QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÁC DOANH NGHIỆP

Nhà nước, chủ thể quản lý, chỉ quản lý doanh nghiệp với tư cách là cơ quan quyền lực nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp quyền tự do kinh doanh theo pháp luật. Còn doanh nghiệp, đối tượng quản lý, tuy là một tổ chức nhưng được coi như một người, một “công dân” kinh tế. Cho nên nếu một công dân – cá nhân được làm những việc không bị cấm, thì công dân – doanh nghiệp cũng phải được như vậy. Đã có ý kiến rất đúng cho rằng Luật Doanh nghiệp được đánh giá là thông thoáng, chính vì bắt nguồn từ đó. Luật này đã đánh dấu tầm cao mới của tư duy về quản lý nhà nước. Một mặt nó cụ thể  hóa quyền tự do kinh doanh đã được quy định trong hiến pháp, mặt khác xác định những nguyên tắc của cơ chế quản lý mới theo hướng thúc đẩy khu vực kinh tế dân doanh phát triển. Mỗi tổ chức kinh tế, mỗi đoanh nghiệp từ khi bắt đầu thành lập cho đến suốt quá trình kinh doanh đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật, mà cụ thể là Hiến pháp, các pháp lệnh, nghị định, thông tư…(thường được gọi chung là thế chế quản lý bao gồm cả thủ tục hành chính) và phải giao dịch với bộ máy quản lý hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Điều đó cũng có nghĩa là mọi hoạt động kinh doanh của doanh   nghiệp đều chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của bộ máy hành chính; do đó, sự trong sáng, lành mạnh và hiệu quả quản lý của bộ máy này quyết định rất lớn đến sự thành bại của doanh nghiệp. Thế nhưng, cho đến nay, thể chế quản lý nước ta còn nhiều nhược điểm mà các doanh nghiệp thường khái quát lại là “4 không”: không rõ ràng, minh bạch; không nhất quán (hay thay đổi); không thông suốt (trên thông thoáng, dưới bó lại); và không được thi hành nghiêm túc. Bộ máy vẫn còn cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng, kém hiệu lực và hiệu quả (có tình trạng “trên nói, dưới không nghe”), giải quyết công việc thường trì trệ, kéo đài. Đội ngũ cán bộ, công chức còn những người thoái hóa, biến chất, gây không ít phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp. Từ các nguyên tắc và nội dung về Nhà nước và doanh nghiệp, trong mối quan hệ quản lý, tiếp cận nghiên cứu là từ phía Nhà nước trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp, phải được thể hiện đồng thời 2 tính chất:   - Vừa thực hiện quyền lực nhà nước trong giám sát kiểm tra doanh nghiệp và - Vừa phải phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp *  Quản lý mang tính quyền lực Nhà nước: - Quản lý Nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh của các chủ thể mang quyền lực nhà nước, được thực hiện bằng bộ máy công cụ đồng bộ trong gắn kết phối hợp của Nhà nước. - Các chủ thể quản lý mang quyền lực nhà nước, nói gọn là các cơ quan quản lý Nhà nước, phải thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước bằng quyền lực công cụ và bộ máy của Nhà nước, mà cụ thể là: + Phải chấp hành theo các cơ quan quyền lực Nhà nước cấp trên đã lập ra chính cơ quan quản lý Nhà nước đang thực hiện công vụ. + Điều hành, trên cơ sở chấp hành, để tổ chức thực hiện nội dung công việc quản lý Nhà nước. *  Quản lý của Nhà nước phải phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp: - Tôn trọng quy luật hoạt động của thị trường: chức năng quản lý của Nhà nước chỉ là tạo môi trường pháp lý, hướng dẫn, điều tiết và xử lý vi phạm, chứ không làm thay chức năng kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng và tạo điều kiện cho khả năng tự điều chỉnh của thị trường. - Phát huy cơ chế tự kiểm tra giữa các chủ thể trong khi giao dịch và cơ chế tự kiểm soát của chính bản thân doanh nghiệp. - Trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm cách tháo gỡ khó khăn là nhiệm vụ chính, chế tài chỉ là bất đắc dĩ. - Công chức Nhà nước phải sâu sát cơ sở sản xuất và thị trường kinh doanh, chịu khó tiếp thu ý kiến, kịp thời nghiên cứu, nhanh chóng đề xuất với Nhà nước để ban hành kịp thời các cơ chế chính sách phù hợp với sự vận động của cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ nên quản lý tối thiểu, nghĩa là chỉ quản lý những nội dung chủ yếu liên quan đến tư cách pháp nhân, tình hình tài chính, chất lượng sản phẩm, các nghĩa vụ của doanh nghiệp phải thực hiện với Nhà nước và trách nhiệm đối với các doanh nghiệp khác, trong sự tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, sau khi đăng ký kinh doanh, Nhà nước quản lý các doanh nghiệp thông qua việc theo dõi các báo cáo tài chính hàng tháng, hàng quý của doanh nghiệp. Việc đổi mới tổ chức quản lý sẽ chỉ mang lại hiệu quả nếu như công tác quản lý có được năng lực vận hành các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc quản lý tài chính và hạch toán thực sự. Các doanh nghiệp  ít nhất phải tuân thủ nghiêm túc theo các tiêu chuẩn tài chính kế toán và thống kê, mặt khác Nhà nước cũng cần có những thông tin bổ sung để tiến hành kiểm tra. Nếu như một doanh nghiệp không thể cung cấp được các số liệu này, thì đó là dấu hiệu chứng tỏ doanh nghiệp không đủ khả năng quản lý hoạt động kinh tế có hiệu quả. Nhà nước không quản lý hoạt động kinh doanh, vì vốn dĩ đó là chức năng của chủ doanh nghiệp. Nhưng quen với cách làm cũ, một số người cảm thấy luật “quá thông thoáng”, lo rằng doanh nghiệp sẽ lợi dụng làm bậy. Lẽ ra mọi người, nhất là cán bộ quản lý nhà nước, cần thấy rằng tuy doanh nghiệp có được nhiều quyền rộng thật, nhưng trách nhiệm của họ cũng rất nặng. Nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt, nếu sai lầm trong kinh doanh sẽ phải trả giá đắt, có thể tới mức phá sản. Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách nền hành chánh trong quản lý kinh tế một cách đồng bộ trên cả 3 mặt thể chế – bộ máy – công chức (con người): * Về thể chế liên quan đến doanh nghiệp, Chính phủ cần phải tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các Luật về kinh tế thương mại và doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho mọi loại hình, hạn chế độc quyền, khuyến khích cạnh tranh để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, nhất là cố gắng ban hành ngay (kịp thời – sớm) các Nghị định để cụ thể hóa các Luật.. * Về bộ máy và công chức Nhà nước, là vấn đề không đơn giản, nhiều khi giải quyết nó còn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn là nghiên cứu, thảo luận và ban hành Luật! Hiện nay hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước chưa cao, còn gây nhiều phiền hà sách nhiễu, đặc biệt là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của người dân và các doanh nghiệp; mà nguyên nhân quan trọng là ở khâu cán bộ (là những công chức Nhà nước). Chính phủ cần phải thực hiện nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm, đạo đức, giác ngộ chính trị của đội ngũ công chức, đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn của họ, đặc biệt là phải nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, tinh giản  biên chế, tăng cường công tác kiểm tra năng lực phẩm chất công chức trong thi hành công vụ, chống tham nhũng… kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất. Tất cả các Bộ ngành, địa phương phải chỉ đạo chặt chẽ cơ chế đội ngũ, xóa bỏ ngay những phiền hà sách nhiễu, nghiêm túc với khẩu hiệu “vì nhân dân phục vụ” và phải luôn xem đó là tiêu chuẩn đạo đức của mỗi cán bộ, công chức và cả bộ máy công quyền. Một yêu cầu cấp bách đang được đặt ra là đổi mới kinh tế và cải cách hành chính phải gắn bó chặt chẽ với nhau, phải được tiến hành đồng thời, cùng một nhịp, lồng vào nhau, thậm chí hai việc như là một việc, nếu không, đổi mới không thể thành công. Cuộc cải cách hành chính phải chăng cần hướng vào doanh nghiệp mà xóa bỏ những gì gây phiền hà, trở ngại, gây thêm tốn kém về thời gian và gây tốn kém cho doanh nghiệp. Phải xây dựng cho được những thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhiều nhất cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo được sự quản lý cần thiết của Nhà nước. Bộ máy hành chính của Nhà nước và công chức cũng phải được cải cách mạnh mẽ theo hướng đó. Không thể cứ để xẩy ra hoài những chuyện nghịch lý: đổi mới kinh tế đang được đẩy mạnh, có những chuyển động rất quan trọng trong thể chế quản lý, nhưng bộ máy quản lý Nhà nước và công chức chuyển đổi không kịp, đang trở thành vật cản đối với công cuộc đổi mới kinh tế. Bộ máy chưa sắp xếp lại theo yêu cầu của thể chế mới; không những thế, vẫn còn một số công chức lưu luyến cung cách quản lý cũ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy đây là một cuộc đấu tranh hết sức gay go, quyết liệt giữa đổi mới và ngược lại với đổi mới, là thời cơ và thách thức hết sức gay gắt đặt ra cho nền kinh tế. Trong khi Đảng và Nhà nước kêu gọi phát huy nội lực, giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường kinh doanh, thì không thể cứ để tồn tại những cơ quan, những công chức vì lợi ích cục bộ hoặc cá nhân mà hành động trái ngược với quy định của luật pháp. Công chức trong bộ máy Nhà nước phải biết coi doanh nghiệp là những cơ sở làm ra của cải nuôi sống toàn xã hội, đóng thuế nuôi bộ máy Nhà nước, phải coi những doanh nhân là những người cần tôn vinh vì dũng cảm bỏ vốn liếng, tài năng, trí tuệ ra kinh doanh. Cần phải khắc phục tình trạng gây phiền hà, khó dễ, phân biệt đối xử giữa các loại doanh nghiệp. Cần loại trừ ngay những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất đã làm biến dạng, làm sai lệch những chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, như Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nhiều lần phê phán, và càng không thể cứ chỉ để dừng lại ở việc phê phán: Bộ máy hành chính của ta trở thành “hành dân là chính”. Trong lúc này, cần phải đảm bảo kỷ cương, phép nước, khắc phục tình trạng cấp dưới không thực hiện quyết định của cấp trên, công chức không thi hành luật pháp. Xây dựng chính sách cải cách hành chính nhà nước cùng với đổi mới quản lý kinh tế Chính những yếu kém của nền hành chính Nhà nước đang là lực cản chủ yếu đối với công cuộc đổi mới kinh tế, cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương phát huy nội lực, làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, quản lý Nhà nước cần chuyển dịch theo hướng: - Trao lại quyền quản lý sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp thực sự trở thành đơn vị sản xuất hàng hóa kinh doanh tự chủ, tự hạch toán lãi lỗ; bảo đảm cho doanh  nghiệp của các thành phần kinh tế đều bình đẳng trong thị trường; đồng thời tăng cường sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của kinh tế vĩ mô; - Chuyển từ quản lý trực tiếp sang quản lý gián tiếp, khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp cụ thể vào hoạt dộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như kế hoạch kinh doanh, hoạt động đầu tư, phân phối lợi nhuận, tiền lương, tiền thưởng..; chuyển sang làm tốt các nhiệm vụ chủ yếu là định hướng, đề ra các thể chế, chính sách quản lý vĩ mô, làm tốt các công việc như quy hoạch, kế hoạch phát triển, kiểm tra, giám sát… - Chuyển từ quản lý theo bộ sang quản lý theo ngành nghề (mà lâu nay thường nói là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản), xóa bỏ sự phân biệt doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp địa phương, cũng có nghĩa là mỗi bộ, ngành chuyển từ chỗ chỉ quản lý những doanh nghiệp thuộc bộ, ngành mình sang quản lý toàn ngành, phục vụ toàn ngành. Tổ chức bộ máy quản lý phải gọn nhẹ, nhiệm vụ của tổ chức phải rõ ràng, nêu đầy đủ phạm vi có thẩm quyền ra quyết định, quan hệ với các cơ quan có liên quan… Chức năng của nó không được chồng chéo trùng lắp với chức năng của các cơ quan khác; tập trung bộ máy có hiệu quả và gồm các cán bộ thật sự có năng lực. Số lượng cán bộ thích hợp phải tùy thuộc vào quyết định về chức năng của tổ chức đó, nhưng điều chủ yếu là phải tạo ra một tổ chức quản lý có năng lực và không quan liêu. Cần tránh việc thuyên chuyển viên chức, cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước vào các DNNN, vì kỹ năng làm công tác cơ quan dân chính không giống với kỹ năng của người kinh doanh, phải hết sức cố gắng để phân biệt thật rõ hai loại nghề nghiệp này. Xây dựng các chỉ tiêu vận hành hoạt động của DN Một hệ thống đánh giá công tác quản lý doanh nghiệp đầy đủ phải bao gồm một nguồn thông tin phù hợp đáng tin cậy và kịp thời theo các mẫu tiêu chuẩn hóa; mục tiêu, chỉ tiêu và các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá; một cơ chế kiểm tra khách quan để điều hành và đánh giá các kết quả; một tổ chức soạn thảo các quyết định tác động vào các vấn đề mới phát sinh; một chương trình đẩy mạnh quản lý. Cần phát triển luồng thông tin vận hành với hệ thống các số liệu kịp thời và chính xác theo một mẫu thuận lợi sử dụng cho các cơ quan kiểm tra của Nhà nước, đồng thời phải áp dụng các cách tính toán, phải đào tạo đội ngũ kế toán và cán bộ thanh tra. Muốn những chỉ tiêu này là tín hiệu thông tin rõ ràng, thì chỉ tiêu phải ít, không trùng lắp, và có thể tính toán được. Trong đó lợi nhuận là chỉ tiêu hùng hồn để xác định hiệu quả hoạt động, để phán đoán chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên lợi nhuận cũng chỉ là một chỉ tiêu vô nghĩa nếu doanh nghiệp không cạnh tranh hoặc cạnh tranh không đầy đủ (nếu doanh nghiệp phải chịu đựng các thứ giá hành chính áp đặt ở đầu vào và đầu ra, nếu có những mục tiêu khác biệt hoặc mâu thuẫn với việc tối đa hóa lợi nhuận – như các tiện ích công cộng và ngành vận tải hành khách chẳng hạn). Đánh giá kết quả hoạt động của các doanh nghiệp như vậy đòi hỏi phải có những kỹ thuật đặc biệt và cực kỳ quan trọng, bởi vì đối với một số doanh nghiệp thuộc loại lớn, có ảnh hưỏng kinh tế cao nhất hoặc thuộc loại DNNN công ích sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều. * Một chế độ quy định dù chưa hoàn hảo hoặc chỉ quy định được phần nào về việc xác lập các chỉ tiêu đánh giá kết quả của doanh nghiệp thì vẫn tốt hơn là không có quy định nào. Nền kinh tế sẽ xảy ra sự trì trệ hoặc rối loạn, nếu Nhà nước không quan tâm tốt đến các doanh nghiệp của mình. * Một cách rất tốt đối với các DNNN là làm cho các giám đốc DNNN có trách nhiệm, là không tham gia hoặc can thiệp sâu vào các yếu tố thuộc thẩm quyền của giám đốc, tốt nhất là để cho giám đốc doanh nghiệp tự giải quyết các vấn đề phát sinh, còn Nhà nước giữ vai trò giám hộ. * Việc đánh giá kết quả vận hành quản lý không thể thay thế cho một thẩm định về khả năng tồn tại của doanh nghiệp nói chung, cũng không thể thay thế cho các thẩm định về chi phí, lợi nhuâïn của các khoản đầu tư mới vào doanh nghiệp. Tóm lại, Nhà nước nên quản lý thông qua việc tạo môi trường hoạt động cho doanh nghiệp trong một trật tự ổn định. Nếu Nhà nước quá chú trọng đến mục tiêu quản lý bằng sự kiểm soát và can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, thì sẽ là hành vi cản trở.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật