PHẠM NGỌC HỮU – Chuyên gia Hải quan
Xét về nguyên tắc, các văn bản quản lý về hoạt động xuất nhập khẩu phải phù hợp với tình hình thực tế khách quan và không gây ách tắc cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh không ít trường hợp ngược lại. Bài viết này dẫn ra vài trường hợp để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn tình trạng bất cập nói trên.
1.Thông tư 116/2008/TT-BTC ngày 4-12-2008 của Bộ Tài chính quy định: doanh nghiệp gia công phải đăng ký số lượng nguyên phụ liệu và định mức nguyên phụ liệu tại thời điểm đăng ký hợp đồng gia công (điểm I và II).
Cũng không quá khó để có thể nhận ra rằng khi đã xác định được số lượng chủng loại nguyên phụ liệu của hợp đồng gia công thì quá trình theo dõi nguyên liệu gia công nhập khẩu chỉ là một phép tính trừ lùi đơn giản. Cùng với việc xác định nguyên liệu gia công nhập khẩu, việc xác định được định mức sử dụng nguyên phụ liệu ngay từ đầu sẽ giúp người quản lý xác định ngay được số lượng sản phẩm gia công xuất khẩu. Quy định này rõ ràng rất thuận lợi cho công việc của cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan tài chính, hải quan.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp, tình hình lại hoàn toàn khác. Hợp đồng gia công chỉ ghi nhận các nội dung có tính nguyên tắc chẳng hạn như: số lượng sản phẩm gia công, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán, thời gian hiệu lực của hợp đồng…
Trên thực tế hợp đồng chỉ được sử dụng trong các trường hợp có phát sinh tranh chấp, khiếu kiện… Phụ lục hợp đồng (Annex) mới chính là văn bản ghi nhận số lượng mặt hàng cụ thể và được coi là cơ sở trực tiếp để xác định số lượng chủng loại nguyên phụ liệu và định mức.
Phụ lục hợp đồng do người thuê gia công, căn cứ vào diễn biến thực tế của thị trường, để phát hành. Một hợp đồng gia công có thể có tới vài chục phụ lục và trong quá trình thực hiện mỗi phụ lục lại có thể được điều chỉnh nhiều lần về số lượng, kiểu dáng, màu sắc… Nếu thay đổi kiểu dáng, màu sắc sẽ dẫn đến thay đổi định mức, chủng loại nguyên liệu và tổng số lượng nguyên phụ liệu của hợp đồng.
Thông thường tại thời điểm đăng ký hợp đồng gia công người thuê và người nhận gia công mới chỉ xác định được không quá 10% số lượng mặt hàng cụ thể (so với tổng số sản phẩm của hợp đồng). Vì vậy yêu cầu doanh nghiệp gia công phải đăng ký số lượng chủng loại và định mức nguyên phụ liệu tại thời điểm đăng ký hợp đồng là một yêu cầu không thể thực hiện được.
Có thể sẽ có câu hỏi: vậy các thông tin về định mức, số lượng chủng loại nguyên liệu do doanh nghiệp khai báo tại thời điểm đăng ký hợp đồng gia công thời gian vừa qua được hiểu như thế nào?
Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp chúng tôi được biết hầu như toàn bộ thông tin về số lượng chủng loại và định mức nguyên phụ liệu doanh nghiệp đã khai báo với hải quan trong bước đăng ký hợp đồng là… những thông tin “trên trời” do các doanh nghiệp “buộc phải vẽ ra”. Nếu đối chiếu các thông tin về định mức, số lượng nguyên liệu mà doanh nghiệp đã khai báo tại thời điểm đăng ký hợp đồng với các thông tin thực tế đã thực hiện ta sẽ thấy hai nguồn thông tin này hầu như chẳng liên quan gì với nhau.
2. Về thanh khoản tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tại khoản 2, điều 35, Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20-4-2009 của Bộ Tài chính quy định: “Tờ khai nhập khẩu trước, tờ khai xuất khẩu trước phải được thanh khoản trước…”. Có lẽ không quá khó để nhận ra rằng quy định này rập khuôn theo phương pháp kế toán kho hàng “nhập trước xuất trước” (First in first out – FIFO) mà nhiều nước đang áp dụng.
Tuy nhiên cũng cần nói rõ thêm rằng khái niệm “nhập trước xuất trước” của nghiệp vụ kế toán kho hàng chỉ là quy ước về mặt giá trị (giá mua hàng và các chi phí có liên quan) mà thôi. Trên thực tế, về mặt hiện vật hàng hóa có thể nhập kho sau xuất bán trước nhưng giá mua hàng và các chi phí có liên quan thì vẫn phải hạch toán theo nguyên tắc “nhập trước xuất trước”.
Khái niệm thanh khoản tờ khai hải quan được hiểu là hiện vật hàng hóa thực tế đã nhập vào hay xuất đi. Vì vậy sẽ là sai lầm tai hại nếu khái niệm nhập trước xuất trước được “phiên dịch” thành “Tờ khai nhập khẩu trước, tờ khai xuất khẩu trước phải được thanh khoản trước…”.
Để bạn đọc tiện tham khảo chúng tôi xin nêu một ví dụ cụ thể sau.
Diễn biến xuất nhập khẩu thực tế (trong năm 2009) của một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như sau:
Tháng 1 nhập khẩu 1 container cá tuyết; tháng 2 nhập khẩu 1 container cá mực; tháng 3 nhập khẩu 1 container cá hồi; tháng 5 có khách hàng mua cá hồi và doanh nghiệp xuất khẩu bốn tờ khai cho bốn khách hàng vào các ngày 2, 7, 20 và 28-5. Các tờ khai xuất khẩu ngày 2 và 7-5 xuất khẩu
trước nhưng chưa nhận được chứng từ thanh toán qua ngân hàng nên không thanh khoản được, hai tờ khai xuất khẩu sau nhưng đã đủ các chứng từ theo quy định. Thực tế trên đây cho thấy tờ khai nhập khẩu sau nhưng đã xuất khẩu, trong khi đó tờ khai nhập khẩu trước thì hàng hóa vẫn còn trong kho, hàng xuất cũng trong tình trạng tương tự. Trong trường hợp này mà phải tuân theo quy định “Tờ khai nhập khẩu trước, tờ khai xuất khẩu trước phải được thanh khoản trước…” thì doanh nghiệp chỉ còn biết… kêu trời. Rõ ràng quy định kiểu này đã quá máy móc, không thực tế mà còn đẩy doanh nghiệp vào thế bế tắc.
3. Thông tư 116/2008/TT-BTC quy định khi chuyển giao nguyên liệu gia công cho doanh nghiệp khác (cùng gia công cho một đối tác nước ngoài) thì doanh nghiệp phải viết hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Trong hoạt động gia công nguyên liệu gia công là tài sản của người thuê gia công, các doanh nghiệp Việt Nam (người nhận gia công) chỉ có trách nhiệm bảo quản nguyên liệu để sử dụng cho quá trình gia công sản phẩm theo hợp đồng. Về mặt quản lý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ ghi chép, theo dõi số lượng hiện vật qua hệ thống số kho, không theo dõi về mặt giá trị và cũng không phản ánh trên sổ kế toán kho. Tài sản của người khác mình chỉ giữ hộ, không bán hàng và cũng không thu tiền vậy căn cứ vào đâu để viết hóa đơn GTGT? Viết hóa đơn GTGT trong khi không thu tiền thì hạch toán kế toán theo phương pháp nào?
Rõ ràng yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn GTGT trong trường hợp này không chỉ mâu thuẫn với các quy định của Nghị định 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn, mà còn hoàn toàn trái ngược với Thông tư 120/2002 về sử dụng hóa đơn và Quyết định số 15/2006 về việc ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hy vọng rằng trong các văn bản sắp ban hành của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, những quy định kiểu bất khả thi như thế này sẽ không còn tái hiện nữa.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"