QUẢN TRỊ TÀI SẢN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG DOANH NGHIỆP

LÊ TẤT CHIẾN & NGUYỄN HÙNG Cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ là một trong những nội dung mà các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng như hiện nay. Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Trước tiên là tên thương mại – được hình thành và bảo hộ khi doanh nghiệp sử dụng thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà không cần đăng ký bảo hộ. Tiếp đến là bí mật kinh doanh (bí quyết kỹ thuật và bí mật thương mại) hầu như doanh nghiệp nào cũng có, vấn đề là các thông tin đó có được bảo mật bằng các biện pháp hữu hiệu hay không để được hưởng quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ. Với các đối tượng khác như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thì doanh nghiệp phải đăng ký với nhà nước và đáp ứng được các tiêu chí thì mới được bảo hộ. Rõ ràng việc đầu tư để tạo dựng, đăng ký, sử dụng, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ (hay còn được gọi là quản trị) là hết sức cần thiết đối với bất cứ một doanh nghiệp nào, nhất là khi các tài sản trí tuệ ngày càng trở lên quan trọng đối với mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Vậy, việc quản trị các tài sản trí tuệ được thực hiện như thế nào, làm cách nào để có hiệu quả nhất giúp nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là những nội dung mà doanh nghiệp cần lưu tâm. Việc đầu tiên của quản trị tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp cần làm, đó là thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ hiện có trong doanh nghiệp. Việc thống kế các tài sản trí tuệ cần được thực hiện dựa theo bản chất và quy định của pháp luật đối với từng đối tượng. Nếu tài sản trí tuệ là các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp thì có thể thuộc một trong hai loại sau: loại thứ nhất gồm các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần đăng ký, như tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng; loại thứ hai gồm các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xác lập thông qua đăng ký, như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.   Với tên thương mại và bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp phải xem xét hiện trạng pháp lý của các đối tượng đó có thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ không. Cụ thể là, xem tên thương mại hiện có của doanh nghiệp có đáp ứng được tính phân biệt giữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực, địa bàn kinh doanh và đã được sử dụng trên thực tế chưa. Khi thỏa mãn các điều kiện trên thì tên thương mại của doanh nghiệp sẽ được nhà nước bảo hộ. Còn với bí mật kinh doanh thì xem các thông tin liên quan đến bí quyết kỹ thuật (các know-how) hay bí mật về thương mại (phương án sản xuất, kinh doanh, danh sách khách hàng…) hiện có của doanh nghiệp có được bảo mật không. Nếu các thông tin đó đã và đang được doanh nghiệp bảo mật thì sẽ được nhà nước bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Với các đối tượng sở hữu công nghiệp mà quyền được xác lập thông qua đăng ký như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… thì doanh nghiệp cần xác định xem thực trạng các đối tượng đó ra sao, hiện doanh nghiệp có bao nhiêu sáng chế, sáng chế nào đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền, sáng chế nào chưa đăng ký. Tương tự như vậy, cũng xác định xem doanh nghiệp có bao nhiêu nhãn hiệu, bao nhiêu kiểu dáng công nghiệp, cái nào đã đăng ký và cái nào chưa đăng ký. Tiếp theo việc thống kê, đánh giá các đối tượng, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mà doanh nghiệp chưa đăng ký. Về nguyên tắc, nhà nước chỉ cấp một văn bằng bảo hộ cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu nào thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ nhưng nộp đơn sớm nhất (kể cả đơn của người nước ngoài). Vì vậy khi thực hiện đăng ký, doanh nghiệp cần phải đánh giá khả năng bảo hộ từng đối tượng. Nếu đăng ký sáng chế, thì phải xem các sáng chế đó còn mới không (chưa bộc lộ ở đâu cả), có trình độ sáng tạo không (so với trình độ hiện tại đã biết thì sáng chế đó có bước tiến mới về mặt công nghệ không) và sáng chế có khả năng áp dụng không (tính khả thi). Với kiểu dáng công nghiệp cũng tương tự như sáng chế. Còn đối với nhãn hiệu, thì có phải là những dấu hiệu (chữ, hình, hay kết hợp cả hai) do doanh nghiệp tự đặt, tự thiết kế ra chứ không phải đi sao chép, đánh cắp của người khác và các dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Để đánh giá về tính mới của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay khả năng phân biệt của nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể thực hiện việc tra cứu các thông tin liên quan tại kho dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ lưu giữ, trên internet… hoặc nhờ các chuyên gia giúp đỡ. Khi các thông tin liên quan có cơ sở khẳng định rằng các đối tượng trên có khả năng bảo hộ cao thì doanh nghiệp hãy tiến hành đăng ký và đăng ký càng nhanh càng tốt để dành ngày sớm nhất (ngày ưu tiên); còn nếu các thông tin cho thấy khả năng đăng ký là bất lợi vì khó lòng được bảo hộ thì không nên đăng ký vì chỉ thêm tốn tiền và mất thời gian mà thôi. Khi các đối tượng sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp đã được nhà nước bảo hộ (được cấp bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hay có được tên thương mại, bí mật kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ) thì doanh nghiệp phải tổ chức việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các đối tượng đó nhằm bù đắp những chi phí nghiên cứu, đăng ký và quan trọng là tạo ra lợi nhuận do cơ chế độc quyền mang lại. Nếu chỉ đăng ký mà không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả thì việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp trở nên vô nghĩa, thậm chí còn lãng phí và tốn kém không đáng có. Việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác tiến hành dưới hình thức li-xăng (bán quyền sử dụng) nhưng phải thông qua hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng li-xăng). Ví dụ chủ sở hữu sáng chế “Lon có khuyên kéo” bán quyền sử dụng (li-xăng) cho CocaCola với giá 148.000 bảng Anh/mỗi ngày. Nếu việc sử dụng không có hiệu quả thì doanh nghiệp có thể tiến hành bán đứt (chuyển giao quyền sở hữu) để bù đắp lại những chi phí đã bỏ ra, như nhãn hiệu P/S đã được chủ sở hữu bán với giá 5 triệu USD (năm 1986). Tiếp đến, doanh nghiệp cần chủ động và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chống lại những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, nhằm bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ. Để thực hiện các nội dung nhằm quản trị tốt các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được nêu trên đây, doanh nghiệp có thể tự làm trên cơ sở tổ chức bộ phận (hoặc chuyên gia) chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhằm chủ động quản trị, hoặc doanh nghiệp có thể thuê các văn phòng luật sư (hoặc luật sư) thực hiện việc quản trị thông qua hợp đồng thuê quản trị tài sản trí tuệ mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã triển khai có hiệu quả.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật