạt ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất cơ bản. Lãi suất nên để thị trường quyết định. Lãi suất thị trường sẽ đảm bảo cả tính công bằng lẫn tính hiệu quả trong cung cấp tín dụng. Lãi suất cơ bản chỉ nên làm định hướng cho các ngân hàng thấy xu hướng của lãi suất. Tài liệu tham khảo chính 1. http://www.sbv.gov.vn 2. N. Gregory Mankiw, Kinh tế vĩ mô. NXB Thống kê 3. TS. Đinh Phi Hổ (2003), Kinh tế nông nghiệp. NXB Thống kê.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật