PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN: KINH NGHIỆM CỦA CÁC NƯỚC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

VĂN TẠO – KIM ANH 1. Định nghĩa về phòng, chống rửa tiền Có các định nghĩa khác nhau về rửa tiền, cách hiểu phổ biến nhất thì rửa tiền là hành động chuyển lợi nhuận thu được từ những hoạt động phạm pháp sang lợi nhuận hợp pháp; phạm vi rửa tiền do buôn bán ma tuý thường được coi là kiếm được rất nhiều lợi nhuận bất hợp pháp, một số hoạt động khác như buôn lậu vũ khí, buôn lậu những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, buôn bán bộ phận người, bí mật hạt nhân, vũ khí; việc sử dụng tiền của những tổ chức khủng bố, bắt cóc tống tiền, những giao dịch tài chính bất hợp pháp để trốn tránh những luật pháp quốc tế. Còn một thuật ngữ khác về khái niệm rửa tiền, đó là “chuyển trốn tư bản” hay còn gọi là “vốn bay” (flight capital). Đây là vốn được rút một cách cấp tốc khỏi một nước do sự mất lòng tin vào Chính phủ khi tại nước đó, xảy ra những biến động về kinh tế, chính trị; một khái niệm khác được hiểu là “tiền nóng”, tiền được chuyển từ một địa điểm này đến một địa điểm khác do sự lo ngại về các chính sách của Chính phủ. Trong nhiều trường hợp, rất khó có thể phân biệt tiền hợp pháp và tiền bất hợp pháp. Những bộ phận hợp pháp của “vốn bay” thường là những dòng tiền sau thuế từ một quốc gia này sang một quốc gia khác, và nó thường được ghi vào trong sổ sách và được lưu giữ để báo cáo. Trong khi những bộ phận hợp pháp này thường được chuyển đi một cách an toàn, công khai thì những bộ phận bất hợp pháp của “vốn bay” thường được che giấu đi. Ngoài ra, còn một thuật ngữ khác thường liên quan trực tiếp tới ba giai đoạn trên, đó là smurfing (được đặt tên theo những nhân vật hoạt hình, người chuyển tiền một cách liên tục để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền). Smurf là những nhân vật giúp chuyển tiền từ một tổ chức này sang một tổ chức khác, hoặc từ quốc gia này sang quốc gia khác. Hoạt động của các smurf thường liên quan đến người cầm đầu, gọi là papa smurf, người trực tiếp chỉ đạo các smurf gửi tiền thu được từ buôn bán ma tuý tại nhiều các ngân hàng với số lượng nhỏ hơn số lượng tối thiểu mà các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải báo cáo.   Hoạt động rửa tiền thường được thực hiện tại các địa điểm có luật bí mật ngân hàng, có những quy định về tài chính, luật pháp lỏng lẻo và các quan chức, nhân viên các tổ chức tín dụng dễ bị mua chuộc. Tuy nhiên, hoạt động rửa tiền xảy ra tại tất cả các nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Anh, nơi có luật phòng, chống rửa tiền nghiêm ngặt nhất. 2. Luật Phòng, chống rửa tiền trên thế giới 2.1 – Luật Phòng, chống rửa tiền tại Mỹ Mỹ là nước có hệ thống luật pháp về phòng, chống rửa tiền toàn diện và nghiêm khắc nhất trên thế giới mà tất cả các định chế tài chính và nhân viên đều phải tuân theo. Một trong những đạo luật quan trọng nhất liên quan đến phòng, chống rửa tiền là Luật Bí mật ngân hàng (BSA) năm 1970 và những quy tắc của nó. Mục đích của BSA là tạo ra một văn bản pháp lý tạo điều kiện điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế… bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Sau đó Luật được sửa đổi cho phép Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra. Một số luật quan trọng khác trong việc phòng, chống rửa tiền tại Mỹ gồm Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Quản lý rửa tiền năm 1986, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio – Wylie năm 1992. Những luật và quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền. Luật Chống rửa tiền quy định nghĩa vụ của tất cả các đối tượng, từ các cá nhân đến các tổ chức khi phát hiện có sự tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào và là căn cứ để tịch thu, sung quỹ tiền và tài sản liên quan đến hoạt động rửa tiền. Việc không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền của các nhân viên của các tổ chức tín dụng có thể dẫn tới bị phạt dân sự và hình sự. Về mặt dân sự, nhân viên ngân hàng có thể bị phạt tới 100.000 USD cho việc cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA. Về mặt hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 250.000 USD, 5 năm tù hoặc cả hai. Một trong những vụ sớm nhất và nổi tiếng nhất liên quan đến việc ngân hàng bị phạt do vi phạm các quy định và luật lệ liên quan đến hoạt động rửa tiền tại Mỹ là trường hợp Ngân hàng Boston. Mặc dù đã được yêu cầu phải tuân thủ chặt chẽ hơn trong việc lưu giữ các chứng từ giao dịch vào năm 1980, song Ngân hàng Boston vẫn tiếp tục giao dịch với các ngân hàng nước ngoài, bao gồm cả các ngân hàng đại lý của nó mà không hề lưu giữ hồ sơ chứng từ đến tận năm 1984. Nghiêm trọng hơn, các chi nhánh của Ngân hàng Boston đã tiếp tục thực hiện những giao dịch với những tội phạm nổi tiếng qua nhiều năm. Những nhân vật này đã thực hiện những phi vụ kinh doanh bất động sản, nhưng nhân viên của Ngân hàng Boston đã không báo cáo và lưu giữ chứng từ của những giao dịch này mặc dù chúng không được loại trừ theo các quy định và luật lệ về tài chính. Đến năm 1985, Ngân hàng Boston mới thực hiện đúng các yêu cầu về phòng, chống rửa tiền theo các quy định, luật lệ nên cuối cùng đã bị kết án và bị phạt 500.000 USD. 2.2 – Luật Phòng, chống rửa tiền tại Anh Tại Anh, các định chế tài chính cũng hoạt động theo những quy định về phòng, chống rửa tiền tương tự như tại Mỹ. Tháng 12/1990, nước Anh ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các ngân hàng trong việc phát hiện và chấm dứt các hoạt động rửa tiền, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ của ngân hàng trong việc cảnh báo cho các cơ quan quyền lực những hoạt động và giao dịch đáng ngờ. Các hướng dẫn này được xây dựng bởi Ngân hàng Trung ương Anh và các ngân hàng thương mại với sự phối hợp, tham gia của cơ quan tình báo quốc gia, hải quan, cảnh sát. Theo đó, ngân hàng phải đích thân nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả bằng cách gặp mặt trực tiếp. Hướng dẫn cũng chỉ rõ các cách thức xác nhận thông tin cá nhân, trong đó hộ chiếu là hình thức được ưu tiên, ngoài ra các hình thức khác cũng được chấp nhận như thẻ nhân viên, bằng lái xe… Hơn nữa, các ngân hàng phải lưu giữ tất cả các chứng từ giao dịch trong 6 năm để phục vụ điều tra. Cũng giống như tại Mỹ, việc không tuân theo những hướng dẫn và các luật, quy định sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý. Những trách nhiệm pháp lý dân sự có thể nảy sinh nếu vi phạm những quy định về sự bảo mật của khách hàng. Hướng dẫn tại Anh chỉ ra rằng các nhân viên của các định chế tài chính phải hợp tác một cách toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải thông báo trước cho các cơ quan này các giao dịch đáng ngờ. Trong khi các ngân hàng là chủ thể chính, các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, tổ chức môi giới cũng phải thực hiện những hướng dẫn này. Những quy định, luật lệ khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền tại Anh bao gồm Luật Chống buôn bán ma tuý năm 1986, Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987, Luật Hình sự (Hợp tác quốc tế) năm 1990 và Luật Hình sự năm 1993. Bộ luật đầu tiên cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa chúng và khi có chứng cớ sẽ tịch thu những tài sản này. Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987 quy định sẽ kết tội những người sử dụng hoặc sở hữu quỹ khủng bố. Luật Hình sự năm 1990 cho phép kết tội những người che giấu, biển thủ, chuyển nhượng hoặc vận chuyển những tài sản hoặc giúp đỡ người khác làm việc đó khi biết hoặc nghi ngờ những tài sản do phạm tội buôn bán ma tuý mà có. Luật Hình sự năm 1993 mở rộng quyền lực của tòa án trong việc kết tội rửa tiền như một tội phạm hình sự. Hệ thống luật lệ ngân hàng và các hướng dẫn thực hành giám sát của cộng đồng châu Âu yêu cầu tất cả các nhân viên ngân hàng đều phải nhận biết khách hàng của họ; đồng thời cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ, ngăn chặn kịp thời những hành động đáng ngờ và tập huấn các nhân viên để họ tuân theo các luật lệ ngân hàng một cách chủ động và có thể nhận biết, báo cáo các hành động rửa tiền. 2.3 – Luật Phòng, chống rửa tiền tại một số nước khác Nước Úc cũng thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự như tại Mỹ. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ. Tại Nhật, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên. Hơn nữa, trong trường hợp liên quan đến ma tuý, toà án có thể kết án ngân hàng và các tổ chức tín dụng về tội rửa tiền. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Myanma, Indonesia, Philippin đều có các văn bản về chống rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau. Các nước này cũng đã thành lập những cơ quan chuyên trách riêng xử lý vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền như AMLO hay AMLC. Các cơ quan này có chức năng chủ yếu là thu thập và xử lý thông tin liên quan đến tài sản liên quan đến buôn bán ma tuý và rửa tiền. 2.4 – Một số “chiêu thức” rửa tiền của bọn tội phạm đã được các tổ chức tài chính quốc tế và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đúc kết - Theo mô tả của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hoạt động rửa tiền phổ biến trên thế giới thường tiến hành theo 3 bước chính. - Giai đoạn đầu tiên, các đối tượng sẽ đưa tiền do hoạt động phạm pháp mà có vào các định chế tài chính. Thủ đoạn phổ biến để tránh bị phát hiện là thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia các khoản “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định. - Giai đoạn tiếp theo, tiền được chuyển từ tổ chức tài chính này sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Thực chất đây là quy trình tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy các nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu. - Giai đoạn cuối là “gột” số tiền đó bằng cách đầu tư vào hoạt động kinh doanh hợp pháp. Để thực hiện trót lọt quá trình này, ông Kevin Whelan, chuyên gia tài chính Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền đan xen với các nguồn tiền hợp pháp và chuyển qua lại giữa các hoạt động kinh doanh bằng nhiều tài khoản khác nhau, hoặc giữa tài khoản trong nước với tài khoản nước ngoài. Những giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rửa tiền sẽ có các biểu hiện như: đột ngột chuyển tiền với số lượng lớn, thường xuyên chuyển tiền ra nước ngoài, tiền gửi đến người nhận không có quan hệ cá nhân, thực hiện chuyển tiền tại nhiều chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh biên giới… Các chuyên gia tài chính đánh giá, ngân hàng thường được chọn lựa không những vì khả năng của chúng có thể giao dịch với các khoản tiền rất lớn, mà còn vì một khi đồng tiền lọt được vào tài khoản của ngân hàng, sẽ nhanh chóng được công nhận như một khoản tiền sạch, từ đó có thể thực hiện được ngay các lệnh thanh toán với số lượng lớn, mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Hoạt động chuyển tiền giữa các ngân hàng có thể không thuộc phạm vi báo cáo nghi vấn rửa tiền, do vậy các nhân viên ngân hàng bị mua chuộc tạo điều kiện dễ dàng hơn để che đậy việc chuyển những khoản tiền lớn bất hợp pháp giữa các tài khoản với nhau. Ngân hàng Thụy Sỹ được xem là thiên đường của tội phạm rửa tiền vì ở đây có chất lượng dịch vụ tốt và nổi tiếng về nguyên tắc tôn trọng bí mật khách hàng. Trong khoá học của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo ASEAN – Mỹ (USAID) cho các chuyên gia phòng chống tiền giả của Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông David Meisner, chuyên gia Cục Kiểm soát tài chính (Bộ Tài chính Mỹ), đã “phác họa” việc rửa tiền qua thương mại quốc tế bằng cách khai tăng hoặc giảm giá trị hàng hóa. Ông David Meisner lấy ví dụ: giả sử công ty A (nhà xuất khẩu) bán 1 triệu con ốc vít với giá 2 USD/con cho công ty B (nhà nhập khẩu), nhưng công ty A khai báo đơn giá chỉ 1 USD/con ốc vít. Công ty B thanh toán tiền mua hàng 1 triệu USD, sau đó bán 1 triệu con ốc vít ra thị trường thu về 2 triệu USD. Qua việc khai giảm giá trị hàng hóa và ngược lại, 2 công ty A và B đều rửa sạch 1 triệu USD. Một “chiêu thức” khác là, đối tượng rửa tiền có thể gửi hàng nhiều hơn hoặc ít đi so với khai báo. Ví dụ, công ty A bán cho công ty B 1 triệu con ốc vít với giá 2 USD/con ốc vít, nhưng gửi tăng lên 1,5 triệu con. Công ty B chỉ trả tiền mua 1 triệu con ốc vít là 2 triệu USD, rồi bán 1,5 triệu con ốc vít ra thị trường, thu về 3 triệu USD. Số tiền chênh lệch 1 triệu USD đã được hai bên hợp pháp hóa. Với tình huống ngược lại, công ty A và B cũng hợp pháp hóa được 1 triệu USD. Trong lĩnh vực đầu tư, số tiền bất hợp pháp thường được đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, sòng bạc, sàn nhảy, khu du lịch… và thậm chí là công ty ma. Sau đó, các đối tượng rửa tiền sẽ báo cáo lợi nhuận qua các hóa đơn chứng từ khống, từ đó “tiền bẩn” nghiễm nhiên trở thành đồng tiền hợp pháp có được do công sức lao động. Theo tổng kết của Cơ quan Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), những năm gần đây, xu hướng rửa tiền qua mạng internet có xu hướng tăng nhanh. Tội phạm mạng có khá nhiều mánh khóe để rửa tiền hoặc tẩu tán “chiến lợi phẩm” trên internet. FATF cho biết, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, như PayPal (Mỹ) hay Neteller (Anh) thực sự rất có ích với những ai muốn mua bán qua internet, nhưng thông qua mạng internet, các giao dịch này có điểm yếu là để lộ thông tin tài chính của những người tham gia. 3. Phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam 3.1 – Tình hình rửa tiền ở Việt Nam thời gian qua Theo Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở Việt Nam, khó có thể thống kê chính xác thời điểm hành vi rửa tiền xuất hiện, nhưng có những dấu hiệu cho thấy, các nhóm tội phạm quốc tế đã nhắm đến Việt Nam để thực hiện hành vi rửa tiền. Lực lượng cảnh sát quốc tế Interpol cũng đưa ra cảnh báo, trong những năm qua, đã xuất hiện một số vụ rửa tiền thông qua việc chuyển tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, một số đối tượng, băng nhóm tội phạm người gốc Phi vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để đồng bọn ở nước ngoài chuyển tiền vào, sau đó rút hết tiền trong các tài khoản này. Điển hình là vụ rửa tiền xuyên quốc gia đã được Công an Đà Nẵng phát hiện vào tháng 10/2008, bắt được thủ phạm là Baggio Carlitos Linska, quốc tịch Mozambique khi tên này đến chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản. Ngay sau khi mở được tài khoản, lập tức có hơn 4,1 tỷ đồng được chuyển vào. Điều đáng nghi ngờ là, đối tượng này tức tốc làm thủ tục để rút tiền. Nhận thấy giao dịch bất thường, cơ quan điều tra đã vào cuộc và xác minh số tiền trên là khoản tiền bọn tội phạm đánh cắp từ một tài khoản nước ngoài. Sau đó chuyển vào Việt Nam qua hai chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Công an Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ Linska và Massamba Lendebe Vis (quốc tịch Mozambique). Đáng tiếc là Niaty Lokasso Djamba (quốc tịch Congo), người đã mở tài khoản và được chuyển số tiền hơn 3,34 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhanh chân tẩu thoát. Từ tháng 4/2004 đến tháng 7/2006, các cơ quan chức năng đã phát hiện James Edmund Corbett (công dân Australia, tạm trú tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có dấu hiệu bất thường, nghi vấn là rửa tiền. James E.Corbett đã mở các tài khoản vãng lai USD tại một số ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua các tài khoản này, đã nhận hơn 3,2 triệu USD từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam, sau đó lần lượt chuyển cho một số công ty ở Việt Nam và ở nước ngoài. Ngoài ra, trong một số vụ án khác, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện hành vi rửa tiền hoặc có dấu hiệu rửa tiền. Điển hình là vụ việt kiều Lê Thị Phương Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma tuý vào các dự án của Công ty Viet – Can Resorts & Plannation Inc. Theo hồ sơ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Lê Thị Phương Mai là nhân vật đã đứng ra tổ chức một tập đoàn tội phạm quốc tế lớn tại Bắc Mỹ, hoạt động theo qui trình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ ma túy đến rửa tiền. Đầu năm 2004, trước khi bị FBI bắt khoảng 3 tháng, Mai cùng một số người khác dưới danh nghĩa người của Công ty Viet – Can Resorts & Plantation Inc., có trụ sở tại 857, Unit 1, Somerset St. WestOttawaOntario (Canada), đã về Việt Nam tìm “cơ hội đầu tư”. Mai đã xin phép đầu tư 25 triệu USD vào dự án khu nghỉ mát và căn hộ cho thuê tại Dốc Lết, thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cùng lúc, Công ty Viet – Can Resorts & Plantation cũng lập một website trên mạng internet để quảng bá dự án du lịch cùng một dự án khác ở tỉnh Lâm Đồng. Tháng 2/2004, UBND tỉnh Khánh Hoà có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép đầu tư khu nghỉ mát và căn hộ cho thuê với diện tích khoảng 70 ha tại Dốc Lết. Dự án chưa kịp hoàn thành thủ tục thì Mai bị bắt giữ. Hoặc như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền… Trong thời gian gần đây, lực lượng công an Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Thông tin phòng chống rửa tiền của NHNN (nay là Cục Phòng chống rửa tiền) đã phát hiện nhiều giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động này. Các chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (Bộ Công an) cũng cho rằng, việc rửa tiền qua chứng khoán là việc rất dễ dàng, do đặc thù của chứng khoán là mọi người đều có quyền mua đi bán lại cổ phiếu và tái đầu tư trong khi giá cổ phiếu lại lên xuống thất thường. Rửa tiền qua đánh bạc chính là phương pháp rửa tiền nhanh nhất, như trong một số vụ án thời gian qua đã bị phanh phui. Trước đây, Công an Việt Nam phối hợp với phía Canada điều tra trùm cá độ bóng đá Ngô Tiến Dũng (tức Lai Thành Hữu, Dũng “Kiều”) có dấu hiệu mang hàng chục triệu USD từ nước ngoài về “rửa tiền” ở Việt Nam. Ngô Tiến Dũng được xác định là người cầm đầu đường dây cá độ bóng đá cực lớn, với số tiền luân chuyển 1-2 triệu USD mỗi đêm. Vụ việc này cho thấy, mánh khoé của tội phạm rửa tiền là dùng “tiền bẩn” mở tài khoản ở ngân hàng, sau đó chúng sẽ dùng số tiền đó rót vào những trận cá độ bóng đá trên mạng. Nếu thắng, tiền thưởng sẽ được thanh toán vào một tài khoản hợp pháp khác 3.2 – Sự cần thiết phải có luật pháp về chống rửa tiền ở Việt Nam Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 về việc chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế nước ta ngày càng hòa nhập sâu với kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều các công ty nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là từ năm 2007, nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, các giao dịch về thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu ngày càng tăng; chuyển tiền kiều hối của bà con Việt kiều định cư ở nước ngoài và của những lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài được khuyến khích ngày càng nhiều về số lượng và giá trị; thị trường du lịch ngày càng mở rộng, lượng khách quốc tế ra vào Việt Nam ngày nhiều, mở rộng ra thế giới, chúng ta đón được ngọn gió lành nhưng cùng có những luồng gió độc vào, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế, đó là các giao dịch tài chính “bẩn” trong đó có các vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, hoặc các đối tác nước ngoài sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp vào đầu tư, kinh doanh ở nước ta với mục tiêu rửa tiền hoặc chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân trong nước âm mưu lật đổ chế độ, làm mất ổn định chính trị nước ta. Còn ở trong nước tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, các vụ đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng, các đối tượng được hưởng lợi cũng đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, một số khác chuyển tiền gửi sang các nhà băng nước ngoài, nơi có luật bí mật ngân hàng…, tình trạng đó đã đe dọa an ninh chính trị, kinh tế trong nước và đặc biệt làm giảm uy tín của nước ta trước con mắt của bạn bè quốc tế. Theo nhận định của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. Cơ quan này cảnh báo, nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, sự vận hành hợp pháp của lĩnh vực tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Theo bà Susan.J.Adams, cựu Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, các quốc gia cần luôn cảnh giác với các dòng tài chính phi pháp này, bởi lẽ, nếu để chúng chảy vào, sớm muộn gì nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, nó còn làm mất uy tín của quốc gia và do đó làm giảm đi những cơ hội tăng trưởng từ nguồn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư không còn thấy cơ hội để đầu tư vào quốc gia đó nữa. Để phù hợp thông lệ quốc tế về phòng chống rửa tiền, lành mạnh và minh bạch hóa các giao dịch về tài chính trong nước và quốc tế, ngày 7/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền, Theo định nghĩa tại khoản 1, điều 3 là “Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; b) Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; c) Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có”. NHNN đã thành lập Trung tâm Thông tin phòng chống rửa tiền trực thuộc NHNN nay là Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Giám sát và Thanh tra NHNN, từ đó đến nay đã có nhiều hoạt động như: - Tổ chức bộ máy để thu thập, phân tích thông tin báo cáo của các tổ chức tín dụng và tổ chức khác theo quy định của Nghị định. - Làm đầu mối phối hợp với Bộ Công an, các ngành như Tổng cục Thuế, Hải quan, Ủy ban Chứng khoán - Ngày 10/12/2008, đã tổ chức lễ ký kết giữa NHNN với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế C15, Văn phòng Interpol Việt Nam được cụ thể hóa bằng “Quy chế phối hợp trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền” - Ngày 17 – 20/3/2008, đoàn Việt Nam bao gồm 5 đại diện thuộc các Bộ, ngành: Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và NHNN Việt Nam đã tham gia hội thảo và tập huấn cho các quốc gia được đánh giá trong năm 2008 – 2009 tổ chức tại Singapore, do nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đã kết hợp với lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), cùng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan viện trợ phát triển Úc (AusAID). - Nhiều hoạt động khác như hợp tác quôc tế về phòng chống rửa tiền với Malasya hoặc tổ chức khoá học về của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo ASEAN – Mỹ (USAID) cho các chuyên gia phòng chống rửa tiền của Việt Nam . - Tổ chức tập huấn về phòng chống rủa tiền cho các định chế tài chính, tổ chức tiếp nhận các báo cáo theo mức giá trị giao dịch theo quy định tại điều 9 và các giao dịch đáng ngờ theo điều 10 Nghị định số 74 của các định chế tài chính liên quan đến phòng chống rửa tiền. 3.3 – Một số nghi ngại, bất cập và tính hiệu quả phòng chống rửa tiền a- Những e ngại của các tổ chức tín dụng và người dân: Theo VnExpess, sau khi Nghị định ban hành đã có nhưng ý kiến e ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, việc ban hành Nghị định 74 về phòng chống rửa tiền là một việc phải thực hiện theo cam kết quốc tế, nhưng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và tạo tâm lý lo ngại cho người dân có tiền gửi tiết kiệm cũng như các doanh nghiệp, hệ quả có thể nhìn thấy trước là, thay vì gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi tiết kiệm thì người dân sẽ đầu tư vào vàng, đôla Mỹ hoặc nhà đất để bảo đảm bí mật, nguồn kiều hối gửi về nước vì thế cũng sẽ giảm đi nhanh chóng. Còn các doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương thức thanh toán bằng tiền mặt để khỏi bị “nhòm ngó” mỗi khi giao dịch qua ngân hàng với giá trị lớn. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng rất miễn cưỡng khi nghĩ tới chuyện phải tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong Nghị định, một phần vì lo ngại sẽ mất khách và tổng giá trị giao dịch của một khách hàng đạt 200 – 500 triệu đồng phải báo cáo là khối lượng vô cùng lớn. Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, bà Tô Kim Ngọc cho rằng, nếu cứ áp dụng theo đúng tinh thần Nghị định mà không tuyên truyền và giải thích thoả đáng cho người dân thì rất nguy hiểm cho các nhà kinh doanh ngân hàng. Theo bà, bức xúc của nhiều nhà băng là điều dễ hiểu, bởi các quy định trong Nghị định mâu thuẫn với “cái gọi là đảm bảo bí mật các khoản tiền gửi qua ngân hàng”. Nghị định của Chính phủ về chế độ bảo mật tài liệu quốc gia ghi rõ, tiền gửi hoặc giao dịch của các tổ chức và cá nhân tại ngân hàng được bảo vệ dưới dạng “mật”. Trước những băn khoăn của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 74, Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN khi trả lời Thời báo Ngân hàng cho biết “Trước hết tôi khẳng định rằng nguyên tắc bí mật tiền gửi vẫn được bảo đảm, nghĩa là không ai được quyền tùy tiện nắm bắt những thông tin về tiền gửi của một khách hàng ở trên tài khoản nếu không có những cơ quan được pháp luật quy định yêu cầu, các ngân hàng và trung tâm phòng chống rửa tiền đều phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và quyền lợi chính đáng của người gửi tiền…” b – Một số bất cập của Nghị định: Theo luật sư Lê Thanh Sơn – Văn phòng Luật sư AIC (AIC- Lawyers & Consultants), người đã nghiên cứu khá kỹ vấn đề này nói: “tính thiếu hiệu quả” trong các hoạt động chống rửa tiền tại Việt Nam cơ bản là do chúng ta thiếu một khung pháp luật hoàn thiện và một cơ chế kiểm soát đồng bộ và hiệu quả. Thực tế là, hiện nay các qui định về chống tội phạm rửa tiền được qui định rải rác tại các văn bản khác nhau, các thiết chế có chức năng đấu tranh chống loại tội phạm này lại chưa có một cơ chế hợp tác và phối hợp hiệu quả và chuyên trách. Theo ông Nguyễn Công Hồng (Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp) “Nghị định 74 mới chỉ tập trung giải quyết những vấn đề trong cơ chế hoạt động tài chính, ngân hàng và các tổ chức tín dụng”. Theo ông Hồng không phải tới khi xem xét phê chuẩn công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam trước đó cũng có những bước chuẩn bị để xây dựng một đạo luật về chống rửa tiền. Việc chúng ta cần làm đầu tiên và trước nhất để bảo vệ mình và để hội nhập. Chúng ta không thể chống rửa tiền và nói đến tính hiệu quả của hoạt động đó trong khi pháp luật của chúng ta cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất thế nào là rửa tiền. Đây là cái thiếu. Cái thiếu này làm chính chúng ta thiệt và các doanh nghiệp của chúng ta thiệt. Đơn cử như hiện nay có đến ba ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu xin lập Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ đều bị từ chối, nguyên nhân duy nhất là do Việt Nam chưa có luật về chống rửa tiền. Đây là một yêu cầu bắt buộc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ mà các ngân hàng của chúng ta không thể giải trình và cũng không thể “tự mình vượt khó” được, bởi rõ ràng chúng ta chưa có một văn bản pháp luật riêng biệt như vậy về chống rửa tiền. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta được coi là nền kinh tế tiền mặt, nhiều giao dịch với giá trị thanh toán rất lớn cũng được thực hiện bằng tiền mặt như: Thanh toán giữa các cá nhân với nhau; gửi, rút tiền, giao dịch chuyển tiền, thanh toán giữa các tổ chức, kể cả các khoản cho vay lớn; tại các định chế tài chính; các giao dịch bất động sản đều diễn ra ở các trung tâm môi giới nhà đất không đăng ký, việc mua bán vàng bạc đá quý diễn ra ở thị trường tự do; cá nhân tham gia đấu thầu quyền sử dụng đất với các ban quản lý dự án các quận, huyện… Số lượng giao dịch và gửi tiết kiệm trên mức quy định theo Nghị định trong cả nước diễn ra hàng ngày là rất lớn, chưa nói tới việc các tổ chức không có đăng ký chính thức, cá nhân có giao dịch với số tiền lớn (thế giới ngầm) vì lợi ích riêng, không cung cấp thông tin cho Cục Phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, để tránh sự giám sát của Nhà nước bằng nhiều biện pháp như chia nhỏ số tiền gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản ở các trung tâm môi giới nhà đất không đăng ký, mua bán cổ phiếu chui; mang nhiều tên khác nhau trong cùng một gia đình, dòng họ, bạn bè. Vì vậy, nhận biết các giao dịch đáng ngờ là rất khó khăn, theo ông Ric Power, cố vấn khu vực về phòng chống rửa tiền và tài trợ chống khủng bố, Cơ quan Phòng chống tội phạm ma túy của Liên hiệp quốc cho biết: “Rất khó nhận biết vì các dấu hiệu rửa tiền có nhiều cách thức khác nhau. Việc đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu là hồ sơ của người giao dịch có gì bất thường không. Ví dụ như đối với các viên chức chính phủ có tài khoản và được trả những khoản tiền đều đặn vào trong tài khoản đó, nếu như họ có một khoản tiền giao dịch bất thường với số lượng tiền được gửi vào rất lớn thì chúng ta phải tìm hiểu về nguồn tiền. Có thể số tiền đó có được từ hoạt động tham nhũng hoặc từ những hoạt động bất thường nào đó”. c – Hiệu quả chưa đạt như mong muốn: Theo bà Phạm Mai Phương, Cục Phòng chống rửa tiền cho biết: Nghị định về phòng chống rửa tiền được Chính phủ đã quy định rõ các định chế tài chính phải báo cáo với Cục những giao dịch đáng ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ, vàng có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, hay các giao dịch gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Hiện ở Việt Nam chưa xác định được trường hợp rửa tiền nào mà mới chỉ xác định được khoảng 20 giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rửa tiền. Theo bà Phương, dù đến thời điểm này chưa có vụ việc nào bị kết luận là rửa tiền, song hoạt động này có khả năng diễn ra tinh vi và phức tạp hơn nhiều trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO. d – Việt Nam đang ở đâu trong cuộc chiến chống rửa tiền? Theo đánh giá của ông Ric Power, Việt Nam đã thực hiện nhiều bước tích cực để chống lại hoạt động rửa tiền và đã nhận được nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật và trợ giúp xây dựng năng lực phòng chống rửa tiền từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan hành pháp tiên tiến. Vì thế, Việt Nam đã có hướng tiếp cận tương đối tốt trong việc tăng cường sức mạnh cho hệ thống chống rửa tiền. Các nước đang phát triển thường thiếu năng lực đối phó với những vấn đề như rửa tiền, nhưng có nhiều ví dụ cho thấy hoạt động truy tố và xét xử diễn ra hiệu quả tại Việt Nam, xây dựng năng lực và huấn luyện chống rửa tiền của Việt Nam cũng đang ở trong giai đoạn tích cực. Vấn đề phòng chống rửa tiền đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm từ sớm, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam như điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điều 19 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, Nghị định của Chính phủ về phòng chống rửa tiền năm 2005. Tuy nhiên, các quy định này chưa rõ ràng, nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyển của các cơ quan thi hành luật. e – Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có liên quan phòng chồng rửa tiền: ngày 15/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 470/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban. Các Phó Trưởng ban là Thống đốc NHNN Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công an, 11 ủy viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. NHNN là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, NHNN thành lập tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo và nhiều hoạt động khác phục vụ cho công tác phòng chống rửa tiền. g – Cụ thể hóa các quy định Nghị định 74 Sau hơn 5 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ- CP ngày 17/11/2009, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, Thông tư đã cụ thể hóa các quy định của Nghị định như các đối tượng áp dụng gồm các tổ chức tín dụng và các tổ chức có hoạt động ngân hàng, giải thích các từ ngữ, các biện pháp phòng chống rửa tiền, nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, rà soát khách hàng giao dịch, giao dịch tiền mặt và báo cáo giao dịch tiền mặt, giao dịch đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển tiền thanh toán quốc tế, thời hạn báo cáo, bảo mật thông tin, áp dụng các biện pháp tạm thời, lưu giữ hồ sơ.., như vậy ngoài các tổ chức tín dụng và các tổ chức có hoạt động ngân hàng theo điều 2 của Thông tư còn các đối tượng khác theo quy định tại điều 6 Nghị định chưa có quy định cụ thể, đây là một bước đi cần thiết tiến tới hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Có thể thấy những động thái trên đây cho thấy, Chính phủ và NHNN đang thúc đẩy quá trình phòng chống rửa tiền để đạt hiệu quả cao hơn. 4. Một vài kiến nghị a – Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rủa tiền của nước ta hiện đang được xây dựng theo kinh nghiệm và luật pháp quốc tế, tuy nhiên, những chuyển động của dòng tiền tại Việt Nam có những đặc thù khác, nên chăng các cơ quan chức năng nghiên cứu đặc thù của nền kinh tế, luật pháp, các tập quán giao dịch của tổ chức và người dân nhằm “Việt Nam hóa” cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao hơn. b – Cần tiến tới xây dựng Luật Chống rửa tiền: Những đánh giá về tính hiệu quả và bất cập trong cuộc chiến phòng chống rửa tiền hin nay, để nâng cao hiệu lực đối với mọi tổ chức và người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, tập hợp các quy định về phòng chống rửa tiền ở các văn bản quy phạm pháp luật khác; trách nhiệm, cơ chế hợp tác và phối hợp hiệu quả và chuyên trách của các tổ chức có liên quan, đề nghị Chính phủ nên có chương trình xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền thay thế Nghị định 74. c – Cần xây dựng và ban hành các Luật có liên quan đến thanh toán như: Luật Giao dịch bằng tiền mặt trong nền kinh tế thay cho Nghị định số 64/CP ngày 20/9/2001 và các hoạt động liên quan đến thanh toán như Luật Séc, Luật Hối phiếu thay cho Luật Các công cụ chuyển nhượng nhằm giảm thiểu các giao dịch bằng tiền mặt trong nền kinh tế, đã được quy định tại điều 15 của Nghị định là nghiên cứu và có giải pháp để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam. d – Cần hạn chế tình trạng đô la hóa trên thị trường tiền tệ. Theo Tiến sĩ Hauskrecht, giáo sư Trường quản trị kinh doanh Kelly (Bang Indiana, Mỹ), giữ chức tư vấn trưởng chương trình hợp tác giữa NHNN và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức: Việt Nam là một nền kinh tế đô la hóa một phần trong hệ thống tiền tệ và sử dụng song song hai đồng tiền VND và USD, tuy nhiên, mức độ đô la hóa khó xác định, hiện tượng sử dụng rộng rãi đồng USD trong giao dịch, buôn bán bắt đầu từ năm 1988 khi các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng USD, đến năm 1992, tình trạng đô la hóa đã tăng mạnh với hơn 41% lượng tiền gửi vào ngân hàng bằng USD, năm 2008, tỷ lệ tiền gửi bằng USD là 20,37%, còn số lượng và giá trị USD trên thị trường tự do là khó dự đoán, nhưng có thể thấy số lượng đó là không ít khi đang gây khó khăn cho việc điều hành tỷ giá của NHNN mà đỉnh cao là ngày 25/11/2009 vừa qua khi tỷ giá trên thị trường tự do gần 20.000 VND/1 USD, trong khi giá chính thức chỉ có hơn 17.495VND/1USD, buộc NHNN phải điều chỉnh tỷ giá trên thị truờng liên ngân hàng lên 18.500 VND/1USD và giảm biên độ giao dịch từ +- 5% xuống còn +- 3%. Theo tiến sĩ Hauskrecht chính việc cho phép các khoản tiền gửi bằng USD cũng như việc sử dụng gần như hợp pháp hóa đồng USD tại Việt Nam đã làm gia tăng quá trình đôla hóa, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng rất khó khăn vì bị đôla hóa, ngoài việc có quá nhiều giao dịch bằng USD trong thương mại, đầu tư, kiều hối thì những hiện tượng rửa tiền qua ngoại tệ là không tránh khỏi. Vì vậy, mặc dù có những ý kiến tác động tích cực cho nền kinh tế, không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tìm mọi cách có thể nhằm chống lại tình trạng đôla hóa, từ đó chỉ có một tiền tệ duy nhất được lưu hành là VND. e – Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan: Thực tiễn cho chúng ta thấy trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành có liên quan như NHNN, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng… trong việc hướng dẫn, kiểm tra chấp hành các biện pháp phòng chống rửa tiền của các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Kết luận Phòng, chống rửa tiền là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, là một công việc hết sức phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong khi thi hành công vụ, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố, nhằm đóng góp cho nền kinh tế phát triển ổn định, bảo vệ an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật