QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÓ ĐÀO TẠO VỀ KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ[1]

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 1. Dẫn nhập Nhắc đến hoạt động khoa học và công nghệ, người ta không thể bỏ qua mảng sở hữu trí tuệ (SHTT), hay nói cách khác hoạt động SHTT là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời các hoạt động khoa học và công nghệ. Trong ngành đào tạo Quản lý khoa học và công nghệ có một chuyên ngành đào tạo Quản lý SHTT. Sản phẩm của hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học là một loại tài sản trí tuệ, bởi vậy việc quản lý nó có hiệu quả là một trong những yêu cầu để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học, ban hành kèm theo Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29.12.2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.[2] (sau đây gọi tắt là Quy định). Mục đích quản lý hoạt động SHTT theo Quy định là nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền SHTT và bảo vệ tài sản trí tuệ (TSTT) của cá nhân, tập thể, tổ chức và của chính cơ sở giáo dục đại học. TSTT theo Quy định là quyền SHTT và quyền đối với các tài sản khác (quyền đối với sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa trong giáo dục và đào tạo và các đối tượng khác) phát sinh từ các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Do giới hạn của Hội thảo này, bài tham luận chỉ đề cập đến việc quản lý TSTT trong các trường đại học có đào tạo về quản lý và kinh tế (sau đây gọi tắt là các trường đại học), việc quản lý này phù hợp với Quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành. Mặt khác, bài tham luận cũng không đề cập lại những việc có liên quan đến quản lý TSTT như Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu.   Thuật ngữ TSTT trong tham luận này dùng để chỉ các đối tượng được bảo hộ quyền SHTT theo pháp luật và quyền đối với các tài sản khác (quyền đối với sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa trong giáo dục và đào tạo và các đối tượng khác) phát sinh từ các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Như vậy, nội hàm của thuật ngữ TSTT (trong tham luận này) rộng hơn nội hàm của thuật ngữ SHTT (theo quy định của pháp luật về SHTT). 2. Đặc điểm của TSTT trong các trường đại học Theo quy định của pháp luật, đối tượng của quyền SHTT bao gồm: quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng. Nhưng do đặc điểm riêng của các trường đại học, bởi vậy sản phẩm của hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường này không bao gồm toàn bộ các đối tượng vừa nêu, do đó tham luận này chỉ khảo sát quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu dịch vụ và bí mật kinh doanh. Trong 3 đối tượng này thì: - Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu dịch vụ chỉ phát sinh trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp (nhất thiết phải đăng ký bảo hộ); - Quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học được phát sinh tự động (có thể chứ không nhất thiết phải đăng ký bảo hộ); - Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được phát sinh tự động (không phải đăng ký bảo hộ). Những TSTT còn lại được phát sinh tự động mà không phải đăng ký bảo hộ. Như vậy việc quản lý các đối tượng khác nhau thuộc TSTT tại các trường đại học cũng rất khác nhau. Điểm đáng lưu ý là hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học không sản sinh ra các phát minh (tiếng Anh là discovery) khoa học, nhưng lại có thể sản sinh ra các phát hiện (tiếng Anh cũng là discovery)[3], ví dụ phát hiện ra các quy luật quản lý kinh tế. Discovery (theo cả nghĩa phát minh và phát hiện) là đối tượng loại trừ để được cấp patent sáng chế, nhưng lại là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Chỉ điểm qua một chút như vậy để thấy rằng việc quản lý TSTT trong các trường đại học không hề đơn giản. 3. Quản lý tác phẩm khoa học Như trên đã nói, để một tác phẩm khoa học được bảo hộ thì không nhất thiết phải đăng ký quyền tác giả. 3.1. Quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm khoa học Việc xác định quyền của tác giả và quyền của trường đại học đối với TSTT được phát sinh trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ rất quan trọng, nó có tác động đến việc thúc đẩy hay kìm hãm sự sáng tạo của các giảng viên/nghiên cứu viên. Mối quan hệ giữa tác giả và trường đại học trong việc xác định quyền đối với từng loại TSTT cũng rất khác nhau. Sau đây, xin làm rõ mối quan hệ này đối với từng loại TSTT. Tác phẩm khoa học được đề cập trong mục này bao gồm: - Công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, bài giảng… của cán bộ (bao gồm giảng viên, nghiên cứu viên); - Công trình nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ… của người học (bao gồm sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh). Việc sản sinh ra tác phẩm khoa học có thể sử dụng hoặc không sử dụng ngân sách Nhà nước. Do đặc điểm riêng của các trường đại học nên mục này không đề cập đến việc các tác giả có sử dụng trang thiết bị (như máy tính, máy in, máy photocopy…) của Nhà trường. Đối với trường hợp có sử dụng ngân sách Nhà nước, quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học được phân định: - Quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả bao gồm đặt tên cho tác phẩm, đứng tên đối với tác phẩm và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. - Quyền nhân thân có thể chuyển giao của trường đại học bao gồm quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và toàn bộ nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm. Như vậy quyền cho phép xuất bản, quyền cho dịch tác phẩm… thuộc về trường đại học chứ không thuộc về tác giả. Trường hợp sinh viên nghiên cứu khoa học có nhận hỗ tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là một vấn đề phức tạp để phân định quyền tài sản đối với tác phẩm khoa học. Trong tham luận này, chúng tôi tạm thời chưa phân tích vấn đề này. Đối với trường hợp không sử dụng ngân sách Nhà nước, quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học được phân định: quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản) hoàn toàn thuộc về tác giả. 3.2. Mối quan hệ giữa người học và người hướng dẫn khoa học Những quyền vừa được nêu khá rõ ràng, duy chỉ có việc phân định quyền nhân thân đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, công trình khoa học của người học là cần phải bàn thêm, vì trong những trường hợp này còn xuất hiện người hướng dẫn khoa học. Bởi vậy cần phải giải quyết mối quan hệ giữa người học và người hướng dẫn khoa học, hay nói cách khác phải xác định ai là tác giả của tác phẩm khoa học, người học hay người hướng dẫn khoa học? Điều 8.1. Nghị định số 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan đã nêu: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”. Người hướng dẫn khoa học chỉ cung cấp ý tưởng còn người học biến ý tưởng của người hướng dẫn khoa học thành tác phẩm khoa học, như vậy người học mới là tác giả của tác phẩm khoa học. Mặt khác, điều 8.2. của Nghị định 100 cũng nêu quy định loại trừ: Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả”. Như vậy người hướng dẫn khoa học không được coi là tác giả của tác phẩm khoa học. Theo nguyên tắc chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng mà không bảo hộ nội dung ý tưởng, bởi vậy ý tưởng khoa học của người hướng dẫn không được pháp luật quyền tác giả bảo hộ, mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, công trình khoa học của người học. Như vậy tranh chấp về quyền tác giả giữa người học và người hướng dẫn khoa học có thể xẩy ra. Trong thực tế đã xảy ra việc một sinh viên – là tác giả của công trình khoa học – kiện một cô giáo – là người hướng dẫn khoa học – đã xâm phạm quyền tác giả đối với công trình khoa học của mình, khi cô giáo lấy ý tưởng khoa học đã từng hướng dẫn cho sinh viên để đưa vào luận án tiến sĩ. Trường hợp này, người hướng dẫn khoa học sẽ không thể giải thích được trước cơ quan pháp luật nếu người học không chú thích phần đã trích dẫn ý tưởng của người hướng dẫn. Phải bàn đến việc này để cho thấy quản lý TSTT trong các trường đại học không hề đơn giản. 4. Quản lý nhãn hiệu dịch vụ Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được phát sinh trên cơ sở có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu dịch vụ – mà cụ thể là dịch vụ đào tạo nếu coi giáo dục và đào tạo là một loại hình dịch vụ – hoàn toàn thuộc về trường đại học, bởi vì trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật chỉ quy định quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn chứ không quy định về quyền của tác giả đối với nhãn hiệu. Vào thời điểm hiện tại, qua khảo sát cho thấy việc quản lý nhãn hiệu dịch vụ của các trường đại học chưa được chú ý đúng mức. Có thể các nhà quản lý trường đại học cho rằng tên trường mình đã do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập thì cần gì đến nhãn hiệu dịch vụ. Quan niệm chỉ đúng trong trường hợp không xảy ra tranh chấp và các trường đại học không mang dịch vụ đào tạo của mình ra nước ngoài. Loại trừ hai lý do vừa nêu thì quan niệm này sai lầm, bởi lẽ: - Tên trường đại học và nhãn hiệu dịch vụ là các đối tượng rất khác nhau. Quyền đối với tên trường tự động phát sinh kể từ thời đim quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng quyền đối với nhãn hiệu dịch vụ thì không tự động phát sinh, mà muốn sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ thì trường đại học phải đăng ký với Cục SHTT và trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp thì trường đại học mới được coi là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu dịch vụ. - Việc đăng ký nhãn hiệu dịch vụ ra nước ngoài (nếu trường đại học mở chi nhánh của mình ở nước ngoài và sử dụng nhãn hiệu dịch vụ), không phát sinh trên cơ sở tên trường, mà theo quy định của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid nó phải dựa trên cơ sở nhãn hiệu dịch vụ do quốc gia xuất xứ cấp. Như vậy, các trường đại học chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi không sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ, điều trớ trêu là có khi phải mua hoặc thuê lại chính tên mình, chúng tôi sẽ đề cập ngay dưới đây. Tác giả của tham luận đã làm một cuộc khảo sát về quản lý nhãn hiệu dịch vụ trong các trường đại học, kết quả như sau: Nhãn hiệu dịch vụ giáo dục thì có nhiều, nhưng tính đến ngày 27.5.2009 thì cả nước mới có 8 trường đại học/đại học sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ, chúng tôi xếp theo thứ tự thời gian được cấp, đó là: 1. Trường Đại học Hoa Sen chủ sở hữu nhãn hiệu Lotus, số bằng 21317, ngày cấp 02.07.1996; 2. Trường Đại học Thương mại chủ sở hữu nhãn hiệu TRUONG DAI HOC THUONG MAI 1960 + hình, số bằng 70280, ngày cấp 21.02.2006; 3. Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn, chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN, số bằng 78863, ngày cấp 25.1.2007; 4. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ sở hữu nhãn hiệu DAI HOC BACH KHOA + hình, số bằng 95205, ngày cấp 24.01.2008; 5. Trường Đại học Ngoại thương, chủ sở hữu nhãn hiệu FTU FOREIGN TRADE UNIVERSITY SINCE 1960 + hình, số bằng 81819, ngày cấp 07.05.2007; 6. Trường Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cũ) chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC HÀ NỘI + hình, số bằng 102336, ngày cấp 03.06.2008; 7. Trường Đại học An Giang chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC AN GIANG UNIVERSITAS 2000 + hình, số bằng 109798, ngày cấp 24.09.2008; 8. Đại học Cần Thơ chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC CẦN THƠ + hình, số bằng 125880, ngày cấp 27.05.2009. Điểm đặc biệt lưu ý là Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn đã lấy trọn vẹn tên của Trường Đại học Sài Gòn (Công lập) làm nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN. Khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu là hoàn toàn có thể, mà trong cuộc chiến này phần thua có thể sẽ về Trường Đại học Sài Gòn (công lập) – một trường có bề dày thành tích trong đào tạo. Nếu tình huống này xảy ra như dự đoán thì đây trường hợp tranh chấp quyền SHTT đầu tiên giữa các trường đại học ở Việt Nam. Trong thực tế, nhãn hiệu VINATABA đã được bảo hộ ở Việt Nam do Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam là chủ sở hữu. Nhưng Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đã phải mua lại chính nhãn hiệu VINATABA của mình ở nước ngoài. Nhưng đối với Trường Đại học Sài Gòn thì khả năng phải mua lại nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN ngay trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài là điều có thể xảy ra. Với số lượng chỉ có 8/376 trường đại học đã đăng ký để được sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ thì có thể nói rằng việc quản lý nhãn hiệu – một trong những TSTT của trường đại học chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường đại học đã không thấy được tầm quan trọng của dạng TSTT này. 5. Quản lý bí mật kinh doanh Để một bí mật kinh doanh được bảo hộ thì không phải đăng ký bảo hộ. Bí mật kinh doanh là một loại TSTT được phát sinh trong hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học, nhất là các trưng đại học có đào tạo về kinh tế. Mặc dù không phải đăng ký bảo hộ, nhưng nó phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: 1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; 2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; 3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Trong khi quản lý bí mật kinh doanh phải đặc biệt chú ý tiêu chí số 3, nhưng một nghịch lý có thể xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Đó là, kể cả khi đã tuân thủ tuyệt đối tiêu chí 3 để bí mật kinh doanh không bị lộ, nhưng đối thủ kinh doanh lại tiến hành “phân tích ngược” (Reverse Engineering[4]) để tìm ra bí quyết và đương nhiên quyền sở hữu bí mật kinh doanh lại bị chia sẻ cho đối thủ kinh doanh. Bởi vậy, cần phải xác định rằng không có gì là bí mật tuyệt đối, do đó cần phải liên tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển TSTT. Trên đây, bài tham luận chỉ phân tích một số điểm cần chú ý khi quản lý TSTT trong các trường đại học. Cũng cần nhắc lại là, bài tham luận không phân tích những quy định về quản lý TSTT trong các trường đại học mà các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định. Để quản lý tốt TSTT, các trường đại học cần tham khảo và tuân thủ các hướng dẫn tại Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29.12.2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.,.

[1] Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia các trường đại học, học viện có đào tạo về kinh tế – quản trị kinh doanh:Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế – quản trị kinh doanh trong các trường đại học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức tại Hà Nội tháng 01.2010 [2] Xin tham khảo thêm toàn văn Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học đăng trên http://vanban.moet.gov.vn (cập nhật ngày 31-12-2008) [3] Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải, Bàn về các thuật ngữ phát minh, phát hiện, sáng chế, Tạp chí Hoạt động khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, số 577, tháng 6.2007 [4] http://en.wikipedia.org/wiki/Reverse_engineering đã định nghĩa: “Reverse engineering is the process of discovering the technological principles of a device or object or system through analysis of its structure, function and operation”. SOURCE: KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN CÓ ĐÀO TẠO KINH TẾ – QUẢN TRỊ KINH DOANH: “ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC VỀ KINH TẾ – QUẢN TRỊ KINH DOANH TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI”, HÀ NỘI, THÁNG 1/2010 VIẾT TIẾP BÀI “QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÓ ĐÀO TẠO VỀ KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ” TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sau bài Quản lý tài sản trí tuệ trong các trường đại học có đào tạo về kinh tế và quản lý (sau đây gọi tắt là bài nghiên cứu trước), đã có một số sinh viên, học viên cao học và những người khác có quan tâm gặp trực tiếp hoặc gọi điện hỏi tác giả về quản lý nhãn hiệu dịch vụ của các trường đại học ở Việt Nam. Nhận thấy đây là một vấn đề mới, chưa hề có các nghiên cứu đi trước và cũng là để cho các bạn học viên cao học, sinh viên có tình huống thực tiễn thảo luận trong quá trình học tập và nghiên cứu sở hữu trí tuệ, tác giả viết tiếp bài nghiên cứu nói trên nhằm cung cấp thêm một số thông tin có liên quan. Cũng cần lưu ý rằng hiện nay có một số website đã đăng không đầy đủ bài nghiên nói trên mà chưa được sự đồng ý của tác giả, nên tác giả cũng không có điều kiện để kiểm tra lại trước khi các website này đăng tải, dẫn đến việc các độc giả có thể không tiếp nhận đầy đủ về thông tin, nhằm khắc phục yếu tố này, tác giả chọn http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com để đăng tải toàn bộ thông tin về vấn đề nghiên cứu. Trong bài nghiên cứu trước, có chi tiết được quan tâm, đó là Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn, chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN, số bằng 78863, ngày cấp 25.01.2007. Trong chi tiết này đã xuất hiện hai chủ thể: - Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn (tiền thân là Trường Đại học Dân lập Kỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tháng 04.2004 theo Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg), sau đó trường đổi tên thành Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn vào tháng 03.2005 theo Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; - Trường Đại học Sài Gòn được thành lập ngày 25.04.2007 theo Quyết định số 478/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vào ngày 19.08.2005 Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN. Ngày 25.01.2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng số 78863 bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN do Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn là chủ sở hữu cho nhóm dịch vụ số 41 giáo dục và đào tạo, nhóm dịch vụ số 42 chuyển giao công nghệ. Như vậy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN có hiệu lực thời gian trước Quyết định số 478/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sài Gòn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời không phân tích về xung đột pháp lý giữa văn bằng số 78863 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 25.01.2007 với Quyết định số 478/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25.04.2007. Đồng thời trong bài nghiên cứu trước, cũng có thêm một chi tiết khác được quan tâm, đó là trường hợp nhãn hiệu VINATABA. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng số 4-0001481-000 vào ngày 19.05.1990 bảo hộ cho nhóm sản phẩm số 34 thuốc lá điếu. Theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris quy định, văn bằng này chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khoảng thời gian đến năm 2001, Công ty Putra Satbat Industry có trụ sở tại Indonexia đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINATABA cũng cho nhóm sản phẩm số 34 thuốc lá điếu tại 13 nước, trong đó có các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Lào, Camphuchia và Trung Quốc[1] – nơi có thể là thị trường xuất khẩu thuốc lá điếu của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trong tương lai. Điểm đáng chú ý là Công ty Putra Satbat Industry hoàn toàn biết rõ thông tin nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 đã thuộc về Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi vậy, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã phải rất vất vả mới chỉ dành lại quyền sở hữu nhãn hiệu VINATABA tại Campuchia, đương nhiên nếu xuất khẩu thuốc lá mang nhãn hiệu VINATABA sang các quốc gia khác thì Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam phải trả phí license nhãn hiệu VINATABA (của mình) cho Công ty Putra Satbat Industry. Như vậy, trường hợp nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN và nhãn hiệu VINATABA là hoàn toàn khác nhau, bởi lẽ: - Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn không hề có lỗi, hành vi xin bảo hộ nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN của họ diễn ra trước khi Trường Đại học Sài Gòn được thành lập; - Công ty Putra Satbat Industry hoàn toàn có lỗi khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh vì đã biết rõ thông tin nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 đã thuộc về Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINATABA cho nhóm sản phẩm 34 tại một số quốc gia khác. Tác giả bài nghiên cứu cũng mong rằng sẽ không xảy ra tranh chấp về nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN giữa Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn Trường Đại học Sài Gòn.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật