QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI NUÔI DƯỠNG TRONG CÁC VỤ ÁN LY HÔN

PHẠM ĐỨC THÀNH Trong một vụ án ly hôn, ngoài vấn đề phân chia tài sản, việc giao con cho ai nuôi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng nhất Tòa án phải quyết định. Bởi vì, khi cha mẹ ly hôn, người bị tổn thương nhiều nhất vẫn là những đứa con, nhất là khi đang ở lứa tuổi chưa thành niên – lứa tuổi rất cần sự chăm sóc của cả cha và mẹ để có thể phát triển toàn diện. Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được Tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được với nhau, Tòa án sẽ xem xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Cụ thể hóa nguyên tắc nêu trên, tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN và GĐ) năm 2000 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Trong Công văn số 62/2002/KHXX, Tòa án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn: “Trước khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không hỏi ý kiến của con chưa thành niên là điều tra chưa đầy đủ”. Như vậy, theo quy định, trong một vụ án ly hôn, việc hỏi ý kiến của con từ 9 tuổi trở lên có ý nghĩa bắt buộc, làm cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định giao con cho ai nuôi. Quy định này nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.   Tuy nhiên, trong nội dung Điều 11 Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn việc thực hiện khoản 2 Điều 92 Luật HN và GĐ, việc hỏi ý kiến của người con chỉ đặt ra trong trường hợp cha mẹ không thoả thuận được việc giao con cho ai nuôi. Vì vậy, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, các Tòa án vận dụng những quy định này không giống nhau. Ở một số Tòa án, việc quyết định giao con cho ai nuôi không cần phải hỏi ý kiến của người con, nhưng có Tòa án lại cho rằng cần phải lấy ý kiến của con cả khi cha mẹ thoả thuận được việc giao con cho ai nuôi. Thực tiễn cho thấy, việc xem xét ý kiến, nguyện vọng của con và coi đó là một trong những cơ sở để Tòa án quyết định việc giao con cho ai nuôi là cần thiết, xét dưới cả góc độ lý luận và thực tiễn. Bởi vì, khi cha mẹ ly hôn, con cái mất đi một điểm tựa quan trọng nhất, đó chính là mái ấm gia đình. Việc hỏi ý kiến để các em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Điều này là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với tinh thần của Điều 12 Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo đó: Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những quan điểm đó về tất cả mọi vấn đề có tác động đến trẻ em, những quan điểm của các em được coi trọng một cách thích ứng với tuổi và độ trưởng thành của các em. Khi quyết định người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ xem xét các điều kiện về việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái… của cha và mẹ. Ý kiến của con tuy không có ý nghĩa quyết định cuối cùng nhưng cũng là một trong những cơ sở cần thiết để Tòa án xem xét, lựa chọn người nuôi con, bảo đảm cho trẻ sự phát triển tốt nhất. Xây dựng mỗi gia đình bình đẳng, hạnh phúc là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta, cũng là ước mong của tất cả mọi người. Tuy nhiên, có những cuộc hôn nhân, vì nhiều lý do không thể tiếp tục tồn tại thì cần phải có một hướng đi  phù hợp, trong đó có việc giải quyết bằng cách thức ly hôn. Và trong một vụ án ly hôn, việc hỏi ý kiến của con là cần thiết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người con.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật