Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện tới Toà án để giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động - vụ án dân sự … Bài viết này giới thiệu những nội dung cơ bản nhất về khởi kiện dân sự.
Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu
Thời hiệu khởi kiện thời hạn mà cá nhân hoặc tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cho rằng có cá nhân hay tổ chức khác xâm phạm.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm. Ví dụ : ông A cho ông B vay 100 triệu đồng, hẹn đến ngày 31-12-2008 trả. Nhưng sau đó ông B không trả. Trong khoảng thời gian từ ngày 31-12-2008 đến 31-12-2010 (2 năm) ông A có quyền kiện ông B ra tòa để đòi nợ. Nếu sau thời gian này ông A sẽ mất quyền khởi kiện (không kiện được nữa).
Thời hiệu yêu cầu là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.
Trình tự thủ tục khởi kiện
Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đơn khởi kiện là văn bản ghi rõ nội dung sự việc và yêu cầu đối với người bị kiện.
Người khởi kiện (còn gọi là nguyên đơn) phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Người khởi kiện có thể đến nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi đến Toà án qua bưu điện.
Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án sẽ xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Các trường hợp Tòa trả đơn kiện:
- Đã hết thời hiệu khởi kiện.
- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Hết thời hạn được thông báo nộp tạm ứng án phí mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Thụ lý vụ án
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án thông báo cho người khởi kiện biết để làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 15 ngày.
Toà án sẽ chính thức nhận giải quyết (thụ lý) vụ án khi người khởi kiện nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
Thông báo về việc thụ lý vụ án
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án thông báo bằng văn bản cho bị đơn (người bị kiện), cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người được thông báo phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có.
* Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
Cùng với việc nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn về:
o Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn;
o Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;
* Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:
o Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
o Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
o Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Sau khi thụ lý đơn kiện, Toà sẽ tiến hành giải quyết vụ án/vụ việc theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
( Theo Bộ luật tố tụng dân sự)
Nguồn: Ecolaw.vn
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"