NHỮNG LƯU Ý ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

TRẦN MINH SƠN Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải năng động và có vốn hiểu biết pháp luật vững vàng nhằm có được ưu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thương trường qua đó đạt hiệu quả cao trong kinh doanh không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn phải đứng vững trên thị trường thế giới. Tranh chấp trong kinh doanh là không thể tránh khỏi, nhất là đối với cơ chế mở và một nền kinh tế thị trường đang theo xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa như hiện nay. Tuy nhiên, do sự chủ quan và không được trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ, các doanh nghiệp thường gặp phải những tổn thất không đáng có dẫn tới sự thua thiệt, tổn thất rất lớn trong kinh doanh và thậm chí là phá sản. Theo thống kê mới nhất hiện nay thì các vướng mắc, tranh chấp đã và đang diễn ra tập trung phần lớn trong quá trình đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết mang tính chất nghiên cứu này, tác giả có đề cập đến hợp đồng thương mại và những lưu ý đối với doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện loại hợp đồng này: Trong hoạt động thương mại thì hợp đồng thương mại còn đóng vai trò là một phương tiện rất quan trọng để bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các bên trong hợp đồng, giúp các bên kiểm soát và dự báo được lợi nhuận cũng như các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Hình thức của hợp đồng thương mại là đa dạng, từ những bản hợp đồng rất đơn giản với những thỏa thuận cũng rất đơn giản và ngắn ngọn đến những bản hợp đồng phức tạp, đồ sộ được soạn thảo công phu bởi những luật sự giỏi, dày dặn kinh nghiệm trên thế giới và có hiệu lực áp dụng vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia. Những vẫn đề cần lưu ý khi soạn thảo, đàm phán hợp đồng thương mại: 1. Lưu ý chung:   - Về nguồn pháp luật điều chỉnh và có liên quan đến nội dung của hợp đồng: Ví dụ, nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá, thì pháp luật có liên quan là những văn bản pháp luật về thương mại, dân sự, cụ thể là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại (LTM), Luật Đầu tư, Luât Doanh nghiệp v.v.. các văn bản pháp luật hướng dẫn các Luật nêu trên; Nghị định hướng dẫn LTM về mua bán hàng hoá, Nghị định quy định danh mục các mặt hàng hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện hoặc cấm kinh doanh. Nếu là hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì kiến thức về thói quen thương mại, thông lệ, tập quán quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết Quốc tế song phương, đa phương, và cam kết trong khu vực của Việt Nam, pháp luật liên quan đến địa vị pháp lý của các bên cũng là những kiến thức và thông tin rất quan trọng liên quan trực tiếp đến nội dung cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của hợp đồng. Bên cạnh đó, những người liên quan trực tiếp đến quá trình soạn thảo, đàm phán hợp đồng còn phải rà soát, lưu ý đến toàn bộ những văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung, lĩnh vực của hợp đồng. Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo cần phải bảo đảm các yếu tố như: - Bảo đảm về mặt hình thức của hợp đồng Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thi phải tuân theo các quy định đó. Đối với một số loại hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, chứng thực thì những loại hợp đồng đó phải được đem đi công chứng hoặc chứng thực thì mới có hiệu lực. - Bảo đảm về mặt nội dung của hợp đồng Về nguyên tắc, nội dung của hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, Pháp luật cũng yêu cầu nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể  thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. - Đảm bảo đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội. - Đảm bảo người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện - Đảm bảo người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự. + Năng lực hành vi dân sự của cá nhân: căn cứ vào các Điều 17, 18 và 19 của BLDS thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người nào có đủ từ 18 tuổi trở lên mới bằng chính hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn những trường hợp khác chưa đủ 18 tuổi thì khi giao kết, xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nào đó phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Quy định này nhằm bảo vệ các giao dịch khi được xác lập phải được xác lập bởi những người có đủ khả năng để tự nhân danh mình quyết định mọi hành vi của mình, đảm bảo không gây thiệt hại cho người khác. Trong trường hợp người đã đủ 18 tuổi nhưng lại mắc bệnh như bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác gây ra tình trạng mất năng lực hành vi thì cũng không được tự mình giao kết hợp đồng mà phải có đại diện pháp luật. Tương tự như vậy, đối với những người từ 6 tuổi đến duới 18 tuổi khi giao kết hợp đồng cũng phải có người đại diện theo pháp luật đồng ý. + Năng lực hành vi dân sự của pháp nhân: Về nguyên tắc, thời điểm tổ chức, doanh nghiệp hay pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật doanh nghiệp được coi là nguồn pháp lý chủ yếu điều chỉnh/quy định năng lực hành vi dân sự của tổ chức/doanh nghiệp/pháp nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp/tổ chức đó hoạt động trong lĩnh vực nào thì sẽ chịu thêm sự điều chỉnh của văn bản pháp luật của lĩnh vực đó, ví dụ pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, ngân hàng tín dụng, bảo hiểm v.v.. Thông thường năng lực hành vi của pháp nhân hay tổ chức được tính kể từ thời điểm doanh nghiệp đó được thành lập về mặt pháp lý/thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý, ví dụ như kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép thành lập hoặc ngày mà pháp luật quy định phải khai trương hoặc phải đăng ký thì mới được coi là đã thành lập. Và chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức hoặc pháp nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân. Theo quy định của BLDS thì năng lực dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Quy định này có nghĩa rằng sự hình thành pháp luật và được pháp luật công nhận thì pháp nhân đó có năng lực dân sự đầy đủ, có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. + Đại diện cho tổ chức/pháp nhân và đại diện uỷ quyền Đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến vị trí pháp lý của các bên cũng như đến hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 139 thì người đại diện phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đại diện cho tổ chức/pháp nhân thông thường được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập của pháp nhân. Trong thực tiễn, việc uỷ quyền cũng được ghi nhận trong một loạt các tài liệu có giá trị chứng cứ khác như quy chế hoạt động của tổ chức đó, quyết định quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lãnh đạo và thành viên của doanh nghiệp và kể cả trong thông báo chào hàng v.v… Và những giấy tờ này, về nguyên tắc có giá trị hợp lệ để chứng minh cho việc phân công của lãnh đạo doanh nghiệp/tổ chức đối với các lãnh đạo và thành viên khác của tổ chức/doanh nghiệp đó. Khi tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng phải hết sức lưu ý đến địa vị pháp lý của người được đại diện uỷ quyền, phạm vi được uỷ quyền nhằm tránh tình trạng có tranh chấp sau này do việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi đại diện uỷ quyền. 2. Các lưu ý cụ thể  khác a) Giải thích thuật ngữ: Hợp đồng thương mại là một dạng hợp đồng không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà còn bị ảnh hưởng bởi các thói quen thương mại, thông lệ, tập quán và pháp luật quốc tế, có nhiều nội dung hợp đồng như hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng thuê hàng hoá v.v… là những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành cao, nội dung phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành đặc thù. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi, thì việc đưa ra các khái niệm cho những nội dung cần được hiểu và áp dụng thống nhất, khoa học là rất quan trọng. Việc làm này là cần thiết nhằm tránh tình trạng có phát sinh xung đột, tranh cãi giữa các bên về cách hiểu của nội dung đó cũng như kiểm soát được tình trạng áp dụng tuỳ tiện các điều khoản của hợp đồng gây ra tình trạng phá vỡ hợp đồng. b) Mục lục hợp đồng Tuỳ thuộc vào từng loại hợp đồng, nội dung, quy mô và tính chất của hợp đồng mà các hợp đồng ngoài bản chất thì còn có các mục lục hợp đồng. Mục lục hợp đồng là cần thiết và hỗ trợ đắc lực cho quá trình soạn thảo, đàm phán và thực thi hợp đồng. c) Điều khoản về cách thức giải thích hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có các điều khoản về khái niệm, giải thích thuật ngữ và khi điều khoản của hợp đồng có thể giải thích theo nhiều cách khách nhau thì phải chọn cách giải thích phù hợp nhất, khoa học nhất để giải thích cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: giải thích theo tập quán; giải thích đặc trong mối liên hệ tổng thể của hợp đồng; giải thích có lợi cho bên yếu thế v.v… d)Trong quan hệ làm ăn, chữ “tín” là một trong những tiêu chí tối cao mà các bên đều hướng tới nhằm xây dựng các mối quan hệ thương mại lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, tiêu chí “tin tưởng nhau” để phục vụ cho mục đích “sinh lợi” của hoạt động thương mại không chỉ phải được thể hiện bằng số lượng giao dịch, thời gian làm ăn với nhau, giá trị hợp đồng mà càng tin nhau thì các bên càng phải rõ ràng, sòng phẳng về các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhau trong bản hợp đồng. Như đã đề cập rất nhiều lần trong phạm vi bài viết này đó là hợp đồng có chức năng rất quan trọng trong việc giúp các bên dự liệu, dự báo và tính toán được lợi nhuận và rủi ro của mình. Hợp đồng giúp các bên gia tăng lợi nhuận và cũng giúp các bên hạn chế, kiểm soát được rủi ro mà trong quá trình kinh doanh có thể gặp phải. Xuất phát từ quan điểm đó, trong quá trình soạn thảo, đàm phán, tư vấn hợp đồng cũng như tùy thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, các nội dung như (i) Quy định điều khoản về sửa đổi, bổ sung hợp đồng; (ii) Quy định rõ về thời hiệu của hợp đồng;(iii) Lưu ý về các điều khoản bồi thường thiệt hại; (iv) Quy định cụ thể tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh, đại diện có thẩm quyền và số tài khoản giao dịch của đối tác tham gia hợp đồng; (v) Điều khoản mang tính mô tả đối tượng hợp đồng; (vi) thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; (vii) thời điểm chuyển quyền sở hữu;(viii) thời điểm chuyển rủi ro; (ix) ngôn ngữ sử dụng trong họp đồng; (x) các điều khoản về giải quyết tranh chấp, về bất khả kháng phải được coi là những điều khoản quan trọng, cần được lưu ý và thỏa thuận kỹ lưỡng.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật