PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2006 ĐẾN THÁNG 6 NĂM 2006

THS. CAO MINH NGHĨA 1. Tổng quan kết quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 đến tháng 06/2008: - Qua hai năm rưỡi triển khai thực hiện, Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đã góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tích cực, đúng theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đề ra; kinh tế thành phố tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng. GDP tiếp tục tăng trưởng cao: năm 2006, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố tăng 12,2% (bằng với mức tăng năm 2005 là 12,2%); năm 2007, GDP tăng 12,6% (cao hơn mức tăng cả 2 năm 2005, 2006 là 12,2%). Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua (năm 2004 tăng 11,7%, năm 2005 tăng 12,2%, năm 2006 tăng 12,2%). Trong đó, khu vực dịch vụ năm 2006 tăng 13,8% (cao hơn mức tăng năm 2005 là 12,8%); năm 2007 tăng 14,3% (cao hơn mức tăng năm 2006 là 13,8%). Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2006 tăng 10,5% (thấp hơn mức tăng năm 2005 là 11,8%); năm  2007 tăng 10,8% (cao hơn mức tăng năm 2006 là 10,5%). Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2006 tăng 5,6% (cao hơn mức tăng năm 2005 là 1,6%); năm 2007 tăng 5,1% (thấp hơn mức tăng năm 2006 là 5,6%). Trong 6 tháng đầu năm 2008, do những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới, kinh tế – xã hội thành phố gặp nhiều khó khăn thách thức mới như lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thị trường tài chính – ngân hàng diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh, giá xăng dầu, giá vàng tăng cao, tỷ giá USD biến động bất thường… đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại và chỉ đạt 10,5%; trong đó, khu vực dịch vụ tăng 10,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,3%, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%. - Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ; giảm dần tỷ trọng các ngành nông – lâm – ngư nghiệp để dần đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước, ngay cả trong điều kiện kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn như trong 6 tháng đầu năm 2008. Bên cạnh đó, nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học – kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Điều này chứng tỏ nền kinh tế thành phố đã chuyển dịch cơ cấu đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII. Cụ thể như:   + Khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP trên địa bàn thành phố và đã có sự chuyển biến tích cực tăng từ 51,3% năm 2006 (cao hơn tỷ trọng năm 2005 là 50,6% lên 52,3% năm 2007 (cao hơn tỷ trọng năm 2006 là 51,3%); 6 tháng đầu năm chiếm 49,8%. + Khu vực công nghiệp – xây dựng có xu hướng giảm nhẹ về tỷ trọng, năm 2006 chiếm 47,5% (thấp hơn tỷ trọng năm 2005 là 48,1%, năm 2007 giảm còn 46,4% (thấp hơn tỷ trọng năm 2006 là 47,5%); 6 tháng đầu năm 2008 chiếm 49%. Trong đó, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực chiếm tỷ trọng ngày càng lớn torng khu vực công nghiệp, tăng từ 56,5% vào năm 2006 lên 57,8% vào 6 tháng đầu năm 2008; tỷ trọng các ngành công nghiệp khác giảm từ 43,5% vào năm 2006 xuống còn 42,2% vào 6 tháng đầu năm 2008. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp thành phố đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền công nghiệp có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động sang nền công nghiệp hiện đại có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn. Một số ngành, sản phẩm như: nhựa, giấy, may mặc, dệt nhuộm… đã dần dần được chuyển dịch ra các tỉnh lân cận. + Khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản đã sút giảm về tỷ trọng, năm 2006 chiếm 1,2% (thấp hơn tỷ trọng năm 2005 là 1,3%), năm 2007 tăng lên 1,3% (cao hơn tỷ trọng năm 2006 là 1,2%); 6 tháng đầu năm 2008 chiếm 1,2%. 2. Kết quả đạt được trên từng ngành kinh tế: 2.1.  Ngành tài chính – ngân hàng: - Hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển ngày càng mạnh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 86 tổ chức tín dụng đang hoạt động (7 tổ chức tín dụng nhà nước, 16 ngân hàng thương mại cổ phần, 27 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 15 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 17 tổ chức tín dụng hợp tác). Nguồn huy động vốn qua ngân hàng năm 2007 đạt 487.028 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), tăng 70,6%; tổng dư nợ cho vay năm 2007 đạt 406.353 tỷ đồng, tăng 76,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2008, nguồn huy động vốn qua ngân hàng đạt 539.816 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2007; tổng dự nợ cho vay đạt 497.561 tỷ đồng, tăng 22,4%; tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng đạt 6.351 tỷ đồng, bằng 53,6% so với cả năm 2007. Nhiều ngân hàng từng bước hiện đại hóa và mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập thêm nhiều phòng giao dịch tại các quận huyện để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Hệ thống thẻ tín dụng trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, nhiều đơn vị đã thực hiện quản lý và trả lương cho nhân viên qua thẻ tín dụng. Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2007 được đánh giá đạt hiệu quả cao; tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ ở mức cho phép và chiếm tỷ trọng khoảng 1,4% so với tổng dư nợ. - Hệ thống tài chính phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, các loại quỹ đầu tư, tổ chức bảo hiểm… được đẩy mạnh phát triển; trong đó, phát triển mạnh nhất là thị trường chứng khoán với tổng số cổ phiếu niêm yết hiện tại là 130 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ. Tổng giá trị niêm yết toàn thị trường đạt 101.502 tỷ, trong đó: cổ phiếu đạt 35.509 tỷ, trái phiếu: 64.494 tỷ, chứng chỉ quỹ: 1.500 tỷ. Tổng giá trị giao dịch năm 2007 đạt 238.613 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so cùng kỳ; tổng khối lượng giao dịch cả năm đạt 2,3 tỷ chứng khoán gấp 2,3 lần năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2008, do ảnh hưởng của những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động đầu tư chứng khoán cũng đã có sự giảm sút mạnh, chỉ số VN-Index đã mất tổng cộng hơn 550 điểm, tương đương giảm hơn 60%. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán được xem là có tín hiệu lạc quan hơn khi nhiều chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ được thực hiện đồng bộ và có kết quả bước đầu. - Tính đến cuối tháng 6 năm 2008, thành phố đã quyết định thông qua chủ trương đầu tư 11 đợt kích cầu với 482 dự án với tổng vốn đầu tư là 14.637 tỷ đồng, trong đó phần vốn xin hỗ trợ lãi vay là 7.411 tỷ đồng. Đã ký 254 dự án hợp đồng tín dụng và đang giải ngân với giá trị hợp đồng là 3.543 tỷ đồng và số vốn đã giải ngân là 2.792 tỷ đồng (bằng 79% giá trị hợp đồng); đã thẩm định, cấp phát hỗ trợ lãi vay cho 353 doanh nghiệp với số tiền là 226,465 tỷ đồng; đã cấp bù lãi vay cho các dự án là 325 tỷ đồng. Đã giải ngân 10 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp từ Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 2.2. Ngành thương mại: - Về nội thương: năm 2006 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 131.978 tỉ đồng, tăng 22,6% so với năm 2005; năm 2007 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 167.934 tỉ đồng, tăng 27,2% so với năm 2006; 6 tháng đầu năm 2008, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 105.776 tỉ đồng, tăng 39,3% so cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn cũng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, hiện đại; đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, cả về số lượng mặt hàng lẫn chủng loại, chất lượng và các dịch vụ tiện ích; hệ thống chợ đầu mối bán buôn của thành phố đã dần được hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định, góp phần phát triển thành phố thành một đầu mối giao lưu thương mại của cả nước và khu vực. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tình hình thương mại nội địa trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, giá một số mặt hàng trọng yếu tăng cao đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng đến cuối tháng 06/2008 tăng 16,48% so với tháng 12/2007 (cùng kỳ tăng 8,9%) là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước; gây khó khăn cho đời sống người lao động và người có thu nhập thấp đã tác động ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố. - Về ngoại thương: hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều tiến bộ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao. + Kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) năm 2006 đạt 8,9 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm 2005; năm 2007 đạt 10,45 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2006. Nếu tính dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 18,31 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tuy chịu tác động từ nhiều yếu tố không thuận lợi, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp xuất khẩu không vay được vốn với hạn mức đã đăng ký vì ngân hàng không đảm bảo thanh khoản, sự biến động tỷ giá giữa USD và tiền đồng, lãi suất cho vay cao… nhưng xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đạt 11,77 tỷ USD tăng 39,4% so cùng kỳ, nếu không tính dầu thô là 6,49 tỷ USD tăng 34,1% so cùng kỳ. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có chuyển biến theo hướng nhóm sản phẩm công nghệ cao có khả năng đạt mức tăng trưởng đột phá – tăng 58,7% so với năm 2006 nhờ việc tăng cường thu hút đầu tư từ những tập đoàn công nghệ cao vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp của thành phố; gia tăng xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (nhóm thủ công mỹ nghệ, thủy sản, thực phẩm chế biến…). Cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự điều chỉnh theo hướng tích cực hơn, xuất khẩu sang tất cả các châu lục đều tăng: xuất sang châu Đại Dương có tốc độ tăng trưởng cao nhất: 61,2%, châu Mỹ: 23,9%, châu Phi: 19,7%, châu Âu: 16,2% và châu Á là 11,7% so với  năm 2006; giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhất định (thị trường châu Á) và đã thâm nhập được nhiều thị trường mới, có nhiều tiềm năng như Nam Phi, Úc, Newzeland… + Kim ngạch nhập khẩu năm 2006 đạt 13,92 tỷ USD; năm 2007 đạt 17,47 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2006; 6 tháng đầu năm 2008, đạt 14,3 tỷ USD, tăng 78,5% so cùng kỳ. Trong đó: nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu chiếm trên 93%, nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chiếm 7%. Qua đó cho thấy, cơ cấu nhập khẩu đã có sự chuyến biến: nhu cầu về máy móc, thiết bị, phụ tùng cho đầu tư mới và mở rộng sản xuất, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu ngày càng gia tăng để phục vụ cho quá trình đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; mặt khác, sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm phục vụ tiêu dùng. 2.3. Ngành du lịch: - Cơ sở vật chất ngành du lịch được đầu tư phát triển; thành phố đã tăng chi ngân sách cho xúc tiến thương mại và đầu tư, tổ chức các sự kiện du lịch, phối hợp giới thiệu hình ảnh du lịch thành phố như là một điểm đến an toàn, hấp dẫn, mở rộng liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như: xây dựng khách sạn cao cấp, trung tâm mua sắm, nâng cấp các địa điểm tham quan… tất cả những hoạt động trên đã góp phần làm cho du lịch thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. - Lượng khách quốc tế đến thành phố năm 2006 đạt 2.350.000 lượt người (tăng 18% so với năm 2005 và tăng 22% so với năm 2004); năm 2007 đạt 2.700.000 lượt người (tăng 14,8% so với năm 2006 và tăng 16,2% so với năm 2005). Doanh thu du lịch năm 2006 đạt 16.200 tỷ đồng (tăng 21,3% so với năm 2005 và tăng 22,4% so với năm 2004); năm 2007 đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 48% so với năm 2006 và tăng 34,1% so với năm 2005). Trong 6 tháng đầu năm 2008, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 1,487 triệu lượt, tăng 16% so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ. - Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành du lịch có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với quỹ quảng bá xúc tiến du lịch của thành phố thông qua những hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của thành phố. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện du lịch đã từng bước được nâng lên thông qua việc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành định hướng, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia rất tích cực. Xu hướng liên kết doanh nghiệp lữ hành trong ngành để tăng chất lượng phục vụ và sức cạnh tranh đang phát triển mạnh không chỉ giữa các doanh nghiệp lớn mà còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp du lịch còn chủ động bắt tay liên kết với các tập đoàn lớn có thương hiệu mạnh trên thế giới để hỗ trợ phát triển, khai thác thị trường hai bên, tạo nguồn khách ổn định. - Chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố cả nước đã được thực hiện tốt trong những năm qua. Tính đến cuối tháng 06 năm 2008, thành phố đã tiến hành hợp tác phát triển du lịch với 17 tỉnh, thành phố cả nước. Những hoạt động chính bao gồm: liên kết trong quảng bá xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch của các địa phương trên các chương trình du lịch của HTV, VTV và tham gia các lễ hội, sự kiện du lịch của các tỉnh, thành phố trong cả nước; liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch mới thu hút nhiều hơn nữa du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức các khóa học về du lịch như lớp Giám đốc lữ hành, lớp tiết kiệm năng lượng điện trong các khách sạn nhỏ và vừa, lớp đào tạo lễ tân khách sạn, lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch. 2.4. Ngành công nghiệp: - Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 13,5%  (thấp hơn mức tăng năm 2005 là 14,6%); năm 2007 tăng 13,6% (cao hơn mức tăng năm 2006 là 13,5%), 6 tháng đầu năm 2008 mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 13,4%. Tỷ trọng GDP ngành công nghiệp trong tổng GDP trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm dần, năm 2006 chiếm 42% (thấp hơn tỷ trọng năm 2005 là 43%); năm 2007 giảm còn 40,7% (thấp hơn tỷ trọng năm 2006 là 42%); riêng 6 tháng đầu năm 2008 có xu hướng tăng và đạt 44,4%. Năng suất lao động bình quân toàn ngành công nghiệp năm 2006 đạt 36,7 triệu đồng/người (tăng 7,9% so với năm 2005); năm 2007 đạt 41,4 triệu đồng/người (tăng 12,8% so với năm 2006). - Tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh có xu hướng tăng dần; tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động giảm dần và chuyển dịch về các tỉnh lân cận nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động có sẵn tại địa phương như: chế biến lương thực – thực phẩm, dệt may, da giày. - Qua hai năm rưỡi triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ trọng giá trị sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử – công nghệ thông tin và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng từ 56,5% vào năm 2006 lên 57,8% vào 6 tháng đầu năm 2008. Tỷ trọng các ngành công nghiệp khác giảm từ 43,5% vào năm 2006 xuống còn 42,2% vào 6 tháng đầu năm 2008. Cụ thể như: + Ngành cơ khí: năm 2006 chiếm 15,4%; năm 2007 tăng lên 16,6%; 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng lên 16,8% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (kế hoạch năm 2010: 20%). + Ngành hóa chất – nhựa – cao su: năm 2006 chiếm 20,2%; năm 2007 giảm còn 20%; 6 tháng đầu năm 2008 tăng lên 20,4% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (kế hoạch năm 2010: 20%). + Ngành điện tử – công nghệ thông tin: năm 2006 chiếm 3,4%; năm 2007 tăng lên 3,6%; 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục tăng lên 4,2% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (kế hoạch năm 2010: 7%). + Ngành chế biến tinh lương thực – thực phẩm: năm 2006 chiếm 17,5%; năm 2007 giảm còn 16,7%; 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục giảm còn 16,4% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp (kế hoạch năm 2010: 17%). + Ngành dệt – may: năm 2006 chiếm 13,3%; năm 2007 giảm còn 12,9%; 6 tháng đầu năm 2008 tiếp tục giảm còn 12,3% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. + Ngành da – giày: năm 2006 chiếm 6,6%; năm 2007 giảm còn 5,9%; 6 tháng đầu năm 2008 tăng lên 6,8% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. - Chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm di dời vào các khu, cụm công nghiệp đã đạt kết quả tốt. Tính đến cuối tháng 06 năm 2008, có 1.261 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã di dời trên tổng số 1.402 cơ sở sản xuất phải di dời, chiếm tỷ lệ 89,94%; đã có 107 dự án được hỗ trợ vốn cho công tác di dời với tổng vốn đầu tư là 5.932 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư xây lắp nhà xưởng là 1.769 tỷ đồng. Ngân sách thành phố đã chi 194 tỷ đồng cho 52 doanh nghiệp di dời, cấp 11 tỷ đồng cho Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận; đồng thời đã chuyển 28,5 tỷ đồng cho các quận, huyện để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng vốn di dời dưới 5 tỷ đồng; đã cấp bổ sung thêm 20 tỷ đồng cho Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố để thực hiện việc cho các doanh nghiệp vay không lãi để giải quyết ô nhiễm tại chỗ; đã cấp bù lãi vay 60 tỷ đồng cho các công ty đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu vốn, kết hợp giữa di dời và đầu tư mới trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo thống kê qua các dự án đầu tư được hưởng chính sách tài chính của các đơn vị thì tổng mức đầu tư khoảng 5.922 tỷ đồng, trong đó đầu tư đổi mới máy móc thiết bị trên 1.214 tỷ đồng. - Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu đã góp phần khẳng định vị thế của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của thành phố; trong 2 năm 2006-2007 ngân sách khoa học đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để triển khai 17 dự án thiết bị, công nghệ; đã chuyển giao thiết bị công nghệ cho 25 doanh nghiệp với giá bán chỉ bằng 30% – 70% giá nhập khẩu; kết quả nổi bật của chương trình này là Nhà nước đầu tư 1 đồng vốn thì doanh nghiệp và xã hội tiết kiệm được 20 đồng. - Công tác khảo sát trình độ công nghệ của các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố đã được hoàn thành. Kết quả khảo sát 19 doanh nghiệp thuộc các ngành cao su – nhựa, chế biến thực phẩm, điện tử – công nghệ thông tin, dệt – may… có 14 doanh nghiệp có trình độ công nghệ từ khá trở lên (chiếm 73,7%) và 5 doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình khá (chiếm 26,3%). - Chương trình hợp tác, liên kết phát triển ngành công nghiệp giữa TP.HCM với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được đẩy mạnh. Trong thời gian qua, Sở Công thương thành phố đã liên kết với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An xây dựng những khu công nghiệp dệt – may tập trung như khu công nghiệp Bình An (tỉnh Bình Dương) diện tích 26 ha; khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) diện tích 183 ha; khu công nghiệp Xuyên Á (tỉnh Long An) diện tích trên 20 ha; chuyển dần các xí nghiệp dệt – nhuộm về các khu, cụm công nghiệp trên. 2.5. Ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản: - Ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản thành phố cũng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ trọng GDP của ngành trong tổng GDP trên địa bàn thành phố năm 2006 đạt 1,2% (thấp hơn tỷ trọng năm 2005 là 1,3%); năm 2007 đạt 1,3% (cao hơn tỷ trọng năm 2006 là 1,2%). Bên cạnh đó, năm 2006 giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố tăng 13,9% (tăng mạnh so với mức tăng năm 2005 là 2,7%); năm 2007 tăng 5,8% (giảm mạnh so với mức tăng năm 2006 là 13,9%). Trong 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn thành phố vẫn tăng 5% (thấp hơn mức tăng năm 2007 là 5,8%). Tuy nhiên, tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng GDP giảm còn 1,2% (thấp hơn tỷ trọng năm 2007 là 1,3%). - Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng đã đem lại những kết quả thiết thực cho ngành nông nghiệp: + Về trồng trọt: đã giảm diện tích trồng lúa năng suất thấp, tăng diện tích trồng hoa, rau an toàn, cỏ chăn nuôi, cây công nghiệp hàng năm dẫn đến giá trị xản xuất của trồng trọt tăng đáng kể. + Về chăn nuôi: đã tập trung đẩy mạnh hoạt động nuôi các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu lớn như: cá sấu đạt 130.000 con, giá trị xuất khẩu đạt gần 1 triệu USD; cá cảnh đạt 45 triệu con, đến nay đã xuất khẩu được gần 3,8 triệu con với tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,65 triệu USD; diện tích nuôi trồng thủy sản cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ… Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã sản xuất 25 triệu con cá cảnh, đàn cá sấu đạt 151.000 con, xuất khẩu trên 7.400 con cá sấu. - Chương trình giống cây, giống con chất lượng cao ngày càng đạt hiệu quả cao hơn; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, công nghệ sinh học trong sản xuất giống nhằm tạo ra giống có năng suất, chất lượng cao, ít sâu bệnh, vừa tạo giống mới, vừa giữ gìn giống gốc, giống địa phương. Đa dạng hóa giống cây trồng vật nuôi, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống có xác nhận trong sản xuất; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành giống; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, khuyến khích ưu đãi đầu tư tạo ra các cơ sở nhân giống. - Chương trình hỗ trợ cho vay vốn để thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Trong năm 2006, thành phố đã có 96 đề án vay vốn được phê duyệt, với tổng số hộ vay là 1.224 hộ, tổng vốn đầu tư là 110,53 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là  69,79 tỷ đồng. Trong năm 2007, thành phố đã có 393 đề án vay vốn được phê duyệt, với tổng số hộ vay là 5.383 hộ, tổng vốn đầu tư là 608,95 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là  364,12 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã có 99 dự án vay vốn được phê duyệt, với tổng số hộ vay là 1.279 hộ, tổng vốn đầu tư là 174,71 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 105,94 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thực hiện Chương trình đến nay, tổng số phương án được phê duyệt là: 588 phương án với tổng số hộ vay: 8.506 hộ; tổng vốn đầu tư: 989,35 tỷ đồng; tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất: 592,38 tỷ đồng. - Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành được tăng cường đầu tư, điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao thông qua việc hỗ trợ cho các quận – huyện đầu tư duy tu bảo dưỡng, gia cố, nâng cấp các công trình phòng chống ngập, triều cường, khắc phục hậu quả bể bờ bao, đê bao; triển khai một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND ngày 5/7/2007) như miễn giảm thu thủy lợi phí, miễn thu quĩ phòng chống lụt bão đối với một số đối tượng nông dân, công dân khu vực ngoại thành; tăng mức ngân sách hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình vệ sinh môi trường nông thôn (nhà vệ sinh, hầm biogas); triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố. 3. Đánh giá chung: 3.1. Những thành tựu: - Xác định Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình mang tính tổng hợp; để thực hiện có hiệu quả phải có sự giúp đỡ của các Bộ ngành Trung ương, trong chương trình cạnh tranh quốc gia, trong quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế vùng và sự hỗ trợ của các địa phương trong khu vực; phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và nhất là phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án thực hiện trên từng lĩnh vực cụ thể. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố đã khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị và ban hành cơ chế chính sách phát triển các ngành, các lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi để tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh; quan tâm chỉ đạo sát sao tiến độ triển khai công việc của các Sở – ngành và giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. - Thành phố đã chủ động nắm bắt và nhanh chóng tận dụng thời cơ khi Việt Nam gia nhập WTO, xây dựng ngay Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, nghiên cứu điều chỉnh các quy định có liên quan cho phù hợp với cam kết WTO… đã tạo môi trường thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, đẩy nhanh tiến trình chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy nhanh tiến trình phát triển trong lĩnh vực tài chính – tín dụng, thương mại… - Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành; tập trung quy hoạch và triển khai các dự án giao thông kết nối giữ các khu công nghiệp với các cảng biển, cảng sông; tập trung đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề đáp ứng cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. - Các chương trình, công trình trọng điểm Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII đã triển khai thực hiện trước đây như 12 chương trình công trình trọng điểm, chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm, chương trình kích cầu thông qua đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập… đã phát huy tác dụng tích cực đến việc phát triển kinh tế thành phố theo đúng định hướng. - Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận – huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, đơn vị mình và đã đạt được những kết quả tích cực. 3.2. Những tồn tại: - Việc ban hành một số đề án cụ thể của Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2006-2010 còn chậm về tiến độ so với yêu cầu. - Công tác cải cách thủ tục hành chính tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn rườm rà, thiếu đồng bộ, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và thủ tục cấp phép xây dựng. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn như: quản lý hạ tầng, quản lý quy hoạch, quản lý nhà nước về hợp tác xã (vướng mắc về nhà, đất mà nhà nước giao cho hợp tác xã làm trụ sở, cơ sở sản xuất; vấn đề trích khấu hao tài sản cố định được xây dựng trước khi chuyển đổi…); công tác quản lý nhà nước về chợ (tình hình thực hiện thu phí chợ vẫn còn chưa thống nhất). - Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị mặc dù được tập trung đầu tư từ ngân sách với tỷ trọng cao, nhưng vẫn thường xuyên quá tải và bất cập, không đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của thành phố; tình trạng ùn tắc giao thông và ngập nước ngày càng nhiều hơn làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn. - Số lượng doanh nghiệp tuy tăng nhanh, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ sức để cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều lúng túng trong chuyển đổi mô hình hoạt động, dẫn đến hiệu quả chưa cao. - Giá nguyên nhiên vật liệu biến động lớn làm chi phí sản xuất – kinh doanh tăng cao thêm, trong khi năng suất lao động còn thấp, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, nguồn cung lao động có tay nghề, thậm chí lao động chưa qua đào tạo còn thiếu làm các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức gay gắt của tiến trình cạnh tranh và hội nhập.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật