QUI ĐỊNH VỀ VỐN PHÁP ĐỊNH TRONG THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP

Phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước đã trao cho người dân tự do thành lập doanh nghiệp (nếu không rơi vào các trường hợp pháp luật cấm). Khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp thì mục đích của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, muốn có được lợi nhuận đó thì chính doanh nghiệp phải có nguồn vốn để đưa vào kinh doanh. 1. Ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định Phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước đã trao cho người dân tự do thành lập doanh nghiệp (nếu không rơi vào các trường hợp pháp luật cấm). Khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp thì mục đích của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, muốn có được lợi nhuận đó thì chính doanh nghiệp phải có nguồn vốn để đưa vào kinh doanh. Vốn của doanh nghiệp khi thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp rất đa dạng, có thể được gọi là vốn điều lệ (đối với công ty) hoặc vốn đầu tư ban đầu (đối với doanh nghiệp tư nhân). Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 14/09/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (2005) đã xác định trường hợp nếu doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện mà điều kiện đó được thể hiện dưới dạng vốn pháp định thì doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định thì mới được thành lập và hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp (2005) thì khái niệm vốn pháp định được hiểu là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là Nhà nước sẽ đặt ra mức sàn tối thiểu về vốn đối với một số ngành nghề cụ thể và nhà đầu tư phải đáp ứng số vốn đó từ bằng hoặc lớn hơn mức mà nhà nước đặt ra thì mới được thành lập doanh nghiệp và hoạt động trong ngành nghề đó. Theo quy định trong các Nghị định của Chính phủ, thì hiện nay ở Việt Nam, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trong các ngành nghề sau đây thì phải đáp ứng yêu cầu vốn pháp định : - Kinh doanh tiền tệ – tín dụng (nếu thành lập ngân hàng thương mại cổ phần thì phải có ít nhất 1.000 tỷ đồng cho năm 2008 và 3.000 tỷ đồng cho năm 2010 trở đi, nếu là ngân hàng đầu tư thì phải có ít nhất là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phát triển ít nhất 5.000 tỷ đồng…).   - Kinh doanh chứng khoán (phải có ít nhất 165 tỷ đồng cho ngành nghề bảo lãnh phát hành hoặc 100 tỷ đồng cho ngành nghề tự doanh…). - Kinh doanh bảo hiểm (tối thiểu phải có 300 tỷ đồng cho ngành nghề bảo hiểm phi nhân thọ, 600 tỷ đồng cho ngành nghề bảo hiểm nhân thọ, môi giới bảo hiểm là 4 tỷ đồng). - Kinh doanh vận chuyển hàng không (dao động từ 200 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng tương ứng với số lượng tàu bay khai thác, hoặc nếu kinh doanh hàng không chung là 50 tỷ đồng). - Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê (ít nhất là 2 tỷ đồng). - Kinh doanh sản xuất phim (ít nhất là 1 tỷ đồng). - Kinh doanh dịch vụ bảo vệ (ít nhất là 2 tỷ đồng). - Kinh doanh bất động sản (ít nhất là 6 tỷ đồng). Nhìn chung, khi nhà đầu tư kinh doanh thành lập doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh trong những ngành nghề có vốn pháp định nêu trên thì nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính của mình bằng nhiều cách, như mở tài khoản tại một tổ chức mà Nhà nước quy định (thường là tại ngân hàng) để lấy giấy xác nhận của của tổ chức này hoặc có kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập về hiện trạng tài sản của doanh nghiệp, hoặc chứng thư định giá đối với tài sản bằng hiện vật của tổ chức định giá hoạt động hợp pháp tại Việt Nam… Quy định về vốn pháp định là việc làm cần thiết để nhằm tạo ra sự an toàn cho xã hội và đảm bảo trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp trước đối tác và chủ nợ. Vì thực chất những ngành nghề như kinh doanh tiền tệ – tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán trên thế giới nhiều quốc gia cũng đã và đang áp dụng mức vốn pháp định, cho nên ở Việt Nam cũng không là ngọai lệ 2. Những vấn đề phát sinh Tuy nhiên, quy định về vốn pháp định trong các Nghị định của Chính phủ, theo tác giả cần xem xét lại những vấn đề sau : - Một là, nhìn vào danh mục các ngành nghề kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định có thể nhận thấy một điều đáng lo ngại là danh mục các ngành nghề phải có vốn pháp định ngày càng có chiều hướng tăng cao, nhất là từ năm 2007 đến nay. Trước đây, trong giai đọan từ năm 1990 – 1999 một trong những điều kiện cơ bản để thành lập doanh nghiệp lúc đó là phải có vốn pháp định, cho nên Nghị định 221/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 23/07/1991 đã công bố danh mục của gần 100 ngành nghề phải đáp ứng mức vốn pháp định với ngưỡng vốn rất thấp, không phù hợp, mang tính đại trà, đã gây nên những phản ứng gay gắt trong xã hội. Đến khi Luật Doanh nghiệp (1999) ra đời thì chỉ còn 4 ngành nghề là kinh doanh tiền tệ – tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán và kinh doanh vàng bạc là có quy định vốn pháp định (riêng ngành kinh doanh vàng bạc thì từ năm 2005 đã chính thức bị bãi bỏ). Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến ngày 30/06/2006 thực chất chỉ tồn tại 3 – 4 ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định. Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2006 đến nay, khi vận hành Luật Doanh nghiệp (2005), cùng với đó là nhiều đạo luật chuyên ngành khác cũng được ban hành như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Điện ảnh… thì danh mục các ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định lại được mở rộng. Bên cạnh ba ngành nghề kinh doanh tiền tệ – tín dụng, kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh chứng khoán như đề cập trên thì các ngành nghề khác như dịch vụ đòi nợ thuê (theo Nghị định104/CP ngày 14/06/2007), dịch vụ bảo vệ (theo Nghị định 52/CP ngày 24/04/2008), vận chuyển hàng không (theo Nghị định 76/CP ngày 09/05/2007), kinh doanh bất động sản (theo Nghị định 153/CP ngày 27/10/2007) và kinh doanh sản xuất phim (theo Nghị định 96/CP ngày 06/06/2007) đã được chính thức bổ sung phải có vốn pháp định cho những doanh nghiệp thành lập mới và đã thành lập. Theo chúng tôi, điều này là không thực sự thuyết phục vì hàng loạt các ngành nghề mới vừa bổ sung vốn pháp định trong thời gian ngắn ngủi vừa qua cũng chưa thực sự cần thiết. Các ngành nghề đó nhà đầu tư đã kinh doanh, đã thành lập doanh nghiệp nhưng không phát sinh các vấn đề lớn liên quan đến vốn của doanh nghiệp thì có cần thiết phải đặt ra quy định mới về vốn pháp định không, khi mà điều này dễ gây nên những xáo trộn lớn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp. Đặc biệt các ngành nghề như dịch vụ bảo vệ, dịch vụ đòi nợ thuê là những ngành nghề mà chi phí bỏ ra không lớn, dân gian thường quan niệm “lấy công kiếm lời” thì có cần thiết phải quy định mức vốn 2 tỷ như trên không? Quy định mức vốn pháp định như vậy là không phù hợp với yêu cầu phát huy nội lực mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có sự điều chỉnh vấn đề số lượng ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định trong thời gian tới, tránh tình trạng quay trở lại cơ chế cũ như Nghị định 221/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 23/07/1991, quy định số lượng ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định tràn lan không cần thiết, gây trở ngại cho tự do kinh doanh của người dân. - Hai là, nhiều quy định về vốn pháp định không phù hợp, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong thành lập và hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, Nghị định 104/CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ quy định về mức vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu hồi nợ thuê là 2 tỷ đồng nhưng kèm theo điều kiện hết sức khắc nghiệt là doanh nghiệp chỉ được duy trì mức vốn tối thiểu 2 tỷ đồng này chỉ để kinh doanh một ngành nghề duy nhất là đòi nợ thuê, không được phép kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào khác! Quy định này vô hình trung đã khiến hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực đòi nợ thuê hết sức điêu đứng. Họ cho rằng, nếu chỉ cho phép kinh doanh đòi nợ thuê mà vốn ít nhất là 2 tỷ đồng thì khả năng sinh lợi của nguồn vốn đồ sộ đó từ ngành nghề này kém, không phù hợp. Do đó, nhiều doanh nghiệp tạm thời từ bỏ ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê hấp dẫn này và biến tướng qua hình thức thành lập các văn phòng luật sư cũng để kinh doanh… đòi nợ thuê, nhưng không dưới dạng doanh nghiệp thì không chịu áp lực về vốn pháp định theo Nghị định 104/CP (14/06/2007). Hoặc trường hợp Nghị định 153/CP (27/10/2007) của Chính phủ quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định tối thiểu 6 tỷ đồng. Sau đó, Bộ Xây dựng lại ban hành Thông tư số 13/TT-BXD ngày 21/05/2008 thì lại giải thích quy trình xác nhận vốn pháp định hết sức rối rắm, đó là “phải có xác nhận của ngân hàng thương mại họat động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập”(Mục 1.1.2 Thông tư 13/TT-BXD). Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm vốn pháp định và tiền ký quỹ, hoặc đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản thì phải có chứng thư định giá hoặc nếu bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản thì phải có văn bản xác nhận của tổ chức kiểm toán. Những quy định này đã làm cho vấn đề xác nhận vốn pháp định trở nên quá phức tạp, tốn kém không cần thiết cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trên thực tế, ở nước ta, đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh doanh bất động sản thì có bao nhiêu doanh nghiệp đáp ứng quy trình xác nhận vốn pháp định đó của Bộ Xây dựng? - Ba là, quy định hàng loạt các ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định như nêu trên nhưng vấn đề giám sát, quản lý doanh nghiệp duy trì mức vốn trong những ngành nghề đó sau đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều điều phải bàn về tính hiệu quả của nó. Cơ quan nào có chức năng giám sát mức vốn trên của doanh nghiệp? Nếu nhà đầu tư gian dối lách luật bằng cách vay mượn tiền bỏ vào ngân hàng, thành lập doanh nghiệp xong rút ra trả lại cho chủ nợ thì giải quyết sao? Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/CP ngày 04/04/2007 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh… tại Khoản 3 Điều 32 của Nghị định này quy định mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 triệu đồng đối với hành vi không duy trì mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề phải có vốn pháp định. Nhưng sau hơn một năm thực thi Nghị định 53/CP, không có nhiều doanh nghiệp bị phát hiện và xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trên. Đến thời điểm này, hầu hết ở các địa phương trực tiếp thực thi Luật Doanh nghiệp và các đạo luật chuyên ngành khác có liên quan đến vốn pháp định đều hết sức lúng túng trong khâu quản lý, kiểm tra và xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm mức vốn pháp định và cách thức quản lý doanh nghiệp trong những ngành nghề này. 3. Kết luận Với những tồn tại và hạn chế trên của quy định về vốn pháp định, thiết nghĩ trong thời gian tới, khi cần quy định về vốn pháp định, Nhà nước cần phải tiếp thu ý kiến phản biện của xã hội để đảm bảo những quy định về vốn pháp định thực sự khoa học và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng quy định về vốn pháp định tràn lan không cần thiết. Mặt khác, doanh nghiệp chỉ lo đối phó cho xong quy định đó, còn cơ quan chức năng lại lơ là trong công tác hậu kiểm, làm giảm tính hiệu quả của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến phát huy nội lực trong nhân dân.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật