PHÁP LUẬT BẢO VỆ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Ai đó đã nói một cách hình tượng rằng, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Cũng chính vì lẽ đó, các quy định nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng giữ một vị trí quan trọng trong hệ các quy định của mỗi chế độ, từ khi chưa có nhà nước đến khi có nhà nước, từ các quy định bất thành văn đến các quy định thành văn. I. Pháp luật về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ sức khoẻ cộng đồng không phải chỉ xuất hiện từ năm 1945 (với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà) mà đã được đề cập đến trong các thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc. Qua các Bộ luật Hồng Đức (nhà Lê), Bộ luật Gia Long (nhà Nguyễn), Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931, Dân luật Trung Kỳ 1936 và các tài liệu nghiên cứu lịch sử đã cho thấy điều này. Tuy nhiên, phải đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, nhất là từ năm 1986, thì hệ thống các quy phạm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng mới có bước phát triển cao, tập trung, sâu sắc. Hệ thống văn bản pháp luật về sức khoẻ cộng đồng rất rộng, có thể chia thành các lĩnh vực[1]: các văn bản quy định chung; về hôn nhân gia đình; về bảo vệ phụ nữ và trẻ em; về phòng chống tệ nạn xã hội; về bồi thường thiệt hại; về lĩnh vực y tế, dược; về lĩnh vực thương mại. Do tính liên quan rộng rãi của vấn đề sức khoẻ cộng đồng, nên không thể có một bộ luật chung về vấn đề này. Đạo luật liên quan trực tiếp nhất là Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tuy nhiên đạo luật này chỉ đưa ra các nguyên tắc chung cho việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thiếu cơ chế, quy phạm cụ thể. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân, sức khoẻ cộng đồng phải căn cứ vào các văn bản chuyên ngành.   Cùng với sự ra đời của của đạo luật mới trong thời gian gần đây, như Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Thương mại 2005; Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Bảo hiểm xã hội 2006, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006; Luật Trợ giúp pháp lý 2006; Luật Phòng, chống HIV /AIDS 2006… vấn đề bảo vệ sức khoẻ cộng đồng ngày càng được quan tâm và luật hoá. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật còn mang tính khái quát, chưa mang tính quy phạm cụ thể nên hiệu quả áp dụng chưa cao. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Trước mắt cần tập trung xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước; Luật Bảo vệ người tiêu dùng. II. Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Vấn đề bảo vệ sức khoẻ cộng đồng là một phạm trù rộng, kèm theo đó, hệ thống pháp luật có liên quan cũng rất rộng. Chúng tôi xin đề cập một vài nét chuyên sâu về một khía cạnh của bảo vệ sức khoẻ cộng đồng – pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. 1. Pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Cũng giống như việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng nói chung, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bao gồm rất nhiều các văn bản điều chỉnh.Xin liệt kê một số văn bản chủ yếu là: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại (liên quan trực tiếp là Điều 9 bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng), Pháp lệnh Thú y; Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân; Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá; Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, như Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; Nghị định 78/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật…. Trong các văn bản này, quan trọng nhất phải kể đến hai văn bản: Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Nghị định 69/2001/NĐ-CP ngày 02/10/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Pháp lệnh) có hiệu lực từ ngày 01/10/1999, gồm 06 chương, 30 điều. Về Pháp lệnh này, có thể rút ra một số nhận xét sau: - Pháp lệnh không có quy định chính thức về đối tượng áp dụng, mà thông qua các quy định tại Điều 1, 4, 5, 6, chúng ta có thể nhận thấy đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá (trong nước và ngoài nước) và người tiêu dùng. Cụ thể hoá điều này, Nghị định 69/2001/NĐ-CP (Nghị định 69) quy định rõ đối tượng điều chỉnh là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt và nhu cầu công việc của tổ chức, cá nhân, gia đình; đồng thời chỉ rõ “người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định…” - Một số quy định trong Pháp lệnh thể hiện tư tưởng, đường lối, chính sách, không mang tính quy phạm (ví dụ Điều 2 “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội”; Điều 3 “ Nhà nước khuyến khích việc tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm”). Chúng tôi cho rằng, trong các văn bản luật, việc đặt ra các điều luật này là không cần thiết. - Nghị định 69 quy định thêm một số trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; đồng thời nhắc lại một số trách nhiệm đã được quy định tại Pháp lệnh – mang tính trùng lặp, cần bỏ các quy định này. - Điều 14 Pháp lệnh quy định “Chính phủ quy định cụ thể việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không đăng ký, công bố tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, dịch vụ”. Các loại hình kinh doanh này khá phổ biến ở Việt Nam (bán hàng rong, quán “cóc”…), việc quản lý lĩnh vực này khá nhạy cảm và khó khăn. Do vậy, để khả thi, Pháp lệnh quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết. Tiếc rằng, Nghị định 69 đã không làm được việc này. Nói khác hơn, trong trường hợp này, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ dựa trên các nguyên lý chung của luật dân sự mà không có quy phạm “chuyên ngành”. - Trong đời sống, luôn tồn tại nhiều kiểu “hợp đồng chấp nhận” – những hợp đồng được soạn thảo sẵn mà người tiêu dùng chỉ có thể chấp nhận hay không chấp nhận tham gia, không được sửa chữa gì (hợp đồng cung cấp điện, nước, thông tin truyền thông, tín dụng…), trong đó người sản xuất, kinh doanh đưa nhiều điều kiện bất lợi cho người tiêu dùng – và do tính chất “độc quyền”, người tiêu dùng buộc phải ký các hợp đồng này. Khi xảy ra tranh chấp, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như thế nào thì Pháp lệnh và Nghị định 69 đều không nêu rõ Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, khi xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng, cần cấm việc đưa vào hợp đồng những điều khoản gây bất lợi, bất bình đẳng cho người tiêu dùng. - Về vấn đề “quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, Pháp lệnh đã đưa ra các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể hoá Pháp lệnh, Nghị định 69 đã quy định khá chi tiết trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vấn đề phải giải quyết như sau: Thứ nhất, cơ cấu, tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hiện nay đã có nhiều thay đổi, nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các Bộ cần được thực hiện cho phù hợp với Chính phủ mới. Thứ hai, cần quy định cụ thể mối quan hệ của các Bộ với Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương. Thứ ba, trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, vai trò của điều tra viên rất lớn. Thông qua hoạt động của mình, điều tra viên xác định tính chất của sự việc, chủ động làm việc với người sản xuất, kinh doanh, từ đó xác định các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, chức danh điều tra viên đã được tổ chức trong Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương. Tuy nhiên, nhiệm vụ và quyền hạn chưa được xác định tại Pháp lệnh và Nghị định 69. Do vậy, cơ sở pháp lý cho hoạt động của điều tra viên chưa rõ ràng. - Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Pháp lệnh chỉ đưa ra các nguyên tắc chung trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, như: người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện để thực hiện việc khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn, bồi thường; việc giải quyết trước hết theo nguyên tắc hoà giải, nếu không hoà giải được, người tiêu dùng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật; người sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật… Các quy định này rất chung, chủ yếu mang tính nguyên tắc, “hiến chương”, dẫn chiếu luật (mà cũng chỉ có tính chất dẫn chiếu chung) nên hiệu quả áp dụng không cao. Pháp lệnh và Nghị định 69 cũng không quy định thời hạn khiếu nại của người tiêu dùng và thời hạn giải quyết khiếu nại của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Điều đó hạn chế tính khả thi của các quy định bảo vệ người tiêu dùng. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng không được quy định rõ ràng: người tiêu dùng có phải làm đơn không; nộp ở đâu; có chịu lệ phí gì không; thời hạn giải quyết; phương thức giải quyết; nếu không đồng ý với ý kiến giải quyết của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thì người tiêu dùng khiếu nại tiếp đến đâu hay khởi kiện ra Toà; trường hợp cá nhân, tổ chức chậm giải quyết khiếu nại dẫn đến hết thời hiệu khởi kiện dân sự thì giải quyết thế nào; nếu khởi kiện ra Toà án thì người tiêu dùng có được quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh bồi thường các chi phí phát sinh trong quá trình khiếu nại, khởi kiện không (chi phí thuê luật sư, đi lại…). Các vấn đề này cũng chưa được Pháp lệnh và Nghị định 69 làm rõ. Việc Nghị định 69 quy định nguyên tắc giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo là không hợp lý. Chúng tôi cho rằng, hành vi khiếu nại ở đây không thuộc nội dung khiếu nại hành chính mà là khiếu nại dân sự, do vậy, cần có quy định riêng, cụ thể về việc cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Pháp lệnh không quy định cụ thể các biện pháp xử lý hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Nói khác hơn, khi cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về trách nhiệm của mình theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định 69 thì không có chế tài cho cá nhân, tổ chức đó. Điều đó không thể hiện tính “trừng phạt”, răn đe, giáo dục, từ đó làm giảm tính hiệu quả của việc bảo vệ người tiêu dùng. 2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùng Trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Nội dung chính của đạo luật này cần phải thể hiện được những vấn đề sau: 2.1. Thể hiện được 8 quyền của người tiêu dùng [2] a) Quyền được an toàn Quyền được an toàn là quyền của người tiêu dùng được an toàn về tính mạng, sức khoẻ khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Trong những năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn giữ vị trí trọng tâm trong sinh hoạt của người dân Việt Nam. Hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng phải đảm bảo các điều kiện cơ bản, có thể sử dụng được và không gây hại đến sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng. Hàng hóa và dịch vụ cung ứng đe dọa đến sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng phải được thu hồi khỏi thị trường theo một quy trình nhanh gọn và đơn giản. Nếu các nguy cơ gắn liền với sản phẩm đang được người tiêu dùng sử dụng, người tiêu dùng cần phải được thông báo kịp thời về chất lượng của sản phẩm để tránh các hậu quả đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ có thể gây ra từ các sản phẩm hay dịch vụ kém chất lượng. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian tới, các Bộ cần đẩy mạnh xây dựng các quy chuẩn cho hàng hoá, dịch vụ do Bộ quản lý và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện những quy định này. Đối với các sản phẩm liên quan đến những quy chuẩn bắt buộc, các doanh nghiệp phải thông báo và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về các ảnh hưởng có hại trên nhãn hàng hoá và trên quảng cáo, có hướng dẫn sử dụng để người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Đồng thời, cần hệ thống hoá, hoàn thiện các chế tài đối với hành vi cung cấp hàng hoá, dịch vụ không an toàn, bao gồm cả chế tài dân sự, chế tài hành chính và chế tài hình sự. b) Quyền được lựa chọn Quyền được lựa chọn là quyền của người tiêu dùng tự do thể hiện ý chí, tự định đoạt trong việc lựa chọn hàng hoá, dịch vụ mà không phụ thuộc ý chí của người sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được quyền này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng phải quy định các nguyên tắc: phải công bố rõ ràng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, dịch vụ; niêm yết giá công khai; cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ trung thực, đầy đủ; nghiêm cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh; ghi nhận quyền đòi bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. c) Quyền được đào tạo về tiêu dùng Quyền được đào tạo về tiêu dùng là quyền người tiêu dùng có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện việc lựa chọn hàng hoá, dịch vụ và sử dụng chúng một cách tốt nhất. Trước khi mua một sản phẩm hay một dịch vụ, người tiêu dùng có quyền được nhận các thông tin thích đáng cho phép họ hiểu biết về đặc tính chủ yếu như về bản chất, chất lượng, số lượng và giá của sản phẩm hay dịch vụ đề nghị; lựa chọn hợp lý giữa nhiều sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh; sử dụng một cách an toàn và thỏa mãn sản phẩm hay dịch vụ. Để thực hiện quyền này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần quy định trách nhiệm đào tạo về tiêu dùng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương). d) Quyền được thông tin Quyền được thông tin là quyền được hiểu, biết những dữ kiện, dữ liệu cần thiết cho việc lựa chọn của người tiêu dùng trước những thông tin, quảng cáo, nhãn hiệu sai lệch. Thực tế, luôn luôn tồn tại sự bất bình đẳng (hay sự không đối xứng) giữa người tiêu dùng và người cung ứng: người cung ứng luôn có nhiều thông tin hơn người tiêu dùng. Hậu quả là người tiêu dùng có thể sử dụng sai túi tiền của họ do thiếu hiểu biết hoặc chỉ biết một phần sự thật. Nếu thông tin không được đảm bảo đồng nghĩa với việc là thị trường không minh bạch. Trong khi đó, sự minh bạch của thị trường là điều kiện cần thiết để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Bởi vậy, cần đảm bảo thông tin cho người tiêu dùng. Điều này không những đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng mà còn đảm bảo sự minh bạch của thị trường[3]. Để thực hiện quyền này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần quy định trách nhiệm cụ thể của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng; Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) cần thu thập, xử lý, lưu trữ các thông tin liên quan đến hàng hoá, dịch vụ và những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm, cung cấp kịp thời, nhanh chóng cho người tiêu dùng và cơ quan thông tin, báo chí. e) Quyền được đại diện Quyền được đại diện là quyền của người tiêu dùng trong việc thông qua người khác hoặc tổ chức khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Cơ chế đại diện đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Tổ chức đại diện cho người tiêu dùng hiện nay đã được thành lập, đó là Hội bảo vệ người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là vị trí pháp lý của Hội như thế nào (Nghị định 69 quy định về Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Chương I – Chúng tôi cho rằng, trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng không nên quy định về việc thành lập tổ chức này, mà sẽ do Luật về Hội quy định; nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Hội sẽ được quy định trong Điều lệ của Hội). g) Quyền được trả lại hàng hoá và bồi thường thiệt hại Quyền được bồi thường là quyền được khắc phục, sửa chữa, đổi hàng hoá kém chất lượng hoặc dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu. Để thực hiện được quyền này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần quy định hệ thống tổ chức giải quyết khiếu nại từ trung ương đến địa phương; quy định rõ về các thủ tục khiếu nại, giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại[4]. Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận người tiêu dùng có quyền được hối hận (từ chối) – còn được gọi là quyền trả lại hàng hoá – trong một số trường hợp như: trường hợp bán hàng giao tận nhà; cam kết mua hàng trả góp; mua hàng từ xa qua internet – cách mua hàng này có thể mang đến nhiều bất ngờ cho người tiêu dùng. Trên thực tế, người tiêu dùng rất khó biết sản phẩm chỉ qua một bức ảnh. Vì vậy cần thiết phải có quy định về quyền được trả lại sản phẩm trong một thời gian pháp lý nhất định. h) Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản Quyền được thoả mãn các nhu cầu cơ bản là quyền được tiếp cận, được đáp ứng tốt với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thoả mãn được các nhu cầu về ăn, uống, mặc, ở, bảo vệ sức khỏe, giáo dục và vệ sinh. Để thực hiện được quyền này, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần có những quy định về tiêu chuẩn hoá, đảm bảo đo lường, thử nghiệm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh đối với các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản về tiêu dùng cho người dân. i) Quyền được có một môi trường lành mạnh Quyền được có một môi trường lành mạnh là quyền được sống và làm việc trong một môi trường không đe dọa tới sức khỏe của thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai. Vấn đề bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, trong khuôn khổ của Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cần ghi nhận nguyên tắc khuyến khích sử dụng các hàng hoá, dịch vụ thích hợp với môi trường, có thể tái chế được; đối với các hàng hoá có khả năng gây ô nhiễm môi trường, người sản xuất, kinh doanh phải có dấu hiệu cảnh báo trên hàng hoá và nơi lưu giữ hàng hoá; quy định nghĩa vụ của người sản xuất và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc thu thập thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng về cách lựa chọn, sử dụng và phòng chống độc hại. 2.2. Nâng cao vai trò của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hiện nay, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng là Ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương. Trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò của cơ quan này, thể hiện ở hai giải pháp[5]: - Thành lập Cục bảo vệ người tiêu dùng - Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của Cục bảo vệ người tiêu dùng và các điều tra viên trong Cục (có quyền thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh; kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh…). 2.3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần ghi nhận: tranh chấp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh là tranh chấp dân sự. Do vậy, về nguyên tắc, việc giải quyết tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định trình tự, thủ tụng khiếu nại của người tiêu dùng và lưu ý các vấn đề sau: - Quy định rõ thời hạn khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại. Trong thời gian người sản xuất, kinh doanh trả lời khiếu nại hoặc thời gian cơ quan bảo vệ người tiêu dùng điều tra theo đơn khiếu nại của người tiêu dùng thì không tính vào thời hiệu khởi kiện (để bảo đảm quyền khởi kiện của người tiêu dùng). - Khi quyền của người tiêu dùng bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể khởi kiện tại Toà án mà không cần trình tự khiếu nại. - Quy định hệ thống các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự (có thể dẫn chiếu) nhưng cần cụ thể, rõ ràng. 2.4. Quyền và nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng Để Luật Bảo vệ người tiêu dùng có tính thực tiễn, dễ áp dụng, cần quy định cụ thể (có thể dẫn chiếu) các quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng luật khung – nói khác hơn là các điều luật cần mang tính quy phạm – các chủ thể được quy định trong luật cần được biết mình có quyền làm gì và có nghĩa vụ không được làm gì cùng với chế tài cụ thể kèm theo. ————————————- [1] Chúng tôi chỉ nêu các văn bản dưới dạng Luật, Nghị quyết, Nghị định. Sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối. [2] Người đầu tiên nêu lên các quyền cơ bản của người tiêu dùng là Tổng thống Mỹ Jonh Kennedy năm 1962, bao gồm quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe ý kiến. [3] Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của Đức quy định: một quảng cáo bị coi là mang tính chất lừa dối, nếu 15% người tiêu dùng nhận thấy các khẩu hiệu tuyển truyền quảng cáo là không đúng sự thật [4] Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại… tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. [5] Luật mẫu về bảo vệ người tiêu dùng của CI kiến nghị thành lập Bộ, Cục bảo vệ người tiêu dùng. Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Thái Lan quy định thành lập ‘Hội đồng bảo vệ người tiêu dùng” đứng đầu là Thủ tướng; Luật Bảo vệ người tiêu dùng Singapor quy định Bộ Thương mại có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, Bộ trưởng cử một giám đốc bảo vệ người tiêu dùng đặc trách lĩnh vực này; Luật Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản quy định thành lập Hội đồng bảo vệ người tiêu dùng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng; Luật Bảo vệ người tiêu dùng ấn độ quy định thành lập Hội đồng bảo vệ người tiêu dùng do Bộ trưởng làm Chủ tịch… Nhìn chung, trong các nước có hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, vai trò, vị trí pháp lý của Tổ chức (cơ quan) bảo vệ người tiêu dùng rât lớn, tương đương cấp Cục ở Việt Nam trở lên.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật