PHÁP LUẬT VỀ NHÃN HIỆU – MỘT SỐ Ý KIẾN CỦA GIỚI LUẬT GIA, LUẬT SƯ

ĐÀO MINH ĐỨC Các luật gia, luật sư vừa là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, vừa là đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu. Với mong muốn tìm hiểu sự quan tâm, ý kiến của giới này về các định chế liên quan đến nhãn hiệu trong pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT), tác giả đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đối với các luật gia, luật sư trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh. Dưới đây là một số ý kiến rút ra qua cuộc khảo sát này. Mẫu khảo sát và phương thức khảo sát Luật SHTT bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.2006 và 5 Nghị định hướng dẫn thi hành đã được ban hành vào cuối tháng 9.2006. Nhận biết vai trò của giới luật gia, luật sư trong việc xây dựng và thực thi Luật SHTT, vào quý 4 năm 2006 và quý 1 năm 2007, người viết bài này đã gửi 140 phiếu điều tra về các chế định liên quan đến nhãn hiệu trong pháp luật về SHTT hiện hành tới 140 luật gia, luật sư là những người đang làm việc tại các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN), các văn phòng luật sư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các chuyên gia pháp lý của một số cơ quan quản lý, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia Tp Hồ Chí Minh. Số phiếu nhận lại là 116, trong đó có 22 phiếu đã bị loại qua câu hỏi kiểm tra chéo. Kết quả có 79 phiếu của các luật gia, luật sư đã tìm hiểu pháp luật về nhãn hiệu của Việt Nam từ mức 30% trở lên và có tham gia tư vấn ít nhất 1 vụ việc/tháng được đưa vào tổng hợp xử lý. Trong mẫu điều tra này, có 21 người đã tìm hiểu pháp luật về nhãn hiệu với mức khoảng 30%; 19 người đã tìm hiểu khoảng 30-50%; 22 người đã tìm hiểu khoảng 50-80% và 17 người đã tìm hiểu khoảng 80-100%. Dưới góc độ thực thi pháp luật về nhãn hiệu: Có 46 luật gia, luật sư tiếp nhận và xử lý 1 yêu cầu tư vấn/tháng; 18 luật gia, luật sư tiếp nhận và xử lý từ 2 đến 4 yêu cầu tư vấn/tháng và 15 luật gia, luật sư tiếp nhận và xử lý trên 4 yêu cầu tư vấn/tháng.   Qua các câu hỏi nhận danh (không được trả lời đầy đủ) ở cuối mỗi phiếu, trong mẫu khảo sát có các luật gia, luật sư đến từ các tổ chức đại diện SHCN (như AMBYS, NAM VIỆT, Văn phòng Luật sư ĐOÀN HỒNG SƠN); có các luật gia, luật sư đến từ các văn phòng luật sư nước ngoài (như PRICEWATERHOUSECOOPERS, ROUSSIN & VECCHI, BAKER & McKENZIE); có các chuyên gia pháp lý của một số cơ quan quản lý (như Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa – Thông tin). Như vậy, cấu trúc mẫu là phù hợp với ý định khảo sát ban đầu. Một số ghi nhận chính rút ra qua đợt khảo sát Từ kết quả khảo sát, một số ghi nhận chính được rút ra như sau: + Có 73% (58/79) số luật gia, luật sư thường phải tiếp nhận các câu hỏi về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; 58% (46/79) thường phải tiếp nhận các yêu cầu tham vấn về xử lý tranh chấp nhãn hiệu. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật về thủ tục đăng ký và xử lý tranh chấp, vi phạm về nhãn hiệu đến doanh nghiệp. + 62% (49/79) số luật gia, luật sư cho rằng pháp luật về nhãn hiệu của Việt Nam đã khá đầy đủ (44 ý kiến) hoặc khá hoàn thiện (5 ý kiến); 38% (30/79) cho rằng pháp luật về nhãn hiệu còn tương đối thiếu (22 ý kiến) hoặc thiếu nhiều (8 ý kiến). Tuy nhiên, qua kiểm tra chéo bằng một câu hỏi khác, các ý kiến cho rằng pháp luật về nhãn hiệu còn thiếu tuy có đưa ra các kiến nghị bổ sung khá đa dạng nhưng lại thiếu độ hội tụ, và do vậy độ tin cậy không cao. Điều đó cho thấy, nên tăng cường việc phổ biến pháp luật về nhãn hiệu nói riêng và SHTT nói chung đến giới luật gia, luật sư Việt Nam. + 58% (46/79) số luật gia, luật sư cho rằng hoạt động bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu của các cơ quan hành chính là chưa tốt, 37% (29/79) cho rằng chấp nhận được và chỉ có 5% (4/79) cho là khá tốt. Khi lý giải nguyên nhân, có 10 ý kiến cho rằng công chức hành chính thiếu thiện chí hoặc chỉ xử lý tượng trưng, 10 ý kiến cho rằng công chức có kiến thức về SHTT kém nên không dám kết luận và phụ thuộc vào ý kiến giám định, 8 ý kiến cho rằng công chức thuộc các cơ quan khác nhau hiểu chưa thống nhất về luật, 7 ý kiến cho rằng thẩm quyền xử lý chồng chéo và phối hợp không đồng bộ, 6 ý kiến cho rằng văn bản pháp luật và hệ thống chế tài chưa đầy đủ, 4 ý kiến cho rằng lực lượng của các cơ quan thẩm quyền còn mỏng so với số lượng vụ việc phải thụ lý, 4 ý kiến cho rằng do mức độ chế tài còn thấp. Ngoài ra, còn có các kiến giải đơn lẻ khác, như do Nghị định 106/2006/NĐ-CP tuy đã nâng mức chế tài lên cao nhưng lại bị vướng về thẩm quyền xử phạt theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính…1. Kết quả phỏng vấn sâu hơn đối với một số luật gia, luật sư cho thấy, điểm không hài lòng nhất của giới tư vấn pháp lý trong ứng xử của các công chức hành chính hiện liên quan nhiều nhất đến việc áp dụng quy định tại điểm b, khoản 1, điều 211 Luật SHTT. Theo đó, trong trường hợp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nhưng không phải là hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu2, chủ sở hữu chỉ có thể xúc tiến đơn yêu cầu xử lý xâm phạm sau khi đã có thông báo bằng văn bản cho bên bị xem là xâm phạm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi đó, và cung cấp được chứng cứ rằng bên bị xem là xâm phạm quyền đã không chấm dứt hành vi xâm phạm trong thời hạn hợp lý do chủ sở hữu đưa ra3. Trong trường hợp chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm, cơ quan xử lý có thể tự mình tiến hành kiểm tra, xác minh chứng cứ, yêu cầu cơ quan công an kiểm tra, xác minh chứng cứ… hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết4. Trong thực tế, đa số các cơ quan thực thi (Công an kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan…) ở các cấp tại các địa phương đều không thể xử lý nhanh chóng các hồ sơ này, chủ yếu là do thiếu tự tin trong việc tự mình đưa ra kết luận về khả năng xâm phạm quyền, trong khi hệ thống giám định SHTT tại thời điểm khảo sát chưa được hình thành5. 56% (44/79) số luật gia, luật sư cho rằng hiệu lực của cơ chế tố tụng dân sự trong bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu là chưa tốt, 42% (33/79) cho rằng chấp nhận được và chỉ có hơn 2% (2/79) cho là khá tốt. Khi lý giải nguyên nhân; 25 luật gia, luật sư (32%) cho rằng do pháp luật về SHTT còn mới nên thiếu thẩm phán có kiến thức chuyên môn đủ sâu; 11 luật gia, luật sư (14%) cho rằng pháp luật tố tụng dân sự liên quan đến SHTT còn thiếu, không theo kịp cuộc sống, thủ tục rườm rà. Ngoài ra là các ý kiến đơn lẻ khác như: Khó xin áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, việc thi hành án không hiệu quả…6 61% (48/79) số luật gia, luật sư cho rằng hiệu lực của cơ chế tố tụng hình sự trong bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu là chưa tốt, 37% (29/79) cho rằng chấp nhận được và chỉ có hơn 2% (2/79) cho là khá tốt. Khi lý giải nguyên nhân; 14 luật gia, luật sư (18%) cho rằng do các cơ quan có quyền khởi tố (Viện kiểm sát, Cảnh sát điều tra…) thiếu tích cực, thi hành không nghiêm và hầu như chưa khởi tố ai, trong khi số lượng vụ việc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự rt cao; 9 luật gia, luật sư (11%) cho rằng do pháp luật về xử lý hình sự đối với các tội phạm SHTT vẫn còn mới và thiếu. Ngoài ra là các kiến giải đơn lẻ khác như: Do chưa có cơ quan giám định SHTT mạnh, chưa có quy định xác định chính xác tội danh cùng khung hình phạt tương ứng…7. Điều này cho thấy, nếu không có chính sách và biện pháp tăng cường thẩm phán chuyên ngành, bồi dưỡng kiến thức về SHTT cho hệ thống cán bộ tư pháp, nâng cao tỷ lệ thụ lý án SHTT… thì hiệu lực thực thi pháp luật SHTT tại Việt Nam chắc chắn sẽ không thể cải thiện một cách cơ bản dù các mức chế tài hành chính đã được nâng cao. Về các nhận định hoặc kiến nghị đối với pháp luật về nhãn hiệu hiện hành, có 15 ý kiến yêu cầu sớm ban hành thêm các văn bản hướng dẫn, trong đó cần tăng các quy định về xử phạt; 5 ý kiến cho rằng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Cục SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký chậm trễ so với quy định (9 tháng). Ngoài ra là các kiến nghị đơn lẻ khác như: - Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện SHTT; cần có cơ quan giám định khách quan đối với quá trình xử lý khiếu nại tại Cục SHTT; cần có thêm quy định chi tiết về trình tự và thủ tục xử lý cùng cơ chế phối hợp xử lý vi phạm giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ sở để xác định mức độ thiệt hại khi bị xâm phạm quyền, biện pháp thúc đẩy việc chuyển các vụ việc qua Tòa án; tăng cường hoạt động phổ biến pháp luật… - Nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác quyền: Cần cung cấp đầy đủ các thông tin về nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc đã nộp đơn hợp lệ; cần có thêm các quy định về: Quan hệ giữa pháp luật nhãn hiệu và pháp luật cạnh tranh, cách thức định giá nhãn hiệu, cơ chế cụ thể trong việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực SHTT, trong đó có nguồn nhân lực pháp lý tại doanh nghiệp… Ngoài ra, còn có một số đề xuất lý thú khác như: Tổ chức kỷ niệm ngày Luật SHTT ra đời để đúc kết và bổ sung Luật; nên có các loại hình khen thưởng trong lĩnh vực SHTT như cho các tài liệu tuyên truyền, thành tích bảo vệ quyền… Chú thích: 1 Cụ thể, trong một vụ xử phạt đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại Tp Hồ Chí Minh, mức phạt được xác định theo điều 214 Luật SHTT là trên 160 triệu đồng (gấp 4-5 lần trị giá hàng hóa vi phạm), nhưng UBND Thành phố chỉ ra quyết định xử phạt đến 100 triệu đồng, do thẩm quyền xử phạt của UBND cấp tỉnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 bị hạn chế ở ngưỡng này. 2 Hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu được định nghĩa tại Điều 213 Luật SHTT. 3 Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006. 4 Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20 Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006. 5 Đến ngày 25.2.2008, Thông tư 01/2008/TT-BKHCN hướng dẫn về việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên SHCN và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định SHCN mới được ban hành. 6 Tại thời điểm khảo sát, trong báo cáo công tác 9 tháng đầu năm 2006 của Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh, trong 32.274 vụ án các loại được thụ lý, có 26.397 vụ đã được giải quyết và được liệt kê vào các mục án dân sự, án hình sự, án hôn nhân gia đình, án kinh doanh thương mại, án lao động, án hành chính, đã không có một dòng chú thích nào về án SHTT. 7 Trong quá trình gia nhập WTO, theo báo cáo của Chính phủ, một trong các cam kết Việt Nam đưa ra là sớm ban hành một Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành các quy định về tội xâm phạm quyền SHTT, trong đó quy định rõ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Đến ngày 29.2.2008 vừa qua, Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP mới được ban hành.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật