Về đối tượng nộp thuế TNDN. – Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 thì các đối tượng là cá nhân và hộ gia đình sẽ chuyển sang nộp thuế thu nhập cá nhân từ ngày 01/01/2009. Vì vậy, đối tượng nộp thuế TNDN theo Luật mới chỉ còn bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thu nhập.
2. Về thu nhập chịu thuế:
Luật hiện hành quy định thu nhập chịu thuế là phù hợp với thực tiễn tại thời điểm ban hành nhưng trước diễn biến thực tế của đời sống xã hội thì một số quy định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi như sau:
- Về thu nhập chịu thuế từ thu nhập chuyển quyền sử dụng đất chuyển quyền thuê đất: Hiện nay Luật quy định thu nhập chịu thuế từ thu nhập chuyển quyền sử dụng đất ngoài việc nộp thuế theo thuế suất 25% còn phải nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 0% đến 25% theo tỷ suất thu nhập còn lại trên chi phí. Là do: trước đây, các doanh nghiệp được giao đất để kinh doanh nhà, cơ sở hạ tầng theo giá thấp nhưng giá bán nhà, cơ sở hạ tầng cùng với việc chuyển quyền sử dụng đất theo giá thị trường nên có lợi nhuận siêu ngạch , việc nộp thuế như vậy là hợp lý. Nhưng từ năm 2005, khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực, các trường hợp được giao đất để kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo giá đất sát giá thị trường, đồng thời nghiêm cấm việc phân lô, bán nền, chuyển nhượng đất thô để xây nhà ở nên doanh nghiệp không còn lợi nhuận siêu ngạch từ chuyển quyền sử dụng đất. Mặt khác, hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm cả việc bán nhà, tài sản gắn với việc chuyển quyền sử dụng đất nên khó có thể xác định riêng thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất với thu nhập từ bán tài sản trên đất.
Vì vậy, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi bỏ quy định thu bổ sung đối với chuyển quyền sử dụng đất mà áp dụng chính sách thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả chuyển nhượng đất và tài sản trên đất). Tuy nhiên , doanh nghiệp phải kê khai riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản để nộp thuế theo thuế suất chung (25%); nhưng nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư thì khoản thu nhập này không được ưu đãi thuế và nếu có lỗ thì chỉ được bù trừ với lãi từ hoạt động này trong 5 năm tiếp theo mà không được bù trừ với lãi từ các hoạt động kinh doanh khác.
3. Về thu nhập được miễn thuế
Đây là một quy định mới của Luật thuế (điều 4), vì quy định hiện hành chỉ có đối tượng không chịu thuế thu nhập hoặc miễn giảm thuế TNDN, không có quy định “Thu nhập miễn thuế”
Theo Luật thuế TNDN mới:
- Chuyển đối tượng không thuộc diện nộp thuế TNDN vào thu nhập được miễn thuế: thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
- Chuyển một số trường hợp được miễn thuế TNDN trước đây vào thu nhập được miễn thuế:
+ Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
+ Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
+ Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
- Chuyển thu nhập từ góp vốn liên doanh liên kết trong nước sau khi nộp thuế TNDN không phải nộp thuế thu nhập sang thu nhập miễn thuế.
- Bổ sung thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho lao động là người sau cai nghiện, người nhiễm HIV vào thu nhập được miễn thuế.
- Bổ sung khoản thu nhập là tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam vào thu nhập được miễn thuế.
4. Thu nhập tính thuế: đây là một khái niệm mới:
- Quy định cũ: căn cứ tính thuế là thu nhập chịu thuế và thuế suất. Thu nhập chịu thuế bằng (-) doanh thu trừ (-) chi phí hợp lý cộng (+) thu nhập khác
- Quy định mới : căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế và thuế suất Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
Thu nhập chịu thuế bằng (=) doanh thu trừ (-) các khoản chi phí được trừ của các hoạt động kinh doanh cộng (+) thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở nước ngoài.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.
5. Về chi phí:
5.1. Về điếu kiện để khoản chi được trừ và các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tại Luật thuế TNDN mới không quy định cụ thể các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế mà chỉ quy định điều kiên để xác định khoản chi được trừ và liệt kê cụ thể các khoản chi không được trừ. Theo cách này thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng điều kiện quy định và không nằm trong những khoản chi không được trừ (có liệt kê cụ thể) khi xác định thu nhập chịu thuế.
* Điều kiên xác đinh các khoản chi được trừ: các khoản chi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Các khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tổ chức có thu nhập không chia, ngoài việc được trừ các khoản chi phí liên quan đến hoạt động kinh tế tạo ra thu nhập, những tổ chức này còn được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế những khoản chi cho các hoạt động từ thiện, xã hội theo mục tiêu, tôn chỉ.
5.2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, gồm 14 khoản:
- Khoản chi khống đáp ứng đủ các điều kiện quy định, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;
- Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;
- Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;
- phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định;
- Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;
- Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt định mức tiêu hao do doanh nghiệp xây dựng, thông báo cho cơ quan thuế và giá thực tế xuất kho;
- Phần chi trả tiền lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 1 50% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
- Trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật;
- Khoản trích rước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;
- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
- Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;
- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra;
- Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật.
5.3. Về tỷ lệ giới hạn tối đa 10% đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, tiếp khách, môi giới trong chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế có gì thay đổi ?
Luật hiện hành quy định tỷ lệ giới hạn 10% đối với các khoản chi này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp có quy mô chủ yếu là vừa nhỏ trong cạnh tranh đồng thời hạn chế việc lợi dụng chi không đúng mục đích. Khi xây dựng Luật sửa đổi, một số ý kiến đề nghị, không quy định mức khống chế chi cho hoạt động quảng cáo hoặc quy định ở mức cao hơn so với hiện hành: khoảng từ 15% đến 20% trên chi phí, không phân biệt quy mô doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay việc còn quy định mức chi tối đa cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, môi giới… được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh là cần thiết vì: Thứ nhất, quy định này có ý nghĩa bảo hộ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình cạnh tranh; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Nếu không quy định khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo thì sẽ gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, qua khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chi các khoản này không quá 3% (xi măng, thép, dệt may…), doanh nghiệp dịch vụ không quá 5% (vận tải, viễn thông…). Thứ ba, việc giới hạn này là một biện pháp cần thiết, nhằm ngăn ngừa khả năng lợi dụng pháp luật khai khống các khoản chi hoặc chuyển từ nội dung chi này sang nội dung chi khác để hợp thức hoá các khoản chi không đúng pháp luật, trốn thuế mà trên thực tế đã xảy ra.
Tuy nhiên, một mặt để tránh các phức tạp khi phân định quy mô doanh nghiệp (giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp có quy mô lớn); mặt khác, để bảo đảm bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu , Luật sửa đổi quy định điều chỉnh nâng tỷ lệ khống chế đối với doanh nghiệp mới thành lập trong một thời gian. Cụ thể nội dung này như sau:
- Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra;
5.4. So sánh với Luật thuế hiện hành, các khoản chi phí được trừ khi xác
định thu nhập chịu thuế có một số khác biệt như sau:
- Về chi phí nguyên, nhiên vật liệu: doanh nghiệp xây dựng định mức tiêu hao nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế (quy định hiện hành không phải thông báo).
- Về chi phí tiền ăn giữa ca, tiền chi trang phục:
+ Quy định hiện hành: theo mức khống chế: tiền ăn giữa ca là tiền lương tối thiểu của CBCNV, tiền trang phục tối đa 1.000.000 đ.
+ Quy định tại Luật: bỏ mức khống chế, tính theo thực tế
- Về chi lãi tiền vay vốn SXKD của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế:
+ Quy định hiện hành: không vượt quá 1,2 lần.
+ Quy định của Luật thuế: không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
- Bổ sung mới: chi tài trợ cho y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo: được tính vào chi phí.
- Bổ sung sửa đổi tỷ lệ tối đa được tính vào chi phí đối với khoản mục chi phí khác.
+ Quy định hiện hành: các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới,… được trừ tối đa 10% trên tổng chi phí .
+ Quy định của Luật thuế : được trừ tối đa 10% trên tổng chi phí không bao gồm các khoản chi này. Đối với doanh nghiệp thành lập mới, tối đa là 15% trong 3 năm đầu kể từ khi được thành lập.
6. Về thuế suất:
Quy định Luật mới:
- Mức thuế suất chung 25 % .
- Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác thuế suất tối thiểu 32% (từ 32% đến 50%) phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
- Bỏ quy định thu bổ sung theo biểu lũy tiến đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất mà áp dụng chính sách thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả chuyển nhượng đất và tài sản trên đất) theo hướng: kê khai riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản để nộp thuế theo thuế suất chung (25%); nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản không được ưu đãi thuế và nếu có lỗ thì chỉ được bù trừ với lãi từ hoạt động này trong 5 năm tiếp theo mà không được bù trừ với lãi từ các hoạt động kinh doanh khác.
7. Về nơi nộp thuế:
- Quy định hiện hành: nộp nơi có trụ sở chính.
- Quy định của Luật: doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính thì số thuế được tính nộp theo tỷ lệ chi phí giữa nơi có cơ sở sản xuất và nơi có trụ sở chính.
7.1. Ưu đãi về thuế suất :
- Hiện hành áp dụng 3 mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15 % và 20%.
- Theo Luật mới chỉ còn hai mức thuế suất ưu đãi là 10% và 20%, như vậy bỏ mức 15%, đồng thời thu hẹp diện ưu đãi để được hưởng các mức 10% và 20% . Cụ thể :
a. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm.
Như vậy so với quy định cũ thì không còn áp dụng thuế suất 10% đối với cơ sở mới thành lập từ ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (26 ngành nghề) mà chỉ thu gọn áp dụng vào một số lĩnh vực công nghệ cao, Khu công nghiệp, phát triển hạ tầng đặc biệt quan trọng.
b. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được áp dựng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động.
c. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được áp dụng thuế suất 20% trong thời gian 10 năm. Như vậy so với quy định cũ đối tượng áp dụng thuế suất 20% thu hẹp, không còn áp dụng đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
d. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng
thuế suất 20%.
Quy định cũ thì tất cả HTX đều được áp dụng thuế suất 20%, nay chỉ còn HTX Nhà nước và Quỹ tín dụng.
e. Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm, nhưng thời gian kéo dài thêm không quá thời hạn quy định (15 năm, 10 năm).
Như vậy, bỏ ưu đãi thuế suất đối với doanh nghiệp mới thành lập trong Khu công nghiệp và một số ngành thuộc danh mục lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.
7.2. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi:
Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu như quy định hiện hành.
8. Ưu đãi miễn giảm thuế:
a. Quy định hiện hành có 5 trường hợp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế (cơ sở sản xuất mới, đầu tư mở rộng…), trong từng trường hợp lại chia ra nhiều mức với điều kiện đáp ứng khác nhau mức miễn giảm khác nhau. Ví dụ cơ sở sản xuất mới thành lập: miễn 2 năm, giảm 2 năm; cơ sở sản xuất mới nhưng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư miễn 2 năm, giảm 3 năm; cơ sở sản xuất mới nhưng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư miễn 4 năm, giảm 9 năm…
b. Quy định mới, các trường hợp được miễn thuế thu hẹp, chỉ còn hai trường hợp nhưng thu hẹp danh mục địa bàn và ngành nghề, chỉ ưu tiên ngành nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể:
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.
Như vậy bỏ ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: doanh nghiệp mới thành lập trong Khu công nghiệp và một số ngành thuộc danh mục lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP; doanh nghiệp sản xuất mới thành lập; doanh nghiệp di chuyển địa điểm ra.khỏi đô thị theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; dự án đầu tư mở rộng.
- Không áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với:
+ Thu nhập khác – thay đổi so với quy định hiện hành. Thuế TNDN = TNCT (trong đó có thu nhập khác) nên miễn giảm thuế bao gồm cả thu
+ Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác.
+ Thu nhập từ hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, cá cược theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế:
Được tính liên tục kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Đây là quy định mới, năm thứ tư nếu vẫn lỗ, không có thuế TNDN nhưng vẫn tính là năm đầu được miễn giảm.
Theo cách tính về thời gian miễn giảm thuế quy định tại Luật thuế mới thì sẽ có các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp thành lập từ ngày 01/01/2009 thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
- Doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2009 nhưng đến ngày 01/01/2009 phát sinh lỗ trên 3 năm thì thời gian miễn giảm thuế tính từ năm 2009.
- Tính đến ngày 01/01/2009 doanh nghiệp phát sinh lỗ dưới 3 năm thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư có doanh thu.
9. Chuyển lỗ:
Doanh nghiệp có lỗ được chuyển số lỗ sang năm sau và được trừ vào thu nhập tính thuế, thời gian không quá 5 năm kể từ năm phát sinh lỗ.
- Lỗ từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản chỉ được trừ vào thu nhập của hoạt động bất động sản.
10. Trích lập Quỹ phát triển và khoa học của công nghiệp:
Bổ sung quy định: hàng năm doanh nghiệp được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70%, hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp lại vào NSNN phần thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích Quỹ và phần lãi phát sinh từ khoản thu nhập đó.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"