PHÁT HÀNH TIỀN KIM LOẠI Ở IN – ĐÔ – NÊ – XIA, BÀI HỌC KINH NGHIỆM

NGUYỄN TUẤN Từ năm 1991-1993, Inđônêxia phát hành 5 đồng tiền kim loại, mệnh giá 25, 50, 100, 500 và 1000 Rupiah (Rp); loại 100 Rp, 500 Rp và 1000 Rp có cả tiền giấy song hành. Việc đưa tiền kim loại vào lưu thông không được thuận lợi, số lượng tiền kim loại trong lưu thông thấp hơn dự kiến. Sau khi khảo sát, phân tích những thuận lợi, khó khăn và đánh giá tác động của điều kiện địa lý tự nhiên (Inđônêxia là quốc đảo với hơn 13.000 đảo nhỏ), Ngân hàng Trung ương Inđônêxia đi đến kết luận, nguyên nhân chủ yếu là do người dân ưa thích sử dụng tiền giấy hơn tiền kim loại và do các loại hình dịch vụ, bán hàng tự động sử dụng tiền kim loại chưa phát triển rộng rãi. Trước tình hình đó, bên cạnh việc tăng cường giáo dục cộng đồng và tuyên truyền về lợi ích của tiền kim loại, Ngân hàng Inđônêxia đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả các biện pháp hành chính nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc sử dụng tiền kim loại trong thanh toán. Ngân hàng Inđônêxia đã ngừng in thêm 2 loại tiền giấy 100 Rp và 500 Rp và tiến hành thu hồi 2 loại tiền này. Đáng lưu ý là năm 2001, Ngân hàng Trung ương Inđônêxia uỷ thác cho bên thứ ba đưa tiền kim loại đến tay người sử dụng cuối cùng thông qua nghiệp vụ đổi loại tiền và đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (outsourcing). Bên nhận uỷ thác được hưởng tỷ lệ chiết khấu nhất định trên tổng số tiền kim loại đổi từ Ngân hàng Inđônêxia để bù đắp chi phí, vì vậy, họ không được thu phí dịch vụ đổi tiền kim loại cho công chúng. Kết quả của dự án này rất khả quan. Tuy nhiên, do Inđônêxia vẫn có cả tiền giấy và tiền kim loại cùng mệnh giá song hành nên việc đưa tiền kim loại vào lưu thông còn gặp trở ngại. Theo Ngân hàng Inđônêxia, vấn đề này sẽ được xử lý trong thời gian tới bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm cải cách và nâng cao chất lượng đồng tiền trong lưu thông, tiết kiệm chi phí phát hành tiền.   Kinh nghiệm của Inđônêxia một lần nữa khẳng định thông lệ mang tính quốc tế là hầu hết các nước đều có ranh giới rõ ràng giữa tiền giấy và tiền kim loại (chỉ một vài trường hợp có 1 loại mệnh giá sử dụng cả tiền giấy và tiền kim loại thì đó là mệnh giá cao nhất của tiền kim loại). Ví dụ như khu vực đồng Euro, tiền kim loại có mệnh giá từ 1 Cent đến 2 Euro, tiền giấy có mệnh giá từ 5 Euro đến 500 Euro. Tất nhiên, khi phát hành tiền kim loại, cơ quan phát hành sẽ không thu hồi ngay toàn bộ tiền giấy cùng mệnh giá đang lưu hành bởi chi phí rất lớn và cần có giai đoạn chuyển tiếp để người tiêu dùng điều chỉnh thói quen bảo quản, sử dụng tiền cho phù hợp. Như vậy, khi đồng tiền kim loại được đưa vào lưu thông thì sớm hay muộn, tiền giấy mệnh giá nhỏ sẽ được cơ quan phát hành thu hồi dần, tiến tới đình chỉ lưu hành và thay thế bằng tiền kim loại. Ở nước ta, cuối năm 2003, đầu năm 2004, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành 5 loại tiền kim loại, có mệnh giá từ 200 đồng đến 5000 đồng; và cả 5 loại mệnh giá này đều có tiền giấy song song lưu hành. Đến nay, tiền kim loại chưa được sử dụng nhiều trong lưu thông và còn có một số ý kiến chưa đồng tình với chủ trương phát hành tiền kim loại của Chính phủ. Thiết nghĩ, cũng như kinh nghiệm của các nước khác, điều đó chủ yếu do thói quen sử dụng tiền giấy của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu mới phát hành tiền kim loại và khi còn tiền giấy song hành thì người tiêu dùng sẽ ưa thích tiền giấy hơn. Trên thực tế, tiền giấy mệnh giá nhỏ không được bảo quản cẩn thận như các loại tiền mệnh giá lớn và do qua tay người sử dụng nhiều lần trong sinh hoạt hàng ngày nên rất nhanh nhàu nát và hấp thụ nhiều loại tạp chất. Thông thường, chỉ đến khi đồng tiền quá cũ nát thì người ta mới nộp vào các ngân hàng để đổi lấy loại tiền mới hơn bởi nếu đổi những món nhỏ thì chi phí giao dịch sẽ khá lớn so với giá trị tiền cần đổi. Trong điều kiện tương tự, tiền kim loại sạch và bền gấp nhiều lần tiền giấy. Do vậy, sử dụng tiền kim loại là sự thay thế hợp lý khi Ngân hàng Nhà nước và người tiêu dùng đều muốn có những đồng tiền mệnh giá nhỏ, bền, sạch hơn trong lưu thông, đồng thời tiết kiệm chi ngân sách nhà nước cho việc phát hành tiền. Tuy nhiên, để khuyến khích và thúc đẩy việc sử dụng tiền kim loại, tác giả cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn và xin được nêu lên những việc nên làm như sau: Thứ nhất, cơ quan phát hành có lộ trình cụ thể, tiến tới ngừng hẳn việc lưu hành tiền giấy mệnh giá nhỏ để các ngân hàng, tổ chức kinh tế, xã hội và người sử dụng tiền có những điều chỉnh phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lưu thông tiền tệ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cơ quan phát hành cần xem xét, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đồng tiền trong lưu thông, đặc biệt là tiền giấy mệnh giá nhỏ, đồng thời tăng cường việc thu hồi các loại tiền rách nát, không đủ tiêu chuẩn lưu thông và thay bằng tiền kim loại. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích người tiêu dùng đổi các loại tiền giấy rách, nát, như miễn thu phí đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nếu khách hàng nhận tiền kim loại. Ngân hàng Nhà nước sẽ trả phí cho tổ chức tín dụng, có thể là cả hệ thống tiết kiệm bưu điện… khi những đơn vị này thực hiện đổi tiền kim loại cho các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân. Tất nhiên, cũng cần có chế tài phù hợp đối với những đơn vị ngân hàng không thực hiện việc đổi loại tiền cho công chúng. Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng các thiết bị bán hàng tự động sử dụng tiền kim loại, như miễn giảm thuế, các khoản phí…bởi đây là loại hình sản xuất, kinh doanh mới ở nước ta và là một kênh giới thiệu tiện ích của tiền kim loại rất hiệu quả. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng, kết hợp với các hình thức giáo dục cộng đồng về chủ trương phát hành tiền kim loại của Chính phủ, về lợi ích, sự cần thiết của việc sử dụng tiền kim loại trong xã hội và ý thức tuân thủ pháp luật về sử dụng đồng tiền do nhà nước phát hành.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật