PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRONG NỀN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN

Để hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc công nhận, bảo hộ chế độ đa sở hữu và phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ các doanh nghiệp luôn là một trong những chủ thể quan trọng nhất của nền kinh tế. Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với việc luật hóa chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, công nhận, bảo hộ chế độ đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế đối với các loại hình doanh nghiệp. 1 – Doanh nghiệp nhà nước   Doanh nghiệp nhà nước giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Đến năm 2000, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 39,2% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp nhà nước như: miễn thuế, giảm thuế, cho vay ưu đãi, vay không phải thế chấp, khoanh nợ, dãn nợ, chuyển nợ thành vốn ngân sách cấp, được trúng thầu hoặc được giao thầu nhiều công trình do Nhà nước đầu tư v.v… Tuy vậy, những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nghiêm trọng. Đó là: năng lực cạnh tranh thấp do chất lượng kém, giá thành của nhiều sản phẩm còn cao, nhiều mặt hàng có giá cao hơn mặt hàng cùng loại nhập khẩu (như sắt thép, phân bón, xi-măng, đường); công nợ quá lớn, nợ quá hạn, nợ khó đòi ngày càng tăng; quy mô doanh nghiệp quá nhỏ; công nghệ lạc hậu, có những doanh nghiệp còn làm ăn thua lỗ kéo dài. Trước tình hình đó, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước đã trở nên hết sức cấp bách, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, bởi nhiều doanh nghiệp nhà nước đang cung ứng những hàng hóa, dịch vụ chủ yếu là chi phí đầu vào của các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Do vậy, cải cách các doanh nghiệp nhà nước là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Yêu cầu đặt ra là, điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng; đa dạng hóa sở hữu, chuyển từ chế độ sở hữu duy nhất là Nhà nước sang đa sở hữu, kể cả sở hữu tư nhân, với mục tiêu sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động và cơ sở vật chất – kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX (tháng 9-2001) đã quyết định đến năm 2005, hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện có (khoảng 5 175 doanh nghiệp vào cuối năm 2002), bằng các hình thức như cổ phần hóa, chuyển một số doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sáp nhập, giải thể, phá sản, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê… Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước hiện có, đã có nhiều cố gắng tìm tòi, thử nghiệm nhằm tìm ra nội dung và phương pháp tổ chức quản lý và điều hành có hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tự chịu trách nhiệm về sản xuất, kinh doanh (quyền hạn, trách nhiệm của Giám đốc, Tổng Giám đốc, mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị với Giám đốc, Tổng Giám đốc chưa được quy định rõ ràng); còn nhiều ràng buộc từ các cơ quan chủ quản (Ủy ban nhân dân, Tổng Công ty, Bộ), chủ yếu về phương án đầu tư, sắp xếp nhân sự; cơ chế quản lý vốn; còn quá nhiều đầu mối quản lý doanh nghiệp, dẫn đến sự không thống nhất, khó khăn cho doanh nghiệp. Việc thí điểm mô hình "công ty mẹ – công ty con" tuy được nhiều tổng công ty hoan nghênh, song thực chất tổng công ty ("công ty mẹ") vẫn nắm giữ quyền chi phối nhiều mặt đối với "công ty con", đồng thời lại được bổ sung thêm vốn. Chủ trương thí điểm cổ phần hóa (từ năm 1992) được thực hiện còn chậm. Đến giữa năm 2002, mới có 828 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được cổ phần hóa, chiếm khoảng 3% tổng số vốn của doanh nghiệp nhà nước. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó ý kiến phổ biến ở nhiều địa phương cho rằng cổ phần hóa là "chệch hướng xã hội chủ nghĩa", gây hoang mang, dè dặt, cầm chừng, không mạnh dạn đẩy mạnh quá trình này. Việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê nhằm đa dạng hóa sở hữu, khơi dậy động lực và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp quy mô nhỏ, tránh được việc giải thể, phá sản doanh nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động thiếu việc làm, giảm sự bao cấp, bù lỗ của Nhà nước. Thế nhưng, đến năm 2000, mới có khoảng 130 doanh nghiệp và theo lộ trình từ năm 2002 đến năm 2005 cũng chỉ có 209 doanh nghiệp, chiếm 2,9% tổng số doanh nghiệp, được chuyển đổi theo một trong những phương thức nói trên. Hiện còn quá nhiều quy định cứng nhắc khiến cho giải pháp này thực sự khó thực hiện. Đối với doanh nghiệp công ích, do chưa xác định rõ tiêu chí sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, đã dẫn đến tình trạng mở rộng quá nhiều danh mục (có tới 30 nhóm sản phẩm dịch vụ thuộc loại sản phẩm, dịch vụ công ích), được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, làm cho số doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ công ích phát triển tràn lan, từ 617 doanh nghiệp (năm 1999) lên 732 doanh nghiệp (năm 2000), chiếm 12,8% tổng số doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, do không phân biệt việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích với xếp loại doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích nên doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích được bao cấp khá nhiều so với doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh. Về phá sản doanh nghiệp, sau 9 năm từ khi có Luật Phá sản đến năm 2003, mới chỉ có 46 doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Thực tế, số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nợ nần tồn đọng, mất khả năng thanh toán, nợ đến hạn, rơi vào tình trạng phá sản còn rất nhiều do không ít quy định trong luật không phù hợp; thủ tục phá sản quá phức tạp, nhiêu khê; việc xác định công nợ và định giá tài sản gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nói trên là chưa giải quyết thông suốt những vấn đề sau đây: - Trước hết, quan niệm muốn duy trì doanh nghiệp nhà nước trong tất cả các ngành, với ý muốn bảo đảm sự chủ đạo của kinh tế nhà nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần thấy rằng, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là do toàn bộ hệ thống các ngành, lĩnh vực thuộc kinh tế nhà nước quyết định, chứ không riêng doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, cũng không thể quan niệm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tách rời hệ thống chính trị. Khi đã xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh thì mọi thành phần kinh tế đều là công cụ của Nhà nước. Khi kinh tế nhà nước nắm những ngành và lĩnh vực quyết định của nền kinh tế, mà kinh tế dân doanh có một tỷ trọng lớn, thì phải coi đây là điều đáng mừng, vì chúng ta đã phát huy được mọi tiềm năng của kinh tế dân doanh, động viên được sức mạnh của cả dân tộc vào mặt trận kinh tế. - Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm chạp còn do Nhà nước vẫn duy trì những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp của mình, mà không doanh nghiệp nào dại dột từ chối những ân huệ đó; trong khi người có quyền ban phát lại có tâm lý muốn duy trì cơ chế này. - Đáng chú ý là, trong thời gian thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước, lại đồng thời diễn ra việc thành lập mới một số những doanh nghiệp nhà nước một cách không hợp lý, không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước vì những doanh nghiệp mới này không hội đủ các điều kiện quy định. - Việc chuyển giao một số doanh nghiệp nhà nước do địa phương hiện đang quản lý về cho tổng công ty nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thua lỗ kéo dài, lẽ ra phải chuyển đổi sở hữu, hoặc cho phá sản. Thực chất việc làm này là đẩy gánh nặng từ địa phương về tổng công ty, nhưng tổng công ty lại có lợi vì quy mô lớn hơn sẽ được bổ sung thêm vốn, còn nếu kinh doanh không hiệu quả thì đã có ngân sách nhà nước gánh chịu. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu tất yếu, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bởi thế, không có cách nào khác cần phải xóa bỏ bao cấp, đưa doanh nghiệp nhà nước ra cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Muốn vậy, phải tổ chức lại một cách cơ bản bộ máy giúp Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương chỉ đạo công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước từ trên xuống dưới. Tập trung sức lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp nhà nước, xác định đúng giá trị doanh nghiệp, xử lý vấn đề lao động dôi dư và cơ chế quản lý doanh nghiệp trong và sau khi cổ phần hóa. 2 – Doanh nghiệp tư nhân   Doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân ở nước ta đã có quá trình phát triển hơn 17 năm. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời và đi vào cuộc sống; về cơ bản, đã thể chế và hiện thực hóa được quyền tự do lựa chọn loại hình doanh nghiệp, tự do thành lập doanh nghiệp, tự do tổ chức quản lý, tự do lựa chọn quy mô, địa bàn và ngành, nghề, trừ một số ngành, nghề bị cấm theo quy định của pháp luật. Điểm nổi bật là, các quyền tự do đó được thể chế hóa; tạo cho người dân thực sự được hưởng và thực hiện các quyền đó. Tuy nhiên, vấn đề đổi mới tư duy về thành phần kinh tế, nhất là về ý nghĩa, vai trò và vị trí của doanh nghiệp tư nhân ở nước ta là một việc không dễ. Bởi vì, điều đó trái với quan niệm truyền thống đang còn ảnh hưởng nặng đến việc thiết kế, định hình xu hướng phát triển và điều hành xã hội. Đó chính là lý do làm cho các biện pháp đổi mới, khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân luôn gặp khó khăn và lực cản. Vì vậy, một bộ phận doanh nhân kinh doanh trong tâm trạng "vừa làm, vừa lo"; không để cho hoạt động kinh doanh của mình được coi là lớn; nếu đã lớn, thì chia ra, phân tán ra để thành nhỏ; hoặc che giấu vốn, doanh thu, lợi nhuận, v.v.. Trong một môi trường kinh doanh như vậy khiến người dân dù ở cương vị nào cũng không dám phát huy hết sức sáng tạo của mình để đạt được kết quả cao nhất như mong muốn, phục vụ tốt nhất cho phát triển xã hội. Một nền kinh tế như vậy không thể khai thác hết tiềm năng của nó để phát triển; thậm chí vô hình trung còn tạo cơ hội cho một số người ngăn cản sức sáng tạo, tư duy, công việc của người khác để trục lợi cá nhân. Riêng sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân luôn bị níu kéo, cản trở và hạn chế. Do vậy: Một là, cần thay đổi tư duy và quan điểm nói trên. Thấy rõ các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế có những điểm mạnh, yếu khác nhau, bổ sung cho nhau. Thị trường phát triển ngày càng cao và đa dạng, thì sự luân chuyển nguồn lực, hàng hóa các loại ngày càng hiệu quả và linh hoạt. Hai là, mở rộng tối đa, khuyến khích và hỗ trợ quyền kinh doanh của người dân. Xây dựng và áp dụng thống nhất một hệ thống luật pháp đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nhà nước và tư nhân, không phân biệt trong nước với ngoài nước.Thực hiện công bằng và bình đẳng về quyền kinh doanh, quyền tài sản, về chính sách, chế độ ưu đãi. Xem xét và bãi bỏ các hình thức "bao cấp" hiện đang dành cho doanh nghiệp nhà nước Ba là, tin ở dân, ở chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp tư nhân ngay từ khâu xây dựng luật pháp. Pháp luật phải được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của dân và dựa trên niềm tin về tính trung thực, tự giác, sẵn sàng thực thi đúng pháp luật của người dân. Pháp luật phải được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật thì được pháp luật bảo hộ và được bảo đảm quyền lợi tốt hơn, nhiều hơn so với doanh nghiệp không tuân thủ đúng pháp luật. Bốn là, thực hiện nguyên tắc "chính phủ nhỏ, xã hội lớn" trong quản lý nhà nước. Giảm bớt quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhất là quyền "thẩm định", "phê duyệt", "chấp thuận", quyền cho phép và cấp phép kinh doanh, v.v.. Đồng thời, phải "cá thể hóa" được trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Đối với công chức và cơ quan nhà nước, pháp luật phải quy định không chỉ họ được "làm gì", "làm ở đâu", mà cả làm "như thế nào" và phải có thể chế thường xuyên giám sát và đánh giá công việc của họ. 3 – Hợp tác xã   Sau hơn 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, tổng số hợp tác xã trên cả nước đã giảm không nhiều từ 11 330 xuống còn 10 311 đơn vị; trong đó, chỉ có gần 2 700 đơn vị mới thành lập. Như vậy, mỗi năm trung bình có 540 hợp tác xã mới được thành lập. Tuy vậy, đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành, nghề trong số hợp tác xã mới thành lập (hợp tác xã nông nghiệp chiếm khoảng 31%, công nghiệp chiếm 23,6%, thủy sản 12,7%, giao thông vận tải 11%, xây dựng 9%, thương mại gần 3%). Quy mô của hợp tác xã còn rất nhỏ. Bình quân mỗi hợp tác xã có số vốn chỉ khoảng 758 triệu đồng, 787 xã viên; và 197 lao động làm thuê. Như vậy, bình quân mỗi xã viên đóng góp chưa đầy 1 triệu đồng và mỗi chỗ làm việc chỉ có gần 4 triệu đồng(1). Hợp tác xã cũng chưa thực hiện tốt chức năng dịch vụ đầu vào, đầu ra như mong muốn của các nhà thiết kế chính sách bởi chủ yếu lực lượng tư thương, buôn bán nhỏ đã tiêu thụ đại bộ phận sản phẩm cho nông dân và cung cấp dịch vụ, phân bón, các loại nguyên liệu khác cho họ. Thực tế phát triển kinh tế nói chung và hợp tác xã nói riêng trong mấy năm qua chứng tỏ, Luật Hợp tác xã cùng các chính sách phát triển kinh tế hợp tác chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Biểu hiện cụ thể là trong khi số lượng hợp tác xã giảm xuống, thì số lượng và quy mô của trang trại tăng lên rất nhanh trên nhiều vùng trong cả nước. Số doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập hằng năm gấp 10 lần số hợp tác xã mới thành lập. Hợp tác xã cũng thực sự chưa phải là con đường xóa đói, giảm nghèo, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội khác. Thu nhập bình quân/người lao động (gồm cả xã viên và lao động làm thuê) khoảng từ 2 – 2,8 triệu đồng/năm; chỉ bằng khoảng 20% mức thu nhập bình quân của người lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp của tư nhân. Nhiều thập kỷ trong cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, hợp tác xã đã bị "hành chính hóa", bị coi là "sân sau", là "bàn tay nối dài" của cấp chính quyền; làm mất đi "tính hấp dẫn", "lôi cuốn" của hợp tác xã đối với xã viên nói riêng và từng người dân nói chung. Tâm lý xã hội khá phổ biến coi tài sản chung là "của chùa", không quan tâm xây dựng nó, phát triển nó, mà tìm cách chiếm nó thành của riêng. Cũng như loại hình kinh doanh khác, hợp tác xã có những điểm lợi và bất lợi riêng. Bản chất của hợp tác xã nhấn mạnh đến "sự bình đẳng" của từng xã viên không phân biệt đóng góp thực tế của họ; không chú trọng nhiều đến mối quan hệ thuận giữa đóng góp và lợi ích được hưởng. Vì vậy, hợp tác xã chưa phải là mô hình phù hợp khuyến khích lợi ích cá nhân, lấy lợi ích cá nhân làm động lực trực tiếp nhất để phát triển. Trong hơn 17 năm qua, hợp tác xã đã và đang chuyển đổi cùng với sự chuyển đổi chung sang cơ chế thị trường của cả nền kinh tế. Để định hướng cho việc tiếp tục chuyển đổi, cần xem xét và tính đến một số điểm sau đây: Thứ nhất, cần làm rõ và thống nhất về vai trò và địa vị pháp lý của hợp tác xã trong nền kinh tế. Trước hết, hợp tác xã phải được coi là một loại hình doanh nghiệp của kinh tế thị trường, với những đặc điểm, lợi và bất lợi của nó. Hợp tác xã cũng như các loại hình doanh nghiệp khác cần tồn tại tách biệt với các pháp nhân khác và với các cấp chính quyền. Thứ hai, bản chất của hợp tác xã là nhấn mạnh mục tiêu phục vụ nhu cầu của xã viên, hỗ trợ lẫn nhau và quản lý dân chủ theo nguyên tắc đầu phiếu, không tính đến phần đóng góp cụ thể của từng người. Nhưng cần hiểu điều đó không có nghĩa hợp tác xã là loại hình doanh nghiệp tốt hơn loại hình khác, hay chế độ quản lý của hợp tác xã tiến bộ hơn so với chế độ quản lý theo tỷ lệ góp vốn, v.v.. Thứ ba, trong xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách về hợp tác xã phải bảo đảm sự bình đẳng, không dành ưu đãi riêng biệt trên tất cả các mặt cho hợp tác xã và xã viên. Đồng thời, hợp tác xã không bị các cấp chính quyền "công cụ hóa" thành bộ phận và thực hiện chức năng của cấp chính quyền. Hợp tác xã cần được đối xử công bằng, bình đẳng và phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quyết định thành, bại của hợp tác xã. Thứ tư, khi xây dựng pháp luật về hợp tác xã nên đa dạng hóa loại hình hợp tác xã; đồng thời, áp dụng linh hoạt, có chọn lọc các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử của Việt Nam. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, việc áp dụng linh hoạt các nguyên tắc của hợp tác xã làm đa đạng hóa loại hình hợp tác xã, tạo thêm dư địa, động lực cho hợp tác xã phát triển, cạnh tranh được với các loại hình doanh nghiệp khác. 4 – Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài   Từ năm 1987 đến nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phát triển khá nhanh, tham gia vào nhiều lĩnh vực, đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như: bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển; phục vụ chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hút công nghệ hiện đại, góp phần tiếp cận, mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu của đất nước, v.v.. Đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng sản phẩm trong nước (theo giá thực tế): 6,30% (năm 1995); 13,28% (năm 2000); 13,76% (năm 2001); 13,91% (năm 2002). Trong tổng số vốn đầu tư phát triển (theo giá thực tế), đầu tư nước ngoài chiếm 30% (năm 1995); 18,7% (năm 2000); 18,4% (năm 2001); 18,5% (năm 2002). Năm 2002, nếu tính cả dầu thô, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt khoảng 7,5 tỉ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để thu hút nhiều hơn và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, trước hết là thống nhất hơn nữa về nhận thức bởi sự chưa thống nhất ở các cấp, các ngành dẫn đến khác nhau trong khi xử lý các vấn đề cụ thể, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài chưa thật yên tâm khi bỏ vốn đầu tư; đồng thời, xóa bỏ phân biệt về chính sách giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Cần xây dựng chiến lược và nâng cao chất lượng quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng đầu tư nước ngoài cùng với đầu tư trong nước trở thành một cơ cấu hiệu quả và bền vững. Sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch ngành, vùng kinh tế, thu hút mạnh hơn nữa FDI vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, ngành công nghệ cao, vật liệu mới, điện tử, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các ngành nước ta có lợi thế. Cùng với công tác quy hoạch, tiếp tục rà soát lại danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, kể cả các dự án quốc gia và dự án do các địa phương dự kiến. Trong thực tế, danh mục các dự án quốc gia gọi vốn đầu tư thời kỳ 2001 – 2005 tuy đã ban hành, nhưng những dự án trọng điểm nhất vẫn chưa được nhà đầu tư quan tâm. Do đó, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nhất là cần hoàn chỉnh việc nghiên cứu tiền khả thi, nhằm tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, vận động đầu tư. Để thu hút đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, Nhà nước đã bổ sung những chính sách lớn được các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh, ghi nhận những chuyển biến rõ rệt trong nhiều lĩnh vực, nhưng họ còn cho rằng Việt Nam là nơi có độ rủi ro cao, do thể chế, chính sách hay thay đổi và thủ tục hành chính quá rườm rà, tốn kém. Cách nhìn về ưu thế thu hút đầu tư ngày nay đã thay đổi, không còn là giá nhân công rẻ, thị trường nội địa lớn, vùng nguyên liệu sẵn hay giá đất hạ, mà là một chính sách nhất quán và được thực thi nghiêm túc từ trên xuống dưới. Vì thế, cần khắc phục tình trạng thể chế không rõ ràng, thiếu minh bạch… gây cho nhà đầu tư nước ngoài tâm lý lo ngại. Trong Luật Đầu tư nước ngoài hiện còn hạn chế sự đầu tư vào các lĩnh vực như nhập khẩu, dịch vụ vận tải nội địa, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, quảng cáo, v.v.. mà các lĩnh vực đó, nếu được mở ra một cách thoả đáng, sẽ tăng thêm tính hấp dẫn của thị trường đầu tư nước ta. Danh mục những lĩnh vực được phép đầu tư 100% vốn nước ngoài và danh mục hạn chế nước ngoài đầu tư cần được xác định và công bố công khai. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài, cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nghiên cứu, sửa đổi một số các quy định khác, như quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp; chế độ xin phép nhập khẩu theo kế hoạch đối với linh kiện, phụ tùng và nguyên vật liệu; việc tuyển dụng, sử dụng lao động, v.v.. Hiện nay, chính sách đầu tư nước ngoài của nhiều nước láng giềng có sức cạnh tranh cao. Do đó, chúng ta không thể không xem xét lại hệ thống các thể chế, chính sách, nhất là so sánh với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực nhằm đề ra những chính sách hấp dẫn, tạo lập được môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật