Chiến lược phát triển của công ty đại chúng, nhất là công ty niêm yết, phức tạp hơn hẳn các công ty khác. Do các công ty này phải giải quyết hài hòa động lực và lợi ích giữa ba đối tác chính trong công ty là ban lãnh đạo, cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư (người cấp thêm vốn).
Với những công ty không phải là công ty đại chúng, chiến lược phát triển thường chỉ thuần túy xét đến yếu tố kinh doanh, tức là về thương hiệu, vị thế, năng lực, đối thủ cạnh tranh, triển vọng ngành… vì các công ty này hầu như chỉ có một người chủ duy nhất, do đó có thể quyết định mọi việc dễ dàng. Tuy nhiên, với công ty đại chúng, nhất là các công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thì tỷ lệ sở hữu trong công ty, triển vọng của công ty sẽ quyết định lợi ích và động lực của ba đối tác trên đối với chiến lược phát triển của công ty.
Ban lãnh đạo gồm những người trong hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban điều hành. Họ là những người lèo lái và điều hành công ty, nhưng ở những công ty niêm yết, nhất là những công ty có tính đại chúng cao, thì tỷ lệ sở hữu của họ thường không quá lớn. Cổ đông hiện hữu là những người cấp vốn trong quá khứ cho công ty. Nhà đầu tư là những người sẵn sàng hay không sẵn sàng bỏ thêm vốn vào công ty. Sự hài hòa về động lực và lợi ích của ba đối tác này có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển công ty đại chúng.
Ban lãnh đạo sở hữu ít – e ngại về động lực phát triển. Khi ban lãnh đạo sở hữu ít cổ phần, họ thường ít có động lực để phát triển công ty, vì ý nghĩ làm “cho người khác hưởng”. Điều này xảy ra ở nhiều doanh nghiệp niêm yết có nguồn gốc là các công ty nhà nước. Nhiều công ty có tiềm năng nhưng lợi nhuận không tăng trưởng nhiều, chỉ số P/E (
hệ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) thấp hơn rất nhiều so với trung bình ngành (phản ánh giá thấp hơn giá trị thực). Thông thường, ban lãnh đạo chỉ có động lực duy trì tỷ lệ cổ tức nhất định (khoảng 10-20%) cho cổ đông.
Không muốn phát triển vì sợ mất kiểm soát, ở nhiều doanh nghiệp có những dự án tiềm năng như bất động sản, thủy điện… việc huy động vốn mới đối với những công ty này không khó, nhưng ban lãnh đạo không làm vì sợ giảm tỷ lệ sở hữu, dẫn đến giảm quyền kiểm soát ở công ty. Vì thế, họ cố gắng vay nợ ở mức tối đa. Điều này làm tổn hại đến lợi ích của các cổ đông khác trong công ty.
Mâu thuẫn giữa cổ đông cũ và cổ đông mới. Ví dụ điển hình về mâu thuẫn giữa cổ đông cũ và cổ đông mới có lẽ là trường hợp của Quỹ Indochina Capital Việt Nam (ICV) câu chuyện rộ lên từ cuối năm 2008, khi các cổ đông của quỹ bán tháo cổ phiếu với giá chỉ bằng 30-50% NAV (giá trị tài sản ròng) của quỹ thì một số cổ đông mới là các quỹ đầu cơ nhảy vào mua. Sau đó họ muốn thanh lý quỹ để thu lời. Điều này gây bất ổn cho ICV trong gần một năm qua, khiến ICV phải ba lần thay đổi ban điều hành quản lý quỹ mà vẫn không thể “chiều lòng” được nhóm cổ đông cũ và cổ đông mới.
Vấn đề giá phát hành cổ phiếu. Phát hành thêm cổ phiếu để có thêm vốn kinh doanh nhiều khi là vấn đề sống còn của doanh nghiệp niêm yết. Nhưng phát hành với giá nào là hợp lý và phát hành cho ai (cổ đông hiện hữu hay nhà đầu tư mới)? Thông thường, ban điều hành muốn phát hành giá cao để thu được nhiều tiền mà không bị áp lực EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) khi cổ phiếu bị “pha loãng”. Tuy nhiên, cổ đông lớn có thể không muốn phát hành cổ phiếu giá cao do còn phụ thuộc vào việc họ phải bỏ tiền mua thêm. Còn cổ đông nhỏ lẻ thì chỉ muốn mua với giá thấp để có cảm giác “được lợi”. Giá hợp lý trong phương án phát hành, dù cho cổ đông hiện hữu hay nhà đầu tư mới, là giá hài hòa được lợi ích của các bên.
Chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu? Mặc dù có một số ban điều hành không muốn phát hành nhiều cổ phiếu do áp lực EPS, nhưng với một số doanh nghiệp ở ngành thép, bất động sản… thì cần tăng vốn điều lệ để được ngân hàng xét cho vay thêm để có thêm vốn hoạt động. Khi đó, ban điều hành lại muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu, thậm chí thưởng cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cổ đông, nhà đầu tư “dị ứng” với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu do ngại việc “pha loãng”. Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn trong đại hội cổ đông để thông qua điều này.
Cơ cấu cổ đông và giá cổ phiếu. Không chỉ kết quả kinh doanh của công ty, mà cơ cấu cổ đông cũng ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Những cổ phiếu lớn, tăng giá tốt phần lớn là những cổ phiếu có tính đại chúng cao, số lượng cổ đông lên tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn như ACB, STB, SSI, ITA…
Hiện nay, khi nhiều cổ đông trong các công ty đồng thời là nhà đầu tư tài chính, họ tìm cách kinh doanh ngắn hạn trên sàn khiến đôi lúc xảy ra xung đột giữa các cổ đông. Hoặc một nhóm cổ đông lớn có thể tác động đến ban điều hành về việc phân bổ lợi nhuận giữa các quí ra sao, khi nào công bố thông tin… theo hướng có lợi cho sự mua bán của họ. Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn với lợi ích của các cổ đông khác và nhà đầu tư.
Làm sao để hài hòa và phát triển? Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy sự phức tạp của vấn đề chiến lược phát triển với việc hài hòa động lực và lợi ích của các bên như đã nêu. Khi đó, ban lãnh đạo hoặc cổ đông lớn có thể phải cần công ty tư vấn có kinh nghiệm tư vấn các vấn đề hài hòa lợi ích của các bên. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của công ty đại chúng hoặc công ty niêm yết.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"