Phiên tòa lưu động: Tồn tại hay không tồn tại ?

Tại sân kho hợp tác xã, tại trụ sở UBND xã có khi chỉ là bãi đất trống…phía trên hội đồng xét xử trang nghiêm làm việc, phía dưới dân chúng đủ các thành phần kẻ đứng người ngồi đủ tư thế chăm chú xem toà xét xử. Thỉnh thoảng có vỗ tay hoặc ồ lên phản đối…Đó chính là quang cảnh thường thấy của các phiên toà xét xử lưu động. Mỗi người đến xem phiên toà lưu động với mục đích khác nhau nhưng phần nhiều là có mục đích thoả chí tò mò và xem mặt bị cáo. Không ai có thể phủ nhận hiệu quả mà các phiên toà lưu động đã mang lại trong thời gian qua. Với những phiên toà này, toà án không chỉ thực hiện được chức năng xét xử mà còn còn đem đến cho dân chúng cơ hội để hiểu biết pháp luật, từ đó đạt được mục đích giáo dục phòng ngừa chung . Ở mức độ nào đó, xét xử lưu động còn thể hiện tính công khai minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp trong một nhà nước văn minh. Các phiên toà lưu động càng được đánh giá cao hơn khi đặt nó trong bối cảnh các toà án địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, địa hình, địa lý…để đưa công lý tiếp cận gần dân hơn. Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới- một nhà nước mà tự do và phẩm giá con người cho dù họ là người bị buộc tội, được đưa lên hàng đầu thì có lẽ phải đặt ra vấn đề nên hay không nên duy trì các phiên toà lưu động? Trước hết, xét xử lưu động là việc toà án đưa vu án ra xét xử (tổ chức phiên toà) công khai không phải tại công đường mà thường tại nơi tội phạm được thực hiện hoặc nơi có tranh chấp xảy ra , nơi bị cáo, các đương sự cư trú… Cũng giống như các phiên toà bình thường, bị cáo bị xét xử bằng phiên toà lưu động vẫn phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật nếu họ có tội. Nhưng bên cạnh các quy định của pháp luật, bị cáo bị xét xử lưu động dường như còn phải chịu sự buộc tội, một sức ép nặng nề khác từ phía đám đông với vô số các quy phạm xã hội như đạo đức, cộng đồng, dòng họ, tôn giáo mà nếu xét xử tại công đường họ không phải chịu. Lý luận chung về pháp luật đã chỉ ra rằng các quy phạm đạo đức, tôn giáo…có sức mạnh điều chỉnh không kém các quy phạm pháp luật. Nhất là, không phải lúc nào các quy phạm xã hội và pháp luật cũng đồng nhất. Có những hành vi ở phương diện pháp luật thì không phạm tội nhưng ở phương diện đạo đức thì không phải vậy và ngược lại nhất là pháp luật trong xã hội phương Đông như Việt Nam. Chính vì vậy , trên thực tế , nhiều bị cáo cho rằng đưa họ về xét xử tại quê hương bản quán trước anh em họ hàng… là một hình phạt khủng khiếp không kém gì hình phạt tù. Ngay cả những người thân của họ cũng phải chịu sức ép ghê gớm từ dư luận nhiều khi làm đảo lộn mọi mối quan hệ mà họ đang có mà nếu chỉ xét xử tại công đường thì nỗi đau này có lẽ được giảm đi ít nhiều. Chính vì vậy, xét xử lưu động nhiều khi không phải công việc của Hội đồng xét xử nữa mà hao hao một kiểu xét xử tập thể mà nhiều nước Hồi giáo đang áp dụng. Còn nhớ cách đây không lâu nhiều tờ báo đã có bài về việc gia đình một bị cáo chạy chọt toà án để không phải xét xử lưu động. Ở mức độ nào đó đây là sự phản ứng tiêu cực trước việc bị xét xử ở quê. Đó là chưa kể đến việc vì lý do tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục răn đe…mà các hình phạt cho các bị cáo khi xét xử lưuu động hình như được các thẩm phán tuyên “nặng tay” hơn tay hơn.   Thứ hai, vẫn biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tào án. Thế nhưng, thực tế thật khó đưa ra xét xử lưu động một vụ án mà chứng cứ, tội danh còn nhiều vấn đề phải kiểm tra, tranh tụng làm rõ tại phiên toà. Ngay cả khi bản án tyên bố bị cáo vô tội đi chăng nữa thì liệu phán xét của dư luận và của toà có đồng nhất hay không? Sự khác nhau này vô hình dung làm giảm đi hiệu quả của công tác tuyên truyền. Đấy là chưa kể đến vấn đề tái hoà nhập cộng đồng của người bị kết án sau khi đi tù về. Trách nhiệm hình sự đã thi hành xong, nhưng còn đó mặc cảm, tự ty mà không phải một sớm, một chiều được dư luận cảm thông. Đối với các tranh chấp dân sự, chúng ta đang khuyến khích hoà giải ở cơ sở với mục đích lành mạnh hoá các quan hệ cộng đồng dân cư. Người Việt mình vốn trọng cái tình. Đưa nhau ra chốn công đường là một việc làm cực chẳng đã. Và lại còn xét xử lưu động nữa thì chắc ít người muốn. Khi đặt ra vấn đề nên hay không nên xét xử lưu động và giải quyết nó cần đặt nó trong mối quan hệ với các nguyên tắc của hoạt động tư pháp, trong mục đích của nhà nước pháp pháp quyền là bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Nói như trên không có nghĩa là toà án thôi không tuyên truyền pháp luật nữa. Vấn đề là cần có phương thức tuyên truyền nữa thế nào đó để đạt hiệu quả cao hơn. Theo chúng tôi hình thức công khai các bản án của toà án là cách tuyên truyền có hiệu quả nhất văn minh nhất cần được phổ biến nhân rộng. Cùng với việc xét xử công khai tại công đường và công khai, minh bạch các bản án, quyết định của toà án chẳng những tuyên truy ền được pháp luật mà còn bảo vệ được quyền con người. Toà án xét xử công khai nhưng không nên xét xử lưu động càng không nên lấy đó làm thành tích như hiện nay./.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM SỐ RA NGÀY 05/7/2010

 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật