QUYỀN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ

Khi một cá nhân hoặc một pháp nhân bỏ tiền hoặc tài sản để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, họ trở thành nhà đầu tư và chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (“Luật Đầu Tư”). Cũng theo Luật Đầu Tư, nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư thông qua hai hình thức: đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp. Ở hình thức đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư thực hiện việc mua cổ phiếu, trái phiếu các giấy tờ có giá khác, đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà không tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Ngược lại, ở hình thức đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư tham gia vào việc quản lý hoạt động đầu tư. Ta tạm quy ước gọi nhà đầu tư theo hai loại hình đầu tư nêu trên là nhà đầu tư gián tiếp và nhà đầu tư trực tiếp. Các phân tích về nhà đầu tư gián tiếp và các quyền của họ, sẽ được thực hiện, tốt hơn, tại một đề tài khác và liên quan tới thị trường chứng khoán. Các quyền của nhà đầu tư trực tiếp theo hình thức hợp đồng BCC, BOT, BTO và BT cũng sẽ được phân tích riêng tại một chuyên đề khác. Trong khuôn khổ bài viết này, ta thử tìm hiểu về các quyền của nhà đầu tư trực tiếp, lần lượt theo các giai đoạn của quá trình đầu tư: chuẩn bị đầu tư (1), triển khai thực hiện dự án đầu tư (2), và kết thúc đầu tư (3). 1. Chuẩn bị đầu tư Về nguyên tắc, Luật Đầu Tư ghi nhận nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này, nhà đầu tư phải tuân theo một số thủ tục nhất định. Liên quan tới việc đăng ký đầu tư hoặc thẩm định đầu tư đối với các dự án, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thực hiện các thủ tục không giống nhau. Đối với các dự án không có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh. Và nếu nhà đầu tư trong nước có dự án gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì việc thực hiện đăng ký kinh doanh trước theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, pháp luật có liên quan và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu Tư.   Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu vào Việt Nam đầu tư phải có dự án đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với dự án không phân biệt có vốn đầu tư nước ngoài hay không, có quy mô vốn đầu tư từ ba trăm tỷ đồng Việt Nam trở lên và dự án thuộc Danh mục dự án đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư, thực ra, có ý nghĩa gần giống việc khai sinh cho dự án đầu tư. Nhà đầu tư sẽ nhận Giấy chứng nhận đầu tư từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cũng cần phải nhắc lại rằng, dự án đầu tư, theo định nghĩa của Luật Đầu Tư, là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung hạn và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Hay nói một cách khác đi, dự án đầu tư chỉ là tập hợp các ý tưởng kinh doanh của nhà đầu tư. Tập hợp các ý tưởng đó nếu không được đăng ký theo quy định mà triển khai thực hiện, thì được coi là vi phạm pháp luật. Lợi ích của quy định đăng ký hoặc thẩm tra ý tưởng kinh doanh, cho tới nay, về mặt lý thuyết cũng như thực tế, chưa có lới lý giải thuyết phục. Nhà đầu tư, về phần mình, một khi đã hoàn thành các thủ tục liên quan tới đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư, sẽ trở thành thành viên công ty hoặc cổ đông, tuỳ thuộc và loại hình tổ chức kinh tế mà họ thành lập. Nói khác đi, nhà đầu tư lúc này có tư cách kép: đồi với dự án (ý tưởng kinh doanh), họ là nhà đầu tư và chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu Tư; trong mối quan hệ với pháp nhân mà họ thành lập, họ là thành viên hoặc cổ đông, và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh Nghiệp. Cần phải phân biệt cho rõ ràng, rằng, trước pháp luật cũng như người thứ ba, nhà đầu tư và pháp nhân mà họ thành lập, là hai thực thể pháp lý độc lập. Và pháp nhân này, mới chính là thực thể pháp lý, nhân danh chính nó, tiến hành các hoạt động cụ thể để biến các ý tưởng kinh doanh (dự án) thành hiện thực. 2. Thực hiện dự án đầu tư Trong giai đoạn này, rất nhiều các quyền của nhà đầu tư được Luật Đầu Tư ghi nhận từ điều 14 tới điều 19. Có thể kể ra đây: quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư, quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại liên quan đến hoạt động đầu tư, quyền mua ngoại tệ, quyền chuyển nhượng, điều hành vốn hoặc dự án đầu tư, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hưởng các ưu đãi đầu tư,…Cần phải nhắc lại một lần nữa, rằng, việc thực hiện dự án đầu tư thuộc về pháp nhân mà nhà đầu tư thành lập. Trừ quyền chuyển nhượng (phần vốn góp/cổ phần trong công ty có tư cách pháp nhân mà nhà đầu tư thành lập) và quyền điều chỉnh vốn hoặc dự án đầu tư là thực sự dành cho nhà đầu tư, các quyền được liệt kê còn lại, nói đúng ra, phải là các quyền của pháp nhân do nhà đầu tư thành lập chứ không phải là quyền của chính bản thân nhà đầu tư. Mong muốn thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn ra kinh doanh là một mong muốn chính đáng của không chỉ các nhà làm luật. Có lẽ, bằng rất nhiều nổ lực, các tác giả của Luật Đầu Tư đã cố gắng hệ thống hoá bằng cách gom góp các quy định rải rác trong nhiều lĩnh vực luật khác nhau nhưng có liên quan tới hoạt động đầu tư vào trong một luật với mong mỏi tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất, minh bạch cho nhà đầu tư. Thế nhưng, có vẻ như đã có khá nhiều sự lẫn lộn trong các điều khoản gom góp này. Có một điều chắc chắn: một đạo luật không phải là một cuốn cẩm nang hướng dẫn hoạt động đầu tư. Thế nhưng, dường như Luật Đầu Tư đã được xây dựng trên tinh thần để trở thành một đạo luật dẫn chiếu tới các luật khác như luật thuế, luật đất đai, luật xuất nhập khẩu, hay thậm chí cả luật doanh nghiệp – một luật mà đáng ra phải được coi là quan trọng nhất đối với những nhà đầu tư. 3. Kết thúc đầu tư Về nguyên tắc, luật thừa nhận nhà đầu tư có quyền tự do chấm dứt hoạt động đầu tư và kết thúc dự án theo ý muốn. Quyền chấm dứt này có thể được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào mà nhà đầu tư muốn, hoặc có thể được thực hiện theo đúng thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư, hoặc khi xảy ra các điều kiện chấm dứt hoạt động được ghi nhận trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp hoặc thoả thuận, cam kết của các nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, quyền tự do chấm dứt hoạt động đầu tư bị hạn chế trong một số ngoại lệ: (i) sau mười hai tháng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không đủ khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư; (ii) do vi phạm pháp luật nên buộc phải chấm dứt hoạt động đầu tư theo quyết định của cơ quan quản lý đầu tư, hoặc theo bản án, quyết định của Toá án, Trọng tài. Hệ quả của việc chấm dứt hoạt động đầu tư sẽ là tiến hành thanh lý dự án. Nếu trường hợp thanh lý dự án có gắn với chấm dứt hoạt động của pháp nhân thì các thủ tục giải thể pháp nhân sẽ được áp dụng, mà trọng tâm là các thủ tục thanh lý sản nghiệp của pháp nhân, nói cho rõ hơn, là thực hiện thanh toán khối tài sản có và khối tài sản nợ của doanh nghiệp. Nếu thanh lý dự án mà không gắn với chấm dứt hoạt động của pháp nhân thì việc thanh lý dự án đồng nghĩa với việc thanh lý các hợp đồng hoặc thanh lý tài sản, bởi, nhắc lại rằng, dự án không phải là một thực thể pháp lý, hay nói một cách khác đi, dự án không phải là chủ thể pháp lý, dự án chỉ là một tập hợp các đề xuất, các ý tưởng kinh doanh của nhà đầu tư. Để các ý tưởng đó trở thành hiện thực, nhà đầu tư, thông qua các pháp nhân do họ thành lập, phải tiến hành hàng loạt các giao dịch. Chấm dứt dự án đồng nghĩa với việc kết thúc các giao dịch và thực hiện thanh lý các giao dịch cụ thể. Vai trò của đạo luật này đối với hoạt động đầu tư rồi đây sẽ được đánh giá, và rồi theo thời gian, sẽ có câu trả lời về sự cần thiết của Luật Đầu Tư. Thế nhưng, từ giờ cho tới khi đó, không còn sự lựa chọn nào khác, ta phải thừa nhận rằng nhà đầu tư chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu Tư. Hay nói một cách khác đi, nhà đầu tư phải chịu sự dẫn chiếu của Luật Đầu Tư tới các đạo luật khác để thi hành. Và câu chuyện về các điều khoản gom góp của Luật Đầu Tư khiến ta nhớ tới một câu chuyện dân gian, câu chuyện về một cây tre trăm đốt: khắc nhập – khắc xuất…/.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật