HỒNG NAM
Từ năm nay, các tập đoàn xuất bản nước ngoài được tổ chức tự phát hành sách của mình thông qua một công ty mở tại Việt Nam. Khi đó, không cần bán tác quyền họ vẫn có thể tổ chức dịch, phát hành trên toàn Việt Nam. Lĩnh vực xuất bản vốn rất nhạy cảm với vấn đề sở hữu trí tuệ. Luật thì đã có từ lâu. Nhưng thực tế, tình hình vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này vẫn chưa được cải thiện là bao!
Những kẽ hở “đau”
Năm 2008, vụ tranh chấp về quyền tài sản giữa công ty Phan Thị và công ty Lê Linh đối với hình vẽ nhân vật Long Tinh trong bộ truyện tranh Long Thánh khi bộ sách này được công bố đã khiến dư luận chú ý. Xuất phát từ cùng một tác giả là họa sĩ Lê Linh, hai mẫu hình nhân vật truyện tranh: Trạng Tý (trong “Thần đồng đất Việt” của công ty Phan Thị) và Long Tinh (trong “Long Thánh” của công ty Lê Linh) được cáo buộc là có những nét giống nhau, với đơn khiếu kiện từ Phan Thị cho rằng: Lê Linh đã sử dụng hình ảnh Trạng Tý để làm ra tác phẩm phái sinh là Long Tinh. Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, đây là hành vi vi phạm quyền tài sản đối với công ty Phan Thị.
Tuy nhiên, phía Lê Linh lại cho rằng, do cùng một tác giả nên Long Tinh chỉ giống Trạng Tý về phong cách vẽ, và hình mẫu Long Tinh cũng đã được đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
Việc hạn chế hành vi đánh cắp ý tưởng từ các tác phẩm còn quá xa vời
Ở khía cạnh khác, khi có một vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, phía nguyên đơn còn có thể khiếu kiện theo các điều luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Luật cạnh tranh. Trong khi đó, theo giáo sư, tiến sĩ, luật sư Nguyễn Vân Nam thì Luật cạnh tranh của Việt Nam không định nghĩa thế nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Điều này tạo ra khả năng các bên bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vì quyền lợi liên quan đến kinh doanh sẽ sử dụng Luật Cạnh tranh để kiện bên vi phạm. Trở lại vụ truyện tranh trên, việc thúc thủ của công ty Lê Linh là một minh chứng.
Trong khi đó, Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng có những chỗ chưa chặt chẽ, chẳng hạn không nêu ra định nghĩa về “chủ sở hữu quyền tác giả”, trong khi đó Luật quy định quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Luật lại cũng không định nghĩa thế nào là quyền tài sản, mà chỉ quy định 6 loại hình quyền tài sản. Điều này khiến cho trong một số trường hợp, các đồng tác giả xung đột nhau về quyền tài sản, về vai trò chủ sở hữu quyền tác giả mà không biết dựa vào điều luật nào để được bảo hộ.
Thực thi yếu, hội nhập kém
Trong khi Luật sở hữu trí tuệ được áp dụng và có vai trò quan trọng trong xuất bản, việc bảo đảm thực thi luật này trong giới làm sách lại tỏ ra rất mong manh. Bằng chứng là số lượng các vụ in lậu, vi phạm tác quyền lẫn nhau vẫn không giảm, tính chất các vụ vi phạm cũng cho thấy Luật chưa chế tài được. Cuối năm 2008, NXB Trẻ đã công khai họp báo và công bố 47 đầu sách bị in lậu từ năm 2007 đến năm 2008 mà “không có cách nào ngăn cản nổi”.
Sẽ trở nên vu vơ khi Luật quy định các điều khoản vi phạm và mức chế tài, nhưng trong thực tế những hành vi phạm luật xảy ra liên tục, thậm chí lặp lại nhiều lần ở một đơn vị cụ thể vẫn không bị chế tài đủ để không tái phạm.
Chỉ đơn cử một đơn vị như NXB Trẻ, với 47 đầu sách bị in lậu như thế, làm thiệt hại hàng tỷ đồng cho chủ sở hữu, làm thất thu thuế đối với Nhà nước, và đánh lừa bạn đọc khi lượng lớn sách giả như vậy tung ra thị trường, mà không có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả. Bản thân lãnh đạo và cán bộ của Nhà xuất bản đã phải nhiều lần cải trang, lần mò tới tận cơ sở in sách lậu để “bắt tận tay” và báo cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhưng sau đó mọi chuyện vẫn không thay đổi được gì, sách lậu vẫn cứ tiếp tục xuất hiện ngoài thị trường.
Như vậy, xã hội đang gánh chịu một tệ nạn lẽ ra đã được giải quyết bằng Luật sở hữu trí tuệ. Tình trạng trên tạo thêm nỗi bất an cho lực lượng sáng tác. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban khai thác đề tài và giao dịch bản quyền NXB Trẻ lo ngại tình trạng đánh cắp tác phẩm đang ngày một tinh vi. Ông nói: “Đánh cắp ý tưởng tác phẩm là việc chưa thể dùng luật để giải quyết được. Hiện nay có những người sao chép ý tưởng từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, mỗi nơi một ít, làm thành tác phẩm của mình, có thể kinh doanh kiếm lời hẳn hoi, nhưng để chế tài những hành vi đó thì thật khó”. Trong số đó có cả những giảng viên sử dụng hàm lượng trí tuệ trong các khóa luận, luận án của sinh viên để hoàn thành công trình của mình.
Ở điểm này, thông thường các sinh viên không thể viện dẫn luật để tìm kiếm sự bảo hộ, vì tình trạng “thấp cổ bé họng” của mình.
Quả thật, một khi hành vi in lậu bị phát hiện còn chưa ngăn chặn được thì việc hạn chế hành vi đánh cắp ý tưởng từ các tác phẩm là quá xa vời. Và như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ tuy vẫn hiện diện nhưng chưa sống được trong đời sống người dân.
Đến nay, thị trường xuất bản của Việt Nam còn quá nhỏ bé, nếu tính ở số lượng in 1.000 – 2.000 bản trên mỗi đầu sách. Đây là điều bất lợi trong các thương vụ giao dịch tác quyền giữa những đơn vị làm sách trong nước với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực biết rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường xuất bản cần chấn chỉnh về sở hữu trí tuệ. Lộ trình mở cửa lĩnh vực phát hành sách sẽ khiến ngành xuất bản Việt Nam khó khăn hơn khi các tập đoàn nước ngoài hiện diện nhiều hơn và giám sát kỹ hơn việc sử dụng và kinh doanh các sản phẩm trí tuệ của họ.
Lẽ ra, Luật Sở hữu trí tuệ phải có tác dụng giúp các đơn vị xuất bản trong nước phát huy ý tưởng, tăng sức cạnh tranh với bên ngoài, tạo cơ hội xuất khẩu và hội nhập với ngành xuất bản của các nước. Thế nhưng, trên thực tế giới làm sách trong nước hiện lại đang phải loay hoay đối phó nhau trong các vụ vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ ở trong nước.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"