NHỮNG QUAN ĐIỂM XUNG QUANH VẤN ĐỀ LÃI SUẤT CƠ BẢN

TRẦN ĐÀO Bộ Chính trị và Chính phủ chủ trương trong những tháng cuối năm 2008 tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự điều hành thật khéo léo mới có thể thực hiện được. Ngân hàng Nhà nước vừa có hai quyết định để thực hiện chủ trương và nhiệm vụ trên- đó là Quyết định 1906/2008/QĐ-NHNN về giữ nguyên lãi suất cơ bản và Quyết định số 1907/2008/QĐ-NHNN về tăng lãi suất dự trữ bắt buộc. Vậy tinh thần “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát” và “ linh hoạt trong điều hành để thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh” đã được thể hiện trong hai quyết định này như thế nào? Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát được thể hiện trong quyết định thứ nhất, đó là giữ nguyên lãi suất cơ bản đã được thực hiện từ 11/6- 14%/năm. Trong các cuộc hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây xuất hiện hai quan điểm gần như trái ngược nhau về lãi suất cơ bản. Một quan điểm là Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất cơ bản xuống dưới 14%/năm- ít thì cũng xuống 13,5%/năm, nhiều thì trở về mức 12%/năm, để trên cơ sở đó hạ lãi suất cho vay và hạ lãi suất huy động. Lý giải đề xuất này, quan điểm trên đã đưa ra một số nguyên nhân. Có nguyên nhân do lạm phát đã được kiềm chế, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại. Tháng 7 giá tiêu dùng chỉ còn tăng 1,13%- thấp hơn mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay. Tháng 8, tổ Điều hành thương mại trong nước dự báo giá tiêu dùng sẽ tăng 1,8- 2,0%, nhiều chuyên gia còn dự báo sẽ tăng cao hơn, nhưng thực tế chỉ tăng 1,56%- bằng với mức lãi suất huy động kỳ hạn năm cao nhất của ngân hàng thương mại cổ phần. Nhiều chuyên gia đã dự báo, do nông nghiệp được mùa lớn nhất hiện nay, do giá lương thực và một số mặt hàng quan trọng khác trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng giảm, do nhu cầu đầu tư và tiêu dùng không còn cao như cùng kỳ các năm trước, do các giải pháp kiềm chế lạm phát phát huy tác dụng…, nên lạm phát trong 4 tháng còn lại sẽ không vượt quá 1%/tháng, tức là thấp hơn mức lãi suất hiện nay của các ngân hàng thương mại. Có nguyên nhân do với mức lãi suất cơ bản hiện hành, thì lãi suất cho vay lên đến 21%/ năm. Với mức lãi suất vay cao như thế này, những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường sẽ không thể có lãi; chỉ có những doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực nóng mới dám vay, nhưng những lĩnh vực này lại có nhiều rủi ro, kéo các ngân hàng thương mại bị rủi ro theo. Khi các khách hàng của các ngân hàng thương mại không có vốn hoặc không có lãi, thậm chí bị thua lỗ, thì sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hẹp, thậm chí một số doanh nghiệp bị phá sản, người lao động sẽ không có hoặc thiếu công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế sẽ bị suy giảm… Như vậy, theo quan điểm trên, hạ lãi suất cơ bản để trên cơ sở đó hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Muốn hạ lãi suất cho vay thì hạ lãi suất huy động, nhưng hạ lãi suất huy động, thì lãi suất huy động sẽ tiếp tục bị thực âm, mà lãi suất bị thực âm thì sẽ dẫn đến 4 hiệu ứng.   Hiệu ứng thứ nhất là người gửi tiền tiếp tục bị thiệt thòi kéo dài, suốt từ nhiều tháng nay (không kể năm 2004, 2005, thì từ tháng 11/2007 đến nay đã có 9 tháng bị thực âm, mới chỉ có 1 tháng là tháng 7 là có thực dương đối với kỳ hạn dài). Hiệu ứng thứ hai là khi gửi tiết kiệm không còn sức hấp dẫn thì lượng tiền tồn đọng lớn trong lưu thông sẽ lại chạy lòng vòng gây ra những cơn sốt giá trên các kênh bất động sản, vàng, Đôla, chứng khóan, thậm chí cả một số loại hàng hóa như gạo khi đang vào mùa thu hoạch, như xăng khi vừa mới tăng giá… Hiệu ứng thứ ba sẽ lặp lại tình trạng khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng thương mại, khi việc thu hút tiền từ lưu thông do không còn sức hấp dẫn mà dòng chảy bị thu hẹp chảy chậm lại, trong khi việc thu hồi tiền cho vay đến kỳ đáo hạn không dễ dàng như trước đây. Hiệu ứng thứ tư và là hiệu ứng quan trọng nhất là không thực hiện được việc hút tiền từ lưu thông về để kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Lạm phát tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao và tính chung 8 tháng (tháng8/2008 so với tháng 12/2007), cũng như tính theo năm (tháng 8/2008 so với tháng 8/2007) còn rất cao. Kiềm chế lạm phát thành công trong những tháng cuối năm chẳng những có tác dụng đối với việc thực hiện các mục tiêu trong năm nay, mà còn tạo điều kiện để sang năm đạt mục tiêu cao hơn. Một quan điểm khác là cần tăng mạnh lãi suất cơ bản. Quan điểm này chủ yếu là đề xuất của các tổ chức và chuyên gia nước ngòai (đưa thẳng lên 18%/năm, sau đó giảm dần qua các quý cho đến cuối sang năm còn 12%/năm), có một số chuyên gia trong nước cũng đồng tình với quan điểm này, nhưng với mức độ tăng thấp hơn. Những quan điểm này xuất phát từ tình hình thực tế lạm phát vẫn còn cao, thời gian tới còn có nhiều yếu tố tác động làm tăng lạm phát, như nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm, thiên tai dịch bệnh… Linh hoạt trong điều hành để thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh được thể hiện trong quyết định thứ hai. Ngày 20/7/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 923/2004/QĐ-NHNN quy định lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng là 1,2%/năm. Quyết định này đã kéo dài trên 4 năm, đã có tác dụng hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong điều kiện bình thường. Nay trong điều kiện lạm phát cao, các tổ chức tín dụng đã phải huy động với mức lãi suất khá cao, lên đến trên dưới 18%/năm. Với lãi suất cơ bản 14%/năm, trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng lên đến 21%/năm. Với mức lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay như trên đã có hai hiệu ứng tiêu cực đối với các doanh nghiệp cũng như người vay và đối với các tổ chức tín dụng. Đối với các doanh nghiệp và người vay khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng do lãi suất cao. Với mức lãi suất vay 21%/năm, sẽ rất khó có doanh nghiệp nào có thể hoạt động có lãi, chi phí vốn vay rất lớn do có đến 70-80% lượng vốn hoạt động của doanh nghiệp là phải vay ngân hàng. Ngay cả với mức lãi suất này, nhiều doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng, do các ngân hàng sợ rủi ro khách hàng không trả nợ đúng hạn, đầy đủ, là tăng độ rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Sản xuất của nhiều doanh nghiệp tăng chậm lại, bị thu hẹp, thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Tăng trưởng kinh tế đứng trước nguy cơ không đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 7% do Quốc hội đã điều chỉnh. Việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nước thực hiện khá chậm (8 tháng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mới bằng 57,1% kế hoạch năm, trong đó vốn trung ương còn đạt tỷ lệ thấp hơn – mới bằng 51,7%, riêng Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch vốn lớn nhất mới đạt 47,2%, Bộ Xây dựng đạt 22,3%,… khi sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng gặp khó khăn, thì nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ gia tăng, tác động đến thu nhập, trong khi giá cả tăng, làm cho việc bảo đảm an sinh xã hội sẽ khó thực hiện. Đối với các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm, trong đó nổi bật nhất là tính thanh khoản. Nay tính thanh khoản đã được cải thiện, một khó khăn khác lại nổi lên là lợi nhuận không những không đạt như kế hoạch đầu năm mà còn bị sút giảm mạnh do cho vay gặp khó khăn. Nhiều tổ chức tín dụng vừa qua đã rất tích cực trong việc hạ lãi suất cho vay, nhưng mức hạ không nhiều, do chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động còn rất ít; hạ lãi suất huy động cũng đã được thực hiện nhưng như thế vừa huy động vốn, vừa ngược với chủ trương kiềm chế lạm phát của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Quyết định số 1907/2008/QĐ-NHNN về tăng lãi suất dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm lên 3,6%/năm đối với các tổ chức tín dụng. Việc tăng lãi suất dự trữ bắt buộc lên gấp 3 lần đã có động hỗ trợ các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để các tổ chức này hạ lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ cùng doanh nghiệp và người vay, tác động thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển. Những quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có tác động kép; vừa tạo được sự đồng thuận của người gửi tiền, của tổ chức tín dụng, của các doanh nghiệp; vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật