PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁT SINH

TS. LÊ VŨ NAM – Chủ nhiệm Ngành Luật Tài chính – Ngân hàng – Chứng khoán, Khoa Kinh tế ĐHQG TP. HCM. LÊ HÀ DIỄM CHÂU – Học viên Cao học Đại học Luật TP. HCM. Dẫn nhập Trong nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nội hàm của quyền này bao gồm: quyền được lựa chọn lĩnh vực ngành nghề, quy mô và phạm vi kinh doanh; quyền lựa chọn sản phẩm hàng hoá dịch vụ để sản xuất, cung ứng; quyền lựa chọn phương thức huy động vốn, lựa chọn đối tác trong kinh doanh…Tuy nhiên, đi kèm với quyền tự chủ rộng rãi trong kinh doanh là nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ và độc lập thực hiện các nghĩa vụ tài sản phát sinh như nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ thanh toán nợ. Quyền tự chủ trong kinh doanh một mặt tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển, mặt khác cũng là một thách thức lớn. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường làm cho không ít doanh nghiệp phải điêu đứng, thua lỗ triền miên dẫn đến nguy cơ đối diện với phá sản. Như vậy, phá sản là một hệ quả tất yếu của một doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả kéo dài, là quá trình sàng lọc tự nhiên mang tính quy luật trong nền kinh tế thị trường. Qua đó, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không hiệu quả góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế. Thời gian gần đây, phá sản trở nên là một đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt, sau khi Ngân hàng Maritime Bank (MB) Chi nhánh Cộng hoà đã gửi công văn vào ngày 29/07/2008 yêu cầu CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) hiện đang có cổ phiếu đang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày ra công văn phải có kế hoạch thu xếp trả nợ cho Ngân hàng. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng này sẽ xem xét khởi kiện BBT ra tòa để phát mãi tài sản của BBT. Khi nào thì một doanh nghiệp bị xem là đã lâm vào tình trạng phá sản? Về mặt ngữ nghĩa, từ “phá sản” bắt nguồn từ chữ “ruin” trong tiếng La – tinh để chỉ tình trạng mất cân đối giữa thu và chi của một doanh nghiệp mà biểu hiện trực tiếp là không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Tại Việt Nam, từ lâu người dân đã dùng những từ như “vỡ nợ” hay “khánh tận” để chỉ tình trạng phá sản của một cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Pháp Luật về phá sản của các nước khác nhau quy định những tiêu chí khác nhau về điều kiện cũng như thời điểm xác định tình trạng phá sản của một doanh nghiệp. Việc xác định thời điểm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có ý nghĩa quan trọng. Tùy thuộc vào quy định về điều kiện và thời điểm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong pháp luật phá sản của mỗi quốc gia mà sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình phá sản sớm hay muộn, lập trường của Nhà nước nghiêng về bảo vệ lợi ích của ai nhiều hơn: chủ nợ hay con nơ[1].   Nghiên cứu pháp luật nhiều nước cho thấy, có hai loại tiêu chí để xác định thời điểm này: định lượngđịnh tính. Kinh nghiệm của một số nước khi xây dựng khái niệm phá sản theo trường phái định lượng thì thường có quy định về số nợ cụ thể, về thời hạn trễ hạn thanh toán nợ từ phía doanh nghiệp mắc nợ sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ. Ví dụ như Luật Phá sản của Liên bang Nga quy định số nợ không thấp hơn 100.000 rúp với chủ nợ là pháp nhân và 10.000 rúp với chủ nợ là cá nhân. Theo Luật Công ty của Úc chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định bắt đầu thủ tục thanh toán tài sản của một công ty vì lý do vỡ nợ nếu công ty đó có một khoản nợ đến hạn ít nhất là 2000 AUD và công ty không chứng minh được khả năng trả khoản nợ đến hạn đó[2]. Trong Luật phá sản doanh nghiệp Việt Nam năm 1993 khái niệm này được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa hai tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Tính định lượng thể hiện ở quy định về việc chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nếu con nợ không trả nợ sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày đòi nợ, quy định về thời hạn 3 tháng nợ lương liên tiếp với người lao động. Tính định tính còn thể hiện ở quy định về những tài liệu cần thiết mà con nợ phải gửi cho Tòa án sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản để Tòa án đánh giá tổng số nợ và tổng tài sản của con nợ như danh sách chủ nợ kèm theo số nợ, báo cáo về tình trạng tài chính, tài sản và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp mắc nợ… Khái niệm phá sản trong Luật phá sản năm 1993 còn gắn với lý do khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh hoặc lý do bất khả kháng. Với việc đưa ra khái niệm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản khá “cầu toàn” như vậy đã gây không ít khó khăn cho các chủ nợ trong việc chứng minh tình trạng thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mắc nợ. Vì chủ nợ chỉ có thể chứng minh là con nợ đã trễ hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, còn vì sao con nợ trễ hạn thanh toán – không trả nợ thì chủ nợ có thể không biết mà cũng không cần biết. Những thông tin này thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mắc nợ và chỉ có thể xác định trên cơ sở sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn ngoài khả năng của chủ nợ. Chính vì vậy, mà hơn 10 năm thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp có rất ít các trường doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Theo số liệu đã được công bố thì đến cuối năm 2003, toàn ngành Tòa án thụ lý 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong số đó tuyên bố được 46 doanh nghiệp bị phá sản[3]. Hạn chế nêu trên đã được khắc phục bằng Luật phá sản năm 2004 và hiện vẫn đang có hiệu lực. Tại Điều 3 của Luật này quy định: “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Như vậy, để bị xem là lâm vào tình trạng phá sản, doanh nghiệp phải đồng thời hội đủ hai điều kiện cơ bản: điều kiện cần là mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và điều kiện đủ là khi chủ nợ chính thức yêu cầu. Điều đó có nghĩa, bất luận giá trị của khoản nợ là bao nhiêu miễn là khi đã đến hạn và chủ nợ đã chính thức yêu cầu mà doanh nghiệp không trả được khoản nợ đó. Theo Luật phá sản năm 2004 thì chỉ có các đối tượng sau đây mới có quyền nợp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là: người lao động, các chủ nợ, các chủ sở hữu (cổ đông trong công ty cổ phần, thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh , xã viên trong hợp tác xã) và bản thân các doanh nghiệp mắc nợ (đây cũng chính nghĩa vụ của họ). Cần chú ý rằng, không phải chủ nợ nào cũng có quyền nộp đơn. Theo khoản 1, Điều 13, Luật phá sản năm 2004 thì chỉ có các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mà họ là chủ nợ. Đối chiếu với trường hợp của BBT thì mặc dù công ty đang gặp khó khăn, thua lỗ và có nguy cơ mất khả năng thanh toán nhưng vẫn chưa lâm vào tình trạng phá sản vì chưa có ai trong số các chủ nợ chưa có đảm bảo hoặc đảm bảo một phần chính thức đòi nợ. Sự kiện Maritime Bank MB gửi công văn như trên là một hành vi đòi nợ thông thường của chủ nợ có đảm bảo toàn bộ vì theo công văn này, tổng số nợ quá hạn của BBT đối với ngân hàng là 21,4 tỷ đồng, trong đó chỉ có 6,4 tỷ đồng là quá hạn được thế chấp bởi toàn bộ đất đai, máy móc, nhà xưởng của BBT tại Khu công nghiệp Vĩnh lộc. Còn việc MB “dọa” sẽ kiện BBT ra tòa chỉ là thủ tục pháp lý cần thiết để thu hồi nợ. Bởi vì pháp luật hiện hành chưa cho phép chủ nợ được chủ động xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi đến hạn mà con nợ không thanh toán gốc và lãi mà phải thông qua thủ tục xét xử tại tòa án để thu hồi nợ. Thông thường quá trình này khá phức tạp và kéo dài Phá sản là một thủ tục đòi nợ đặc biệt do tòa án thụ lý giải quyết Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản sẽ phải đối diện với thủ tục tuyên bố phá sản. Không như những vụ kiện đòi nợ tài sản trong lĩnh vực dân sự hay kinh tế, phá sản là một hiện tượng kinh tế – xã hội phức tạp, kéo theo nhiều hệ quả xấu ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các chủ nợ, bản thân doanh nghiệp mắc nợ cũng như lợi ích người lao động và toàn bộ xã hội nói chung. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, đảm bảo tính công bằng và trật tự, kỷ cương xã hội thì quá trình giải quyết vụ phá sản doanh nghiệp phải do tòa án đảm nhiệm. Khoản 2, Điều 7, Luật phá sản năm 2004 quy định: Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó. Có thể nói quá trình phá sản một doanh nghiệp là một quá trình phức tạp và kéo dài. Thủ tục phá sản chính thức bắt đầu khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản nếu có căn cứ chứng minh doanh nghiệp thực sự đã lâm vào tình trạng phá sản. Quyết định sẽ được gửi cho các chủ nợ và các đối tượng khác có liên quan và được đăng báo theo quy định. Trong quyết định mở thủ tục phá sản tòa án chỉ định thẩm phán phụ trách vụ phá sản. Đồng thời với quyết định mở thủ tục phá sản, tòa án cũng ra quyết định thành lập tổ quản lý và thanh lý tài sản có nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 10, Luật phá sản năm 2004. Không phải vụ giải quyết phá sản nào cũng dẫn đến hậu quả thanh lý tài sản và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Việc thanh lý tài sản được tiến hành theo quyết định của Hội nghị chủ nợ hoặc khi Hội nghị chủ nợ không thông qua được phương án phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc kết thúc thời hạn phục hồi sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp vẫn không cải thiện được tình trạng phá sản của mình. Theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 37 của Luật phá sản 2004 thì việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: – Phí phá sản; – Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; – Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về các chủ sở hữu. Nếu là công ty cổ phần thì thuộc về các cổ đông tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Sau khi thanh lý xong tài sản, toà án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản và sau đó là quá trình công bố quyết định tuyên bố phá sản và xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Các giải pháp cần thiết áp dụng đối với doanh nghiệp niêm yết lâm vào tình trạng phá sản Phá sản một doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế xã hội nhất định cần phải được hạn chế và ngăn chặn đến mức tối đa. Nói cách khác, phá sản phải được xem là lựa chọn cuối cùng và duy nhất đối với daonh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Hậu quả rõ nét nhất khi một doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là người lao động mất việc làm, các chủ nợ có nguy cơ không thu hồi hết phần nợ của mình còn các chủ sở hữu, các cổ đông phải đối diện với nguy cơ “trắng tay” do họ là đối tượng được thanh lý tài sản sau cùng. Chính vì vậy, việc cùng nhau tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động, các chủ nợ và chủ sở hữu. Các giải pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng để có thể thoát khỏi tình trạng phá sản rất đa dạng nhưng quan trọng nhất có thể là: thương lượng với các chủ nợ về việc cơ cấu lại các khoản nợ, huy động thêm vốn, bán lại các khoản nợ cho các công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng… Trong các giải pháp vừa kể trên, giải pháp huy động thêm vốn là căn cơ nhất. Con đường tiếp cận nguồn vốn phổ biến nhất đối với doanh nghiệp niêm yết là là đi vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu hoặc huy động thêm vốn góp từ các tổ chức cá nhân khác thông qua hình thức chào bán cổ phiếu bổ sung. Có thể nói, khi một doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản thì khó có ngân hàng nào dám cho vay vì rủi ro không thu hồi được vốn gốc và lãi suất là rất lớn, còn phát hành trái phiếu thì cũng rất khó tìm được nhà đầu tư nào mua. Cho nên, giải pháp phát hành cổ phiếu bổ sung là tối ưu nhất. Quay lại trường hợp của BBT, về phía ban lãnh đạo công ty và nhiều cổ đông đã nhận ra sự cần thiết của việc huy động thêm vốn thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, kế hoạch phát hành 8,16 triệu cổ phiếu bổ sung để phân phối cho cổ đông chiến lược thông qua thủ tục chào bán riêng lẻ qua đó tăng vốn điều lệ của công ty lên 150 tỷ đồng đã không được Đại hội đồng cổ đông thông qua do cổ đông đại diện 30% vốn nhà nước biểu quyết phản đối. Một trong những lý do chính được cổ đông này đưa ra là không tin tưởng vào ban lãnh đạo công ty cũng như số liệu có liên quan đến tình hình hoạt động của công ty nữa, thời điểm phát hành không thích hợp. Tất nhiên, không thể phủ nhận trách nhiệm của ban lãnh đạo BBT qua các thời kỳ đối với tình trạng mà công ty đang gặp phải, về số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính đã công bố. Việc đó sẽ có cơ chế cụ thể để làm rõ để xác định trách nhiệm của từng vị lãnh đạo hoặc thông qua thủ tục tố tụng cổ đông có thể kiện ra tòa án để yêu cầu vị lãnh đạo nào gây thiệt hại cho công ty thì phải bồi thường. Nhưng ở đây cần phải đặt lợi ích công ty lên trên hết, vì nếu không huy động được thêm vốn thì khả năng đối diện với thủ tục phá sản của BBT sẽ rất cao. Và khi đó, như đã phân tích ở trên, chính các cổ đông của công ty, bao gồm cả cổ đông nhà nước phải gánh chịu rủi ro lớn nhất. Thay lời kết Mặc dù phá sản một doanh nghiệp kéo theo những hậu quả nhất định, song sự tác động của phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng có ý nghĩa tiêu cực. Xét về mặt kinh tế, bản thân hiện tượng phá sản là một giải pháp hữu hiệu để “cơ cấu lại” nền kinh tế, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Phá sản doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, xét trên nhiều khía cạnh cũng mang lại những ý nghĩa tích cực nhất định. Về phía thị trường, phá sản một doanh nghiệp niêm yết là loại bỏ một cổ phiếu kém chất lượng, góp phần bảo vệ nhà đầu tư và giúp thị trường hoạt động minh bạch và đúng pháp luật hơn. Về phía nhà đầu tư, phá sản doanh nghiệp niêm yết sẽ là một hồi chuông cảnh báo giúp họ cẩn thận hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư, từng bước hạn chế thói quen đầu tư theo phong trào, số đông. Về phía cơ quan quản lý cũng sẽ rút ra những bài học và kinh nghiệm nhất định trong việc giám sát, kiểm tra và quản lý doanh nghiệp niêm yết nhằm phát hiện kịp thời các doanh nghiệp yếu kém, vi phạm công bố thông tin để có biện pháp xử lý đủ mạnh mang tính răn đe. Ngoài ra, vấn đề phá sản doanh nghiệp niêm yết còn đặt ra nhiệm vụ cho các nhà lập pháp hoàn thiện hơn pháp luật về chứng khoán và TTCK. Điều đó trở nên hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi pháp luật về chứng khoán và TTCK chưa có quy định cụ hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý trường hợp một doanh nghiệp niêm yết bị tòa án tuyên bố phá sản để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hạn chế tối đa những tác xấu đến thị trường nói chung.  
[1] TS. Nguyễn Thái Phúc, Luật phá sản năm 2004 – những tiến bộ và hạn chế, Tạp chí khoa học pháp lý, 3/2004. [2] Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Một số định hướng hoàn thiện pháp luật phá sản, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 3/2004. 3 Phạm Xuân Thọ, Mười năm thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp – thực hiễn tại thành phố hồ Chí Minh và phương hướng hoàn thiện, xem Website: www.tand.hochiminhcity.gov.vn.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật