THÀNH NAM
Bộ Luật Lao động năm 1994 quy định “Các loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hoặc tự nguyện được áp dụng đối với từng loại đối tượng và từng loại doanh nghiệp để bảo đảm cho người lao động được hưởng các chế độ BHXH thích hợp”.
Điều khoản này không sửa đổi trong Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002. Việc tính BHXH vào lương cho người lao động cũng đã được Bộ LĐ, TB và XH hướng dẫn tại Quyết định số 207/LĐTB-QĐ ngày 2.4.1993 của Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH. Mục hướng dẫn ghi Hợp đồng lao động kèm theo Quyết định 207 có quy định: “Ghi cụ thể quyền lợi BHXH và trợ cấp khác mà người lao động được hưởng. Ví dụ: Đối với người làm hợp đồng lao động theo một công việc nhất định, theo mùa vụ có thời hạn dưới 1 năm được hưởng BHXH và trợ cấp khác bằng 30% tiền lương hàng tháng…”.
Năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội được QH thông qua nhưng những quy định về nộp BHXH bắt buộc trong Điều lệ BHXH trước đây chưa hợp lý, thiếu tính khả thi cũng không được tháo gỡ. Cụ thể, phạm vi bắt buộc trong BHXH đối với người lao động mở rộng hơn. Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội; Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22.12.2006 của Chính phủ
Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc, người lao động thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH gồm: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động, kể cả cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ ba tháng trở lên”. Không có văn bản nào giải thích rõ hơn về quy định này. Từ đó, vấn đề đặt ra là: Căn cứ khoa học nào để đưa ra tiêu chí “từ đủ 3 tháng trở lên?”. Với hợp đồng lao động dưới ba tháng thì áp dụng loại BHXH nào? BHXH bắt buộc sẽ gắn với sổ BHXH, có nghĩa là người lao động phải làm việc lâu dài trong một doanh nghiệp hay đơn vị thuộc đối tượng phải nộp BHXH bắt buộc cho người lao động. Song, trong thực tế không hoàn toàn như vậy. Một doanh nghiệp xây dựng tuyển lao động phụ từ nông thôn để xây dựng một công trình trong thời gian 5 tháng, sau khi hoàn thành công trình, người lao động trở về với đồng ruộng – đó không phải là đơn vị thuộc đối tượng phải nộp BHXH bắt buộc. Vậy sổ BHXH cấp cho họ để làm gì? Phải chăng, trong trường hợp này, người sử dụng phải trích 15%, người lao động phải nộp 5% để tạo thành khoản lãi của BHXH? Người lao động mà bỏ việc, không cần nhận Sổ BHXH càng nhiều, BHXH sẽ càng lãi lớn.
Thứ hai, phạm vi bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ BHXH đối với người sử dụng lao động cũng đã mở rộng đến tối đa. Khoản 6 Điều 3 Nghị định 152/2006/NĐ-CP quy định bao gồm cả “Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động”. Có nghĩa là, người chủ nhà thuê lao động giúp việc trong gia đình cũng có trách nhiệm nộp BHXH bắt buộc cho người lao động- Điều này không có tính khả thi.
Thứ ba, BHXH tự nguyện và việc tính BHXH vào lương cho người lao động đã bị xoá bỏ hoàn toàn. Khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này”. Quy định trên có nghĩa là, đã làm trong doanh nghiệp thì không được thực hiện chế độ BHXH tự nguyện và cũng không có một phương án lựa chọn nào khác.
Với những quy định như trên, tình trạng vi phạm Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội sẽ càng nhiều. Những cuộc thanh tra và truy thu BHXH sẽ không bao giờ chấm dứt. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu thanh tra lao động có đủ sức để đi thanh tra hàng chục nghìn đơn vị? Liệu có truy thu được tiền BHXH của những người lao động chỉ làm việc theo mùa vụ? Và, ai có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH bắt buộc?
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"